Cơ chế kinh tế của Việt Nam hiện nay và cơ chế kinh tế của Hàn Quốc thời kỳ bước vào công nghiệp hóa có nhiều nét tương đồng: đều phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường. Từ năm 1986, khi Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới cho đến nay, các yếu tố của cơ chế thị trường như thị trường hàng hóa, công nghệ, cách dịch vụ như thông tin, tư vấn pháp lý, tài chính ngân hàng, bảo hiểm… từng bước đã hình thành và cơ chế thị trường được vận hành dưới sự quản lý của Nhà nước. Cũng giống như Hàn Quốc, Việt Nam cho rằng để có thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công, nhân tố quan trọng có tính quyết định là phải tăng cường nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế. Ở cả hai nước, vai trò của Nhà nước trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa luôn được đề cao. Do vậy, trong các kế hoạch phát triển kinh tế ở mỗi nước đều thể hiện một phần của mục tiêu chiến lược công nghiệp hóa dài hạn. Chính phủ quản lý việc thực hiện kế hoạch này thông qua các biện pháp hành chính, kinh tế và hệ thống pháp luật. Nhà nước là tác nhân quan trọng trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thông qua thành
phần kinh tế Nhà nước để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như đi tiên phong vào những ngành, những lĩnh vực mà kế hoạch phát triển kinh tế đã đề ra và trở thành đầu tàu và lôi kéo các thành phần kinh tế khác phát triển sản xuất theo hướng của kế hoạch đã định.
Việt Nam cũng như Hàn Quốc đều chú trọng huy động tối đa mọi nguồn lực trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa vào phát triển kinh tế nhiều thành phần, giải phóng lực lượng sản xuất. Do vậy, trong quá trình phát triển, phần đóng góp của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh trong GDP không ngừng tăng lên. Tuy tỷ trọng mỗi thành phần kinh tế trong GDP của mỗi nước có khác nhau song kinh tế quốc doanh luôn hiện diện và có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế với việc cung cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và đảm nhiệm vai trò mở đường đối với những ngành, những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn cũng như những ngành phục vụ công ích.