Kiểu kết cấu nối kết các chi tiết rời rạc

Một phần của tài liệu Đặc điểm tư duy nghệ thuật truyện ngắn nguyễn huy thiệp luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 66 - 68)

Trong cuộc sống hiện nay, con người ý thức về cuộc sống của mình là một sự tồn tại trong thế giới vô hồn, vô nghĩa. Sự sống monh manh, dễ vỡ. Các ranh giới sự sống – cái chết, sự thật – giả dối, cao thượng – thấp hèn,… hết sức mong manh, nhiều khi đan xen, lẫn lộn vào nhau khó phân biệt. Chính vì thế, truyện ngắn hậu hiện đại không còn là lát cắt của cuộc sống mà đã và đang tiếp tục mở rộng giới hạn thể loại. Truyện ngắn đang có xu hướng tiểu thuyết hóa, với sự đa dạng các hình thức kết cấu, mục đích cuối cùng là để phát huy tối đa khả năng khám phá thế giới hiện thực, khám phá thế giới tâm hồn đầy phức tạp, bí ẩn của con người. Trong nhiều xu hướng phá bỏ giới hạn

của thể loại, truyện ngắn không xây dựng các chi tiết mang tính điển hình mà lựa chọn những chi tiết vụn vặt, rời rạc trong cuộc sống. Với xu hướng này, truyện ngắn vẫn giữ nguyên đặc trưng của nó là ngắn, nhưng lại có sức chứa của cả một cuốn tiểu thuyết. Một truyện ngắn có thể là câu chuyện của các một đời người, một dòng họ, trải qua một thời gian dài của lịch sử. Truyện ngắn vì thế không còn mang chức năng truyền tải, chuyên chở một chủ đề mà mỗi truyện ngắn có thể mang nhiều nội dung, nhiều chủ đề. Trong truyện ngắn, hình thức của cái nhìn là một dấu hiệu quan trọng của tư duy hậu hiện đại.

Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp xây dựng những câu chuyện về một thế giới con người bê tha, nhếch nhác. Con người luôn phải sống trong một thế giới bơ vơ, lạc lỏng. Thậm chí, con người phải sống với những bi kịch: Đi tìm cái đẹp thì gặp cái xấu xa, bỉ ổi. Đi tìm điều thiện thì gặp điều độc ác. Những kẻ trí thức có học thì dâm ô, dối trá, bịp bợm… Vì thế, Nguyễn Huy Thiệp không thể viết những truyện ngắn về con người với cả một quá trình để làm nổi bật tính cách của nhân vật. Nguyễn Huy Thiệp lựa chọn những chi tiết rời rạc, chắp nhặt trong cuộc sống để lắp ghép nên những truyện ngắn của mình. Truyện ngắn Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp được lắp ghép từ 7 phần, sắp xếp theo thứ tự: - Gia cảnh - Buổi sáng - Ngày giỗ - Buổi chiều - Ngày Tết - Buổi tối - Ngày thường. Trong truyện ngắn:

Chảy đi sông ơi cũng được lắp ghép từ 3 phần: đi tìm trâu đen – Chị Thắm – Trở lại bến sông,… Nguyễn Huy Thiệp không chỉ lắp ghép các chi tiêt, các sự việc vụn vặt để tạo thành một truyện ngắn hoàn chỉnh mà thậm chí, ở rất nhiều truyện khác, ông đã lấy từng chi tiết để viết nên một tác phẩm. Trong những truyện ngắn như: Đời thế mà vui, Những tiếng lòng líu la líu lo, Cà phê Hàng Hành, Không khóc ở Caliphocnia,… Mỗi truyện dường như chỉ là một tình huống, thậm chí chỉ là một sự nương theo một dòng tâm sự nhân vật để hoàn thiện tác phẩm. Có một số ý kiến từng đánh giá về Nguyễn Huy

Thiệp, những câu chuyện vặt vãnh, vô nghĩa, không có giá trị nhưng trong thực tế, người đọc phải tinh ý mới nhận ra được dụng ý nghệ thuật của tác giả. Những chi tiết vặt vảnh đó, chính là những mảnh ghép chân thực của cuộc đời. Truyện ngắn Nguyễn Huy thiệp vì thế vừa là tiểu thuyết, vừa là kịch, vừa là ký, vừa là thơ, vừa là lý luận phê bình,... Nói cách khác, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp không những là sự phá vỡ ranh giới thể loại mà còn là sự dung hợp của các thể loại.

Cùng với việc lựa chọn nhan đề, lựa chọn kiểu tình huống truyện, lựa chọn cốt truyện, lựa chọn chi tiết, Nguyễn Huy Thiệp đem đến cho thể loại truyện ngắn một hình thức mới mẻ về kết cấu truyện ngắn. Trên những bình diện đó, chúng tôi chỉ tập trung lựa chọn, phân tích tư duy nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ở bình diện kết cấu. Cách sử dụng các kiểu kết cấu trong việc phản ánh hiện thực của Nguyễn Huy Thiệp và xu hướng tiếp sau những thành công của nhà văn cho ta thấy, Nguyễn Huy Thiệp đã đặt những viên gạch đầu tiên để đưa truyện ngắn Việt Nam dịch chuyển sang hệ hình thi pháp truyện ngắn hậu hiện đại thế giới. Từ bình diện kết cấu cũng góp phần lý giải có nhiều xu hướng nghiên cứu tư duy sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp như: tư duy tiểu thuyết trong truyện ngắn, tư duy thơ trong truyện ngắn, tư duy kịch trong truyện ngắn,… Đó là sự thành công của Nguyễn Huy Thiệp nhưng cũng là sự đóng góp đáng kể của một nhà văn đối với nền văn học.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tư duy nghệ thuật truyện ngắn nguyễn huy thiệp luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 66 - 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w