Những khoảng lặng mơ hồ

Một phần của tài liệu Kỹ thuật dòng ý thức trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 50 - 55)

Nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương không chỉ có những khoảng trống rỗng vô hồn với dòng suy tư bất chợt mà còn đắm mình trong những khoảng lặng với trạng thái trăn trở về một hình ảnh, một con người để lại nhiều ấn tượng, kỉ niệm riêng tư. Có khi ta còn bắt gặp những nỗi niềm vô định, không thể nắm bắt của con người quá khứ, con người sống trong vô thức hay một hình bóng lang thang trong đêm.

Với nhân vật Em trong Trí nhớ suy tàn, sắc hoa vàng đã trở thành màu của kí ức, một điệp khúc của “trí nhớ đang suy tàn ghê gớm”. Màu vàng của hoa điệp trong hình dung, đến màu của hoa hồng: “Một mình một

xe trên đường, đi tốc độ chậm, hình dung ra những cánh hoa điệp rụng lác đác. Hình dung vì trong ánh đèn đường thật khó nhìn thấy hoa rụng…Em là người con gái yêu hoa hồng vàng, yêu từ lúc mới nhìn thấy trong phim, mấy năm sau mới được cầm, run rẩy nghèn nghẹn như gặp lại cái gì đó thân thiết tưởng đã mất đi vĩnh viễn” [I.8; 40]. Hoa hồng vàng là một sắc màu biến thể

của hoa điệp. Đi đâu Em cũng nhìn thấy sắc hoa đã gửi gắm cả kí ức. Người đàn bà trong mơ cũng được khoác bộ áo vàng của hoa điệp: “Hoa điệp nở

thành nhịp điệu phức tạp lắt léo, gợn sóng ở tầng dưới, lộn xộn rời rã ở tầng trên. Màu vàng chạy chéo nhau đan cài dập dềnh với mối liên kết ma quái nhưng thi thoảng vẫn có những cụm hoa riêng lẻ tự do trôi dạt như những giờ phút lang thang chán đời. Cả cây hoa là một chiếc áo vàng chập chờn lay động. Và sực nhớ tới người đàn bà kì dị trong mơ” [I.8; 96]. Hình ảnh so

sánh trừu tượng đơn thuần hoàn toàn bằng cảm giác “cụm hoa riêng lẻ tự do

trôi dạt như những giờ phút lang thang chán đời”, đã hàm chứa cả một cái

nhìn đầy suy tư của Em.

Ở Người đi vắng, nhân vật Lập Nham trong vai trò quân sư của Đội Cấn lại luôn trăn trở về thân phận mình, về mối quan hệ với Đội Cấn. Có một nỗi buồn cứ ám ảnh ông, đó là nỗi buồn của người không thể tìm được tiếng nói tri kỷ: “Ông đang ở một mình, cô độc, bất lực, đang bị bỏ quên,

văng ra ngoài vòng quay…Kí ức luôn đeo đẳng ám ảnh ông, nó gầm réo sôi sục, lúc cuộn lên, lúc nằm xuống thăm thẳm. Cái hận việc lớn không thành chỉ là lẽ nhỏ, rất nhỏ. Ông nghĩ tới việc khác. Nghĩ tới mối quan hệ giữa mình và Đội Cấn. Hình như thế, hình như không bao giờ kẻ văn người võ có thể gặp gỡ, trùng khít nhau” [I.10; 553]. Đó còn là nỗi buồn của kẻ tha

hương bất lực trong khao khát tìm được giây phút thư thái tâm hồn: “Vào các tối, tiếng kèn cất lên khàn khàn lẫn vào những nóc nhà, vòm cây tạo ra bầu không khí ủ ê, tẻ nhạt của hàng phố Thái Nguyên. Nghe thấy nó bao giờ ông cũng buồn. Nỗi buồn của kẻ xa quê, muốn trở về, muốn được yên thân dù là chút ít để dạo một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm với tâm trạng sảng khoái thư thả” [I.10; 558]. Những suy tư buồn bã đó khiến Lập Nham hiện lên là một

con người sống nhiều với nội tâm của mình hơn là người có vai trò quan trọng của cuộc khởi nghĩa.

