Nhân vật trong thế giới huyền thoại với nỗi lo sợ đầy ám ảnh.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tư duy nghệ thuật truyện ngắn nguyễn huy thiệp luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 75 - 79)

Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp không chỉ có những nhân vật của lịch sử còn có những con người sống trong một thế giới huyền thoại với những nỗi lo sợ đầy ám ảnh. Đã có nhiều quan điểm nhận định về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có yếu tố kỳ ảo, huyền thoại là truyện ngắn kì ảo, truyện ngắn giả cổ tích,… Ở đây, chúng tôi không đi khảo sát, tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ở phương diện thể loại mà tìm hiểu, phân tích về cách thức xây dựng nhân vật của nhà văn. Trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, từ truyện ngắn viết về đề tài lịch sử, văn học; đề tài nông thôn đến, đề tài về xã hội đương đại,… chúng tôi nhận thấy, thế giới huyền thoại trở thành một cảm quan nghệ thuật đặc trưng trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.

Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp sống với những giai thoại. Trong Chảy đi sông ơi, đó là truyền thuyết về con trâu đen: “Tuyệt vời hơn nữa còn là truyền thuyết huyễn hoặc về con trâu đen ở khúc sông này. Những người đánh cá ban đêm quả quyết đã nhìn thấy nó”. Nhân vật tôi trong truyện hằng ngày, bất chấp nguy hiểm đi xin những người đánh cá mòi để qua bến Cốc tìm con trâu đen. Cuối cùng được ngay người đánh cá khẳng định: “…ở bến Cốc này thì chuyện giết người ăn cướp có thực, ngoại tình có thực, cờ bạc có thực, còn chuyện trâu đen là giả”. Khi thoát chết, nhận ra cấu chuyện truyền thuyết con trâu đen chỉ là nhảm nhí. Truyện Người con gái thủy thần, Nguyễn Huy Thiệp khắc họa nhân vật Chương, cả cuộc đời đi tìm Mẹ Cả. Qua lời đồn, Chương thấy “Chuyện Mẹ Cả ám ảnh tôi suốt thời niên thiếu”. Từ chuyện “ở bãi Nổi trên sông Cái, sét đánh cụt ngọn cây muỗm đại thụ (…). Đứa bé ấy là con thuỷ thần để lại”; chuyện “Mẹ Cả cứu hai cha con ông Hội bên Đoài Hạ”; chuyện “Mẹ Cả đang bơi trên sông, trông thấy hóa phép thành con rái cá ra sức đào bới, cứu được hai người”. Dẫu biết rằng đó là chuyện “lung tung lắm, nửa hư nửa thực”. Nhưng rồi lớn lên, Chương bỏ

nhà cửa, bỏ cả mẹ và em đề đi tìm Mẹ Cả. Trong ý nghĩ của Chương “Con gái thuỷ thần, nếu tôi tìm được thấy nàng thì tôi sẽ không hối tiếc gì về cuộc sống. Không hiểu vì sao tôi lại nghĩ rằng nàng ở đấy, ở ngoài xa kia, ở biển...” và cứ đi theo ám ảnh đó “Trái tim tôi đã thuộc về nàng, thuộc về Mẹ Cả, thuộc về con gái thủy thần..”. Cuối hành trình đó, Chương đi tìm trong sự vô vọng: “Tôi cứ đi, đi mãi (…).

Con gái thủy thần ! Nàng ở đâu ? Nàng ở chỗ nào ? Vì cái gì ? Bởi cái gì ? Ðể tôi mượn màu son phấn ra đi...”

Trái ngược với những truyền thuyết về huyền thoại Nguyễn Huy Thiệp để nhân vật của mình phải đi tìm trong sự vô vọng. Trong truyện ngắn Muối của rừng, trong một chuyến đi săn, ông Diểu lại bị ám ảnh bởi hồn ma biến thành khỉ trắng: “Ông sực nhớ ra đây là khu vực đáng sợ nhất trong thung lũng, khu vực mà cánh thợ săn đặt tên cho là Hõm Chết. Ở hõm sâu này, gần như đều đặn, năm nào cũng có người bị sương mù giăng bẫy làm cho toi mạng. “Hay là ma? - ông Diểu nghĩ. - Cô hồn của những bà cô ông mãnh thường biến thành hình khỉ trăng?" Con khỉ này màu trắng”.

Có thể nói truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp kể cả Trương Chi, Giọt Máu,… con người sống với những ám ảnh về huyền thoại cuối cùng đều rơi vào bi kịch. Nguyễn Huy Thiệp đặt nhân vật theo đuổi những ám ảnh về huyền thoại để thấy được sự tù động, ấu trĩ của con người.

