Rèn luyện năng lực cảm thụ theo hướng coi HS là chủ thể tiếp nhận

Một phần của tài liệu một số biện pháp rèn luyện năng lực cảm thụ theo hướng coi học sinh là chủ thể tiếp nhận trong dạy học đọc – hiểu truyền thuyết ở lớp 6 (Trang 33 - 38)

1.1.5.1. Lí thuyết tiếp nhận với vai trò người đọc

Lý thuyết tiếp nhận hiện đại là sự khẳng định vai trò của người đọc như là một sứ mệnh đồng sáng tạo với nhà văn trong việc tạo ra giá trị mới cho tác phẩm văn học. Đó là sự chuyển dịch trung tâm từ tác giả sang văn bản rồi đến người đọc. Với quan niệm này, tác phẩm văn học vừa là sản phẩm sáng tạo của nhà văn vừa là nơi tiếp nhận

những sáng tạo từ phía người đọc để tạo nên những nét nghĩa mới cho tác phẩm văn học. Và như vậy, việc nghiên cứu bản chất của tác phẩm văn học cũng chính là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn bản và người đọc. Do đó, hoạt động tiếp nhận văn học, là một hoạt động mang tính sáng tạo. Ngay khi xuất hiện, văn bản văn học là sản phẩm nghệ thuật được tạo ra để được người đọc tiếp nhận. Nó là một hệ thống kí hiệu, là cấu trúc mở hướng đến người đọc. Nói cách khác văn bản văn học không phải là vật thể tồn tại một cách ổn định, bất biến, mà đã chứa đựng trong đó tiềm năng đa nghĩa, một tính chất bất ổn. Đây là tính chất mở của văn bản, là tiền đề để văn bản văn học trở thành tác phẩm văn học. Vì thế, hoạt động tiếp nhận văn học là quá trình biến đổi theo những biến động xã hội và tầm đón nhận của người đọc. Tác phẩm tự nó sẽ thay đổi ý nghĩa với thời đại và người đọc tự họ cũng thay đổi cách nhìn nhận đánh giá với thời gian. Theo qui luật đó, tác phẩm văn học không bao giờ là một công trình hoàn tất.

Tóm lại hoạt động tiếp nhận của người đọc là một khâu trong quá trình sáng tạo tác phẩm văn học. Văn bản-tác phẩm như là quá trình mà hành trình của nó đi từ hoạt động viết của nhà văn để tạo nên văn bản văn học và khi được người đọc tiếp nhận, mới trở thành tác phẩm văn học. PGS Trương Đăng Dung đã khẳng định: “Một tác phẩm văn học được gọi là tác phẩm văn học với điều kiện nó có giá trị văn học. Nhưng giá trị văn học (nếu có) chỉ hình thành trong quá trình đọc và sau khi đọc” [15]. Như vậy, người đọc không chỉ có quan hệ với tác phẩm văn học mà còn có quan hệ đối với nhà văn

Người đọc đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình sáng tạo của nhà văn, là động lực sáng tạo của nhà văn. Vì thế, nhà văn sáng tác là hướng tới người đọc, là tìm về với người đọc, là đối thoại với người đọc như người bạn tri âm tiềm ẩn. Điều này cần nhưng chưa đủ. Bởi người đọc không chỉ là một đối tượng thụ động để nhà văn hướng tới mà còn là người đồng sáng tạo với nhà văn. Có thể nói, người đọc là người sáng tạo nên những ý nghĩa mới cho tác phẩm mà nhiều khi nhà văn, người sáng tạo ra cũng không bao giờ nghĩ đến. Sự hiện hữu của tác phẩm văn học sẽ trở thành hư vô, nếu không có sự tham dự của người đọc. Bởi lẽ, vai trò của người đọc không chỉ được xác lập khi văn bản ra đời, thoát ly khỏi nhà văn để bước vào hành trình của hoạt động tiếp nhận, mà sự tham dự của người đọc đã có ngay từ khi bắt đầu hành trình sáng tạo của nhà văn. Chính nhờ sự tiếp nhận của người đọc, văn bản văn

