Hồi ức hay hồi tưởng là “làm trở lại trong trí nhớ những hình ảnh của
cái đã xảy ra, những kỷ niệm của dĩ vãng” [II.12; 386]. Cũng có nhiều cách
hiểu tương tự về khái niệm hồi ức: “Hồi ức thực chất là tìm lại cái quá khứ
đã qua đi, làm cho nó sống lại…” [II.72; 51].
Như vậy, hồi ức là làm tái hiện lại quá khứ trong tâm trí và làm sống lại những sự việc trong quá khứ như nó đang diễn ra. Qua đó, người hồi ức cũng tìm lại chính bản thân mình. Trong văn học, hồi ức có ý nghĩa khơi dậy kỷ niệm, khiến câu chuyện được kể sinh động. Nó cũng góp phần thể hiện tính cách, đời sống nội tâm nhân vật. “Chỉ khi nào có ý thức về đời sống nội
tâm nhân vật thì nhân vật mới có khả năng hồi tưởng” [II.58; 89]. Có lẽ vì ý
nghĩa đó, nhân vật trong tiểu thuyết dòng ý thức thường đắm mình trong hồi ức. Nó biểu hiện ở những kỷ niệm khó phai mờ, những nỗi nhớ về một bóng hình trong quá khứ, hoặc cũng có thể đi vào những giấc mơ. Dòng hồi ức trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, trên phương diện nào đó có thể xem là “kí ức trắng” (me’moir blanch) - tức là nhân vật vẫn có kí ức nhưng đã bị xóa mất. Đó là những mảnh ký ức không trọn vẹn nhưng đeo đẳng triền
miên theo cuộc đời nhân vật, đôi lúc nó tạo nên sức ám ảnh khôn cùng. Nó không chỉ hiện diện ở cả thế giới “hiện hữu”- cuộc sống hiện thực, đời thường, trần tục mà còn có mặt ở một thế giới “tàn phai” - quá khứ, giấc mơ (tiềm thức) một thế giới xa xôi như hình bóng của cõi âm lạnh giá.