Nhân vật lịch sử, văn học trong cái nhìn giải thiêng thần tượng

Một phần của tài liệu Đặc điểm tư duy nghệ thuật truyện ngắn nguyễn huy thiệp luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 70 - 75)

tượng

Trước khi trở thành một tài năng nghệ thuật truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp là một giáo viên dạy sử. Vì thế, hơn ai hết Nguyễn Huy Thiệp thích khám phá, lí giải về các nghi án lịch sử. Khi những truyện ngắn lịch sử ra mắt công chúng, người đọc có nhiều ý kiến khác nhau về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Thế nhưng, lịch sử đã thừa nhận những giá trị văn học mà Nguyễn Huy Thiệp đã đóng góp cho nền văn học nước nhà. Từ Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết đến Nguyễn Thị Lộ, Chút thoáng Xuân Hương, Thương cả cho đời bạc, Mưa Nhã Nam, Bài học tiếng Việt,… Nguyễn Huy Thiệp đã phá bỏ cái nhìn sử thi về nhân vật lịch sử. Đem đến cho người đọc một kiểu tư duy hiện đại về cái nhìn về lịch sử của dân tộc, lịch sử của văn học. Đó là một cái nhìn đời tư, đời thường, một cái nhìn như nhiều người vẫn gọi “giải thiêng thần tượng”.

Trong lịch sử của dân tộc và cả trong tâm thức của người Việt từ hàng trăm năm nay, Nguyễn Trãi là anh hùng dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới, là nhà tư tưởng của thời đại; Quang Trung – Nguyễn Huệ là người anh hùng dân tộc; Nguyễn Du là nhà nhân đạo chủ nghĩa, đại thi hào dân tộc,… Nhưng trong thực tế, cuộc đời và số phận của những nhân vật lịch sử đó còn để lại những nghi án cho hậu thế. Có điều, trong văn học trước đó, có thể chưa cho phép hoặc chưa có điều kiện để có thể lật lại lịch sử. Hơn thế khi lật lại lịch sử người ta vẫn thường sợ bị “phạm húy”. Trong văn học sau 1975, đặc biệt từ sau 1986, khi chiến tranh qua đi, văn học được quyền đi vào những vùng cấm, những góc khuất trong cuộc đời. Và dĩ nhiên, văn học có quyền lật lại lịch sử để lí giải về những nghi án còn hoài nghi trong con người. Vì sao

Nguyễn Trãi phải rơi vào bi kịch thảm khốc nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam? Vì sao Nguyễn Du lại phải chống lại triều đình Tây Sơn để rồi khắc khoải “Bất tri tâm bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”? Vì sao một con người như Quang Trung – Nguyễn Huệ, đã từng chinh Bắc phạt Nam lại chết khi cơ đồ của mình đang giang giở?... Nguyễn Huy Thiệp cũng như bất cứ người dân Việt Nam nào cũng có quyền hoài nghi như thế? Khi viết về những nhân vật lịch sử, Nguyễn Huy Thiệp không phải là một nhà lịch sử, mà ông là môt nhà văn. Khi là nhà văn, Nguyễn Huy Thiệp có quyền hư cấu và sáng tạo tất cả. Hư cấu và sáng tạo là đặc trưng và yêu cầu tất yếu của văn học. Vì thế, khi khắc họa lại chân dung của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Huệ, Đề Thám,… Nguyễn Huy Thiệp không khám phá ở phần lịch sử mà khám phá đời sống riêng tư bằng những hư cấu, sáng tạo trong cách lí giải riêng của mình. Lịch sử đã khẳng định, khi nói về Nguyễn Trãi không thể không nói về Nguyễn Thị Lộ, một người phụ nữ thông minh, xinh đẹp nhưng lại chính là nguyên nhân dẫn đến bi kịch Lệ Chi viên. Trong dân gian đã có nhiều giai thoại về Nguyễn Thị Lộ thì hẳn nhiên, Nguyễn Huy Thiệp cũng có quyền được lí giải về Nguyễn Trãi. Ngay mở đầu truyện ngắn

Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Huy Thiệp đã lấy lời đề từ cho tác phẩm của mình “Vấp phải đời phàm tục / Chiếc thuyền tình vỡ tan...” (Từ một ý thơ của Maiacôpxki). Có thể nói, qua cách nhìn của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Trãi là một người “đã sớm nhận ra sự lạc loài của ông giữa đám đông. Ông như khoai giữa ngô, như lạc giữa vừng. Ông là một thứ chất liệu khác. Ông cô đơn chính với đồng loại của mình”. Cuộc tình với Nguyễn Thị Lộ có thể mang đến cho Nguyễn Trãi một bi kịch thảm khốc, dữ dội nhưng ít ra đó cũng là một con người để đồng cảm, để thấu hiểu. Nguyễn Huy Thiệp đã khắc họa hết sức tinh tế “Gặp Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn sống ráo riết hơn và nghiêm nhặt hơn. Ông rà xét lại mình và nhận ra một loạt yếu kém trong phương diện tinh

thần cũng như cách tổ chức cuộc đời. Cho đến lúc này, Nguyễn mới có thể cắt nghĩa được bản chất các sự kiện đã từng diễn ra với ông và cả triều đại”. Trong Phẩm tiết, Vàng lửaKiếm sắc, Nguyễn Huy Thiệp khắc họa nhân vật trong nhiều mới quan hệ khác nhau. Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh là hai thái cực đối nghịch của lịch sử. Nhưng, Nguyễn Huy Thiệp lại đi tìm sự lí giải ở điểm gặp nhau của hai nhân vật lịch sử này. Đó là tình yêu với Ngô Thị Vinh Hoa. Nguyễn Huy Thiệp xây dựng nhân vật Nguyễn Huệ với chức năng của người nắm giữ quyền lực. Nguyễn Huệ xem Vinh Hoa “Ta được Vinh Hoa như được báu vật, một Vinh Hoa bằng ba vạn người”. Thế nhưng, dẫu là người anh hùng áo vải thì trước tình yêu Nguyễn Huệ vẫn là một người “trọng tinh thần mà bỉ thể xác”. Ngược lại, với Nguyễn Ánh lại được khắc họa là một con người thô lỗ, cục cằn, thô bạo. Khi Vũ Văn Toàn muốn sở hữu Ngô Thị Vinh Hoa, Gia Long nổi giận: “Thằng mặt xanh kia! Kề miệng lỗ còn dê ư? Ta cho cắt dái mày! Ta cho mày ăn cứt”. Nguyễn Huy Thiệp để Gia Long nhận xét về Nguyễn Huệ: “Thế là Huệ dại, Huệ trọng tinh thần mà bỉ thể xác” và khẳng định: “Bậc đế vương giữ nước là ở tinh thần, còn giữ mình là ở thể xác”. Tính cách hai nhân vật được bộc lộ, người đọc cũng có thể hiểu được nguyên nhân dẫn đến thất bại của Quang Trung – Nguyễn Huệ. Nhưng điều quan trong hơn, Nguyễn Huy Thiệp muốn khẳng định một triết lí về cuộc đời: quy luật của tình yêu hoàn toàn khác với quy luật của chính trị. Cuộc đời Nguyễn Du là một khối bi kịch lớn. Bi kịch về sự cô dơn, sự bơ vơ lạc lỏng giữa cuộc đời. Để nhân vật Phăng tự kể lại Nguyễn Du: “Trước mặt tôi là một người bé nhỏ, mặt nhàu nát vì đau khổ. Ông nổi tiếng là một nhà thơ có tài. Tôi thấy ông hoàn toàn không hiểu gì về chính trị. Trước sau, ông là một viên quan tận tụy. Ông hơn những người khác ở nhân cách nhưng nhân cách ấy có giá trị gì khi cuộc đời thực của ông xúi xó, túng kiết. Ông hoàn toàn thiếu tiện nghi. Ông không phù phiếm nhưng sự hào hoa cũng không có nốt. Đời sống

