Những tình tiết đan xen

Một phần của tài liệu Kỹ thuật dòng ý thức trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 75 - 79)

Dòng suy tư của nhân vật Ông trong Những đứa trẻ chết già bị ngắt quãng với các tình tiết đan xen giữa quá khứ - hiện thực trong câu chuyện về ông ngoại: “Khi giọt nước mắt đầu tiên rơi xuống đất. Lạ thật, ông đã thấy

mình đang nằm vật đầu làng. Xung quanh có rất nhiều người. Lúc đó, bà ngoại mới đến. Mọi sự đều phi lí - thanh niên gầy ngáp vờ vịt” [I.7; 147].

Hay câu chuyện về dì Lãm: “Mẹ ông bảo lúc lọt lòng, dì Lãm chỉ lăn hai

vòng rồi nằm im, mắt mở thao láo nhìn lên trần nhà. Cả mãi sau này, dì cũng chẳng khóc lấy một lần…

- Tại sao? Tại sao? Tại sao?

Thanh niên gầy hốt thốt nhiên lẩm bẩm thành tiếng, mặt rơi vào trạng thái hoảng loạn cực độ” [I.7; 262]. Lời nói của người thanh niên trên xe trâu xen

lẫn vào câu chuyện mẹ Ông kể về ông ngoại và dì Lãm đã kéo ông trở về hiện thực. Dù những lời nói vu vơ đó chẳng ăn nhập gì với hồi ức nhưng nó như đối thoại với câu chuyện in màu sắc hoang đường của Ông. Hai thanh niên trên xe và Ông có sợi dây liên lạc vô hình, muốn khẳng định sự có mặt của mình trong quá khứ của Ông. Do đó, quá khứ và hiện tại được tiếp nối nhau không bị đứt quãng.

Trong Ngồi, tác giả cũng xen vào câu chuyện và suy tư của nhân vật nhiều câu chuyện và suy tư khác khiến người đọc cảm nhận như một dòng chảy triền miên, vô tận: “Thúy đã chỉ đúng chỗ xưa kia Kim cũng từng chỉ…

Khẩn lắng lại, trong suốt và dạt ra khỏi cảm giác của chính mình. Đến lúc ấy, Kim muốn mình dừng lại vì lý do gì đó. Mình ngừng kể, vẫn bước đi cạnh Kim…Mình bảo em ngồi ở đầu thuyền vì các công chúa hay ngồi ở đầu thuyền cho nó dễ nhìn. Kim hồ hởi gật đầu chấp nhận. Thế là con thuyền to lớn hình chim Lạc thong thả hiện ra… ” [I.11; 131, 132]. Sự gặp gỡ ở cử chỉ

của Thúy và Kim đã đưa Khẩn trở về quá khứ. Ở đây không chỉ có sự chen ngang giữa quá khứ - hiện tại mà còn đan xen nhiều mạch chuyện: chuyện giữa Khẩn và Thúy (hiện tại), Khẩn và Kim (quá khứ), câu chuyện Khẩn kể cho Kim nghe (trong truyền thuyết - một quá khứ xa hơn). Sự thay đổi liên tục điểm nhìn trần thuật từ ngôi thứ ba sang ngôi thứ nhất (Khẩn - mình) ngôi thứ ba sang ngôi thứ hai (Kim - em). Nhân vật có mặt ở mọi không gian, thời gian, quá khứ trở về sống động lấn át cả hiện thực. Có khi những âm thanh bên ngoài vẫn thâm nhập vào dòng suy tư của nhân vật:

“Tổ sư. Sao lại chửi tổ sư? Cốc cốc cốc cốc. Chả biết nữa. Nhưng mà rõ ràng là mình đã gặp ở đó” [I.11; 197]. Tiếng chửi, tiếng mõ tụng kinh, sự

băn khoăn trong thực tại đan xen trạng thái mơ màng tiến sát đến giấc mơ của nhân vật. Có khi Nguyễn Bình Phương lại xen bài thơ vào mạch suy tư của nhân vật: “Khẩn ngợp thở nghĩ tới Kim và viên bi ve ngũ sắc, vội vã bỏ

về phòng với ý nghĩ khi nào gã tâm thần này ngồi hẳn xuống thì có lẽ mưa mới tạnh.

