2.3.6.1. Như đã nói ở mục 1.1.7.2, cảm thụ là một quá trình khép kín gồm hai chiều: Thu nhận và phát tín hiệu, chỉ khi nào thực hiện đầy đủ cả hai chiều này thì quá trình cảm thụ mới được hoàn tất. “Dạy một tác phẩm cho HS không thể chỉ dừng lại ở mức “nhìn ra” (bên trong) thế giới nghệ thuật của tác giả. Con đường phải đến là cảm xúc vui buồn lo lắng, hồi hộp, đồng tình, phẫn nộ. Dạy HS chiếm lĩnh là dạy cho HS có một sự vận động cảm xúc nội tâm và giúp cho HS bộc lộ được những rung động, những cảm xúc đó trước thế giới nghệ thuật của nhà văn.” [33, tr.291]. Vì thế, kết thúc quá trình dạy-học trên lớp không có nghĩa là kết thúc quá trình cảm thụ mà ngược lại, các em cần suy ngẫm, nhấm nháp, thưởng thức những gì mà tác phẩm văn học mang lại. Và sau mỗi bài học, GV cần ra những bài tập rèn kỹ năng cảm thụ để các em tự trình bày những điều mà các em cảm nhận được. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, cần thiết và cũng không kém phần khó khăn trong dạy văn. Bởi “khơi dậy được hoạt động tâm lí nhận thức của HS đã khó mà hướng dẫn HS tự bộc lộ được hoạt động tâm lí bên trong lại càng khó hơn” [33, tr.291]. Hoạt động này sẽ giúp các em hiểu và yêu thích văn chương hơn. Từ chỗ hiểu và yêu thích các em sẽ học tốt môn Ngữ văn, năng lực cảm thụ sẽ tốt hơn. Và từ đó các em sẽ thêm hiểu, thêm yêu cuộc sống và sống tốt hơn.
Để làm được bài tập cảm thụ các em phải chỉ ra được cái hay, cái đẹp của những hình ảnh nghệ thuật. Phải biết làm rõ nội dung mà các hình ảnh này biểu đạt. Điều đó yêu cầu HS phải có trí tưởng tượng và biết cách diễn đạt những cảm nhận của mình bằng ngôn ngữ mạch lạc, gợi cảm, trong sáng. Chính trong quá trình làm bài tập, trên cơ sở HS đọc và hiểu bài, mỗi bài tập giúp các em đúc kết dần dần và khả năng cảm thụ của các em sẽ được phát huy bởi tính sáng tạo, tính đa dạng của các loại bài tập. Thông qua bài làm của mình, các em bộc lộ những gì các em cảm và hiểu về tác phẩm đồng thời thể hiện vốn sống, tư tưởng, tình cảm của mình. Nhờ vậy, GV có dịp điều chỉnh, uốn nắn những lệch lạc trong cảm thụ, vốn sống, tư tưởng, tình cảm của HS. Đặc biệt củng cố kiến thức tiếng Việt và văn học góp phần bồi dưỡng tâm hồn trí tuệ để HS biết rung động trước cái hay, cái đẹp. Hướng các em tới nhu cầu thẩm mĩ sáng tạo và biết tôn trọng những giá trị thẩm mĩ khi xây dựng đoạn văn. Cũng từ dựng đoạn, HS sẽ được phát huy năng lực tư duy, năng lực sử dụng ngôn ngữ, biết tích lũy kiến thức, biết huy động vốn kiến thức, biết giải quyết vấn đề đặt ra.
Khi xây dựng bài tập, GV cần xác định được mục đích là những kiến thức, kĩ năng gì ta cần đem đến cho HS. GV cần có lời giải mẫu, phải dự tính được khó khăn và sai phạm mà HS mắc phải khi giải bài tập và chuyển đổi hình thức bài tập khi cần thiết. Đối với bài tập rèn kĩ năng viết đoạn văn cảm thụ, thiết nghĩ không nên yêu cầu HS làm ngay tại lớp mà nên để HS về nhà làm. Hoặc có thể làm vào giờ học của ngày hôm sau. Bởi khi ấy các em có thời gian suy nghĩ “chín” và “thấm” bài học thì mới viết được tốt đoạn văn thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình.
