Truyện ngắn Việt Nam viết về hiện thực xã hội đương đạ

Một phần của tài liệu Đặc điểm tư duy nghệ thuật truyện ngắn nguyễn huy thiệp luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 48 - 50)

Hiện thực xã hội là môi trường sống của con người. Hiện thực xã hội cũng chính là môi trường con người bộc lộ và thể hiện mình. Con người là chủ thể làm nên lịch sử. Con người cũng là đối tượng trung tâm của văn học. Nhà văn M. Gorki từng khẳng định “văn học là nhân học”. Quan niệm nghệ thuật về con người là yếu tố cơ bản, then chốt nhất của một chỉnh thể nghệ thuật, chi phối toàn bộ tính độc đáo của chỉnh thể ấy. Sự đổi mới của văn học còn là đổi mới tư duy về con người.

Văn học kháng chiến nằm trong hệ quy chiếu “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận”. Vì thế, trong suốt một thời gian dài từ 1945 đến 1975, nền văn học của chúng ta thực hiện nhiệm vụ trọng đại của lịch sử giao phó là phục vụ nhiệm vụ chính trị và cổ vũ chiến đấu vệ quốc. Trong văn học kháng chiến tập trung xây dựng hình tượng con người sử thi. Đó là những hình tượng con người mang vẻ đẹp kết tinh của tư tưởng, khát vọng của dân tộc, của thời đại, tập trung sức mạnh của dân tộc. Đề tài được ưu tiên số một lúc bấy giờ là cuộc sống chiến đấu và lao động của nhân dân chống lại kẻ thù. Văn học tập trung xây dựng những con người điển hình của thời đại mới. Tất cả hướng về cuộc sống chung, những tình cảm lớn như tình đồng chí, tình quân dân. Một quy luật tất yếu, những tiếng nói cá nhân, những tâm tư nguyện vọng của cá nhân chưa được văn học quan tâm phản ánh. Tính chất bất thường của thời chiến cũng phản ánh đầy đủ vào diện mạo của nền văn học. Các thể loại có quy mô lớn như sử thi, tiểu thuyết dài tập cũng phát triển khá mạnh.

Khi chiến tranh kết thúc, hiện thực xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi, nhất là kể từ khi bước vào đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hiện thức xã hội đã đặt ra những vấn đề hệ trọng về cuộc sống của con người. Văn học sau

1975 cũng đã bước vào một quá trình đổi mới toàn diện. Trước hết, văn học mở rộng đề tài phản ánh. Văn học trở lại thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình. Văn học đi khám phá thế giới đời sống tâm hồn con người. Rõ ràng, khi chiến tranh - cơn sốt của lịch sử đi qua, con người phải trở về cuộc sống đời thường. Những vấn đề rộng lớn, những tình cảm lớn thuộc về một thời đã phải nhường chỗ cho những vấn đề về số phận cá nhân. Những tiếng nói riêng đã dần trở thành tâm điểm chú ý của văn học. Đề tài của văn học đi sâu khám phá, phản ánh những trăn trở uẩn khúc, những mảng tối đang diễn ra quyết liệt trong tâm hồn con người - đặc biệt là những số phận của con người thời hậu chiến.

Có thể nói, văn học thời kỳ đổi mới đã tập trung tư duy về con người ở phương diện đời tư, đời thường. Con người hiện lên trong các tác phẩm văn học là một thế giới phức tạp, đầy bí ẩn. Văn học khám phá và phát hiện ra con người trong nhiều mối quan hệ: đó là con người với nổi cô đơn, tuyệt vọng; là con người bơ vơ, lạc lỏng giữa cuộc đời,… đặc biệt là con người với nhiều tính cách phức tạp (nhân vật lưỡng diện). Nhân vật lưỡng diện là hình tượng chủ yếu và thành công của văn học thời kỳ này. Đi sâu khai thác, khám phá tư duy nghệ thuật về con người sẽ giúp chúng ta phát hiện được cơ chế tư duy của tác phẩm văn học, phát hiện được những biểu hiện độc đáo trong tư duy nghệ thuật của nhà văn. Đặc biệt, một số nhà văn còn quan niệm, văn học là một trò chơi ngôn từ. Nhà văn chính là người chủ xướng của trò chơi đó. Hiểu rõ bản chất tư duy nghệ thuật của nhà văn trong việc sử dụng nghệ thuật để khám phá cuộc sống, bộc lộ quan điểm, thái độ và nhận thức của mình về con người, về thế giới.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tư duy nghệ thuật truyện ngắn nguyễn huy thiệp luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 48 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w