Khái quát về phát triển giáo dục và đào tạo tại thành phố Đà Lạt và các xã vùng ven

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông (Trang 35 - 37)

Đà Lạt và các xã vùng ven

Giáo dục và đào tạo Thành phố Đà Lạt từ trước đến nay vẫn là lá cờ đầu, là trung tâm giáo dục của Tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên. Sự nghiệp GD&ĐT Đà Lạt luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo và đầu tư của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong thành phố cùng với sự nỗ lực của toàn thể CB – GV – CNV đã có bước phát triển vững chắc cả về quy mô, chất lượng, hiệu quả. Vì vậy, trong nhiều năm qua GD&ĐT Đà Lạt vẫn tiếp tục ổn định, giữ vững và phát triển. Đại hội Đảng bộ Thành phố Đà Lạt khóa X nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã đánh giá: “Giáo dục – đào tạo phát triển cả về quy mô và chất lượng, xây dựng trung tâm học tập cộng đồng,

khuyến học, khuyến tài. Mạng lưới trường học được điều chỉnh bước đầu; kiên cố hóa trường lớp, xây dựng cảnh quan trường học, đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục…Hoàn thành và duy trì chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và chuẩn phổ cập THCS trên địa bàn, phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, huy động được nhiều nguồn vốn, từng bước nâng chất lượng cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu công tác giáo dục của Thành phố”.

Mạng lưới trường lớp ở các cấp học, ngành học tiếp tục được mở rộng và phát triển đến tận các khu phố, thôn vùng ven, vùng dân tộc, đáp ứng khá tốt nhu cầu học tập của học sinh. Riêng các trường THPT đã được tập trung đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp nhiều hạng mục, các trường hết sức khang trang, bề thế (12/12 trường đã được kiên cố hóa, đủ điều kiện về CSVC để xây dựng trường chuẩn quốc gia).

Toàn thành phố có 20 trường mầm non, 27 trường tiểu học, 4 trường THCS, 12 trường THPT. Số trường đạt chuẩn quốc gia: 21 (mầm non: 04; tiểu học: 14; THCS: 02; THPT: 1).

Thành phố được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học – xóa mù chữ vào năm 1990 và phổ cập giáo dục THCS vào năm 2000 góp phần không nhỏ cho kết quả chung của tỉnh. Toàn tỉnh được công nhận phổ cập giáo dục THCS vào đầu năm 2009.

Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đa số đều có phẩm chất đạo đức tốt, đạt chuẩn trình độ chuyên môn, yêu nghề, yêu trẻ, tận tụy với công việc. Chất lượng dạy học ngày càng được nâng cao.

Có thể khẳng định rằng hệ thống giáo dục Đà Lạt đã mở ra những triển vọng mới, thu hút nhiều học sinh và sinh viên từ các địa phương khác đến đây học tập. Loại hình trường công lập, trường tư thục, trường chuyên, trường dân tộc nội trú... làm cho hệ thống trường lớp ở Đà Lạt đa dạng hơn. Đến đầu năm học 2010 – 2011, trên toàn địa bàn có 47.533 học sinh các cấp

(mầm non: 10.372; tiểu học: 15.337; THCS: 13.172; THPT: 8.752). Số lượng sinh viên các trường đại học và cao đẳng trên 20.000 người, chưa kể các lớp học ngắn hạn, ban đêm do các trường Đại học Đà Lạt, Đại học dân lập Yersin Đà Lạt, trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ tại chức tỉnh tổ chức. Hiện nay tỉnh đã phê duyệt đề án cho 2 trường Đại học Kiến Trúc, Bách khoa phát triển thêm cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học tại thành phố Đà Lạt.

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông (Trang 35 - 37)