Kiểu kết cấu liên hoàn

Một phần của tài liệu Đặc điểm tư duy nghệ thuật truyện ngắn nguyễn huy thiệp luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 63 - 66)

Kiểu kết cấu liên hoàn là nối ghép các câu chuyện để hình thành một tác phẩm lớn hơn, có nội dung ôm chứa các nội dung của câu chuyện. Do có tính độc lập tương đối, các câu chuyện đều có cốt truyện riêng, thậm chí cả kết cấu riêng làm cho người đọc có cách nhìn nhận riêng. Thế nhưng, do sự quy định của cấu trúc, nó trở thành một bộ phận của tác phẩm nên người đọc phải đặt nó trong hệ thống chung.

Nguyễn Huy Thiệp sử dụng kiểu kết cấu liên hoàn với những sáng tạo riêng. Để mở rộng dung lượng truyện ngắn của mình, Nguyễn Huy Thiệp đã thể nghiệm hình thức kết cấu liên hoàn ở các dạng sau:

Dạng thứ nhất, tổ chức kết cấu truyện thành các phần. Trong dạng này, tiêu biểu là truyện Con gái thủy thần (có ba tiểu văn bản: Truyện thứ nhất; Truyện thứ hai; Truyện thứ ba) truyện Không có vua (có các tiểu văn bản: 1: Gia cảnh; 2. Buổi sáng; 3. Ngày giỗ; 4. Buổi chiều; 5. Ngày tết; 6. Buổi tối; 7. Ngày thường), Chút thoáng Xuân Hương (có 3 tiểu văn bản: Truyện thứ nhất; Truyện thứ hai; Truyện thứ ba), Tội ác và trừng phạt (có ba tiểu văn bản: Vào chuyện; Câu chuyện; Đoạn kết). Chút thoáng Xuân Hương, gồm

Truyện thứ nhất câu chuyện về đồng tiền và bản chất con người (chuyện về Tổng Cốc), Truyện thứ hai là câu chuyện về quan hệ giữa văn chương – lương tri và chính trị - nơi kiếm sống (quan hệ giữa Phủ Vĩnh Tường và Tri huyện Thăng), Truyện thứ ba là câu chuyện về người nghệ sĩ muốn giữ bản chất, phẩm chất kẻ sĩ, nhưng biết cuộc sống không dung điều đó.

Dạng thứ hai, tổ chức kết cấu nhiều truyện nhỏ để tạo thành một tác phẩm lớn chứa nhiều nội dung, nhiều chủ đề. Những ngọn gió Hua Tát gồm 10 truyện (Truyện thứ nhất Trái Tim Hổ; Truyện thứ hai Con thú lớn nhất;

Truyện thứ ba Nàng Bua;Truyện thứ tư Tiệc Xòe Vui Nhất; Truyện thứ năm

Sói trả thù; Truyện thứ sáu Đất quên; Truyện thứ bảy Chiếc tù và bị bỏ quên;

Truyện thứ tám Sạ; Truyện thứ chín Nạn dịch; Truyện thứ mười Nàng Sinh). Khung cảnh các câu chuyện thường mở đầu là: “Ngày ấy ở Hua Tát…”, tiếp theo là : “Có một cô gái”…, “Có một người đàn bà”…Nhân vật chàng Khó xuất hiện ở truyện Trái tim hổ, sau đó trong truyện Nàng Sinh lại hiện lên hình ảnh miếu chàng Khó.

Thương nhớ đồng quê: gồm: Mở đầu là phần Nhâm tự giới thiệu về gia đình và bản thân. Chuyện sư Thiều là câu chuyện về con đường trở thành sư

của Thiều; Chuyện ông giáo quỳ: là câu chuyện khẳng định về lòng tốt của ông giáo Quỳ. Chuyện chú Phụng một người nghèo nhưng luôn biết lo nghĩ cho vợ con.