học mới trở thành tác phẩm. Không có sự tiếp nhận của người đọc, những gì nhà văn viết ra cũng chỉ là những con chữ vô hồn trên những trang giấy mà thôi . Một nhà thơ Xô Viết đã có lý khi nói rằng: Bạn đọc là nhân vật không thể không có được. Không có bạn đọc, không có sách của chúng ta và cả những tác phẩm của Homere, Dante, Shakespeare, Đốt, Puskin, tất cả chỉ là đống giấy chết. Như vậy có thể nói, người đọc có vai trò quyết định đối với tác phẩm.

1.1.5.2. Vai trò của HS là chủ thể cảm thụ sáng tạo

Xuất phát từ nhận thức về người đọc của lí thuyết tiếp nhận, trong giờ học văn ngày nay HS được xem là người đọc.

Dạy và học văn trong nhà trường chính là quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học của HS dưới sự hướng dẫn, gợi ý của GV. Là quá trình biến văn bản thành tác phẩm. Trong quá trình ấy, HS là bạn đọc sáng tạo. Nói HS là bạn đọc có nghĩa là chỉ người HS tích cực, sáng tạo trong hoạt động tiếp nhận văn học dưới sự hướng dẫn của GV, là chủ thể của hoạt động đọc, là chủ thể cảm thụ tác phẩm, là đối tượng bạn đọc đặc biệt, là người đối thoại với nhà văn qua tác phẩm, đồng hành với GV và các bạn lĩnh hội tri thức.

Với tư cách là bạn đọc- chủ thể tiếp nhận, đứng trước một tác phẩm văn học, mỗi HS luôn được đặt ở một tầm đón nhận nhất định. Tầm đón nhận đó lại được hình thành từ nhiều yếu tố khác nhau như: vốn sống bản thân, môi trường văn hóa, trình độ học vấn, giới tính, sở thích… từ đó hình thành nên ở HS từ thế giới quan đến nhân sinh quan, từ khuynh hướng tình cảm đến hứng thú thẩm mỹ. Và sẽ có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động cảm thụ của HS trong giờ học văn. Với lứa tuổi THCS –lứa tuổi ham tìm tòi, thích khám phá và khẳng định bản thân, những vốn sống từ thực tế mặc dù chưa nhiều nhưng sẽ là hành trang quý giá giúp các em đối chiếu, soi rọi vào tác phẩm để rút ra những ý nghĩ, cảm nhận cho riêng mình. Chẳng hạn khi đọc truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng” HS sẽ suy nghĩ về cách hành xử của chú ếch, về bản thân mình, từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong mối quan hệ với gia đình, bạn bè và mọi người trong xã hội.

Động cơ tiếp nhận là một trong những yếu tố tác động rất lớn đến hiệu quả học tập môn văn của HS. Sau mỗi giờ học văn, HS phải được hưởng thụ và bồi đắp những tình cảm thẩm mỹ. Thông qua mỗi tác phẩm văn học, HS cảm nhận được vẻ đẹp tâm

hồn nhà văn, vẻ đẹp của con người, hướng đến cái đẹp hoàn thiện, biết ngưỡng mộ trước những chân lý thời đại, biết tôn trọng cái đúng, cái tốt, cái thiện, cái mới, mạnh dạn lên án cái sai, cái xấu, cái ác và cái cũ lạc hậu . Đến với tác phẩm văn học là đến với cái đẹp của cuộc sống, của con người. Làm sao các em có thể không xúc động và suy nghĩ khi đọc những dòng thơ của Tô Hùng:

Mỗi mùa xuân thơm lừng hoa bưởi

Rắc trắng vườn nhà những cánh hoa vương Em lại nhớ ngày anh ra trận

Cũng giữa mùa hoa bưởi ngát hương

Ở một khía cạnh khác, văn học sẽ cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản về đời sống, giúp cho HS mở mang kiến thức. Thông qua mỗi giờ học văn giúp cho HS hiểu biết thêm những quy luật của lịch sử, bản chất của xã hội, những trạng thái của đời sống cùng tri thức về nhiều lĩnh vực khác. Thông qua tác phẩm văn học HS còn hiểu thêm về chế độ, tập quán, nền văn hóa của các quốc gia, dân tộc trong các thời kỳ khác nhau. Thông qua truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy” HS sẽ biết được nguồn gốc sự ra đời hai thứ bánh chưng, bánh giầy đồng thời ca ngợi nghề nông, ca ngợi tình yêu lao động của con người.

Một động cơ nữa giúp cho HS đến với văn học và có hứng thú trong giờ học văn đó là muốn được bồi dưỡng thêm về tư tưởng, đạo đức, lý tưởng…Có những lúc, gia đình và bạn bè xung quanh không thể giải tỏa được những mối ưu tư trong lòng thì tác phẩm văn học trở thành người bạn thân thiết. Ở đó các em sẽ tìm được sự đồng cảm, sẻ chia.

Ngoài tầm đón nhận và động cơ tiếp nhận, để tác phẩm văn học thực sự đến với HS, giờ học văn có hiệu quả còn là yếu tố tâm thế nữa. Hàng ngày, hàng giờ con người luôn ở trong những tâm trạng khác nhau, lúc vui, lúc buồn, khi hào hứng, khi lo âu… Do đó tâm thế tiếp nhận rất phức tạp.

Đối với dạy và học văn thì trạng thái hân hoan là quan trọng nhất. Một giờ học mà HS tiếp nhận một cách chủ động thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao. Tất nhiên phải có sự chuẩn bị từ nhiều phía. Về phía GV phải chuẩn bị nội dung bài giảng, phương pháp lên lớp, những tình huống có vấn đề; về phía HS phải có bước chuẩn bị bài trước khi đến lớp, phải đọc trước và hiểu được nội dung cơ bản của tác phẩm.

Nói HS là bạn đọc sáng tạo trong dạy học tác phẩm văn chương bởi vì khi tiếp xúc với tác phẩm văn chương, HS (cũng như những người đọc khác) sẽ có những phát hiện mới về giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm mà trước đó chưa ai nghĩ ra, song cũng có thể là những kiến giải mới, theo một góc nhìn khác về những vấn đề mà nhiều người bàn luận. Khi tái hiện lại những gì đã tiếp nhận, thì sự tái hiện ấy mang tính sáng tạo chứ không phải nguyên xi, thô cứng. Trong quá trình đọc, HS đã “điền thêm” những “khoảng trống”, những “điểm trắng” mà nhà văn đã cố tình hoặc vô tình tạo ra và bổ sung các phạm vi ý nghĩa mới, giá trị mới cho tác phẩm. “Người đọc phải tìm được cái nghĩa mà người đọc trước chưa thấy, thậm chí hiểu cái nghĩa ngoài tầm kiểm soát của tác giả.” [61].

Như vậy, trong giờ dạy học văn, HS- bạn đọc sáng tạo là người không chỉ chuyển hóa văn bản nghệ thuật thành tác phẩm văn chương mà còn giúp nhà văn bổ sung cho tác phẩm những ý nghĩa và giá trị mới.

Nói tóm lại, với quan điểm gọi HS là bạn đọc sáng tạo- chủ thể trong giờ dạy học TPVC là một quan niệm mới về vị thế của người HS, dẫn đến những điều chỉnh của cả hệ hình dạy học, đồng thời đặt ra yêu cầu mới về dạy học TPVC hiện nay. Xem HS là bạn đọc không cho phép chúng ta dạy học văn như cũ mà đòi hỏi chúng ta phải thay đổi quan niệm dạy và phương pháp dạy ngữ văn…để phù hợp với bản chất của dạy học tác phẩm văn chương ở nhà trường phổ thông trên tinh thần phát huy tính tích cực chủ động của người học.

