Cảm nhận được chất Quảng Nam của truyện qua từ ngữ, hình ảnh và hiện thực

Một phần của tài liệu CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN ĐỊA PHƯƠNG CẤP THCS TỈNH QUẢNG NAM (Trang 28 - 32)

được phản ánh; nhận ra được nghệ thuật kể chuyện và nghệ thuật miêu tả sinh động của tác giả.

VĂN BẢN

TRONG RỪNG LOÒNG BOONG

Lâu lắm tôi mới trở lại khu rừng loòng boong(1), những trái chín trên cành chi chít như những khuôn mặt người thân cùng ùa đến một lần. Xe dừng lại chuẩn bị qua ngầm(2), bỗng nhiên hình ảnh khu rừng năm xưa hiện lên trước mắt tôi.

Hôm ấy tôi đi vào phía nam; tình cờ gặp lại một người bạn trên khoảng đường rừng vắng vẻ. Quãng đường bắc 14 lúc bấy giờ, đi đến ba, bốn ngày cũng chẳng gặp một bóng người. Anh bạn dẫn tôi vào một căn nhà bí mật giữa rừng. Cây lá ở đây phủ một lớp rêu xanh lạnh lẽo.Trời ập tối, tôi bị lên cơn sốt kinh niên(3), vùi đầu vào chiếc võng, nằm li bì mãi đến sáng.

Từng giọt mưa thon thon rơi trên tàu lá cọ(4) non màu nghệ. Những chiếc lá cọ già xanh đã biến thành màu cánh gián nằm im trong căn lán(5) ám khói. Mưa gãi trên mái lá. Một chú sóc vừa chuyền cành làm rơi những giọt nước đọng suốt đêm trên những chiếc lá loòng boong. Trái cây rụng xuống mái cọ nặng như ai ném đá. Tiếng chim líu ríu trên cành.

Tôi bật dậy khỏi võng, ra ngoài. Tôi suýt kêu lên : mùa loòng boong đã tới. Những chùm loòng boong như nắng đọng trên những cành cây. Mưa làm những trái loòng boong tươi sạch óng ánh. Trên cao vút những chùm loòng boong sây(6) quả bày ra giữa khung trời, xen trong những lá xanh là những con chim nhiều màu sắc về họp chợ hoa quả. Mấy con nhồng đen như lãnh(7) cứ đứng im một chỗ mà ăn. Những con kơ- tía thì ăn hỗn, có con đậu chúc ngược đầu xuống, vừa ăn vừa phá rụng bao nhiêu là trái chín. Rừng loòng boong ầm ĩ trong tiếng chim ăn quả. Thỉnh thoảng có tiếng một con chim kêu khẽ gọi bạn.

Một con nhồng đứng lẻ bên chùm trái chín, quẹt mỏ vào vai cánh. - Chú ơi ! Thức dậy !

Tôi ngơ ngác không biết tiếng ai gọi giống tiếng con gái vừa vỡ giọng(8). - Chú ơi ! Thức dậy !

Tiếng kêu nhắc lại. Tôi hít một hơi thở dài đẫm hơi nước, nhìn quanh. Rừng nghi ngút khói đá.

Chú ơi ! Thức dậy !

Tiếng kêu đâu trên đầu tôi. Tôi ngẩng lên vẫn thấy chú nhồng mỏ đỏ đương im lặng nhìn tôi.

- Lạ - tôi nghĩ - ai trêu chọc mình, giữa cái kho vắng lặng toàn những viên đạn đóng kín trong thùng này. Ở đây chỉ có mình tôi và anh bạn giữ kho tên là Thận, còn ai lọt vào nữa đâu ? Quái thật, hay tai mình nghễnh ngãng. Tôi vươn tay cho đỡ mỏi, vừa mới đưa hai tay lên trời, bỗng phía sau có tiếng hô ngòng ngọng :

- Một... chai... cha... chốn...

Tôi quay người lại, làm mặt lạnh nhìn khắp, vẫn chẳng nhìn thấy bóng người nào.

Tôi vừa cúi gập người xuống, tiếng hô lại nổi lên : - Chai... chai... cha, chốn.

