Những năm gần đây, giai đoạn 2008- 2010 số lượng chi nhánh NHTMNN và mạng lưới hoạt động của các TCTD tăng mạnh, đây là giai đoạn khó khăn trong hoạt động ngân hàng. Sự khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã làm cho một loạt các
ngân hàng lớn trên thế giới sụp đổ. Các NHTM ở Việt Nam vượt qua được khó khăn trong hoạt động, một phần do chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN Việt nam cùng với những chính sách tiền tệ kịp thời; Trong đó hoạt động thanh tra là công cụ chủ yếu ngăn chặn, phòng ngừa và phát hiện sai phạm trong hoạt động ngân hàng. Trong giai đoạn năm 2008-2010, thanh tra chi nhánh đã tiến hành 69 cuộc thanh tra tại chỗ đối với các chi nhánh NNTM nhà nước, đưa ra 445 kiến nghị đối với các sai phạm của các TCTD, giúp cho hoạt động của TCTD an toàn, hiệu quả. Thông qua thanh tra đã chỉ ra những mặt được và những tồn tại hạn chế:
- Về quản trị, điều hành: về cơ bản các chi nhánh NHTM nhà nước đã chấp hành khá đầy đủ các quy định của Hội sở NHTM, quy định của NHNN; thời gian qua công tác quản trị điều hành của các NHTM đã bám sát Nghị định 59 của Chính Phủ. Trên cơ sở đó, các NHTM đã ban hành khá đầy đủ những văn bản hướng dẫn nội bộ cũng như việc phân cấp, ủy quyền trong chi nhánh. Việc sắp xếp, bố trí các bộ phận nghiệp vụ và nhân viên khá phù hợp với công việc được giao. Tuy nhiên vẫn còn một số ngân hàng ban hành văn bản chưa phù hợp với quy định của NHNN.
Ở một số chi nhánh vì năng lực quản trị yếu lại mang bệnh thành tích, muốn đạt được chỉ tiêu do Hội sở giao cho đã có biểu hiện lới lỏng điều kiện cho vay, cũng như huy động vốn vượt trần lãi suất quy định, dẫn đến hoạt động kinh doanh không hiệu quả, vi phạm quy định của pháp luật.
- Về kiểm tra, kiểm toán nội bộ: Đã xây dựng chương chình kiểm tra hàng năm và tiến hành kiểm tra. Kết quả kiểm tra được báo cáo cho Ban giám đốc chi nhánh. Tuy nhiên chất lượng kiểm tra các phần hành nghiệp vụ chưa sâu, chưa tham mưu được cho Ban giám đốc những vấn đề nổi cộm của chi nhánh và kiến nghị cách giải quyết. Đặc biệt là với các chi nhánh mới, số lượng cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ ít, trình độ còn yếu kém, nhất là về mảng tín dụng, dẫn đến không phát hiện kịp thời những rủi ro, vì vậy hiện nay nợ xấu tập trung tại các chi nhánh này rất cao: có chi nhánh lên đến 15%. Một số chi nhánh cán bộ kiểm tra, kiểm toán nội bộ chưa độc lập, còn kiêm nhiệm công việc khác, có nơi chưa coi
trọng công tác này…
Một số chi nhánh hoạt động kiểm tra kiểm toán nội bộ còn yếu, chưa tiến hành kiểm tra được hết các mảng nghiệp vụ như: mua bán ngoại tệ, chưa kiểm toán…công tác thu hồi nợ xấu sau khi xử lý rủi ro không được coi trọng, đặc biệt là tìm hiểu nguyên nhân gây ra nợ xấu, trách nhiệm của cán bộ có liên quan...
