Phát hiện mới mẻ từ cái nhìn đa chiều, đa diện về hiện thực

Một phần của tài liệu Đặc điểm tư duy nghệ thuật truyện ngắn nguyễn huy thiệp luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 57 - 60)

Nguyễn Huy Thiệp phản ánh về hiện thực xã hội đương thời với cái nhìn đa diện, đa chiều để phơi bày tất cả cái ác, cái xấu, cái ti tiện bên trong con người đang từng bước hiện hình. Không phơi bày cái xấu thì dĩ nhiên không thể thấy được cái cao cả, cái đẹp, cái thiện vẫn là một mạch ngằm không dứt trong cuộc đời. Trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp chúng ta vẫn luôn nhận ra những nhân cách cao đẹp, những tâm hồn thánh thiện và sáng trong. Quả thật “trong bức màn tối, ông nhìn thấy và chăm chút cho những mầm thiện nhỏ bé, những đốm lửa kì diệu của thiên lương, những thứ ông tin rằng sẽ có đủ sức mạnh cần thiết để đương đầu với bóng tối đang ngự trị trên thế giới, cải tạo và làm trong sáng cuộc sống con người” [32]. Trong cái nhìn nghịch dị ấy, Nguyễn Huy Thiệp ẩn dấu vẻ đẹp của thiên lương trong những con người thiểu năng. Cô Lài trong Tướng về hưu dù gàn dở, ngờ nghệch nhưng tình cảm đối với mọi người, hành động trong cuộc sống lại hết sức trong sáng và chân thực. Bé Tốn trong Không có vua dù thiểu năng vẫn giữ một tâm hồn thánh thiện khi đối xử với Sinh bằng lòng tốt vô bờ bến và cũng chỉ có nó là không chịu được bẩn, lúc nào cũng lau sàn hay là lau đi cái bạc ác của thế gian. Nguyễn Huy Thiệp cũng đặt niềm tin vào cuộc đời qua những nhân vật nữ: nhân hậu và cao thượng. Chị Thắm trong Chảy đi sông ơi

cứu không biết bao nhiêu người chết đuối, khi nghe chú bé trách bọn đánh cá đêm độc ác, chị nói với em: “Đừng trách họ thế… Có ai thương họ đâu”. Đó là tấm lòng bao dung sẵn sàng mở ra thông cảm với mọi người, kể cả kẻ ác. Nàng Sinh trong Không có vua vẫn giữa được cái nhìn đầy thương cảm: “Khổ chứ. Nhục lắm. Vừa đau đớn vừa chua xót nhưng thương lắm”. Ba chữ

“nhưng thương lắm” thổi vào mảnh đất cằn cỗi nhà lão Kiền làn gió mát rượi của sự yêu thương. Xây dựng nhân vật với những tấm lòng cao thượng, những nhân cách cao đẹp, Nguyễn Huy Thiệp luôn đặt niềm tin mãnh liệt vào cuộc đời dẫu còn nhiều đằng cay ngang trái nhưng có thể cải tạo được. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn để cho một nhân vật của mình nói rằng: “Nghĩa tình lại chuộc nghĩa tình. Vô sự với tạo hóa, trung thực đến đáy, dù có sống giữa bùn, chẳng sợ không xứng là người” (Những người thợ xẻ).

Bản thân mỗi con người không hề đơn giản một chiều mà sâu kín, rối rắm, nhiều chiều kích. MiLan Kundra nói: Con người là hiển minh của lưỡng lự”. Con người có lúc là thần thánh song cũng có lúc là quỷ dữ. Con người dẫu lương thiện cũng có lúc suy nghĩ đê tiện. Những con người có hành động độc ác lại có lúc lấp lánh trong tâm hồn ánh sáng của thiên lương. Cho nên “không nên chỉ đơn giản phân loại con người theo hai khu vực rạch ròi: tốt và xấu”[33]. Kiểu nhân vật đan xen giữa trắng và đen, thật và giả ấy văn học gọi là nhân vật lưỡng diện là một thành công và thể nghiệm mới của Nguyễn Huy Thiệp trong cách nhìn về con người. Nguyễn Huy Thiệp đã len lỏi vào những nẻo sâu kín nhất trong nội tâm nhân vật, nhìn thấy những biểu hiện dù nhỏ nhất lóe lên trong tâm hồn họ. Từ ông Bổng trong Tướng về hưu

đến lão Kiền trong Không có vua, Bường trong Những người thợ xẻ đều đáng thương hơn đáng ghét. Cách viết, cách nhìn của Nguyễn Huy Thiệp đã chạm được đến chỗ trung thực nhất trong bản chất con người. Đã khám phá được con người ở chiều sâu nhân bản nhất.

Nguyễn Huy Thiệp vẫn tỏa sáng trên văn đàn Việt Nam như một tên tuổi lớn, như một nhà văn có chân tài. Điều đáng quý ở Nguyễn Huy Thiệp là lòng dũng cảm. Dũng cảm nhìn vào sự thật để trình bày hiện thực đúng theo những gì mình thấy, những gì mình nghĩ. Đọc truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta nhận ra: “Cuộc sống như một dòng sông, có cả sự trong veo

tinh khiết đến ngỡ ngàng của nước, có cả rác rưởi đang trôi”. Nguyễn Huy Thiệp lặng lẽ với những trăn trở, suy tư về con người. Với cách nhìn đa chiều, đa diện về hiện thực xã hội, về cuộc sống con người, Nguyễn Huy Thiệp đã viết được những áng văn “giản dị và trung thực về con người”[33].

Mặt khác, đổi mới quan niệm về con người, quan niệm về nghệ thuật, đổi mới cách nhìn, cách nghĩ về hiện thực cuộc sống, Nguyễn Huy Thiệp đem đến cho người đọc một hiện thực ngổn ngang, bề bộn của cuộc sống hôm nay. Phá bỏ cái nhìn sử thi để khám phá và phát hiện về con người, có cả sự tha hóa của con người vì xã hội hiện đại, có cả sự ấu trĩ mơ hồ của con người về cuộc sống. Nguyễn Huy Thiệp thể hiện một cái nhìn về con người mang màu sắc của văn học hậu hiện đại thế giới. Qua cái nhìn về hiện thực cuộc sống, về con người ta cũng thấy được chiều sâu nhân bản trong cái nhìn của Nguyễn Huy Thiệp. Hiện thực cuộc sống hiện lên trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vừa để lại một nỗi ám ảnh khôn nguôi trong lòng người đọc, vừa lay động tận tâm can mỗi người. Đó là giá trị độc đáo của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Đó cũng chính là tấm lòng, là quan niệm, là thái độ của ông đối với cuộc sống đang phơi bày trước mắt. Đó cũng là đóng góp quan trọng nhất của Nguyễn Huy Thiệp trong quá trình vận động đổi mới truyện ngắn Việt Nam hiện đại.

Chương 3

Một phần của tài liệu Đặc điểm tư duy nghệ thuật truyện ngắn nguyễn huy thiệp luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 57 - 60)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w