Dạng thứ ba, tổ chức kết cấu liên kết giữa một số truyện để làm nổi bật một mối quan hệ giữa cái chân – thiện – Mĩ. Tiêu biểu nhất chính là: bộ ba tiểu thuyết viết về lịch sử: Phâm tiết, Kiếm sắc, và Vàng lửa. Hay bộ các tác phẩm: Chút thoáng Xuân Hương, Thương cả cho đời Bạc, Nguyễn Thị Lộ, Bài học tiếng Việt làm rõ về nỗi cô đơn đến tột cùng của những người nghệ sĩ.

Chút thoáng Xuân Hương là câu chuyện mang tính triêt lí về thực tế của cuộc sống, sự sòng phẳng, trần lực của cuộc đời và tính người. Thương cả cho đời Bạc Tiểu sử Tú Xương, Giai thoại đi hát mất ô; Giai thoại vợ bắt, con trói; Giai thoại cô đào Thu. Qua những câu chuyện đó ta thấy rõ sự đối lập giữa cái nghèo đối với tàm lòng phóng khoáng của Tú Xương. Đó cũng là triết lí về văn chương và cuộc đời, người nghệ sĩ và cái đẹp. Nguyễn Thị Lộ là câu chuyện về Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, đó là sự mở đầu trong bi kịch nhưng cũng chính là triết lí về cuộc đời ở phương diện anh hùng và sắc đẹp của mỹ nhân. Bài học tiếng Việt là những dằn vặt, trong Suy nghĩ của Vũ về văn chương, về sự viết. Thông qua tác phảm, Nguyễn Huy Thiệp đem đến triết lí về cái tâm và cái tài của người nghệ sĩ. Các tác phẩm trên của Nguyễn Huy Thiệp tưởng rằng rời rạc nhưng đều được ông đặt trong mối quan hệ chặt chẽ giữa người nghệ sĩ và cuộc đời.

Nguyễn Huy Thiệp sử dụng kiểu kết cấu liên hoàn thường đi liền với hướng kết thúc mở. Đây cũng là kiểu kết thúc đặc trưng của truyện ngắn hậu hiện đại thế giới. Thông thường, với kiểu kết thúc này, tác giả không kết thúc tác phẩm của mình để giới hạn người đọc. Nhà văn có thể bỏ ngỏ phần kết thúc để người đọc từ suy nghĩ và tìm cho mình một cách kết thúc hợp lí. Cũng có những trường hợp, nhà văn đưa ra một số hướng kết thúc để người đọc lựa

chọn. Với kiểu kết cấu này, nhà văn không nhất thiết phải bộc lộ thái độ, tình cảm của mình mà chỉ đóng vai trò là người kể chuyện khách quan. Nhà văn đối thoại với độc giả. Quan hệ giữa nhà văn và người đọc là quan hệ dân chủ, đối thoại chứ nhà văn không đóng vai trò là người truyền bá, huấn đạo như kiểu quan hệ trước đây. Trong truyện ngắn Bài học tiếng Việt, Chăn trâu cắt cỏ, con gái thủy thần, Đời thế mà vui, Đưa sáo sang sông, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Kiếm sắc, Những tiếng lòng… Nguyễn Huy Thiệp đã thành công với kiểu kết thúc bỏ ngỏ. Ngoài ra, Nguyễn Huy Thiệp còn mạnh dạn sử dụng nhiều kết thúc cho một tác phẩm (Vàng lửa với ba đoạn kết khác nhau). Với những hình thức kết thúc này, người đọc phải biết suy luận, liên tưởng để tự hình dung ra kết thúc tác phẩm. Những đối tượng người đọc chờ đợi kết thúc theo dự đoán của mình sẽ dễ thất vọng, thế nhưng với nhà văn, đây là con đường để nhà văn đối thoại dân chủ với độc giả.

Có thể nói, Nguyễn Huy Thiệp đã đem đến những sáng tạo về hình thức kiểu kết cấu liên hoàn của truyện ngắn Việt Nam hiện đại. Sau Nguyễn Huy Thiệp, kiểu kết cấu liên hoàn tiếp tục được sử dụng và tạo nên một nét độc đáo trong thi pháp truyện ngắn Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tư duy nghệ thuật truyện ngắn nguyễn huy thiệp luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 63 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w