Lựa chọn hình thức tổ chức lời văn nhiều màu sắc 1 Thơ đan xen trong truyện ngắn

Một phần của tài liệu Đặc điểm tư duy nghệ thuật truyện ngắn nguyễn huy thiệp luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 83 - 88)

3.3.1. Thơ đan xen trong truyện ngắn

Đặc trưng nổi bật và bao quát của truyện ngắn chính là dung lượng của truyện ngắn: “Dung lượng là khả năng ôm trùm bao quát hiện thực, là sức chứa chất liệu đời sống, dung lượng được hiểu theo nghĩa khả năng của nội dung phản ánh hiện thực của thể loại” [46,71]. Xuất phát từ đặc trưng đó, truyện ngắn được xem là lát cắt của hiện thực cuộc sống. Truyện ngắn không những bị giới hạn về khả năng phản ánh hiện thực, giới hạn về nhân vật, giới hạn về chi tiết mà còn giới hạn cả về số trang, số chữ. Trong sự đối sánh đó, tiểu thuyết là thể loại mang tính tổng hợp, nó mở rộng tối da trong phạm vi

phản ánh hiện thực. Tuy nhiên, trong truyện ngắn hiện nay có những biến đổi về ranh giới và đặc trưng thể loại. Trong mối quan hệ giữa truyện ngắn và tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ, có ý kiến cho rằng thời đại truyện ngắn tiến gần đến thơ, nhưng lại có ý kiến cho rằng truyện ngắn đang có xu hướng tiểu thuyết hóa. Dù xét ở hình thức nào, truyện ngắn Việt Nam kể từ sau 1986, đang có những đổi mới toàn diện từ nội dung, đến hình thức. Trong hành trình đó, chúng ta không thể không nhắc đến truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Nguyễn Huy Thiệp đã đem đến một hình thức mới cho truyện ngắn: thơ trong truyện ngắn.

Khi khám phá truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, người ta chủ yếu đi tìm hiểu chất trữ tình trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Thực tế, khi đi sâu khai thác nét độc đáo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là sử dụng thơ trong truyện ngắn. Trong số những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi đã tiến hành khảo sát chiếm một tỉ lệ lớn số truyện nhà văn sử dụng thơ đan xen trong truyện. Nguyễn Huy Thiệp sử dụng thơ hết sức đa dạng, dưới nhiều hình thức và mang những dụng ý nghệ thuật khác nhau.

Trước hết, Nguyễn Huy Thiệp sử dụng thơ, các tứ thơ làm đề từ cho truyện ngắn của mình. Thông thường từ những câu thơ đề từ, người đọc có thể nắm hình dung được nội dung và chủ đề tác phẩm. Thế nhưng, trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, việc dự đoán về nội dung và chủ đề qua câu thơ đề từ nhiều khi còn chứa nhiều ẩn ý. Trong Bài học tiếng Việt, Nguyễn Huy Thiệp sử dụng thơ của Lưu Quang Vũ "Ta như chim, tiếng Việt như rừng", nhưng trong truyện ngắn đó lại chủ yếu khắc họa nỗi cô đơn, lạc lỏng của Vũ trước xã hội thượng lưu. Trong Những người muôn năm cũ, Nguyễn Huy Thiệp sử dụng thơ của Vũ Đình Liên “Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ…” Đó là sự hoài niệm của Thiềm về những con người đã dạy anh biết làm người hơn là anh đi dạy những học viên của mình làm người.

Truyện Cánh buồm nâu thuở ấy, Nguyễn Huy Thiệp lấy thơ của Nguyễn Bình “Hôm qua dưới bến xuôi đò / Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau / Anh đi đấy, anh về đâu? / Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…”. Trong truyện ngắn này, Nguyễn Huy Thiệp viết về một câu chuyện để lý giải tấm bia đá trên ngôi một của làng Cổ Am. Đó là ngôi mộ của một cặp vợ chồng già đã chết trong nỗi vò võ chờ tin con. Nguyễn Huy Thiệp sử dụng thơ làm đề từ nhiều khi ngay cả ý nghĩa của nó cũng mơ hồ không phải dễ dàng giải thích được. Trong số đó có: Những bài học nông thôn (“Mẹ tôi là nông dân / còn tôi sinh ở nông thôn... (Người kể chuyện)”; Phẩm tiết (Chữ trinh đáng giá ngàn vàng... / Chữ trinh còn một chút này... / Chữ trinh kia cũng có ba bảy đuờng... (Nguyễn Du)”,… Tuy nhiên nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, ngay từ câu thơ đề từ đã hé mở cho người đọc về chủ đề của tác phẩm, như: Chút thoáng Xuân Hương (“chành ra ba góc da còn thiếu... (Hồ Xuân Hương)”), Giọt máu ("Ðem truyện trăm năm giở lại bàn" (Trần Tế Xương)”),

Kiếm sắc ("Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung" Nguyễn Du) …. Trong những câu thơ đề từ, Nguyễn Huy Thiệp không chỉ trích dẫn thơ của những nhà thơ nổi tiếng mà con lấy từ ca dao, từ lời hát cổ. Truyện Người con gái thủy thần (Cái tình chi Mượn màu son phấn ra đi... (Lời hát cổ); Những người thợ xẻ (Kéo cưa lừa xẻ / Ông thợ nào khỏe / Thì về cơm vua / Ông thợ nào thua / Thì về bú tí... (Hát dỗ em); Trương Chi (Ngày xưa có anh Trương Chi / người thì thậm xấu hát thì thậm hay (Truyện cổ); Vàng lửa (Rầu lòng vậy... Cầm lòng vậy... (Dân ca),… Như vậy có thể nói, sử dụng thơ làm lời đề từ là một điểm độc đáo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Qua những lời đề từ đó, người đọc ít nhiều nắm bắt được ý đồ nghệ thuật của nhà văn nhưng quan trọng hơn ta thấy được quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp về cuộc đời, về con người và về cái đẹp.

