Trạng thái này xuất hiện không nhiều nhưng lại có thể xâm nhập vào ý thức con người bất cứ lúc nào. Đó là khoảng thời gian bất chợt mà con người cảm thấy trống rỗng, không còn nặng nề với những lo toan của cuộc sống hiện hữu. Nhưng tất cả mọi trạng thái đều có ý nghĩa của nó như nhân vật Kim trong Ngồi đã nói: “Kim bảo cuộc đời chẳng bao giờ phù phiếm, mọi thứ
đều có ý nghĩa, cả những khoảng thời gian trống rỗng nhất cũng có ý nghĩa”
[I.11; 285].
Cô gái xưng Em trong Trí nhớ suy tàn luôn có một nỗi niềm buồn bã khi nhìn chiếc nhẫn mà người yêu đầu đã trao: “Chiếc nhẫn gắn kim cương
như bông hoa trắng hai cánh đậu lên tay em. Không ai trong gia đình muốn chiếc nhẫn này bị tháo ra…” [I.8; 53].
Nhìn chiếc nhẫn ở hiệu cầm đồ, cô gái đã nghĩ về người đeo nhẫn và người trao nhẫn: “Một chiếc nhẫn dành cho người độc thân, với một con mắt
đỏ ẩn sau bao nhiêu lớp ánh sáng. Giá như người đàn bà áo vàng đeo nó có lẽ sẽ hợp hơn. Bất giác nhìn lại chiếc nhẫn trắng trên tay mình. Tuấn đã trao cho em trong ánh nến chập chờn vào cái đêm cả thành phố mất điện.” [I.8;
112]. Hình dáng chiếc nhẫn trở nên sinh động trong sự liên tưởng của Em về “đôi mắt đỏ” ẩn hiện. Trường liên tưởng ấy mở ra sâu hơn với hình ảnh của người đàn bà áo vàng trong mơ, và người yêu đầu đang ở “bên kia bờ quá vãng”. Đi dọc dãy phố, Em thả cho những suy tư của mình bồng bềnh trôi theo bước chân: “Đi thong thả dọc dãy phố trồng toàn xà cừ, không một cây
điệp vàng, không đường lượn mềm mại, không chỗ dừng chân. Một đường phố mang tính xua đuổi. Đột nhiên thấy mình trong suốt đi xuyên qua tất cả mà chẳng va chạm” [I.8; 129]. Một con đường xa lạ vì thiếu bóng cây điệp
vàng khiến cô gái rơi vào cảm giác trống trải như không hề có sự tồn tại của mình. Cảm giác ấy lại được gợi lên trong suy tư của cô. Đó là những suy tư buồn bã của con người luôn sống với kí ức nhưng không mộng mị mà đôi lúc rất tỉnh táo với cuộc đời thường nhật.
Trong Người đi vắng, nhân vật thường không ít băn khoăn về cuộc đời. Hoàn đã có những giây phút suy nghĩ về thân phận mình: “Hoàn nhìn
đồng hồ đeo tay của mình vẻ sốt ruột mặc dù không có việc gì đang chờ đợi. Những con số trên mặt đồng hồ vô nghĩa với Hoàn nhưng bản thân hành động nhìn giờ lại khiến Hoàn bồn chồn. Thời gian cứ trôi đi, đều đặn, trùng trùng điệp điệp đến rùng rợn. Mình chẳng là gì cả, chẳng có gì cả, mình sẽ phải lênh đênh mãi ngay cả khi không hít thở trên mặt đất này nữa” [I.10;
411]. Sự trôi chảy của thời gian đã khiến Hoàn hoang mang thực sự vì ý thức về sự vô nghĩa của kiếp người, về chính cuộc đời tẻ nhạt của mình. Hoàn đã có Thắng nhưng lại đến với Cương để thỏa mãn dục vọng. Người đàn bà này cảm thấy mình không tìm thấy bến bờ cuộc đời. Vì vậy, không chỉ là cảm giác về thân phận “lênh đênh” vĩnh viễn mà hơn thế, còn là nỗi trăn trở buồn bã. Khi nhìn sự tiều tụy của con gái, ông Khánh đã suy tư về
cuộc đời: “Ông Khánh nắm bàn chân Hoàn và giật mình, nó như một miếng
gỗ khô. Tự dưng ông Khánh thấy mỏi mệt, cơ thể muốn tan ra, biến đi càng nhanh càng tốt và không hiểu sao lúc đó ông vụt nghĩ đến cây tùng ở nhà. So với cái cây đời con người ta trở nên bẩn thỉu dị mọ quá…con người gục ngã quá nhanh còn những cái cây thì bền bỉ ngay cả khi bước vào cái chết…”
[I.10; 443]. Cây tùng và Hoàn là hai hình ảnh liên tưởng. Một hình ảnh toát lên sự bền bỉ, mạnh mẽ, một hình ảnh lại đầy dị mọ, lụi tàn. Từ đó mà suy nghĩ về kiếp người: thiên nhiên vẫn trường tồn đầy sức sống trong khi con người lại hữu hạn, nhỏ bé. Những người có tuổi như ông Khánh thường suy nghĩ như vậy. Nỗi niềm đó là cảm thức buồn về thân phận của con người.