Trong dòng suy tư của mình, Khẩn (Ngồi) luôn nghĩ về Kim. Kim ẩn hiện hư ảo sau bức ảnh người con gái trên bia mộ ở nghĩa trang với nét mặt xa lạ: “Đến ngôi mộ thứ hai mươi mốt thì Khẩn giật thót vì bức ảnh người

con gái gắn trên bia mộ giống hệt như Kim…Kim đang nhìn Khẩn, nét mặt xa lạ, nghiêm khắc, ánh mắt loàng nhoàng nửa thực nửa hư xoáy vào trí óc Khẩn và đột nhiên tiếng khóc cất lên, èo ẽo thê thảm làm không gian im ắng của nghĩa trang đầu chiều bị phá vỡ, bị đẩy đi xa hơn, vượt lên trên, sang bên kia thế giới” [I.11; 86]. Kim hiện về trong cả trạng thái kích động của

Khẩn: “Lão Việt gạt nước mắt bước ra…Chó, bất ngờ Khẩn bật ra tiếng

chửi. Bóng tối tràn đến che mờ tất cả. Kim về không cần cành bạch đàn dẫn đường. Kim nhìn thẳng vào mặt Khẩn, môi mím chặt, cái mũi hếch lên vẻ giận dỗi…” [I.11; 241]. Ám ảnh nhất trong tâm trí anh là đôi mắt Kim. Với

đôi mắt giận dỗi, mơ hồ, Kim đã đưa hồi ức xâm nhập vào dòng suy tư của Khẩn khiến nó trở nên miên man và dằng dặc. Những bóng hình quá khứ, những nỗi buồn thân phận đều trở thành nỗi trăn trở trong suy tư của nhân vật. Trong dòng chảy đó, nhân vật tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương hiển hiện là những con người cô đơn, khao khát một điểm tựa tinh thần ở cõi đời hiện thực.

Với Thoạt kỳ thủy, người đọc cảm nhận một lối suy tư rất lạ của Tính về trăng. Trăng hiện lên trong cuộc trò chuyện với Hiền: “Trôi ở giữa những

đụn khói, ai cũng lẫn vào nhau, lẫn vào nhau. Tất cả đều mờ. Trăng không xuống được tóc, chỉ lơ lửng trên đầu. Trăng cười, vàng sắp thành đen rồi… Hiền về thì về đi. Nghe người lục bục lắm, có lẽ trăng sẽ vỡ mất. Mắt chó vàng như trăng…” [I.9; 32]. Trăng được cảm nhận nhiều hơn là quan sát.

Hay nói cách khác là quan sát bằng cảm nhận riêng, rất lạ, từ màu sắc (đen, xanh đen), hình thể (rỗ chi chít), kích thước biến ảo (to bằng quả bưởi, bằng cái nồi…). Không gian của trăng mờ ảo (đụn khói, mờ), trăng thì kì dị (trăng cười, vàng sắp thành đen, mắt chó vàng như trăng). Trăng lại nhập vào người (người lục bục - trăng vỡ). Ở bãi đá, trong đầu Tính cũng hiện lên hình ảnh trăng: “Đập chết càng nhiều đá, càng có nhiều tiền. Núi ở trên đầu,

một khối nhọn hoắt đâm vào cổ lợn…Ông Điện chọc cổ lợn cũng bình thản thế. Đập, Hiền cứ nát ra, vỡ ra, kêu rên khoái trá. Sao máu Hiền lênh láng thế hả mẹ. Mắt chó vàng như trăng. Nó bị rỗ. Trăng đen, trăng đen, trăng đen…bố lại gặm chén, lại gặm chén lách cách, lách cách.” [I.9; 47]. Vẫn là

hình ảnh trăng kì quái (trăng đen) như chứa đựng trong nó cả tính ác (mắt chó), cả những nỗi sợ hãi bí ẩn mà nhân vật không thể nhìn rõ. Tất cả được