Không theo đuổi những ám ảnh của thế giới huyền thoại để rồi rơi và kết cục bi thương, nhưng trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn xây dựng những nhân vật sống trong thế giới mang màu sắc cổ tích huyền thoại. Tập truyện Những ngọn gió Hua tát gồm những câu chuyện mang màu sắc cổ tích. Nhiều người vẫn gọi đây là truyện ngắn giả cổ tích. Nguyễn Huy Thiệp xây dựng thế giới nhân vật của mình trong cái nhìn sâu sắc, đa diện. Trong đó, con người sống với những cái ngẫu nhiên trong thế giới còn mang trong mình

nhiều bí ẩn. Trong Những ngọn gió Hua tát, con người được sống trong một thế giới riêng “Thung lũng Hua Tát ít nắng. Ở đây quanh năm cứ lung bung một thứ sương mù bàng bạc nên nhìn người và vật thì chỉ nhìn thấy những nét nhòa nhòa đại thể mà thôi. Đây là thứ không khí huyền thoại”. Những số phận con người cũng được Nguyễn Huy Thiệp khắc họa như đang sống trong thế giới cổ tích. Trong truyện Trái tim hổ, là câu chuyện về những số phận thương tật “Ngày ấy, ở Hua Tát có một cô gái tên Pùa. Sắc đẹp của nàng khắp các mường không ai bì kịp, da trắng như trứng gà bóc tóc mượt và dài, môi như son đỏ. Chỉ khổ một nỗi là Pùa bị liệt hai chân, suốt năm suốt tháng nằm một chỗ” . Còn Khó “là trai bản Hua Tát. Chàng mồ côi cha mẹ, sống như con don con dim. Con don, con dim sống lủi thủi (…) Phần vì Khó nghèo, phần vì thấy xấu trai. Chàng bị đậu mùa, mặt rỗ chằng chịt. Người Khó dị dạng: hai tay dài chấm đầu gối, đôi chân khẳng khiu lúc nào đi cũng như chạy”. Khi không con ai theo đuổi đi săn hổ nữa thì Khó vẫn tiếp tục săn hổ để về chữa bệnh cho Pùa. Thế nhưng cuối cùng con hổ chết, không ai lấy được tim hổ, Pùa và Khó cũng chết. Nguyễn Huy Thiệp xây dựng những nhân vật của mình sống với ước mơ về huyền thoại cổ tích thế nhưng kết cục không phải lúc nào cũng có hâu. Phần lớn đều rơi vào bi kịch. Truyện Con thú lớn nhất, lão thợ săn là nhân vật theo đuổi khát vọng săn được con thú lớn nhất, nhưng con thú đó lại là người vợ của lão. Lão phải trả bằng chính mạng sống của mình. Truyện Nàng Bua, nàng Bua sống một mình với chín người con, không ai biết cha của những đứa con là ai, thậm chí nàng cũng không biết. Nàng sống vui vẻ trong nghèo túng. Thế nhưng khi trở thành “người giàu nhất bản, nhất Mường” từ khi đào được một chum đầy vàng bạc. Nàng trở thành người đàn bà hạnh phúc khi lấy một người thợ săn góa bụa và không con cái. Nhưng sự giàu có ấy không mang lại cho nàng hạnh phúc trọn vẹn. Nàng đã chết khi trở dạ đẻ giữa “đống chăn mền ấm áp”. Nhân vật trong những truyện: Tiệc xòe

vui nhất, Sói trả thù, Đất quên,… đều được Nguyễn Huy Thiệp xây dựng trong không khí huyền thoại. Nếu trong truyện cổ tích, những nhân vật bất hạnh thường kết thúc có hậu, giàu có, hạnh phúc. Ngược lại, nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp theo đuổi những ước mơ cổ tích để rồi cuối cùng rơi vào những bi kịch.

Trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, nhân vật còn được xây dựng gắn liền với những chi tiết li kỳ, huyền ảo. Trong Phẩm tiết, Ngô Thị Vinh Hoa là một nhân vật được hư cấu trong truyện ngắn lịch sử. Trong truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp đã xây dựng Vinh Hoa là nhân vật chức năng. Sự tồn tại của nhân vật Ngô Thị Vinh Hoa gắn liền với những câu chuyện giai thoại mà Nguyễn Huy Thiệp kể lại. Ngay từ khi sinh ra đã có gắn với những chi tiết li kì, huyền ảo “Khi đẻ ra Vinh Hoa, trên nóc nhà bỗng có đám mây ngũ sắc bay đến, tỏa ra ánh sáng rực rỡ, khắp nơi hương thơm ngào ngạt. Trên cổ Vinh Hoa có bảy tràng hoa quấn cổ, xòe lòng tay ra thấy có viên ngọc...ở trong, trên khắc hai chữ “thiên mệnh”. Nguyễn Huy Thiệp đem những chi tiết li kỳ, huyền ảo gắn với nhân vật của mình vừa tạo nên sự lôi cuốn đối với người đọc nhưng đồng thời giúp nhà văn thực hiện những ý đồ nghệ thuật. Trong quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp, cuộc đời có những điều khả giải nhưng cũng có những điều bất khả giải. Thế giới đa chiều còn là thế giới bí ẩn của tâm linh. Trong Thương nhớ đồng quê, Nguyễn Huy Thiệp để nhân vật của mình tự nhận ra cùng với sự tồn tại của con người là thế giới siêu nhiên bên trên con người: “tôi tin chắc ở lực lượng siêu việt ở bên trên tôi kia, đang chuyển vần rầm rộ kia, thấu hiểu tất cả, phân minh lắm, rạch ròi, chắc chắn bảo dưỡng tính thiện trong tâm linh con người, có khả năng an ủi, âu yếm đến từng số phận”.

Trong tư duy nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, mỗi nhân vật đều được khắc họa nhằm thể hiện những quan niệm nghệ thuật về cuộc đời.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tư duy nghệ thuật truyện ngắn nguyễn huy thiệp luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 75 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w