Sự rối loạn ngôn từ

Một phần của tài liệu Đặc điểm tư duy nghệ thuật truyện ngắn nguyễn huy thiệp luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 88 - 93)

Sự rối loạn ngôn từ là một trong những đặc trưng của lối viết hậu hiện đại trong văn học thế giới và văn học Việt Nam sau đổi mới. Những rạn nứt

của xã hội đương thời tạo nên sự phá vỡ trật tự thời gian, sự vô tình nhại lại những giọng nói khác, sự phân mảnh, tính cách lỏng lẻo trong sự liên kết ý tưởng, đa nghi hoang tưởng và sự sáng tạo những cặp vòng tương tác đều là những biểu hiện của sự rối loạn ngôn từ là đặc trưng trong văn chương hư cấu hậu hiện đại.

Nguyễn Huy Thiệp không những là một cây bút truyện ngắn gặt hái được nhiều thành công đối với nền văn học Việt Nam, ông còn có những đóng góp nhất định đưa truyện ngắn Việt Nam tiếp cận với truyện ngắn hậu hiện đại thế giới. Một đặc điểm nổi bật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mang dấu ấn của xu hướng văn học hậu hiện đại chính là ở cách thức tổ chức lời văn: sự rối loạn ngôn từ. Trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, ngôn từ biểu hiện hết sức tùy tiện, phóng túng, không dễ nắm bắt. Đọc truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta nhận thấy, nhiều khi ông sử dụng lối nói cộc lốc sắc bén mà hàm súc, chứa năng lượng bùng nổ dữ dội. Khi Nguyễn Huy Thiệp liên tiếp cho ra mắt bạn đọc những truyện ngắn của mình, truyện ngắn cũng đã chính thức bước vào một thời đại mới. Truyện ngắn chứng kiến sự tan rã của các chân lý phổ quát, những ước lệ, khuôn sáo, nơi đó con người thực tế với cuộc sống của mình hơn. Một đặc điểm khác, trong các truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chính là ngôn từ mang tính khẩu ngữ cao. Nguyễn Huy Thiệp cũng đã từng bày tỏ quan điểm về sử dụng ngôn ngữ của ông: “Tôi được học (những người nông dân) bằng thứ ngôn ngữ thiết thực kiểu như sau: - Cu ái nấy đái – Trây thì lấy dây mà dắt, người thì lầy… mà lôi – Mặt nào

ngao ấy – Sướng con cu mù con mắt”. Sau này, khi tìm thấy những thứ văn chương bác học tôi không tìm thấy thứ ngôn từ thiết thực ấy nữa. Tôi rất phân vân giữa cách diễn đạt nông dân kia với cách diễn đạt bác học thì nên lựa chọn cách nào?”.

Trong thực tế sáng tác ta cũng nhận ra điều đó. Nguyễn Huy Thiệp vừa dùng thứ ngôn ngữ bác học vừa dùng thứ ngôn ngữ bình dân. Tuy nhiên, điều đang nói là Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng ngôn ngữ rất sáng tạo, linh hoạt. Khi sử dụng ngôn ngữ bác học, Nguyễn Huy Thiệp chứng tỏ mình là một bậc nhà nho uyên thâm. Trong những truyện ngắn như: Giọt máu, Thương nhớ đồng quê, Thương cả cho đời bạc, Chút thoáng Xuân Hương… là những truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp dùng nhiều từ Hán Việt, nhiều thi thư cổ độc đáo, hiệu quả nghệ thuật cao. Đặc biệt trong truyện ngắn Sang sông, Tội ác và trừng phạt, Nguyễn Huy Thiệp còn chứng tỏ một con người am hiểu về đạo Phật. Nguyễn Huy Thiệp sử dụng nhuần nhuyễn những câu chuyện nhà Phật, như chuyện Huệ Khả giác ngộ,... thậm chí bài tụng của kinh phật cũng được sử dụng vừa như một phần trữ tình ngoại đề của tác phẩm. Rõ ràng việc sử dụng ngôn ngữ bác học đã chứng tỏ Nguyễn Huy Thiệp vừa là một bậc túc Nho, vừa là một nhà tiên tri đã “Ngộ” đạo. Nhưng dường như trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, những ngôn ngữ bình dân vẫn thể hiện rõ hơn cá tính sáng tạo của nhà văn. Nguyễn Huy Thiệp khẳng định là một ngòi bút tài tình khi sử dụng ngôn ngữ để khắc họa tính cách nhân vật. Trong Những bài học nông thôn, chỉ một đoạn văn ngắn, Nguyễn Huy Thiệp đã làm nổi bật tính cách từng số phận con người: “Chị Hiên hỏi tôi: “Hiếu ăn có no không?” Tôi gật đầu: “Em ăn được bốn bát. Ở Hà Nội em chỉ ăn ba bát”. Mẹ Lâm bảo: “Trai tráng ăn bốn bát thì hèn. Ông nhà tôi phải chín bát lèn chặt. Tôi cũng sáu bát mới đủ no”. Chị Hiên bảo: “Con chịu u. Con chỉ ba bát là hết nước”. Bà Lâm bảo: “ăn đi con ạ. Đàn ông nó chẳng thương mình đâu. Rượu thì nó

