Nhật kí được định nghĩa là “hình thức tự sự ở ngôi thứ nhất được thực
hiện dưới dạng những ghi chép hàng ngày theo thứ tự ngày tháng về những sự kiện của đời sống mà tác giả hay nhân vật chính là người trực tiếp tham gia hay chứng kiến” [II.19; 204]. Tức là người kể ở ngôi thứ nhất ghi lại sự
việc diễn ra hằng ngày có sự tham gia hay chứng kiến của người kể do đó nó mang cảm nhận có tính chủ quan. Kiểu giao thoa nhật kí - tiểu thuyết rõ nhất ở Trí nhớ suy tàn. Cách xưng hô và điểm nhìn trần thuật được trao cho người con gái xưng Em - ngôi thứ nhất: “Giờ em là một con chim bị nhốt
trong lồng quá lâu”, “Em là người con gái yêu hoa hồng vàng”, “Chia tay Vũ em đi vòng quanh Hồ Gươm”, “Em nghĩ đến ngày mai…”.
Gắn với thể nhật kí là kiểu câu ngắn ghi chép những sự việc diễn ra theo thứ tự ngày tháng. Những câu văn ngắn: “Chẳng mấy tháng nữa sẽ tròn
hai mươi sáu tuổi”, “Bốn rưỡi rời cơ quan”, “Sang Bát Tràng”, “Đi chợ”, “ Đột ngột mưa”, “Bạn cũ tự tìm lại”, “Hoài nghỉ ốm”, “Bà già độc thân chết”, “Lấy xe đến phố Bà Triệu”, “Ngày sinh nhật hoa rụng nhiều”, “Điện thoại ra ga đặt vé”, “Trở trời”, “Thành phố lên đèn”, “Bảy giờ ba phút tàu rời ga”. Nhưng cũng có những câu đặc biệt, được cấu tạo là một trạng từ chỉ
thời gian (trưa, sinh nhật). Không thêm vào những từ ngữ chỉ cảm xúc chủ quan trong những câu văn ngắn trên. Nó chỉ mang ý nghĩa khách quan thông báo thời điểm, sự việc, tức là chỉ mang nghĩa sự vật, không hàm chứa nghĩa tình thái.
Nhật kí là viết cho riêng mình đọc, hướng tới người nghe là bản thân nên thể loại này thường xuất hiện nhiều kiểu câu thiếu bộ phận chủ ngữ:
“Mang trong mình sự phức tạp của phố phường, đôi lúc không tránh khỏi những giờ phút mơ mộng hão huyền từ thời sinh viên để lại”, “Mang máng rằng thể nào cũng có một chuyến tàu đi xa hơn tất cả các chuyến tàu”, “Bốn rưỡi rời khỏi cơ quan. Đến như một nghĩa vụ thì ra về cũng như một nghĩa vụ”, “Hai mươi sáu tuổi, sống giữa thời tiết oi bức, không nhớ thương ai quá mức, không cả kịp phân tích kỹ lưỡng về các ước mơ của mình”. Với việc
nhật kí hóa tiểu thuyết, nhân vật có điều kiện đối diện với chính mình và bộc lộ đời sống nội tâm phức tạp, đa chiều. Vì nhật kí là cách ghi lại thành thực nhất những cảm xúc nhỏ bé và tinh tế nhất. Bằng những dòng văn đầy tính chất tâm sự, nhân vật đã vô tình xóa nhòa bóng dáng sự hiện diện của tác giả. Vì thế mà suy tư, hồi ức của nhân vật tự nhiên như một dòng chảy liên tục.