Viết đoạn văn cảm thụ không phải là một yêu cầu đơn giản đối với HS lớp 6, nhưng nếu kiên trì luyện tập đi từ dễ đến khó, các em sẽ viết được những đoạn văn hay, sẽ có được năng lực CTVH tốt để phát hiện biết bao điều đáng quý trong văn học và cuộc sống của chúng ta.
2.3.6.2. Khi dạy đọc-hiểu truyền thuyết lớp 6, có thể yêu cầu HS viết đoạn văn cảm thụ một số chi tiết kì ảo, hoang đường (Bọc trăm trứng; Thánh Gióng lên ba vẫn không biết nói, biết cười, bỗng bật nói khi nghe sứ giả rao, Thánh Gióng vươn vai thành tráng sĩ , đánh giặc xong Gióng bay về trời; Sơn Tinh bốc từng quả đồi dời từng dãy núi; thần mách bảo Lang Liêu; sự xuất hiện của gươm thần, tác dụng kì diệu của
gươm…), cảm thụ về hình tượng nhân vật,… Tùy theo tình hình, đặc điểm HS trong lớp mà GV có thể linh hoạt đưa ra số lượng và mức độ bài tập phù hợp.
Ví dụ 1
Khi dạy đọc-hiểu văn bản “Con Rồng cháu Tiên”, sau khi hướng dẫn HS làm phần luyện tập trong SGK, GV có thể đưa ra các bài tập cảm thụ và yêu cầu HS về nhà làm.
Bài tập 1. Từ truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” em hãy viết một đoạn văn ngắn (từ 5-7 câu) bày tỏ suy nghĩ của em đối với nguồn gốc, nòi giống của mình.
Đối với bài tập này, HS phải thể hiện được những ý sau trong bài làm của mình: Lạc Long Quân- Âu Cơ: vị thần tiên tài hoa, lịch lãm, thanh cao.
- Nhân duyên: bọc trăm trứng (ý nguyện đoàn kết)
- Niềm tự hào về dòng dõi, tôn kính đối với bậc tổ tiên và ý nguyện của mình. Để làm được bài tập này, HS phải đọc kĩ đề, nắm được yêu cầu của đề. Phải dựa vào truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” để bày tỏ suy nghĩ tình cảm về nguồn gốc dân tộc mình chứ không phải dựa vào bất kì một văn bản nào khác, cũng không được nói chung chung theo cảm nhận của cá nhân mà thoát li văn bản. Muốn thể hiện được những suy nghĩ tình cảm, HS phải đọc kĩ văn bản, hiểu được chi tiết nguồn gốc xuất thân của Lạc Long Quân và Âu Cơ thể hiện điều gì, chi tiết: “bọc trăm trứng” có ý nghĩa ra sao. Từ việc hiểu sâu sắc, các em mới có được niềm tự hào thật sự về nguồn gốc của mình và thể hiện tình cảm, ý nguyện một cách chân thành.
Qua việc làm bài tập, HS sẽ hiểu sâu hơn các chi tiết tưởng tượng, kì ảo của truyện, nắm sâu sắc nội dung, ý nghĩa truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”- một truyền thuyết được xem là mở đầu cho chuỗi truyền thuyết về họ Hồng Bàng và thời kì thành lập nước Văn Lang. Rèn kĩ năng diễn đạt, kĩ năng liên tưởng, tưởng tượng, kĩ năng giải quyết vấn đề, trau dồi tư tưởng tình cảm, bồi dưỡng lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho HS. Và điều đó có nghĩa là năng lực cảm thụ của HS cũng đang được rèn luyện.