Cùng chung trạng thái suy tư buồn bã, những ý nghĩ của nhân vật Khẩn trong Ngồi đã chen ngang vào cuộc trò chuyện với Kim: “Khi cầu
vồng thành móng cụt thì bầu trời mang một vẻ dở dang khó tả. Mình chợt nghĩ cuộc đời rồi cũng thế thôi, huy hoàng một chút sau đó lụi tàn mà thời gian lụi tàn bao giờ cũng dề dà hơn thời gian huy hoàng” [I.11; 223]. Nghĩ về
cuộc đời trong sự liên tưởng với hình ảnh cầu vồng móng cụt khiến người ta nghĩ đến sự dang dở, tàn lụi nhiều hơn là giây phút huy hoàng. Ý nghĩ đó đến bất chợt trong đầu Khẩn nên đang trò chuyện với Kim, anh bỗng dấn sâu vào trạng thái suy tư của riêng mình, “mình chợt nghĩ”. Còn lại một mình trong phòng làm việc, Khẩn nghĩ về Nghĩa, Hùng - những đồng nghiệp cùng phòng với mình: “Cuộc đời Nghĩa có những khoảng lặng đáng sợ…thi thoảng Khẩn
vẫn bắt gặp Nghĩa đần người như mất hồn…Cuộc sống của Hùng cũng từa tựa như cái bàn làm việc của Hùng, bừa bãi, lôm côm với đủ những thứ đồ nhặt nhạnh” [I.11; 227]. Cuộc sống, tính cách của từng người hiện lên rõ nét
trong cảm nghĩ của Khẩn. Đặc biệt, họ được khám phá từ chính trạng thái suy tư, những khoảng lặng của mình.
Đằng sau lối sống phóng đãng, hoang tàn của Nghĩa là khoảng lặng như người mất hồn mà Khẩn vô tình bắt gặp. Cuộc sống nghèo nàn, lôm
côm toát ra từ bàn làm việc của Hùng. Mảnh đời nào cũng có những nặng nề và sâu kín riêng. Nó khuất lấp trong vẻ bề ngoài của con người. Những khoảng trống mà nhân vật dành để suy nghĩ đã phần nào khám phá vào cõi sâu thẳm ấy.
Trong Trí nhớ suy tàn, nhân vật Em thường hay có những phút nghĩ ngợi bâng quơ. Trước câu nói đùa vui của Vũ, trong tâm trí của Em liên tiếp hiện lên hình ảnh tưởng như không có sợi dây ràng buộc gì. Đó là thời khắc ngồi bên Vũ ở hồ câu: “ Em không phải là cá, em là con trâu vàng có nhiều
nốt ruồi đỏ ở tay và trên người. Vài ba nốt ruồi Vũ chưa biết, có thể mãi mãi không biết. Thân xác là một bí mật dịu dàng” [I.8; 41]. Phủ nhận hình ảnh
mình (cá) trong câu nói hàm ý của Vũ: “Sắp được một con”, Em nhận mình là “con trâu vàng”- một đối tượng liên tưởng khác, và dẫn suy nghĩ đi xa hơn nữa về sự “bí mật dịu dàng” của thân xác. Những câu nói của Vũ luôn nằm lại trong suy tư của Em: “Thi tưởng tượng. Rồi ai sẽ hơn ai”. Câu nói
tràn trề hình ảnh, nó làm hiện ra một thế giới khác với những ngôi sao di chuyển lộn xộn, những giọng nói ngân nga thấm đẫm sắc màu, những chuyến xe điện cổ lỗ leng keng chạy trên đường ray thủy tinh bắc dọc theo bầu trời”
[I.8; 108]. Dòng suy nghĩ không chảy trôi theo Vũ mà được dẫn dắt bằng chính lời nói của Vũ để đi đến tận cùng ý nghĩa lời nói đó. Thế giới tưởng tượng hiện lên với tràn trề hình ảnh: những ngôi sao, giọng nói, những chiếc xe điện cũ, đường ray thủy tinh, mặt đất là bầu trời. Tất cả hòa trộn vào nhau, có sắc màu thấm đẫm trong âm thanh. Thế giới ấy sống động nhưng cũng mong manh dễ vỡ. Dòng suy tưởng của Em có khi lại miên man như một khối hỗn độn: “Bầu trời ngoài ban công như một con cá chép khổng lồ
với những lớp mây nhỏ trắng xếp liên tiếp lên nhau. Nhớ Vũ và mặt hồ. Nhớ chiếc cần câu trúc thờ ơ vươn dài trên bầu trời in dưới đáy nước” [I.8; 98].
