Dòng suy tư bất định

Một phần của tài liệu Kỹ thuật dòng ý thức trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 44 - 45)

Trong thuyết trực giác của mình, Henri Bergson cho rằng ở mỗi con người, ngoài “cái tôi bề mặt” còn có “cái tôi bề sâu”. “Cái tôi bề mặt” là cái tôi giao tiếp bên ngoài, ở đó các trạng thái tách rời nhau và được hình dung bằng ngôn ngữ. Chính ngôn ngữ đã nghiền nát những cảm xúc và ý thức được xung động một cách liền mạch của “cái tôi bề sâu”. Có nghĩa là nhận thức thông thường mang tính chất lý tính, khoa học không thể đi vào bản thể đối tượng bởi có sự ngăn cách của ngôn ngữ. Vì vậy, cái tôi đích thực chỉ có thể là “cái tôi bề sâu” với các trạng thái cảm xúc và tư duy xâm nhập lẫn nhau và chỉ nhận thức được nó trọn vẹn bằng trực giác cảm tính chủ quan. H. Bergson cho “cái tôi bề sâu” với trạng thái “kéo dài liên tục” là trạng thái

tâm lý mang tính chất thuần túy tâm tư: “Trong tôi chỉ có tiếp tục, mà không

có gián đoạn thành những phần kề nhau” [II.40; 187]. Cách lý giải đó có sự

đúng đắn riêng vì nếu nhìn xuyên suốt trên một dòng thời gian (dù là vật lý hay tâm lý), khi hình dung, cảm nhận, trong tư duy, những thành phần kề nhau cũng phải diễn ra liên tục. Tuy nhiên, với cái nhìn cụ thể hơn, trong sự liên tục của trạng thái ý thức, hoàn toàn có hiện tượng trộn lẫn, đang nghĩ cái này, có thể nghĩ đến cái kia rồi quay trở lại. Đây là hiện tượng chỉ diễn ra ở thời gian tâm lý. Nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đều sống nhiều trong trạng thái suy tư. Trạng thái đó đến bất chợt ở những khoảng trống vô nghĩa hoặc có thể kéo dài miên man trong những khoảng lặng thư thái của tâm hồn. Đó có thể là suy tưởng tự do, có thể được tích tụ trong sự trăn trở của con người, cũng có thể là nỗi niềm chợt hiện của những linh hồn ở một thế giới vô định. Sự hỗn độn đó, phần nào đã thể hiện đúng bản chất của dòng suy tư vốn là sợi dây xoắn bện chằng chịt của những ý nghĩ.

Một phần của tài liệu Kỹ thuật dòng ý thức trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 44 - 45)