Bài tập 2. Khi chia tay Âu Cơ, Lạc Long Quân đã thuyết phục nàng rằng: “Nay ta đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Kẻ miền núi, người miền biển khi có việc gì thì giúp đỡ nhau, đừng quên
lời hẹn” có ý nghĩa gì? Hãy viết một đoạn văn ngắn nói lên suy nghĩ của em về lời dặn của Lạc Long Quân.
Trong bài làm, HS phải thể hiện được các ý sau: -Đây là câu nói đầy ân nghĩa của Lạc Long Quân.
-Khẳng định ước nguyện đoàn kết, gắn bó sẵn sàng tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của các tộc người Lạc Việt vì người Việt dù ở miền núi hay miền biển đều có chung một nguồn gốc.
Bài tập này giúp HS hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa sâu xa của câu chuyện, sống gần gũi, biết tôn trọng và yêu quý hơn những người quanh ta, bởi tất cả đều cùng chung nguồn gốc
Ví dụ 2. Với văn bản “Bánh chưng, bánh giầy”, GV có thể cho HS làm bài tập viết đoạn văn cảm thụ như sau:
Có ý kiến cho rằng: “Nhân dân ta xây dựng phong tục làm bánh chưng, bánh giầy từ những cái bình thường giản dị nhưng giàu ý nghĩa”. Em có đồng ý với ý kiến đó không? Hãy viết một đoạn văn ngắn (5-7 câu) nói lên suy nghĩ của em.
HS cần thể hiện các ý sau trong bài làm:
-Ý kiến trên đã nêu được nét độc đáo của bánh chưng, bánh giầy “vừa giản dị”, vừa “giàu ý nghĩa”
-“Giản dị”: Thể hiện ở nguyên liệu làm bánh (từ hạt gạo và từ những sản phẩm quen thuộc của nghề nông mà nhà nào cũng có).
-“Giàu ý nghĩa”: Lang Liêu nhờ biết quý trọng hạt gạo đã được vua Hùng chọn nối ngôi. Như vậy, hạnh phúc là do chính con người tạo ra. Hơn nữa bánh giầy hình tròn, tượng trưng cho vòm trời, còn bánh chưng hình vuông tượng trưng cho mặt đất. Bánh có nhân gạo, thịt, đỗ gợi ta liên tưởng đến đất đã nuôi dưỡng, ấp ủ cầm thú, cây cỏ. Do đó bánh chưng, bánh giầy gói cả quan niệm về trời đất và ngợi ca tài năng sáng tạo của nhân dân.
Ví dụ 3.
Khi dạy đọc-hiểu văn bản Thánh Gióng có thể đưa ra các bài tập cảm thụ như sau:
Bài tập 1. Hình ảnh nào của Gióng đẹp nhất trong em? Vì sao? (Trình bày bằng một đoạn văn ngắn từ 5-7 câu )
Đây là dạng bài cảm thụ hình tượng nhân vật. HS có thể chọn một trong những hình ảnh đẹp giàu ý nghĩa để trình bày:
- Gióng vươn vai thành tráng sĩ. - Gióng nhổ tre quật vào giặc. - Gióng cưỡi ngựa bay lên trời.
HS có thể chọn bất cứ hình ảnh nào miễn các em có thể lí giải hợp lí, thuyết phục vì sao hình ảnh ấy lại đẹp nhất trong lòng các em, và nó đẹp như thế nào? Hình ảnh ấy mang ý nghĩa gì? Mỗi HS trong lớp sẽ có những sự lựa chọn khác nhau, và đương nhiên có nhiều bài cùng chọn một hình ảnh. Những bài cùng viết về một hình ảnh, GV tập hợp thành một nhóm. Sau đó GV có thể chữa nhanh và chọn một bài tiêu biểu nhất trong mỗi nhóm đọc, nhận xét trước lớp. Với cách làm này, HS có thể hiểu sâu sắc, toàn diện hình tượng nhân vật Thánh Gióng. Từ đó càng hiểu sâu sắc hơn quan niệm, ước mơ của nhân dân ngay từ buổi đầu lịch sử về người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm. Bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, lòng tự hào truyền thống quý báu của dân tộc. Bài tập này có thể yêu cầu HS về nhà làm và chữa bài vào đầu giờ của tiết hôm sau.