chiếc cần câu. Giữa chúng không có sự liên hệ nhưng chúng gợi nhắc đến nhau nhờ liên tưởng đó.
Thắng (Người đi vắng) ngồi cầm tay vợ mà trong đầu vẫn vang lên tiếng mọt từ quê anh: “Đột nhiên Thắng lặng đi, anh nghe tiếng mọt từ phía
Linh Nham vọng lại. Tiếng mọt cồn cào nghiến ngấu, mặc dù nó chỉ mơ hồ như một chiếc khăn kim tuyến rơi trên mặt nước đêm mênh mông” [I.10;
651]. Âm thanh đó mơ hồ, không rõ nhưng lại cồn cào nghiến ngấu. Rõ ràng nó chỉ xuất hiện trong suy tưởng bất chợt của nhân vật. Hầu như nhân vật nào trong tác phẩm cũng đều rơi vào trạng thái của những nghĩ ngợi miên man chợt hiện. Đang trò chuyện với nhau, Thắng, Hà, Chung mỗi người lại theo đuổi một ý nghĩ riêng. Thắng lang thang tìm lại sông Linh Nham nhưng chỉ nghe tiếng lóc bóc của nước sông Thạch Hãn để rồi gặp lại hình ảnh chính mình trong trận chiến năm xưa. Hà lang thang trong sự sỉ nhục của đám sương mù. Chung quay trở về quá khứ với những trận đòn và lời dọa dẫm bị thiến.
Có thể thấy mạch suy tư lộn xộn nhất ở Khẩn (Ngồi) trong cuộc trò chuyện với cô gái điếm: “Cô bảo thế, em mỏi mồm lắm rồi, thôi nhé. Khẩn
ôm mặt gục xuống và đúng lúc đó Khẩn nhìn thấy trong đầu mình con đường mà Nhung bảo hay gặp trong mơ…Khẩn chạy đuổi theo những bước chân thoang thoảng kia và gió thì vẫn thủ thỉ, em nói thật, hôm nay đi với anh em thích thật sự đấy. Của anh dài nên vào sâu. Phải, con đường ngày càng dấn sâu vào bóng tối kéo theo cả những bước chân của người lạ”
[I.11; 210, 211]. Tiếng của cô gái xen lẫn vào dòng suy nghĩ miên man của Khẩn.
Nghe tiếng xe máy rồ lên từ gốc bằng lăng trong đêm, Khẩn thấy dồn dập tiếng vó ngựa như ở cõi nào, sau đó vọng ra từ chính thân thể anh, tiếng vó ngựa xuất hiện ở một cuốn sách mà Khẩn đã đọc cho Kim nghe: Mình
ngựa hoặc chính mình là con ngựa đó” [I.11; 81]. Nhìn thấy cô gái mặc váy
ngắn bên người đàn ông ngoại quốc, “Khẩn nghĩ, không hiểu hai người ấy
khi làm tình với nhau sẽ xử lý thế nào vì cô gái quá nhỏ còn người đàn ông ngoại quốc quá to lớn” [I.11; 107]. Trong những khoảng thời gian bất chợt,
dòng suy tư của nhân vật thường thể hiện ở nỗi băn khoăn về thân phận, cuộc đời và những suy tưởng bâng quơ, đến một cách vô tình.