Tôi đứng thẳng người, tiếng hô lại im bặt. Vài trái cây rụng xuống như chọc tức tôi. Lập tức tôi vào nhà để đánh thức Thận dậy, hỏi cho ra tiếng hô ngòng ngọng kia phát ra từ đâu ? Thận đã dậy đi ra rừng lúc tôi còn ngủ. Tôi đoán thế vì võng đã cuốn, chăn màn gói ghém ngay ngắn để trên cái giường bằng vỏ cây. Tôi bước ra vừa lúc Thận về. Anh ta đương vác một bó lá mây, tay xách một con cheo vừa mắc bẫy. Thấy tôi, gương mặt đen sạm của Thận hớn hở :

- Anh ngủ chớ sốt mà dậy làm chi sớm, hít sương cho sưng phổi. Tôi phải đi thăm mấy cái kho và đem bẫy cheo đặt trong rừng.

Tôi hỏi Thận :

- Ở đây, ngoài Thận ra có còn ai nữa không ?

- Làm gì có ai - Thận mỉm cười, lấy tay gạt nước trên hàng chân mày đen rậm -,...có tôi và con nhồng mỏ đỏ.

Thận ném bó lá mây xuống sân, cất tiếng gọi : - Ơ - ơi...do...ò...ng !

- Nhồng đây !...Tiếng đáp nghe rất gần và rõ.

- Kìa anh xem - Thận đưa tay chỉ con nhồng tôi đã nhìn thấy khi nãy - cô em gái của tôi đấy - rồi anh kêu lên - ơ ới do...òng ...

- Nhồng đây ! Con chim từ trên cao sà xuống.

- À, ra tiếng nói từ sáng đến giờ là của con Nhồng ? - Tôi nhìn con Nhồng hết sức ngạc nhiên.

Con Nhồng cười giòn rồi nhảy lên mấy nhánh cao, đến nhánh tận cùng nơi tiếp giáp với cái màu xanh thoáng đãng trên kia, nó cười một trận nữa. Sau màn mưa láy pháy(9), một chiếc cầu vồng hiện lên như một đường băng của nền trời. Những sợi

Tiếng con chim sơn ca hót như xỉa tiền lên khoảng im vắng mênh mông của khu rừng mà lũ chim vừa nín vì có tiếng người. Con nhồng bay vọt lên cửa rừng và cứ theo cái đường băng đó mà trượt sâu vào khoảng xanh cao vời vợi. Tôi suýt chóng mặt mất thăng bằng vì ngửa cổ đã lâu. Con nhồng chỉ còn một chấm đen chấp chóa trong ánh nắng năm màu; rồi bỗng cả khối đen của nó đỏ rực cả lên. Tôi nhắm mắt lại, khi mở mắt ra cả khu rừng tôi đứng đầy những trái loòng boong bằng ánh nắng.

- Ăn sáng đã anh - Thận bẻ cho tôi nửa củ mài(10), vẻ ái ngại - ở đây chẳng có gì ngoài củ mài. Thỉnh thoảng tôi mới đi vào trong đường 14 tìm được ít gạo và bắp. Tôi cắn một miếng mài, nhai. Bột mài mịn mềm, ngọt, nhưng sao tôi không nuốt trôi, cứ nghẹn ở chỗ cổ.

- Thận ở đây bao lâu rồi ? - Tôi hỏi.

- Tôi nói anh đừng ghi vào sổ nhé, lộ bí mật - Thận mỉm cười, nhìn tôi - anh xem, tôi ăn hết hai núi củ mài rồi đấy.

Những dây mài tôi ăn lần đầu bây giờ đào lại đã có củ lớn rồi - sực nhớ điều gì, Thận kêu lên - à, trời ơi, quên, có của quý đây mà không đem ra cho anh.

Thận vào phía trong mang ra một gùi loòng boong. Tôi đã thấy trái loòng boong hồi còn nhỏ, nhưng gọi là ăn thì thú thật chưa bao giờ dám nghĩ tới. Trái loòng boong chỉ có ở khu rừng phía tây Quảng Nam, thuộc miền tây Đại Lộc và Quế Sơn, chạy dọc theo những con sông nước Mỹ(11), bến Hiên(12), bến Giằng(13). Rừng loòng boong bạt ngàn. Có khi đi hai ba giờ chưa qua hết một khu rừng loòng boong. Đó là nói đi ngang qua thôi chứ chưa nói chuyện xuyên sâu vào lòng của nó. Ngày trước chỉ có dòng họ hoàng gia(14) mới được ăn quả loòng boong. Mỗi lần trái chín các bô lão(15) phải khăn xếp áo dài lương(16) mang những cái quả(17) sơn son thếp vàng đầy những trái loòng boong ra dâng cho vua rồi mới về hái hết mùa loòng boong. Loại cây này được gọi tên là Nam Trân(18).

