Tính triết lý là một đặc trưng nổi bật trong ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Bức tranh hiện thực cuộc sống được Nguyễn Huy Thiệp khắc họa đầy đủ từ cái nhìn đa chiều, đa diện. Nguyễn Huy Thiệp đào sâu vào quá khứ của lịch sử, “sục tung trong bùn” của cuộc sống hiện tại. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là một cái nhìn soi chiếu vào mọi ngõ ngách của đời sống vốn nhiều phức tạp và bí ẩn. Những Nguyễn Huy Thiệp không phơi bày hiện thực như nhiều người vẫn đánh giá ông thiếu chữ tâm. Thực ra, từ hiện thực đó, Nguyễn Huy Thiệp đã rút ra những triết lý về cuộc đời, về văn chương
nghệ thuật và về con người. Để truyện ngắn của mình mang những triết lý sâu sắc, Nguyễn Huy Thiệp đã lựa chọn một hình thức ngôn ngữ nhiều màu sắc nhưng có tính triết lý cao.
Những truyện ngắn như: Người con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Những bài học nông thôn, Thương nhớ đồng quê, Sống dễ lắm,… Nguyễn Huy Thiệp để nhân vật của mình bộc lộ triết lý sắc sảo về cuộc đời, về con người. Trong Những người thợ xẻ, mỗi lời nói của nhân vật Bường đều mang những triết lý về cuộc đời. Đó là triết lý về tình yêu: “Tình bao giờ cũng lung tung. Người ta chỉ xót nó khi nó tuột khỏi tay thôi”. Đó là triết lý về dục vọng “Tất cả những tiếng kêu trong đêm đều là tiếng kêu bệnh hoạn của dục vọng suy đồi. Tình mẫu tử không bao giờ gào toáng lên thế. Tình mẫu tử là thứ nước mắt chảy ngược vào lòng, nó bào tan nát ruột gan ra, hoặc nó biến thành máu để bắt cơ thể làm việc, buộc phải đẻ ra một sản phẩm vật chất cụ thể thiết thực, không hề phù phiếm”. Đó là triết lý về đàn bà và lòng tin đối với đàn bà: “Đàn bà ấy, chúng mày ạ, không nên bao giờ đặt lòng tin vào chúng. Chúng tàn bạo trong chính sự ngây thơ trong trắng của chúng. Chúng gây ra cho người ta hy vọng, ham muốn, chờ đợi; rốt cuộc, ta cứ mòn mỏi đi cho đến khi nhắm mắt xuôi tay”; hay: “Đàn bà lạ lắm. Cái gì thuộc về họ thì họ hành hạ đến nơi đến chốn, họ chỉ quý thứ tình gió đưa thôi. Bởi vậy, sống ở đời, khốn nạn nhất là thằng đàn ông nào trở thành vật sở hữu của đàn bà”; hay về bướm: “Ai lại đi tính tuổi cho bướm bao giờ. Một bà già hay một cô gái đều hệt như nhau”. Đó là triết lý về đồng tiền: “Lao động chân tay, em ạ, không thể lấy chính trị động viên được, chỉ lấy tiền và gái thôi, đấy mới là thuốc bổ chứ. Chủ nghĩa tư bản nó có cái đểu là lấy tiền và gái để bóc lột giá trị thặng dư, nó làm cho các bác vô sản nhà ta mất hết của cải và tinh lực”. Trong lời nói của Bường còn có cả triết lý về khoa học và cái đẹp: “khoa học về cái đẹp là thứ hết sức vô hình không có thực… tôi có quyển sách của mọt tay
Trecnôbưn nào đó nói: Cái đẹp là cuộc sống “điều ấy ẩn chứa một nụ cười lớn lao”. Lới nói của Bường là lời nói của một tay anh chị, lổ mãng, vô học nhưng rất minh triết. Rõ ràng, Nguyễn Huy Thiệp để một nhân vật như Bường phát ngôn về những triết lý về cuộc đời ta cũng thấy được dụng ý nghệ thuật sâu xa của tác giả. Cuộc sống luôn chứa những điều bí ẩn, trong những con người như Bường, như tên tướng cướp (trong Sang sông),… đều ẩn chứa những giá trị cuộc sống tốt đẹp mà nhiều khi chúng ta không thấy được. Ở đời cần phải có cái nhìn đa chiều chứ không thể lấy cái nhìn đơn giản xuôi chiều để khám phá về hiện thực cuộc sống vốn dĩ rất mơ hồ, bí ẩn. Trong Những bài học nông thôn, là triết lý của người từng trãi của một con người suốt đời cơ cực, lầm lũi như bà của Lâm: “ăn đi con ạ. Đàn ông nó chẳng thương mình đâu. Rượu thì nó ngồi mâm trên. Ngủ thì nó đè lên mình” hay “ác tâm mới sợ chứ ác khẩu có gì mà sợ”. Triết lý của thầy giáo Triệu về đàn bà: “đàn bà không cần lòng cao thượng. Đàn bà cần cảm thông với vuốt ve, cần giúp dỡ bằng tiền mặt. Đấy là tình yêu. Lòng cao thượng chỉ dành cho nhà chính trị. Chính trị mà không cao thượng thì hãi lắm, chính trị là chỗ người ta nhìn vào để yên tâm sống”; về sự ngu dốt: “tôi hiểu sâu sắc sự ngu dốt của bọn có học tai hại thế nào, vừa phản động, nó vừa nguy hiểm, lại vừa mất dạy. Sự ngu dốt của bọn có học tởm gấp vạn lần so với ở người bình dân”; về chính trị “thời loạn dứt khoát phải có một nền thống trị bá đạo. Còn thời bình, đường lối chính trị bá đạo sẽ đưa dân tộc đến thảm họa. Chỉ có một nền chính trị vương đạo, dân chủ, tín nghĩa và văn hóa đạo đức cao mới làm cho đất nước phồn vinh”.