tinh thần bóp nghẹt ông”. Trong sự đối sánh với Gia Long, Phăng nhận xét: “Ông ta (tức Nguyễn Du) có sự thông cảm sâu sắc với nhân dân. Ông yêu nhân dân mình. Ông đại diện cho nhân dân ở phần u uất nhất, trữ tình nhất nhưng cũng đáng thương nhất. Vua Gia Long không đại diện cho ai, ông chỉ chịu trách nhiệm với mình. Đấy là điều vĩ đại nhưng cũng đê tiện khủng khiếp. Nhà vua có cách nhìn thực tiễn với chính từng khắc tồn tại của bản thân mình. Nhà vua biết xót thân. Nguyễn Du thì khác, Nguyễn Du không biết xót thân. Nguyễn Du thông cảm với những đau khổ của các số phận đơn lẻ mà không hiểu nổi nỗi đau khổ lớn của dân tộc. Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó. Vua Gia Long hiểu điều ấy và đấy là nỗi cay đắng lớn nhất mà ông cùng cộng đồng phải chịu đựng. Nguyễn Du thì khác, ông không hiểu điều ấy. Nguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình. Nguyễn Du ngập trong mớ bùng nhùng của đời sống, còn vua Gia Long đứng cao hẳn ngoài đời sống ấy. Người mẹ của Nguyễn Du (tức nền chính trị đuơng thời) giấu giếm con mình sự ê chề và chịu đựng với tinh thần cao cả, kiềm chế. Phải ba trăm năm sau nguời ta mới thấy điều này vô nghĩa”. Có thể nói, Nguyễn Huy Thiệp đã xây dựng nhân vật lịch sử ở gốc độ đời tư, đời thường. Tái hiện trong sự sáng tạo, hư cấu lịch sử, Nguyễn Huy Thiệp xây dựng các nhân vật của mình từ cái nhìn đa chiều, đa diện. Vì thế, dẫu rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chỉ là những chi tiết rời rạc, chắp vá, nhưng các chân dung lịch sử lại hiện lên hết sức sinh động và giàu tình triết lý. Có người gọi những truyện ngắn này là những truyện ngắn giả sử, hay truyện ngắn lịch sử,… nhưng chúng tôi nhận thấy trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp có lịch sử có giả sử. Nhưng điều quan trọng đó là cách nhìn về lịch sử - truyền thuyết hóa lịch sử.

Ngoài nhân vật trong lịch sử dân tộc, Nguyễn Huy Thiệp còn khai thác những hiện tượng độc đáo của văn học. Với cái nhìn kiêu bạc, người đọc có thể lí giải vì sao ông lại lựa chọn những nhà văn, nhà thơ như: Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Vũ Trọng Phụng,… Trong Chút thoáng Xuân Hương, qua ba truyện nhỏ, Nguyễn Huy Thiệp đã làm nổi bật về chân dung Hồ Xuân Hương, một người thông minh, sắc sảo, tháo vát nhưng trong cuộc đời dù với Tổng Cốc, với Phủ Vinh Tường,… đều bi kịch. Tú Xương trong Thương cả cho đời bạc, Tiểu sử Tú Xương đọng lại là một người có tài nhưng “Tú Xương mộng công danh theo thói đời, theo đường thi cử, đi thi 8 lần, nhưng hỏng 7 lần, chỉ đỗ một lần”. còn “Về nghề nghiệp, Tú Xương không có nghề nghiệp gì”. Trong Giai thoại đi hát mất ô, câu chuyện với cô đào Thu,… ta thấy ở Tú Xương một con người mang một khối bi kịch lớn của thời đại “Tú Xương đi lẫn ở trong đám người đi chợ. Mọi người không ai biết ông...”. Trong Bài học tiếng Việt, Vũ cũng mang một khối bi kịch đơn độc trong thế giới thượng lưu. Một điểm chung dễ nhận thấy, nhân vật trong lịch sử văn học là những con người được Nguyễn Huy Thiệp khắc họa ở những bi kịch của sự bơ vơ, lạc lỏng, cô đơn giữa cuộc đời. Thời đại nào, người nghệ sĩ cũng cô đời, bạc bẽo trước người đời.

Những truyện ngắn lịch sử, văn học của Nguyễn Huy Thiệp từng bị lên án là thiếu chữ tâm, phiến diện,… Thế nhưng, Nguyễn Huy Thiệp đã đem đến cho người đọc một cái nhìn mới về nhân vật lịch sử. Nguyễn Huy Thiệp giải thiêng thần tượng trong lòng người đọc, để người đọc đồng cảm, thấu hiểu đối với những nhân vật lịch sử, văn học. Nếu không có một chữ tâm lớn, hẳn rằng Nguyễn Huy Thiệp không thể vượt qua thói quen hàng trăm năm để khắc họa thành công những con người lịch sử trở thành những nhân vật văn học độc đáo.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tư duy nghệ thuật truyện ngắn nguyễn huy thiệp luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 70 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w