Tính hình dung như một lỗ đen khủng khiếp bao trùm. Trong dòng suy tư ấy, liên tiếp nhiều hình ảnh nối nhau nhưng lại mang tính chắp vá, không tuân thủ theo một logic nhất định nào. Từ một khối núi nhọn, hiện lên cảnh chọc tiết lợn, đá biến thành Hiền, mắt chó, trăng đen, bố gặm chén. Nếu cắt nghĩa, nó đơn thuần chỉ là những hình ảnh đơn lẻ lưu lại trong kí ức của Tính. Chúng chồng chéo lên nhau, trở thành một ấn tượng không thể xóa được. Tuy nhiên, tất cả đều xuất phát từ một trạng thái tư duy bấn loạn, điên dại của một con người không bình thường về tinh thần.

Người đi vắng xuất hiện khá nhiều thân phận, linh hồn lang thang

phiêu bạt trong đêm. Có người bác dắt cháu đi tìm mẹ, cứ đi với những bước chân vô định, không biết mình sẽ dừng lại ở đâu: “Những con bướm lênh

đênh bay ngược lại chúng tôi. Những con bướm ma có khoáy đen và chấm đỏ như đầu thuộc lá. “Tao đếm đến ba thì chúng mình vụt nhé”. Ngày xưa tôi bảo thế mỗi khi anh em tôi cầm cành dong tre đi bắt bướm… Có thể do bắt nhiều bướm quá nên em gái tôi mới phát bệnh, bỏ đi lang thang” [I.10; 486,

487]. Những con bướm ma bay lênh đênh gợi lại ở người bác tuổi thơ từng đi bắt bướm và nhân vật cứ thế trôi đi trong mạch suy tư về thân phận người em gái. Sự cắt nghĩa đầy mơ hồ (có thể...) cùng những ý nghĩ vụt hiện và hòa lẫn vào nhau càng khiến cho nhân vật như mờ nhòe hơn, lênh đênh trong chính thế giới của mình.

Thời gian trong Người đi vắng đã được đẩy lùi hàng thế kỷ, đến mãi thời Lý với suy tư của công chúa Diên Bình: “Diên Bình mơ màng thả cho ý

nghĩ tự do. Nàng nghĩ tới những hành lang dọc, mờ ảo ánh bạch lạp. Nàng nghĩ tới giọng nói the thé của đám hoạn quan, chúng đã trở thành nỗi ám ảnh ghê sợ. Nàng nghĩ tới người chồng đang chờ nàng, người chồng mà nàng chỉ được nhìn thấy trong một lần duy nhất nhưng cái dáng thấp lùn, đôi lông mày như con đại bàng đen xòe cánh còn đọng lại mãi” [I.10; 681]. Diên

nhất thấy mặt với ấn tượng về dáng thấp lùn và đôi lông mày kì lạ. Dòng suy tư có vẻ tản mạn nhưng lại phù hợp với trạng thái mơ màng do tác động của một giấc ngủ sắp kéo đến làm tất cả hình ảnh trôi đi nhẹ nhàng và thanh thoát.

Nhân vật Ông (Những đứa trẻ chết già) lại triền miên trong dòng suy tư mong tìm kiếm một sự cắt nghĩa về số phận, cuộc đời chính mình: “Mùi dầu nóng, cay sặc khiến hai thanh niên ngạc nhiên, họ nhìn ông. Tự dưng ông thấy mình lạc lõng và cô đơn khủng khiếp. Cả đời ông chưa được một bàn tay phụ nữ nào chăm sóc. Tất cả đều do tự thân ông chống chọi, đôi khi, ông thèm được vợ vuốt ve, nũng nịu, nhưng tuyệt nhiên cả hai người đàn bà ấy đều lạnh lùng bỏ qua” [I.7; 46]. Số phận đã an bài Ông với nỗi cô đơn (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

