Công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Thái Lan

Một phần của tài liệu CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ (Trang 37 - 40)

So với các nước đang phát triển ở châu Á như Nhật Bản hoặc các nước công nghiệp mới (Nics), Thái Lan là nước chậm trong phát triển công nghiệp. Tuy vậy, nước này đã nhận thức được tầm quan trọng của phát triển công nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế, cũng như hiện đại hoá nền kinh tế. Tháng 10 năm 1954, Thái Lan đã công bố "Dự luật khuyến khích phát triển công nghiệp" và bắt đầu xúc tiến công nghiệp hoá với việc thành lập Ban đầu tư (BOI) năm 1959. Thực thi chính sách nghiêng về phát triển công nghiệp nhằm dùng công nghiệp hoá làm động lực phát triển toàn bộ nền kinh tế.

Trong suốt những năm 60 qua 2 kế hoạch 5 năm (1961-1966), kế hoạch (1967-1971) Thái Lan nhấn mạnh vào việc phát triển công nghiệp thay thế nhập khẩu, với đặc trưng chủ yếu hướng vào thị trường trong nước. Nhà nước

đã có những chính sách bảo hộ công nghiệp trong nước, khuyến khích các ngành công nghiệp sử dụng nhiều nguyên liệu và lao động trong nước. Do vậy, công nghiệp trong nước đã có khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu ở các lĩnh vực: dệt, hoá chất, chế biến thực phẩm… Trong suốt thập kỷ 60, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 10%. Tuy vậy, chính sách công nghiệp hoá hướng nội ở Thái Lan cũng đã bộc lộ những hạn chế. Thứ nhất, do công nghệ hạn chế, Thái Lan vẫn phải nhập máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất và nguyên liệu thô. Điều này có nghĩa là chính sách thay thế nhập khẩu không đạt được mục đích đề ra mà chỉ làm thay đổi cơ cấu nhập khẩu. Thứ hai, chính sách thay thế nhập khẩu còn tác động đến việc sử dụng lãng phí các nguồn tài nguyên trong nước do kỹ thuật lạc hậu và trình độ quản lý kinh tế yếu kém, chi phí lao động cao, năng suất thấp. Thứ ba, thực hiện chiến lược này, nhà nước đã can thiệp quá sâu vào hoạt động của nền kinh tế và chính sách thay thế nhập khẩu làm cho công nghiệp trong nước phát triển chậm chạp, trì trệ do thiếu động lực cạnh tranh.

Để khắc phục những hạn chế của chiến lược hướng nội, Thái Lan đã hoạch định lại chính sách công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Từ 1972 Thái Lan đã chuyển sang chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu. Các kế hoạch 5 năm 1972-1976, 1977-1981, 1982-1986, 1987-1990, 1991-1995 đã thực hiện điều chỉnh sự phát triển của công nghiệp nhằm tranh thủ các nhân tố thuận lợi bên ngoài kết hợp với việc sử dụng các lợi thế trong nước để đa dạng hoá trong sản xuất kinh doanh đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Nhà nước đã có những chính sách và biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá như khuyến khích đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư trong nước, chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu và kinh doanh nguyên vật liệu và tư liệu sản xuất nhập phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Từ cuối thập kỷ 80, Thái Lan đã lấy công nghiệp hoá chất làm trọng tâm, chú ý đa dạng hoá sản phẩm xuất khẩu, coi dầu tư nước ngoài là động lực để phát triển kinh tế.

Để thực hiện chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu, Thái Lan vừa chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực vừa nhập khẩu công nghệ mới từ Nhật Bản và phương Tây. Thực tế cho thấy việc chuyển hướng chiến lược trong công nghiệp hoá đã mang lại những thành công đáng chú ý. Trong thập kỷ 70, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khá cao trung bình 10%/năm, từ 1980-1990 đạt 7,6%; 1991-1995 là 8,6%. Từ 1987-1990, tốc độ tăng trưởng của công nghiệp Thái Lan bình quân là 15% [113]. Những năm đầu của thập kỷ 90, tốc độ tăng trưởng kinh tế có chững lại nhưng tốc độ tăng trưởng công nghiệp vẫn có xu hướng tăng. Ngoại thương Thái Lan có xuất khẩu tăng nhanh: 1976 đạt kim ngạch 197 triệu USD, 1996 đạt 7,096 tỷ USD. Thu nhập quốc dân của Thái Lan cũng tăng nhanh đến năm 1998 đạt bình quân đầu người 2.450 USD [91]. Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ cấu kinh tế của Thái Lan đã có sự thay đổi theo hướng tích cực tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế có xu hướng giảm dần, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng lên (như bảng 1.1).

Bảng 1.1: Cơ cấu kinh tế Thái Lan (1960-1999)

1960 1970 1980 1985 1990 1999

Nông nghiệp 40 28 25 17 12 13

Công nghiệp và XD 26 32 36 41 46 40

Dịch vụ 34 40 39 42 42 47

Nguồn: World Development Report, World Bank, 1998, 1999, 2000

Sau hơn ba thập kỷ phát triển nhanh chóng, kinh tế Thái Lan đã bộc lộ những hạn chế. Đó là sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài và công nghệ nhập khẩu. Trong phát triển, có tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa quy mô đầu tư và khả năng tài chính. Tình trạng quá nóng của nền kinh tế, đặc biệt từ giữa thập kỷ 90, khiến nợ nước ngoài của Thái Lan gia tăng (chủ yếu là nợ ngắn hạn và trung hạn): chiếm tới 50% so với GDP (1997). Trong hoàn cảnh ấy, vai trò điều tiết, kiểm soát của hệ thống tài chính- ngân hàng trong đầu tư và cung ứng tiền tệ bộc lộ nhiều yếu kém. Đó chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Thái Lan và lan rộng sang các nước Đông Nam Á và Đông Á vừa qua. Đối phó với tình hình ấy, Thái Lan buộc phải thực hiện điều chỉnh chiến lược công nghiệp hoá.

Một phần của tài liệu CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(184 trang)
w