ngồi mâm trên. Ngủ thì nó đè lên mình”. Bố Lâm gắt: “Bà lão hay nhỉ!” Bà Lâm lẩm bẩm: “Hay con mẹ mày! Tao tám mươi tuổi đi nói sai à?”. Bà của Lâm là một người phụ nữ trong những lời nói đều rất tục nhưng lại rát giàu triết lý của một người đã sống qua gần thế kỷ. Bố Lâm, lời nói ngắn gọn thể hiện một con người lam lũ, vất vả nhưng cộc cằn. Mẹ lâm, lại là lời nói của một người phụ nữ - người mẹ vừa hiếu khách, vừa chân tình, vừa trách nhiệm. Chị Hiên lời nói suồng sã, thể hiện một người con gái thôn quê hồn nhiên, vô tư. Trong Những người thợ xẻ, ta thấy lời nói của nhân vật Bường trong cách xưng hộ với chị Thục liên tục thay đổi cách xưng hô. Khi mới gặp, Bường nói: “Chó ngựa thì có chọn chủ bao giờ. Bà chị ơi, bà chị có thương chúng em là loài súc vật thì mách đường đi đến nhà ông Thuyết ấy”; hay: “Anh Bường bảo: “Tay ấy cũng cao nhân đấy, bà chị ạ. Hắn nói chuyện với mình hệt như nói với thằng Không, thế là hắn cũng đắc đạo. Hắn có cho em cãi hắn một câu nào đâu?” sau khi chị Thục cứu giúp Ngọc thì lại gọi: “Tất cả chúng mày quỳ xuống lạy hai bác đây bốn lạy. Hai bác không nhận thì tất cả đập đầu vào đá tự tủ cho tao. Người ta không coi chúng mình là người nữa đâu” có khi: “Em xin nghe lời bà chị”. Qua những lời nói của Bường, chúng ta có thể nhận ra Bường là một tay anh chị, một con người khôn ngoan, lộc lõi, một con người từng trãi trong chốn giang hồ… Có thể nói, Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng ngôn từ hết sức linh hoạt. Không những thế, trong một số truyện ngắn của mình, Nguyễn Huy Thiệp còn kết hợp sử dụng cả ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ của người bình dân. Ngôn ngữ trong truyện ngắn Những bài học nông thôn, lời nói của thầy giáo Triệu cho thấy tài năng sử dụng ngôn từ của Nguyễn Huy Thiệp. Có thể nói, đúng như lời của thầy giáo Triệu: “Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn”. Nhưng đó là một con người được truyền bá thứ ngôn ngữ của xã hội thượng lưu hiện đạ.

Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, không chỉ là sự rối loạn giữa ngôn từ bác học và ngôn từ nông dân mà còn có sự rối loạn giữa ngôn từ hiện thực trần trụi với ngôn từ giàu chất trữ tình. Khi sử dụng ngôn từ trong phản ánh hiện thực ta thấy Nguyễn Huy Thiệp là một ngòi bút hiện thực sắc sảo, lạnh lùng, thậm chí có khi vô cảm, kiêu bạc. Trong Những người thợ xẻ, khi dùng ngôn ngữ của Bường: “Tôi rùng mình vì trông thấy khuôn mặt ông ta: mặt đen mà tái như da ở bìu dái, lông mày rậm, răng vẩu mà vàng như răng chó”. Trong Sang sông, Nguyễn Huy Thiệp miêu tả thái độ và hành động của chàng trai: “Chàng trai bực mình rút tay khỏi lòng cô gái. Anh len lén chùi tay vào khe ván đò nhưng không làm sao gạt được sợi lông loăn xoăn dính ở ngón tay. Ngay lúc ấy, một ý nghĩ hiện lên khiến anh tự dưng cáu bẳn. Anh ngồi nhích xa cô gái:

- Đàn bà...quỷ sứ...Tất cả đều chẳng ra gì... Bẩn thỉu...”

Trong những truyện ngắn của mình, nhiều khi Nguyễn Huy Thiệp sử dụng ngôn từ mà khiến người đọc cứ có cảm giác rờn rợn, ghi sợ. Trong Tướng về hưu, là lời của ông Bổng: "Thế là chị thương em nhất. Cả làng cả họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người", có khi lại: "Mất mẹ bộ xa lông. Ai lại đi đóng quan tài bằng gỗ dổi bao giờ? Bao giờ bốc mộ, cho chú bộ ván". Không có vua, trong đoạn đối thoại giữa anh em trong nhà khi ông bố nằm viện: “Đoài bảo: "Tôi nghĩ bố già rồi, mổ cũng thế, cứ để chết là hơn". Tốn khóc hu hu. Cấn hỏi: "ý chú Khảm thế nào?" Khảm bảo: "Các anh thế nào thì em thế". Cấn hỏi: "Chú Khiêm sao im thế?" Khiêm hỏi: “Anh định thế nào?" Cấn bảo: "Tôi đang nghĩ”. Đoài bảo: "Mất thì giờ bỏ mẹ. Ai đồng ý bố chết giơ tay, tôi biểu quyết nhé". Hay lời của chú Hảo trong Đời thế mà vui: “Đồ đĩ! Đồ mặt chó! Nói thế cũng nói!”. Có thể nói, khi cần phản ánh hiện thực, Nguyễn Huy Thiệp sử dụng một “kênh” ngôn từ mang tính khẩu ngữ. Thậm chí, Nguyễn Huy Thiệp