Có thể nói, khi triết lý về cuộc đời và con người, Nguyễn Huy Thiệp đều muốn đẩy nhân vật của mình ra để thay những lời phát ngôn. Nguyễn Huy Thiệp không triết lý bằng thứ ngôn ngữ bác học mà bằng thứ ngôn ngữ
rất đỗi bình dị thôn quê, thậm chí dâm tục. Không dừng lại ở đó, Nguyễn Huy Thiệp còn có nhiều triết lí về văn chương nghệ thuật.
Khi cơn bão táp qua đi, Nguyễn Huy Thiệp đã tự khẳng định được giá trị những truyện ngắn của mình. Một điều dễ nhận thấy, hầu hết những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đều chứa đựng một hoặc vài lời triết lý của ông về văn chương. Điều đó chứng tỏ, Nguyễn Huy Thiệp là người hay trăn trở về văn chương và ý nghĩa của nó. Những triết lý đó, được phát biểu gián tiếp qua các nhân vật, qua tình huống truyện hoặc đôi khi phát biểu một cách trực tiếp. Với Nguyễn Huy Thiệp, văn chương không đơn giản và rành mạch. Cái nhìn của ông về văn chương có gì đó rất phức tạp - phức tạp như chính cuộc đời, khi thì “văn chương là thứ bỉ ổi nhất” (Chút thoáng Xuân Hương), khi thì “văn chương có cái gì từa tựa lẽ phải” (Giọt máu), khi thì: “văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn chương hành nghề kiếm sống, có thứ văn chương sửa mình, có thứ văn chương trốn đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn” (Giọt máu). Với Nguyễn Huy Thiệp, văn chương là một thế giới đầy bí ẩn, như “con gái thuỷ thần” chợt ẩn, chợt hiện: “Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì? Bởi lẽ gì? Cho tôi mượn màu son phấn ra đi”. Những triết lý về văn chương được Nguyễn Huy Thiệp thể hiện qua lời của nhân vật - cái nhìn của những nhà chính trị. Văn chương và chính trị là một mối quan hệ hết sức nhạy cảm - một vấn đề mà mọi người đều tránh né. Nguyễn Huy Thiệp lại liều lĩnh cứ xông thẳng vào mảnh đất đó. Ở truyện Trương Chi, Chút thoáng Xuân Hương,… Nguyễn Huy Thiệp để nhân vật của mình lẳng lặng ném ra cho người đọc những quan niệm về văn chương. Lời nói của tri huyện Thặng trong Chút thoáng Xuân Hương: “Hách chứ, Thặng giơ ngón tay như quả chuối nắm ra trước Ấm Huy. Không hách để văn chương các chú làm loạn à? Văn chương là miếng đất nghịch”. “Văn chương làm loạn” - Nó làm loạn trong tiềm thức của con người - một cuộc nổi loạn mà không có một thế lực
nào có thể dập tắt được. Chính Thặng đã khẳng định: “Dân quen nô lệ, luật cứ ngặt nghèo, nghiêm khắc là xong. Không có bàn bạc gì cả”. Nhưng Thặng lại phải “hách” với văn chương – tức là Thặng sợ! Đó cũng là tâm sự của Nguyễn Phúc Ánh trong Kiếm sắc: “Ta ghét bọn chữ nghĩa thôi. Chữ nghĩa chúng nó thối lắm, ngụy biện, xảo trá, tinh vi… Hành tung chúng ta chẳng lo. Toàn lũ ấm o như dòi chó, hèn mọn cả. Chúng nó quen tỉ tê với chữ nghĩa sẽ coi ta là vô đạo, không có tâm thế. Rửa đầu óc chúng nó, ta mệt lắm”. Nói là “ta chẳng lo” nhưng lại muốn “rửa đầu óc chúng nó”, tức là Ánh cũng sợ.
