Độc thoại nội tâm trong vô thức

Một phần của tài liệu Kỹ thuật dòng ý thức trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 73 - 75)

Địa hạt vô thức là một mảnh đất rộng lớn trong đó có giấc mơ, hồi ức, trạng thái không bình thường về tinh thần. Trong Thoạt kỳ thủy các nhân vật trò chuyện với nhau nhưng thực chất lại rời rạc, khập khiễng ở lớp vỏ đối thoại, như cuộc gặp gỡ giữa Hiền và Tính:

“- Bố anh còn gặm chén không? - Mắt chó vàng như trăng - Em về đây

Tính nuốt nước bọt:

- Dạo ấy, nhà em cháy to nhỉ… - Sao anh lại ra đây với em?

- Bố em xọc dao vào cổ lợn thích thật. Hiền còn giữ dao không?” [I.9; 31, 32].

Rõ ràng câu trả lời của Tính không “ăn nhập” gì với lời hỏi của Hiền, tạo nên sự “lệch kênh ” đối thoại. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng, không có vấn đề nào ràng buộc, liên hệ. Tính không trả lời mà chỉ nói ra hay diễn đạt dòng suy tư điên loạn của mình. Chỉ có hai hình ảnh in đậm nhất trong vô thức của Tính là trăng và cảnh chọc tiết, mà cái nào cũng quái dị, ghê rợn. Mắt chó

vàng như trăng là cả nỗi sợ hãi vì hình ảnh pha màu sắc hung bạo. Đối thoại

hướng vào chiều sâu nội tâm nhân vật nên độc thoại nội tâm ở đây mang hình thức đối thoại. Trong dòng suy tư miên man của Tính, hình ảnh trăng và máu hòa quyện vào nhau trong cảm giác sợ hãi bấn loạn: “Hiền về thì về đi. Nghe

người lục bục lắm, có lẽ trăng sẽ vỡ mất. Mắt chó vàng như trăng. Nó giàn giụa sáng. Mẹ ạ, phải làm gì bây giờ. Kiến đấy thôi, xọc một nhát dao vào cổ thì thành lợn. Mẹ biết máu chảy từ chỗ nào không? Mỗi hòn đá bị vỡ là máu túa ra. Da thịt của đá mỏng manh lắm” [I.9; 33]. Cách nhìn của người điên, ở

một góc độ nào đó lại rất tinh tế vì họ nói bằng sự cảm nhận hơn là quan sát (trăng giàn giụa, máu chảy từ đá, da thịt đá mỏng manh). Lời nói của Tính hướng tới Hiền (Hiền về thì về đi) và mẹ (mẹ ạ, mẹ biết…) tức là có xu hướng

đối thoại nhưng thực chất lại là độc thoại nội tâm. Đó là chuỗi lời câm của nhân vật - lời không được thốt lên thành tiếng, chỉ tồn tại trong bề sâu ngôn ngữ, phản ánh những trạng thái khác nhau của tâm hồn. Xét toàn bộ, chủ thể lời câm vẫn muốn hướng tới đối thoại với một nhân vật nào đó.

Độc thoại nội tâm bộc lộ trong cả hồi ức của Khẩn (Ngồi) gắn với hình ảnh Kim. Đó là nỗi hoang mang trước một không gian khó xác định. Trong cảm nhận của Khẩn, mỗi không gian đều in dấu vết quen thuộc của Kim. Bao nhiêu câu hỏi về cái không gian vừa lạ vừa quen này: “Khẩn

hoang mang, hình như Khẩn đã từng tới nơi này. Đây là đâu nhỉ? Có phải nơi Khẩn đã lạc Kim không? Không phải. Có phải là nơi Khẩn đưa Kim đến không? Chẳng biết. Thật khó xác định. ” [I.11; 283]. Khẩn như tự trả lời với

mỗi băn khoăn của mình để tìm ra lời đáp. Tưởng như cuộc đối thoại nhưng lại chỉ có một nhân vật hướng vào nỗi lòng của chính mình.

Ở Người đi vắng, Chung lại miên man trò chuyện với một người phụ nữ vô hình. Không có lời đáp của người phụ nữ, chỉ có giọng nói của Chung với ám ảnh bị thiến. Mỗi lời thoại chỉ thuần nhất hướng về dòng suy tư nội tâm, không thể hiện hành động của nhân vật và tiến triển của câu chuyện. Vì thế có thể xem đây cũng là một dạng độc thoại nội tâm.

“- Anh có làm gì đâu -…

- Thật mà, anh thề -…

- Bao giờ lão ấy sang? -…

- Sang rồi à? Sao anh không thấy. Giời ơi, lão ấy có bảo gì không? -…

- Thiến anh? Vẫn dứt khoát là thiến anh à? Dao của lão ấy to hơn con ngày xưa không?...” [I.10; 674].

Người đọc có thể tìm thấy nhiều dạng thức của độc thoại nội tâm trong vô thức, có thể là cuộc đối thoại mà mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng, có thể nói cho riêng mình. Độc thoại nội tâm là phương tiện thể hiện thế giới tâm hồn con người mà tâm hồn thì vô cùng phong phú, phức tạp. Tuy nhiên độc thoại nội tâm trong vô thức lại bộc lộ một chiều sâu khôn cùng, nên dòng suy tư trở nên lộn xộn, bị đảo lộn. Các ý nghĩ chen lẫn nhau không thể kiểm soát được. Ngoài việc biểu hiện tính chất tại đây của ý nghĩ, độc thoại nội tâm còn thể hiện cuộc đấu tranh nội tâm, nói như Faulkner: “Trái tim con người

đang gây hấn với chính nó”. Mặt khác cũng thể hiện một con người khép kín,

không sẻ chia và giao tiếp với người khác, một cá thể cô đơn đối diện với lòng mình. Dù trong ý thức hay vô thức, con người đều có nhu cầu thành thật với tình cảm của mình, do đó, đời sống nội tâm là một địa hạt vô cùng phong phú. Độc thoại nội tâm đã diễn đạt được từng ý nghĩ trong dòng chảy miên man bất tận của ý thức.

Một phần của tài liệu Kỹ thuật dòng ý thức trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 73 - 75)