- Về nghiệp vụ tín dụng, bảo lãnh: Một số ngân hàng cho khách hàng vay vốn chưa đủ điều kiện: về tính pháp lý, tài chính khó khăn hoặc không có khả năng trả nợ. Thẩm định vay vốn sơ sài, chủ yếu dựa vào phương án vay vốn của đơn vị, không tính đến các rủi ro khác mà khách hàng có thể gặp phải, tính toán hạn mức không chính xác dẫn đến khách hàng thừa vốn sử dụng vào mục đích khác. Công tác kiểm tra sau mang tính hình thức, hầu như chỉ liệt kê hóa đơn, không kiểm tra thực tế hoạt động khách hàng. Một số trường hợp vay vốn sai mục đích, đảo nợ… Tài sản đảm bảo chưa đủ tính pháp lý, chưa giao dịch đảm bảo…
- Kiểm tra các khoản đầu tư, ủy thác: Đã phát hiện một số ngân hàng huy động vượt trần lãi suất 14% năm bằng cách lập hợp đồng ủy thác với một số cá nhân, tổ chức không đúng theo hướng dẫn về ủy thác đầu tư cuả NHNN
- Kiểm tra việc trích lập và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro: Đã phát hiện một số chi nhánh thực hiện việc trích lập chưa chính xác, trích chưa đủ…việc phân loại nợ chưa đúng quy định; Nguyên nhân: nhiều chi nhánh do sơ suất, nhưng cũng có một số chi nhánh do không làm ăn không hiệu qủa nên trích đủ sẽ không có lương cho nhân viên, vì vậy họ cố tình làm sai.
- Về kinh doanh ngoại tệ: đã phát hiện một số chi nhánh ký hợp đồng mua bán kỳ hạn, nhưng thực tế là mua bán giao ngay, một số ngân hàng trạng thái ngoại hối có những ngày không đúng quy định…
Qua phân tích thực trạng hoạt động thanh tra của NHNN Chi nhánh TP Hà Nội, bên cạnh những thành công đã đạt được là chủ yếu, còn một số tồn tại, hạn chế sau:
Bên cạnh những thuận lợi mà mô hình tổ chức thanh tra chi nhánh đạt được, còn có hạn chế: Thanh tra chi nhánh chịu sự chỉ đạo điều hành chuyên môn của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, đồng thời chịu sự quản lý hành chính của Giám đốc chi nhánh, nên trong vận hành còn xẩy ra nhiều vướng mắc như: hàng năm lập kế hoạch thanh tra, gửi giám đốc chi nhánh phê duyệt. Tuy nhiên, nhiều khi chưa kịp triển khai thực hiện thì lại chịu sự điều động của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, dẫn đến thanh tra chi nhánh không chủ động trong việc thực hiện kế hoạch đã xây dựng...Nhiều sự chỉ đạo của Thanh tra trung ương, qua giám đốc chi nhánh đôi khi còn chậm chễ.... Mặt khác trong hoạt động của thanh tra cũng còn nhiều hạn chế, cụ thể như sau:
* Về công tác giám sát từ xa:
- Thứ nhất: công tác giám sát từ xa tại NHNN – Chi nhánh TP Hà Nội chưa toàn diện, chưa giám sát đầy đủ theo CAMELS, chỉ tập trung vào các yếu tố vốn (C), chất lượng tài sản Có (A), khả năng sinh lời (E) và khả năng thanh toán (L), chưa giám sát các chỉ tiêu về năng lực quản trị, điều hành của bộ máy lãnh đạo ngân hàng (M) và chưa phân tích sự nhạy cảm của ngân hàng đối với rủi ro thị trường (S).Nguyên nhân chủ yếu sau:
+ Nội dung giám sát chưa có hệ thống chỉ tiêu đánh giá xếp loại theo CAMELS, tác dụng phòng ngừa, cảnh báo sớm rất hạn chế.
+ Hệ thống tài khoản kế toán làm nền tảng cho cơ sở dữ liệu của hệ thống thông tin báo cáo còn nhiều bất cập và chuẩn mua phù hợp với chuẩn mực quốc tế
+ Phần mềm giám sát đang sử dụng được xây dựng trên hệ quản trị cơ sở dữ liệu FOXPRO, chạy trên hệ điều hành DOS đã quá lạc hậu, thiết kế hệ thống làm việc theo máy đơn, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Nhiều lúc có những số liệu cán bộ giám sát phải tính toán bằng tay.