Trong những sáng tác của mình, thơ không chỉ được sử dụng trong lời đề từ, Nguyễn Huy Thiệp còn sử dụng trong lời của nhân vật. Lời thơ cũng hết sức đa dạng, đó là thơ từ thơ ca cổ, từ ca dao,… nhưng chủ yếu vẫn là do sáng tác của nhà văn. Trong Chảy đi sông ơi là tiếng hát của nhân vật: “ở bên kia sông có tiếng ai hát một bài rất lạ, tiếng hát thật buồn: " Chảy đi sông ơi / Băn khoăn làm gì? / Rồi sông đãi hết / Anh hùng còn chi?...". Trong Chút thoáng Xuân Hương là lời rao của mõ. “Chiềng làng, chiềng chạ... / Trên ngược dưới xuôi / Làng ta có người / Không chồng mà chửa... ửa...”. Trong

Đời thế mà vui là lời thơ được ghi trên bức ảnh: “Thời không có anh hùng / Người không có tri âm / Mỹ nhân đêm vò gối / Gạt nước mắt thương thầm” hay cả lời hát của nhân vật, “Chú Hảo hát: Này em, người yêu ơi, đôi môi dịu dàng / Và mắt em xa xôi mơ màng / Anh đã suốt đời lang thang tìm em...”. Trong Đưa sáo sang sông, lời thơ của nhân vật: “Thôi đành bầu rượu nắm nem/ Nghiêng trời uống cạn để xem chiều tà/ Vẫn còn ngòn ngọt tiếng gà/ Chưa chi tóc đã tà tà sương phai...”. Thơ nhiều khi xuất hiện dưới những hình thức khác như: tiếng ru của bà Cẩm (Giọt máu), lời hát của Tốn (Không có vua),lời hát của Vinh Hoa (Kiếm sắc), Những bài thơ đối đáp, ứng khẩu của Tú Xương (Thương cả cho đời bạc), hay bài tụng của nhân vật tôi (Tội ác và trừng phạt)… Như vậy, có thể nói Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng lời thơ trong lời của nhân vật hết sức sáng tạo. Những lời thơ được Nguyễn Huy Thiệp sử dụng trong truyện ngắn đã tạo nên một nét độc đáo để lôi cuốn người đọc. Qua những lời thơ đó, Nguyễn Huy Thiệp để nhân vật của mình tự bộc lộ đời sống nội tâm một cách khách quan. Mỗi lời thơ, không đơn thuần là tâm trạng, cảm xúc mà đó còn là những triết lý về cõi đời với bao ngang trái, bao nghịch lý.

Nguyễn Huy Thiệp còn sử dụng thơ với những chức năng khác nhau. Thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là lời đề từ, lời của nhân

vật, mà chúng tôi nhận thấy Nguyễn Huy Thiệp còn sáng tác nhiều thơ trong truyện ngắn để tạo nên chất trữ tình ngoại đề. Trong truyện Chăn trâu cắt cỏ, Nguyễn Huy Thiệp đã làm một bài thơ về số phận của con trâu, cũng đau thương, cũng bi kịch hư chính cuộc đời của con người: “Sinh ra là kiếp con trâu / Suốt đời tăm tối dãi dầu nắng mưa / (…) / Khi nào trâu giết tế Trời / Miếng thịt bùi ngùi trâu hỡi là trâu...”. Trong truyện Không khóc ở California

“Không khóc ở California / Không khóc / Không khóc ở Louisiana./ Không khóc ở quận 13 Paris / Không khóc (…) / Em đưa tay ra / Biết rằng anh vừa nắm tay em...”. Trong Mưa Nhã Nam,lời thơ trữ tình ngoại đề được gợi lên từ trong ý nghĩ của nhân vật Đề Thám: “ Này bông hoa hồng / Giá trị của mày là khoảnh khắc (…) / Hắn không đáng kể gì, hắn không biết cách / Chơi hoa nào đã mấy người biết hoa”. Trong Những bài học nông thôn, xuất phát từ tiếng sáo: “Này là tiếng sáo, tiếng sáo / Có ai biết thế nào là hát ca không (…) Bởi số phận đã định rồi:/ Diều nào mà chẳng đứt dây một lần”,… Kể cả trong những truyện ngắn như Thiên văn, Sang sông, Thương nhớ đồng quê,…

Những lời thơ trữ tình, đã thể hiện một tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động của Nguyễn Huy Thiệp. Thơ là trữ tình ngoại đề, Nguyễn Huy Thiệp tạo nên một sức cuốn hút kì lạ đối với người đọc. Qua những bài thơ trữ tình ngoại đề, Nguyễn Huy Thiệp đã xử lý một cách hiệu quả hai cực đối lập: sự sắc lạnh tỉnh táo trong cái nhìn về hiện thực và chiều sâu trữ tình trong tác phẩm. Người đọc cũng nhận ra ở truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp không chỉ có chất kiêu bạc mà còn thấy được niềm tin vào những điều đẹp đẽ trong cuộc dời của tác giả.

Sử dụng thơ trong truyện ngắn không phải chỉ đến Nguyễn Huy Thiệp mới xuất hiện. Tuy nhiên, đến Nguyễn Huy Thiệp thơ trong văn xuôi đã góp phần thực hiện ý dồ nghệ thuật của nhà văn. Vì thế, Nguyễn Huy Thiệp đã làm được một cuộc cách tân táo bạo về văn xuôi, đặc biệt là ở truyện ngắn.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tư duy nghệ thuật truyện ngắn nguyễn huy thiệp luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 83 - 88)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w