Thể hiện những quan niệm văn chương qua con mắt của những nhà chính trị, Nguyễn Huy Thiệp không hề có ý muốn đối lập chính trị với văn chương. Thật ra, Nguyễn Huy Thiệp luôn ý thức văn học phục vụ chính trị. Nguyễn Huy Thiệp còn trực tiếp phát biểu những triết lý của mình về văn chương. Cuối truyện Kiếm sắc, Nguyễn Huy Thiệp đã khái quát về công việc viết văn của mình: “Công việc viết văn vốn rất nhọc nhằn, phức tạp, lại buồn tẻ nữa”. Nhọc nhằn, phức tạp vì văn Nguyễn Huy Thiệp không phải là thứ văn dễ dãi. Người ta viết văn như một sự giải thoát. Nguyễn Huy Thiệp viết như một sự chất vấn chính mình – chất vấn về nghĩa lý của văn chương, về ý nghĩa của cuộc đời cầm bút. Trang viết của ông như một sự trăn đi trở lại, như một sự dằn vặt, cào xé chính mình: “Ở trường Đại học, tôi đã thuyết giảng về sự vô minh của con người và thế giới, lòng khao khát của cá nhân tôi với cuộc sống mà thượng đế đã ban cho. Giờ nhớ lại những điều tôi nói hôm ấy thật xa xỉ và phù phiếm, thậm chí dối trá” (Quan Âm chỉ lộ). Nguyễn Huy Thiệp sợ mình trở thành một thằng lừa đảo. Ông đau đớn nhận ra thứ văn chương sự thật của mình đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho người đời: “Văn chương là thứ bỉ ổi nhất. Nó gây ra sự nổi lọan trong đời thường. Cuộc đời trôi đi đơn giản. Day đi dứt lại để làm gì? (Chút thoáng Xuân Hương). Nhưng rồi, ông không thể làm khác được. Ông không thể viết ra thứ văn chương dễ dãi, sẵn sàng ca
ngợi, tung hô, sẵn sàng dối trá. Ông thà để người ta đau đớn trong đời thật còn hơn chìm đắm trong thứ hạnh phúc giả tạo. Thật ra mà nói, đó cũng là một sự lựa chọn đầy khó khăn của Nguyễn Huy Thiệp.
Nguyễn Huy Thiệp suốt đời kiếm tìm nghĩa lý của văn chương, nhưng ít khi nào ông phát biểu một ý nghĩa rõ ràng về văn chương. Và đây là một trong số những định nghĩa hiếm hoi của Nguyễn Huy Thiệp – hiếm hoi và khác thường: “Văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa. Đó là chí thành” (Giọt máu). Nguyễn Huy Thiệp thì khác, bất chấp hết, ngập trong bùn rồi còn sục tung lên. Từ “bùn” chuyển sang “bướm và hoa” là một sự lột xác đầy phiêu lưu, mạo hiểm. Vì nếu không khéo sẽ dễ dàng ngập sâu trong vũng bùn. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp đã chấp nhận cuộc phiêu lưu này. Ông cứ ung dung mà đi tiếp con đường của mình.
Tư duy nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thể hiện cái nhìn về hiện thực cuộc sống ở nhiều chiều. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vừa khám phá lịch sử, vừa khám phá huyền thoại, vừa khám phá hiện thực để phơi bày một xã hội dung tục, suy đồi và đảo lộn về mọi giá trị đạo lý, mọi trật tự xã hội. Nguyễn Huy Thiệp phá bỏ cái nhìn sử thi để khám phá và phát hiện về con người, có cả sự tha hóa trước xã hội hiện đại, có cả sự ấu trĩ mơ hồ của con người trước những đổi thay của cuộc sống. Lựa chọn hình thức nghệ thuật mang dấu ấn của truyện ngắn hậu hiện đại thế giới đã làm nên những “ma lực” truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Thực chất, truyện ngắn đang mở rộng giới hạn thể loại, đang thâm nhập lẫn nhau, đa dạng các hình thức kết cấu, mục đích cuối cùng là để phát huy tối đa khả năng khám phá thế giới hiện thực, khám phá thế giới tâm hồn đầy phức tạp, bí ẩn của con người. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã mở ra một xu hướng, một trào lưu sáng tác mới trong truyện ngắn Việt Nam thời kỳ đổi mới.