1.1.5.3. HS là chủ thể học tập tích cực

Trong quan điểm giáo dục hiện đại, vấn đề HS- đối tượng của hoạt động dạy học - được quan tâm nghiên cứu và có những thành tựu mới quan trọng từ các lĩnh vực triết học, tâm lí học, giáo dục học.

Theo quan niệm vốn có từ lâu nay, khi nói đối tượng của việc dạy học, chúng ta thường nghĩ tới đó là con người, là HS. Quan niệm như vậy về đối tượng có phần hạn hẹp, dẫn đến sự nhìn nhận chưa đúng mức về vai trò của người hoc trong quá trình giáo dục. Đó cũng là nguyên nhận làm GV bị phân tán trong nhiệm vụ dạy học của mình.

L.X Vưgôtxki - nhà tâm lí học nổi tiếng thế giới - đã chỉ rõ đối tượng trong hoạt động dạy học không phải là HS hay tâm lí HS nói chung mà chính là việc phải hướng

vào cái đang phát triển hay vùng phát triển gần nhất trong tâm lí HS. Theo đó, GV không tác động vào cái HS đã có hoặc chưa thể có mà phải hướng vào cái có thể có của HS. Quan điểm tiếp cận về đối tượng như vậy, đòi hỏi người GV phải xem đối tượng dạy là cái thường xuyên vận động, thay đổi và làm sao để hoạt động dạy phù hợp với những lứa tuổi khác nhau và với sự phát triển của từng cá thể HS.

Bên cạnh đó, sự phát triển của đối tượng dạy không chỉ phụ thuộc vào tác động của người GV mà còn chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác như: gia đình, bạn bè, môi trường xã hội. Bởi thế, để giúp HS phát triển đúng hướng, GV cần biết cách làm cho hoạt động dạy của mình thực sự đóng vai chủ đạo, hướng dẫn, điều chỉnh các hoạt động đó.

Mặt khác, đối tượng của hoạt động dạy học có quy luật phát triển tự nhiên củ nó, vì vậy, hoạt động dạy phải hướng theo những quy luật này. Trong hoạt động dạy, GV là chủ thể, HS là khách thể bao hàm đối tượng, đồng thời chính bản thân HS là chủ thể tự sinh thành ra mình bằng hoạt động học. Do đó, vấn đề cơ bản của hoạt động dạy là GV phải biết cách TĐ để tích cực hóa hoạt động học của HS.

Vận dụng quan điểm tâm lí - giáo dục học quan trọng nói trên vào công việc dạy học của người GV Ngữ văn là điều cần thiết và hợp lí. Bởi hiện nay, quan niệm mới về dạy học bộ môn văn chú ý tới “người đọc -HS” với vai trò chủ thể cảm thụ của quá trình tiếp nhận văn bản - tác phẩm. Trong hoạt động này, cần đảm bảo cho mối quan hệ tương tác nhiều chiều giữa GV-HS, giữa GV- HS với nhà văn (qua văn bản) và giữa HS- HS diễn ra một cách đồng bộ. Muốn thế, phải tìm những cách thức tác động linh hoạt, thích hợp để tổ chức, hướng dẫn HS nỗ lực phát huy năng lực học tập chủ động, sáng tạo của mình. Đặc biệt, trong giờ đọc - hiểu văn bản - tác phẩm, lại càng cần thiết nêu tác dụng từ đặc thù của văn học, tạo điều kiện giúp HS biết cách tự bộc lộ suy nghĩ, tình cảm của bản thân để lĩnh hội, tiếp nhận thông điệp của nhà văn gởi tới nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục - đào tạo của môn học.

Một phần của tài liệu một số biện pháp rèn luyện năng lực cảm thụ theo hướng coi học sinh là chủ thể tiếp nhận trong dạy học đọc – hiểu truyền thuyết ở lớp 6 (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)