- Thứ hai: Số liệu để phân tích, giám sát hiện nay chủ yếu thông qua các số báo cáo của các TCTD, trong khi đó số liệu này chưa thực sự chính xác, nhất là số liệu về chất lượng tín dụng; do 2 nguyên nhân sau:
+ Nguyên nhân từ phía khách hàng vay vốn, nhất là các tổ chức: khi kiểm tra xem xét về khả năng tài chính của khách hàng các TCTD chủ yếu dựa vào số liệu báo cáo của khách hàng xin vay, mức độ tin cậy không cao, nhất là số liệu hoạt động quý (do chưa được kiểm toán).
Hơn nữa, trong thực tế hiện nay các khách hàng lớn tổ chức theo tập đoàn kinh tế hoặc tổng công ty nên việc vay mới trả nợ cũ diễn ra tinh vi, do đó các TCTD cũng như thanh tra ngân hàng gặp khó khăn trong việc đánh giá chất lượng tín dụng cuả khách hàng nói riêng, của TCTD nói chung.
+ Nguyên nhân từ bản thân các TCTD: Việc phân loại nợ theo định kỳ của các TCTD mức độ chính xác chưa cao, theo kết quả thanh tra trực tiếp hàng năm cho thấy hầu hết các TCTD đều có sai sót trong phân loại nợ.
- Thứ ba: Việc phân tích, giám sát từ xa đối với các chi nhánh cấp 1 của TCTD còn nhiều hạn chế, chưa đạt kết quả mong đợi, còn mang tính hình thức.
Các chỉ tiêu, tiêu thức để phân tích, giám sát đối với các chi nhánh cấp I của TCTD đều dựa vào các chỉ tiêu phân tích, giám sát đối với TCTD, mà các tiêu thức này không mang tính bắt buộc đối với chi nhánh cấp I (không mang tính pháp lý), như: dùng vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn, chỉ tiêu lợi nhuận, chất lượng tín dụng... trong khi đó các chỉ tiêu, kế hoạch mà Tổng giám đốc các TCTD giao cho chi nhánh cấp I thực hiện hàng tháng, quý, năm NHNN chi nhánh nắm bắt chưa được thường xuyên và chưa cập nhật kịp thời. Do hiện nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật của NHNN quy định cụ thể.
- Thứ tư: Nội dung báo cáo còn đơn điệu, mới tập trung phân tích nguồn vốn, tài sản, nợ xấu, kết quả kinh doanh. Chưa phân tích tính ổn định của nguồn thu nhập và những lĩnh vực đầu tư của ngân hàng để chỉ ra hoạt động kinh doanh sở trường của ngân hàng, chưa thực hiện trả lời các câu hỏi định tính để hiểu rõ tình hình của các NHTM và nguyên nhân của các diễn biến. Khả năng phát hiện sai phạm của công tác giám sát từ xa chưa cao, không phát huy được vai trò phát hiện, cảnh báo sớm đối với các NHTM.Tồn tại này do nguyên nhân chủ yếu sau:
Hiện nay, lực lượng cán bộ làm công tác giám sát vừa thiếu về số lượng, lại bất cập về trình độ nghiệp vụ. Việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ thanh tra, giám sát chưa được tiến hành một cách có hệ thống, chưa chú trọng đào tạo chuyên sâu về trình độ tin học; nhận biết và đánh giá rủi ro đối với những sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới, hiện đại.
Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác thanh tra giám sát nói chung chưa thỏa đáng, nhiều cán bộ chưa yên tâm với nghề nghiệp, chưa toàn tâm toàn ý với công việc thanh tra, giám sát.
Tóm lại, hiện nay công tác giám sát mới dừng lại ở việc cung cấp các số liệu cơ bản cho các nhà quản lý, chưa phát huy được vai trò thực sự của mình. Kết quả giám sát chưa đủ độ tin cậy để đánh gía chuẩn xác các hoạt động của NHTM. Chất lượng giám sát từ xa nói chung cũng như mức độ cảnh báo sớm nói riêng của Thanh tra, giám sát chi nhánh đối với chi nhánh cấp I của TCTD còn thấp.