KẾT LUẬN
1. Tư duy nghệ thuật là một khái niệm quen thuộc đối với giới nghiên cứu, người sáng tác và cả bạn đọc. Kể từ sau 1986, khảo sát, nghiên cứu về thể loại nào, tác giả nào, người nghiên cứu vẫn thường đề cập đến sự đổi mới về tư duy nghệ thuật. Tuy nhiên, tư duy nghệ thuật truyện ngắn vẫn là một khái niệm được dùng theo thói quen trong quá trình sử dụng. Trên cơ sở những quan điểm, ý kiến của các nhà lý luận, các nhà nghiên cứu, chúng tôi xác định phạm vi và những đặc điểm của tư duy nghệ thuật thể loại truyện ngắn. Tư duy nghệ thuật truyện ngắn được biểu hiện trên hai bình diện: đó là tư duy về nhận thức, lý giải về hiện thực đời sống, về con người và tư duy về cách thể hiện, phản ánh nhận thức, lý giải, quan điểm của nhà văn về hiện thực đời sống. Ở bình diện nhận thức, lý giải về hiện thực đời sống, tư duy của nhà văn thời kỳ đổi mới là hiện thực phức tạp, bề bộn, với những đổ vỡ, những mảnh ghép trong đời sống con người. Ở bình diện phản ánh, thể hiện, tư duy truyện ngắn được hình thành trên cơ sở đặc trưng cơ bản của thể loại nhưng có những thay đổi trong hệ hình truyện ngắn hậu hiện đại, từ hình thức kết cấu, hệ thống nhân vật đến tổ chức lời văn.
2. Hơn mười năm là nghề giáo trên các bản mường Tây Bắc đã làm mất đi chất lãng mạn, hào hoa của người Hà thành, để rồi khi về lại mang theo chất bụi bặm đời thường, trần trụi, hoang sơ và nhiều bí ẩn. Thế nhưng, đó lại là khoảng thời gian cần thiết để một tài năng Nguyễn Huy Thiệp ấp ủ đến độ
chín. Tiếp sau Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp chứng tỏ vai trò của người tiếp sức dẻo dai và táo bạo. Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là minh chứng cho sự thành công của Nguyễn Huy Thiệp và truyện ngắn Việt Nam bước đầu tiếp cận với hệ hình thi pháp truyện ngắn hậu hiện đại thế giới. Những thể nghiệm của Nguyễn Huy Thiệp không chỉ khẳng định tài năng nghệ thuật với những cách tân mạnh mẽ mà còn phá vỡ những quan niệm đã ăn sâu trong tư duy của nhiều thế hệ nhà văn trước đó.
3. Khảo sát, nghiên cứu Đặc điểm tư duy nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trên cả bình diện cách nhìn về hiện thực cuộc sống và cách thể hiện trong nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Chúng tôi nhận thấy, Nguyễn Huy Thiệp nhìn về hiện thực cuộc sống ở nhiều chiều. Nguyễn Huy Thiệp phân tích, chiêm nghiêm về hiện thực từ chiều sâu của lịch sử. Nguyễn Huy Thiệp sử dụng yếu tố kì ảo để khám phá những bí ẩn trong đời sống tâm linh con người. Nguyễn Huy Thiệp mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật để phơi bày trước mắt người đọc một hiện thực cuộc sống vừa có cả sự dung tục, suy đồi vừa có cả sự hoang sơ, trì động. Vì thế, hình tượng cuộc sống trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là một thế giới vừa hiện thực sắc lạnh vừa trữ tình sâu lắng. Nguyễn Huy Thiệp đã lựa chọn một hình thức nghệ thuật phù hợp với những khám phá về hiện thực cuộc sống. “Ma lực” từ truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp xuất phát từ chính tư duy nghệ thuật của ông. Thành công của Nguyễn Huy Thiệp đã mở đường cho sự xuất hiện của các nhà văn trẻ, tài năng như: Phan Thị Vàng Anh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu,…
4. Qua khảo sát, tìm hiểu Đặc điểm tư duy nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, ta phát hiện nhiều thông điệp khác nhau ẩn chứa sau mỗi con chữ, qua mỗi hình tượng nhân vật. Đó là quan niệm về con người, về thế giới, và cả những sự chiêm nghiệm về nhân sinh. Truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp đã thể hiện rõ quan niệm của ông về con người “không thể thương con người những không thể không thương con người”. Nguyễn Huy Thiệp kiêu bạc trong văn phong, sắc lạnh trong cách nhìn nhưng đằng sau đó người đọc