- Anh ăn thấy thế nào ? - Thận hỏi. Tôi lắc đầu và đáp :

- Tôi cam đoan với anh rằng : trên đời này không có loại trái cây nào sánh kịp trái loòng boong.

...

Mùa hè 1973

(Thu Bồn, Văn Quảng Nam Đà Nẵng, 1960- 1975)

Chú thích

Thu Bồn (1935 - 2003) tên khai sinh là Hà Đức Trọng, quê ở Điện Thắng - Điện Bàn, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, được Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu của UBTƯ Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam (1965), Giải thưởng thơ báo Hà Nội Mới (1969), Giải thưởng văn học quốc tế của Hội Nhà văn Á- Phi (1973). Ông có khối lượng tác phẩm rất phong phú và đa dạng, gồm thơ, trường ca, truyện, tiểu thuyết...

một chiến sĩ nhiều năm trời sống một mình trong rừng loòng boong để bảo vệ kho đạn cho Cách mạng. Anh có một con nhồng biết nói, tinh khôn làm bạn. Một lần, anh bị giặc phát hiện. Để bảo vệ sự an toàn cho kho đạn, anh đã dụ giặc ra xa bên kia rừng và bị thương. Con nhồng bay theo Thận, khi thấy máu trên người anh, nó kêu lên một tiếng bay vút lên trời rồi lao xuống khu rừng loòng boong. Từ đó không ai còn trông thấy nó nữa.

Đoạn trích nằm ở phần mở đầu của truyện.

(1) Loòng boong : còn gọi là lòn bon, bòn bon, một loại cây ăn quả, lá kép lẻ, quả tròn thành chùm, có 5 múi, 5 vách ngăn, cùi ngọt.

(2) Ngầm : đoạn đường ô tô làm ngầm dưới nước để vượt qua suối.

(3) Sốt kinh niên : những cơn sốt trở đi trở lại thường xuyên, kéo dài nhiều năm. (4) Cọ : cây cao thuộc họ dừa, lá hình quạt, mọc thành chùm ở ngọn, dùng để lợp nhà, làm nón.

(5) Lán : nhà dựng tạm, sơ sài, thường bằng tre nứa. (6) Sây quả : có nhiều quả.

(7) Lãnh : hàng dệt bằng tơ nõn, mặt bóng mịn, các sợi dọc phủ kín sợi ngang. (8) Vỡ giọng : có giọng nói thay đổi, không ổn định, lúc trong trẻo, lúc ồ ồ khi đến tuổi dậy thì.

(9) Láy pháy : ở trạng thái bay lất phất.

(10) Củ mài : cây leo cùng họ với củ từ, mọc ở rừng, củ hình trụ, chứa nhiều bột, dùng làm thuốc hay thức ăn.

(11) Sông Nước Mỹ : tên một con sông ở Trà My.

(12) Bến Hiên,(13) bến Giằng : các địa danh ở Đông Giang và Nam Giang của Quảng Nam.

(14) Hoàng gia : họ hàng của vua.

(15) Bô lão : người già cả, người cao tuổi. (16) Áo dài lương : áo dài bằng vải the.

(17) Cái quả : đồ để đựng bằng gỗ, hình hộp tròn, bên trong chia thành nhiều ngăn, có nắp đậy

(18) Nam Trân : ngọc phương Nam, tên quả loòng boong do vua Gia Long đặt.

ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Cảnh rừng loòng boong được tác giả miêu tả bằng những từ ngữ, hình ảnh nào ? Qua cách miêu tả đó, em hiểu gì về tình cảm của tác giả đối với những cánh rừng loòng boong nói riêng và thiên nhiên cũng như quê hương Quảng Nam nói chung ?

2. Tìm những chi tiết có liên quan đến nhân vật Thận. Chi tiết nào làm em xúc động nhất ? Vì sao ? Qua những chi tiết ấy, em hiểu gì về nhân vật Thận ?

Ghi nhớ

Đất Quảng có những cánh rừng loòng boong đẹp, tràn đầy sức sống, có những con người anh dũng, nhân hậu, giàu lòng yêu quê hương đất nước, yêu loài vật.

Truyện có cách kể chuyện hấp dẫn, cách miêu tả sinh động.

LUYỆN TẬP

Hãy miêu tả (tái hiện) một cảnh tượng thiên nhiên nào đó ở quê em qua một đoạn văn ngắn giàu hình ảnh.

VỀ THÔI EM

Kết quả cần đạt

Một phần của tài liệu CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN ĐỊA PHƯƠNG CẤP THCS TỈNH QUẢNG NAM (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(89 trang)
w