khủng khiếp: hai người đàn bà đã đi qua nhưng lại không để lại gì ngoài việc nới rộng hơn cái khoảng trống cô đơn đó. Sự thiếu hụt những điều bình thường nhất ở một người đàn ông có gia đình đã trở thành nỗi suy tư buồn bã của nhân vật. Nhìn lại cuộc đời mình, Ông nhiều lần băn khoăn: “Ông

không biết mình ngồi trên chiếc xe trâu này từ lúc nào, ở đâu. Và nó, chiếc xe trâu với ba con người lạ lẫm sẽ đưa ông đến đâu? Trở lại làng ư? Đi đâu nhỉ? Khỉ thật. Ông biết mình sẽ còn ngồi lâu nữa, lâu bằng quãng thời gian chiếc xe xuất phát. Mà nó đã xuất phát cùng ông từ đời nảo đời nào rồi cũng nên. Dù vậy, ông vẫn không loại trừ khả năng rằng biết đâu mình mới chỉ ở trên xe có hai ba phút đồng hồ” [I.7; 108]. Những câu hỏi không bao giờ có

lời đáp, rất mông lung, bồng bềnh trong cảm thức mơ hồ về thân phận. Chuyến xe trâu như đã gặp từ một thời gian xa xăm trong kí ức nhưng người đánh xe không bị thời gian bào mòn tuổi tác, đó là điều kì lạ như cuộc đời mà ông đã sống. Chuyến xe ấy dường như là định mệnh và những băn khoăn của ông vẫn cứ chảy tràn vô định: “Mọi cái đều trốn chạy ông,

chính xác hơn là chúng chơi trò ú tim. Chúng trôi lênh đênh giữa chặng đường ông đi và ông bất lực tựa hồ một sinh vật nhỏ nhoi, tuyệt vọng giữa

dòng nước, đang cố gắng níu với những mảnh ván để rồi lại lùi xa, lại đến gần…cuộc đời kiếm tìm lại dòng dõi, rốt cuộc trở nên nỗi cay đắng không chối bỏ được đối với ông. Bác Lung chết, chị Cải chết, Xoan lang thang phiêu dạt không biết đâu mà lần, rồi lão Biền, lão Hạng…thực tình, cái chết bao giờ cũng là điều vĩ đại cuối cùng mà con người đạt đến. Bao nhiêu ngàn năm nay, con người cứ khao khát thanh thản, băn khoăn tự do, bình đẳng, khao khát cả nỗi cô đơn tịch mịch nữa. Những điều đó đều nằm trong cơ thể của cái chết” [I.7; 172, 173]. Nhìn lại cuộc đời mình, toàn những mất

mát và đắng cay, tất cả hạnh phúc chỉ lênh đênh ngoài tầm với. Nó mang lại nỗi cay đắng và tuyệt vọng. Cũng như chuyến xe trâu lọc cọc, cuộc đời với Ông là một hành trình dằng dặc và nghiệt ngã. Dòng suy tư của ông về thân phận mình bỗng chuyển sang chiêm nghiệm cuộc đời chung. Cái đích cuối cùng mà con người hướng tới hóa ra là cái chết - lại chính là điều con người không mong muốn nhất và bất lực nhất. Cái miên man, vô định lại nằm trong những gì hữu hình và những quy luật khắt khe nhất của cuộc sống.

Dù là những khoảng bần thần, trống rỗng hay là những khoảng lắng lại của tâm hồn, dù là những nghĩ ngợi bâng quơ hay là những nỗi trăn trở khôn nguôi, dòng suy tư của nhân vật vẫn là dòng chảy bất định. Bởi bản thân suy nghĩ là một dòng chảy không có cội nguồn và kết thúc nhưng lại đan xen nhiều ý nghĩ khác nhau trong dòng chảy bất tận đó. Sự bất định còn nằm ngay trong những gì mà nhân vật suy nghĩ. Đó thường là thân phận, là cuộc đời mà cuộc đời bao giờ cũng là một khái niệm mênh mông, không bao giờ cắt nghĩa hết.

Một phần của tài liệu Kỹ thuật dòng ý thức trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 50 - 55)