còn sử dụng những hệ thống từ dâm tục, đa dạng và hết sức phong phú. Tuy nhiên, trong đặc điểm về ngôn từ, Nguyễn Huy Thiệp không chỉ sử dụng vồn ngôn từ tài hiện về hiện thực sắc lạnh, ông còn sử dụng ngôn từ hết sức sáng tạo và linh hoạt nên giàu chất trữ tình. Chất trữ tình trong ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thể hiện ngay ở nhan đề của tác phẩm: Sang sông, Thương nhớ đồng quê, Những tiếng lòng líu la líu lo, Hạc vừa bày vừa kêu thảng thốt, Chút thoáng Xuân Hương,… Trong miêu tả những hình tượng nghệ thuật cũng giàu thi vị: “con sông tựa như giật mình phút chốc sau đó lại lặng im trôi, giống như một người hiểu biết tất cả nhưng đang mãi mê suy nghĩ, chẳng cần mà cũng chẳng thèm biết đến xung quanh chộn rộn những gì”. Trong Người con gái thủy thần, Nguyễn Huy Thiệp cũng sử dụng những câu văn tha thiết: “trước mặt tôi, dòng sông đang thao thiết chảy. Sông chảy ra biển. Biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển mà tôi đã sống nửa cuộc đời rồi đấy… Tôi đứng lên đi về nhà. Ngày mai tôi đi ra biển, Ngoài biển không có thủy thần. Nguyễn Huy Thiệp còn sử dụng cả ngôn ngữ giàu chất trào phúng. Trong Không có vua, một đoạn đối thoại, Nguyễn Huy Thiệp viết: “Sinh bưng mâm xuống bếp. Khảm bảo : "Ngày xưa được phong thần dễ nhỉ?" Lão Kiền bảo: "Đừng nghe nó". Đoài bảo: "Lại có chuyện thế này. Nhà kia có cô con dâu, bố chồng bóp vú cô ta. Đứa con trai hỏi: "Sao ông bóp vú vợ tôi?" Ông bố bảo: "Để trừ nợ. Thế hồi xưa sao mày bóp vú vợ tao?”. Nghe nói những người này cũng được phong thần". Cấn bảo: “Chuyện của chú, tôi chẳng hiểu gì". Lão Kiền bảo: “Đừng nghe nó". Trong Những bài học nông thôn, câu chuyện của chị Hiên: “Chị Hiên ngừng một lát rồi bỗng bật cười: “Có mấy tay thanh niên ở bên Duệ Dông đứng sau chúng tôi. Một tay dí chim vào đít cái Lược. Cái Lược bảo: “Làm gì thế?” Tay này cũng dơ, nói thản nhiên: “Làm chủ nhiệm hợp tác”. Cái Lược mắng: “Thôi đi chứ”. Tay này lại bảo: “Nhân dân tín nhiệm thì tôi còn làm”. Xung quanh cười ồ. Cái Lược chạy ra ngoài,

đằng sau quần ướt đẫm. ả sợ quá, chỉ sợ chửa thì chết, thế là vể nhà vứt ngay cái quần xuống ao”. Qua những câu văn của Nguyễn Huy Thiệp, người đọc vừa có thể nói cười ra nước mắt, vì sự đảo lộn trật tự đạo lý trong gia đình, vì sự ngây thơ, chất phác, thậm chí cổ hủ của người nông dân. Quả thật, trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là một bức tranh đa sắc màu về ngôn ngữ.

Đọc truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta thấy, nhà văn đang lao vào một cuộc chơi với sự thật ở đời, một cuộc chơi với trò chơi ngôn ngữ. Với cách nhìn về hiện thực đa chiều, Nguyễn Huy Thiệp đã huy động tất cả những khả năng của tiếng Việt. Thông qua ngôn ngữ, Nguyễn Huy Thiệp đối thoại với bạn đọc. Sự rối loạn ngôn từ là đặc trưng của nghệ thuật ngôn từ trong truyện ngắn hậu hiện đại thế giới. Ở Việt Nam, Nguyễn Huy Thiệp là người đã có những thử nghiệm và mang lại những thành công nhất định. Đọc truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp khó nắm bắt, khó chiếm lĩnh, bởi truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vừa là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ kinh điển, vừa lag những “lời quê chắp nhặt dông dài” của người nông dân. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vừa hiện thực, vừa lãng mạn, vừa trào phúng. Trên hành trình đổi mới, đến Nguyễn Huy Thiệp mới đủ tài năng và bản lĩnh để có những thử nghiệm về ngôn từ.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tư duy nghệ thuật truyện ngắn nguyễn huy thiệp luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 88 - 93)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w