Bảo ông trời đừng có mà híhửng

Sau mưa ông có cơn mưa của tôi…” [I.11; 190, 191]. Bài thơ rất mông

lung như diễn tả ý nghĩ lộn xộn của gã tâm thần trong mưa. Hình thức thơ khác lạ không tuân theo một quy tắc chính tả nào (có chữ tách nhau một khoảng rất xa, có chữ ghép với nhau thành một khối) như cách ghi lại dòng chảy suy tư của nhân vật. Tình tiết đan xen còn xuất hiện trong đối thoại của các nhân vật. Đối thoại Tính - Hưng (Thoạt kỳ thủy):

“-…Mẹ tao về đấy… - Em chọc tiết nhá?

- …mẹ này, còn cà không. Thằng Khoa muốn mua đấy. Hai trăm cà, ba trăm dưa. Mẹ này, còn cà không…” [I.9; 106].

Hay trong cuộc đối thoại mơ màng giữa Kỷ và cụ Điển (Người đi

vắng):

“Cụ Điển hắng giọng:

- Thế con vợ Thắng thế nào?

Kỷ nhìn vào lòng bàn tay nói thoảng:

- Ban công hình bi chuối sơn xanh…” [I.10; 522]. Mỗi nhân vật đang theo

đuổi ý nghĩ riêng của mình nên lời thoại không hướng đến câu hỏi mà chúng rời rạc, xen kẽ nhau. Tính chỉ nghĩ đến cảnh chọc tiết, Hưng nhớ về mẹ. Cụ Điều băn khoăn về vợ Thắng còn mối bạn tâm của Kỷ là nhà cửa. Kiểu đối

thoại này thường xuất hiện ở nhân vật với trạng thái không bình thường, nó diễn đạt sinh động dòng chảy ý thức của nhân vật.

Trong Người đi vắng, ta thấy Nguyễn Bình Phương như đang thực hiện một “trò chơi” lắp ghép các câu chuyện khác nhau gắn với các nhân vật không liên quan gì đến nhau tạo nên cái nhìn đa dạng. Ngoài sự đan xen giữa hai mạch chuyện chính về gia đình cụ Điển ở hiện tại và cuộc khởi nghĩa Đội Cấn đầu thế kỷ XX là câu chuyện của Lưu Nhân Chú thế kỷ XV, công chúa Diên Bình thế kỷ XII. Đan xen giữa cuộc sống hiện hữu là một thế giới vô hình với tiếng người chị ru em ở bãi tha ma, câu chuyện về người bác dắt cháu, cái thai, tàu chối, cái chân, tiếng chuông, người bị oan, người bạn hi sinh, về một nhân vật Tuyết vu vơ nào đó: “Tử thi trên chiếc băng ca là một thanh niên có khuôn mặt dài, mũi mỏng, cằm nhọn và lông mày lưỡi mác, anh ta tự tử bằng cách cắt mạch máu ở cổ tay trái. Nhớ là một cái gì đó rất khó khăn, mình nghĩ thế…Người ta đồn Tuyết mất tích mình biết Tuyết trôi đi” [I.10; 472]. Đoạn văn có sự đan xen giữa hai câu chuyện,

chuyện của người thanh niên tự tử và của Tuyết, chúng cùng đồng hiện mà không cần một dấu hiệu liên kết nào ngoài hình thức in nghiêng ở câu chuyện thứ hai (Nhớ là…). Con người vắng bóng còn hiện thực bị lấn át bởi quá khứ và một thế giới xa xăm linh diệu vô định, thể hiện cảm thức vắng bóng, cô đơn: “Anh là con mắt buồn/ Bên bờ sông mờ sương hoang vắng.

Đêm nay ai bước vào trăng”.

Trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, các tình tiết đan xen được xuất hiện với tần số cao. Đan xen giữa quá khứ-hiện thực, giữa các mạch chuyện, các lời thoại được sắp đặt lộn xộn trong đối thoại, giữa các ý nghĩ trong dòng suy tư của chính nhân vật. Cách đan xen này mở rộng đường biên hiện thực. Ở góc độ nào đó, nó thể hiện bản chất của dòng chảy ý thức bất tận nhưng đôi lúc tạt ngang, đang nghĩ cái này chợt nghĩ sang cái khác.

Một phần của tài liệu Kỹ thuật dòng ý thức trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 75 - 79)