Bài tập 2.
Hình tượng Thánh Gióng gợi cho em những suy nghĩ gì về quan niệm và ước mơ của nhân dân. (Trình bày bằng đoạn văn ngắn)
GV có thể hướng dẫn HS những ý sau để từ đó HS có cơ sở viết thành đoạn văn hoàn chỉnh
- Gióng là hình ảnh cao đẹp, lí tưởng của người anh hùng đánh giặc giữ nước theo quan niệm của nhân dân. Gióng vừa rất anh hùng, vừa thật bình dị.
- Gióng là ước mơ của nhân dân về sức mạnh tự cường của dân tộc. Hình ảnh TG hiện lên kì vĩ, phi thường, rực rỡ là biểu tượng cho lòng yêu nước, sức quật cường của dân tộc ta trong buổi đầu lịch sử chống ngoại xâm.
Bài tập này sẽ giúp HS hiểu sâu sắc hơn về quan niệm của nhân dân ta được thể hiện qua văn bản Thánh Gióng đồng thời tạo cơ hội để các em bộc lộ được những suy
nghĩ về quan niệm của người xưa. Có thể có những tư tưởng chưa được đúng hướng do những khoảng cách về thời đại, về văn hóa, về tâm lí, biểu tượng, ngôn ngữ, cách cảm, cách nghĩ…của các em với thế giới VHDG cổ xưa ở làng quê. GV sẽ kịp thời uốn nắn, điều chỉnh thông qua việc chữa bài cho các em. Nói tóm lại, viết đoạn văn cảm thụ là một việc làm không thể thiếu trong dạy đọc hiểu truyền thuyết nếu muốn các em thâm nhập và chiếm lĩnh tác phẩm một cách trọn vẹn nhất.
Nói chung, mỗi biện pháp có những ưu điểm và nhược điểm riêng, vì vậy, cần phối hợp xen kẽ, thích hợp các phương pháp, biện pháp với nhau để phát huy hết những ưu điểm của nó nhằm làm cho giờ học diễn ra nhẹ nhàng, thoải mái. HS chủ động học tập, chiếm lĩnh tri thức, GV chỉ là người định hướng và hướng dẫn. Để từ đó các em không còn chán những giờ văn khô khan mà mỗi ngày đến trường là mỗi niềm vui. HS không bị áp đặt về mặt cảm thụ, cảm xúc mà sẽ có những xúc cảm trong sáng tinh tế, cảm nhận được sâu sắc ý nghĩa nhân văn, cũng như những bài học quý mà các em có được sau mỗi giờ học.
“Phương pháp dạy học phần lớn được thực hiện thông qua các biện pháp dạy học cụ thể mà GV sử dụng. Biện pháp dạy học là chi tiết của các phương pháp, là các yếu tố các bộ phận cấu thành hoặc các bước cụ thể trong công việc nhận thức, nảy sinh ra khi vận dụng một một phương pháp nhất định” [57].Việc tổ chức các biện pháp rèn luyện năng lực cảm thụ truyền thuyết cho HS là cả một vấn đề khó khăn, để việc rèn luyện có hiệu quả, GV phải chuẩn bị bài dạy thật chu đáo, phải nắm vững đặc điểm CTVH, khắc phục sự tản mạn trong cảm thụ của HS. Khâu tiếp xúc với tác phẩm phải bằng nhiều con đường và tác động từ nhiều phía để tất cả HS đều rung động và nhận thức đúng nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị bài ở nhà chu đáo trước khi đến lớp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với HS trong việc lĩnh hội ở trên lớp.Và một điều hết sức quan trọng là người GV phải khơi gợi được ở mỗi cá nhân HS ý thức, tình yêu đối với tác phẩm và chủ động tìm hiểu nó thì việc rèn năng lực sẽ có kết quả tốt hơn.
Chương 3. THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM