Với sự xáo trộn chóng mặt các tình tiết, không - thời gian trong chuyện kể không còn là một chỉnh thể ổn định, thống nhất, rõ ràng mà chồng chất, mở ra đa chiều. Hiện tượng không gian hóa thời gian là sự chững lại, ngưng đọng của thời gian trong một góc không gian nào đó. Con cú (Thoạt kỳ thủy)
bị bắn lúc 11h 15, bay lên lúc 12 h, thời gian cuộc đời con cú chỉ diễn ra trong bốn mươi lăm phút nhưng khoảng thời gian ngắn ngủi đó lại dồn nén rất nhiều sự kiện của làng Linh Sơn. Cuộc đời hơn hai mươi năm của Tính cũng được dồn nén và đồng hiện trong khoảng thời gian đó.
Trong Trí nhớ suy tàn, thời gian đang cuồn cuộn chảy bỗng nhiên như ngưng đọng lại ở một góc trí nhớ của cô gái, ngưng đọng trong không gian trải đầy sắc hoa điệp vàng của quá khứ sáu năm trước. Màu vàng ám ảnh trong hoa hồng vàng: “Em là người con gái yêu hoa hồng vàng”, sắc áo vàng của người đàn bà trong mơ “ngủ và thấy người đàn bà áo vàng dắt tay
người đàn ông điên đi quanh gốc điệp”, ngọn đèn cao áp vàng. Thời gian
chập chờn, mơ hồ: thời điểm ít mong nhớ, hôm qua, chẳng mấy tháng nữa… Thời gian (Những đứa trẻ chết già) ngưng lại ở thời điểm hoàng hôn - thời điểm kết thúc một ngày, gợi nhiều nỗi buồn và trống vắng của cảm giác về sự lụi tàn. Nhân vật ông trên chiếc xe trâu đi trong hoàng hôn bất tận. Ngay trong hồi ức của ông, chuyến xe trâu đi cùng em gái cũng vào một buổi hoàng hôn. Có lẽ vì thế mà đeo đuổi nhân vật là cảm thức về thân phận cô đơn.
Ở Ngồi, thời gian khởi thủy, hồi ức xâm nhập vào không - thời gian hiện tại. Khẩn sống trong hiện tại mà luôn bị “bủa vây” bởi các giấc mơ và hoài niệm về Kim. Cơn mưa ngày Khẩn tỏ tình với Kim đã hiện diện ngay trong cơn mưa chiều ở cơ quan, như làm trôi đi tất cả mọi nặng nề, lấy lại cảm giác thư thái cho tâm hồn. Không - thời gian êm ả, thanh tịnh của những lần cùng Kim lên vãn cảnh chùa cũng ẩn hiện trong cảnh Yên Tử.
Trong Người đi vắng, bên cạnh việc rút ngắn khoảng thời gian của hai mạch chuyện song song (ngưng đọng trong trạng thái hôn mê vĩnh viễn của Hoàn - mạch hiện tại, ngưng đọng trong năm ngày binh biến - mạch quá khứ) là sự mở rộng không gian, từ Đề lao Thái Nguyên, gia đình cụ Điển, gia đình ông Khánh, bãi tha ma…Vì thế, trong cùng một khoảng thời gian
hiện hữu nhiều kiểu không gian riêng: không gian đời thường, không gian mơ tưởng, không gian của một thế giới linh diệu, xa xăm và rất mơ hồ.
Sự thường biến của không - thời gian còn thể hiện ở không - thời gian tâm linh hóa. Ở Trí nhớ suy tàn, không - thời gian được hiện hữu trong cảm nhận và mong ước của nhân vật: “Im lặng. Thời gian đi chậm, nhạt nhẽo.
Ngoài kia những dòng chảy tạp nham, khét, không mục đích và dở dang”
[I.8; 92] hay: “chờ đợi bước sang một thời gian khác, lạ lẫm mênh mông
chưa bị dày xéo tô vẽ” [I.8; 133]. Không tìm thấy điểm tựa trong không -
thời gian hiện tại, tìm về quá khứ nhưng trí nhớ lại đang suy tàn ghê gớm, nhân vật rơi vào sự trống vắng và cô đơn ngay trong dòng chảy tạp nham của Hà thành.
Không - thời gian được khắc họa đậm đặc trong cảm thức rùng rợn, kỳ quái hơn là hiện thực của làng Phan: “Ngày mùng 7 tháng 6, giờ Dậu,
dân làng thấy trong đáy ao nhà Trường hấp bốc lên cột khí trắng hình con rắn” [I.7; 9]; “Tháng 8, ngày mùng 10, làng bị mưa tơi bời. Mưa suốt ngày, suốt đêm, bốn phía chỉ thấy một màu trắng. Nước thượng nguồn đổ về réo như đàn trâu điên. Rạng sáng ngày 12, mưa tạnh. Đang trưa, tự dưng, doi đất bồi dưới chân cầu Linh Nham nứt toác, sâu thẳm, không ai dám đến gần.” [I.7; 12]. Ngôi làng chứa đựng vô vàn những điều kì lạ được thêu dệt
như một sự bất dịch trong cảm thức của mỗi người dân nên sự có mặt của bất kỳ cái gì ở làng cũng được gắn trước bằng một điềm báo lạ. Người ta vẫn nhìn nó bằng tâm lý sợ hãi kinh hoàng hơn là bằng trải nghiệm của lẽ đời bình thường.
Người đi vắng lại âm vang trong cảm thức về sự vắng mặt con người:
“Đường vắng, tận trưa mới có tiếng rao” (người chị ru em), “Cu phát hiện ra người lớn đi vắng…càng về sau người càng hay đi vắng hơn” (Cu), “Người đi đâu mà vắng thế này?” (Hoàn). Đó còn là âm thanh ám ảnh của
tiếng mọt vọng lại từ ngôi nhà cụ Điển. Tiếng mọt triền miên, nghiến ngấu, như gặm nhấm tâm hồn con người.
Thoạt kỳ thủy khắc họa nhiều hơn không - thời gian trong vô thức của
con người, là nỗi ám ảnh về bạo lực, “nhân tính thuở thoạt kỳ”. Không - thời gian đeo đuổi cuộc đời Tính là không - thời gian tràn ngập ánh trăng, từ lúc Tính sinh ra: “Tính ngợp trong thứ ánh sáng vàng trắng, lạnh lẽo, rên riết” [I.9; 11] đến khi trưởng thành: “Trăng đen, trăng đen sao mày rập rềnh trôi
mãi không hết” [I.9; 86]. Trăng đầy vẻ thú tính và được nhìn với cảm giác
sợ hãi: “Mắt chó vàng như trăng”. Trăng che lấp con người, choán hết không gian với sự biến ảo của kích thước tưởng như ngợp thở: “Trăng đen,
trăng vàng, mày to bằng quả bưởi, bằng cái nồi, bằng cái mâm, bằng cái hủng, mày che hết tất cả tã lót làm tao rét” [I.9; 137]. Nhưng đó không phải
là ánh sáng dịu dàng trong mát mà ta vẫn cảm nhận mà là thứ ánh sáng kỳ quái, lạnh lẽo và rùng rợn. Trăng được nhìn bằng cảm giác hơn là con mắt quan sát của nhân vật.
Không - thời gian trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đã đi chệch “quỹ đạo” tiểu thuyết truyền thống lấy tính liền mạch của thời gian và tính đơn nhất của không gian làm đơn vị cơ bản. Nằm trong dòng mạch tiểu thuyết hiện đại, Nguyễn Bình Phương lựa chọn kiểu không - thời gian tâm lý, lấy dòng chảy ý thức nhân vật làm trình tự để thống lĩnh không - thời gian. Sự đan xen, đồng hiện các kiểu không - thời gian (có thể phát sinh nhiều sự kiện ở những không gian khác nhau trong một thời gian) mặt nào đó cho thấy tâm lý cô đơn của con người hiện đại, họ không chính thức thuộc về đâu cả, họ lạc lõng, phân tán trong chính thế giới mà chính mình đang sống.