Cơ sở tiền đề của cảm thụ

Một phần của tài liệu một số biện pháp rèn luyện năng lực cảm thụ theo hướng coi học sinh là chủ thể tiếp nhận trong dạy học đọc – hiểu truyền thuyết ở lớp 6 (Trang 41 - 48)

1.1.7.1. Tìm hiểu đặc trưng thể loại của văn bản nghệ thuật

Văn bản nghệ thuật là đối tượng của quá trình CTVH. Vì vậy để thâm nhập, tìm hiểu văn bản-tác phẩm một cách thấu đáo vững chắc, người đọc cần vận dụng những cách thức tiếp cận thích hợp. Trong đó, nắm bắt loại hình nghệ thuật là một căn cứ quan trọng để thấy được văn bản mình đang đọc có những đặc trưng nổi bật gì về thể loại. Đó là cơ sở tiền đề của hoạt động CTVH. Như V.A Nhikônxki đã nói “Cảm xúc loại thể là khía cạnh quan trọng của cảm xúc thẩm mĩ nói chung bởi vì tác phẩm nghệ thuật chỉ được viết theo loại thể” [57, tr. 18].

Xuất phát từ yêu cầu của đề tài nghiên cứu, luận văn chú ý xem xét những đặc trưng nổi bật của thể loại truyền thuyết được dạy ở THCS.

Đặc trưng thể loại truyền thuyết:

Truyền thuyết là một trong những thể loại xuất hiện sớm trong nền văn học dân gian Việt Nam. Nó là sự hòa quyện giữa “niềm tin” và “cái thiêng”; là sự kết hợp giữa “lịch sử” và “hư cấu”. Truyền thuyết giúp đời sau hiểu đúng lịch sử dân tộc mình

theo quan điểm của nhân dân, dạy mỗi người biết tự hào về quá khứ và sống có trách nhiệm hơn với hiện tại. Nó có những đặc điểm nổi bật sau.

+ Trước hết về nội dung, truyền thuyết là loại truyện dân gian lấy đề tài từ các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ. Dù yếu tố sự thật lịch sử, trong những truyện kể đó có mong manh đến đâu và dù cái lõi là sự thật lịch sử trong đó được trí tưởng tượng thêu dệt đến mức nào, thì lịch sử vẫn được coi là đối tượng phản ánh chuyên biệt của thể loại này với hai nhóm: Những truyền thuyết về vua Hùng và những truyền thuyết đời sau.

Như vậy các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử là nguồn cảm hứng, là đề tài, là chất liệu làm nên các truyền thuyết. Tuy vậy cũng cần chú ý sự thật lịch sử trong truyền thuyết không phải là sự thật “nguyên xi” ở ngoài đời bởi nó đã được “nhào nặn”, “tái tạo” thông qua lăng kính của tác giả dân gian. Nhiều tình tiết đã được tô vẽ thêm theo khuynh hướng lí tưởng hóa nhằm tôn vinh các anh hùng. Như Hai Bà Trưng trong sự thật lịch sử sau khi đã thất bại trước quân của Mã Viện đã nhảy xuống dòng Hát Giang tự vẫn. Nhưng trong truyền thuyết hai bà có kết thúc thật đẹp: cỡi voi về trời và bất tử cùng non nước.

+ Tưởng tượng kì ảo là một đặc điểm nổi bật của truyền thuyết. Đó là cách làm nên sự bất tử của các anh hùng và cũng là cách để tác giả dân gian bày tỏ thái độ của mình đối với các nhân vật và sự kiện lịch sử được kể. Tưởng tượng kì ảo cũng là cách làm cho câu chuyện hay hơn hấp dẫn hơn và thu hút được người đọc. Nhưng không phải vì thế mà các nhân vật của truyền thuyết mất đi những nét dân dã, đời thường của nó.

+ Về cốt truyện và hệ thống nhân vật. Cốt truyện trong các văn bản truyền thuyết là các biến cố, các sự kiện xảy ra liên tiếp từ cái này đến cái kia, cái sau tiếp nối cái trước cho đến khi kết thúc câu chuyện. Tuy nhiên, truyền thuyết có cốt truyện còn đơn giản, không phức tạp vì thế người đọc dễ nắm bắt, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ kể.

Ví dụ: Khi Đọc- Hiểu văn bản: "Thánh Gióng" HS dễ dàng chỉ ra được một chuỗi các sự việc: 1- Sự ra đời kỳ lạ của Gióng.

3- Gióng cùng nhân dân chiến đấu và chiến thắng giặc Ân. 4- Gióng bay về trời.

Các sự việc diễn ra đơn giản nhưng theo trình tự hành động của nhân vật từ đầu câu chuyện đến khi kết thúc. Trong truyền thuyết, cốt truyện gắn chặt với nhân vật đến nỗi nhiều khi kể chuyện tức là kể người như: Thánh Gióng, Sơn Tinh- Thuỷ Tinh…

+ Nhân vật lịch sử trong các truyền thuyết được nhân dân thiêng liêng hóa và tôn thành thần thánh. Chung quanh các nhân vật lịch sử luôn có những câu chuyện kể về tài năng, đức độ, về những cống hiến của họ cho dân, cho nước. (các vua Hùng có công dựng nước; Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân…). Nhân vật trong truyền thuyết ít, chủ yếu sống bằng hành động. Những nhân vật này xác định được thời gian sinh thành ,kết thúc và là nhân vật bất tử, nhưng có lý lịch rõ ràng. Như cuộc đời Thánh Gióng, bước đường sự nghiệp như Lê Lợi...Nhân vật thần thoại không có tuổi thì nhân vật truyền thuyết có tuổi mặc dù truyện không nêu rõ bao nhiêu năm, chỉ trừ Lạc Long Quân, Âu Cơ, Sơn Tinh, Thủy Tinh là các nhân vật theo phong cách thần thoại nên không có tuổi. Các nhân vật truyền thuyết là các biểu tượng nghệ thuật. Thánh Gióng là biểu tượng cao cả của người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm, là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước của nhân dân ta. Sơn Tinh là biểu tượng của sức mạnh và ước mong chiến thắng thiên tai của người Việt cổ...Vì vậy mục đích đọc truyền thuyết không dừng lại ở việc nhận ra ý nghĩa giải thích hiện tượng, mà chủ yếu là hiểu các ý nghĩa biểu tượng của nhân vật từ các sự việc và các hành động phi thường của họ nổi bật trong văn bản.

Sức hấp dẫn của truyện thường dựa và sự đột ngột, ly kỳ, còn sự hấp dẫn của các nhân vật lại thường dựa vào sự phóng đại theo tinh thần lãng mạn kỳ diệu của tác giả dân gian.

+ Đặc trưng ngôn ngữ truyền thuyết bắt nguồn từ đặc điểm lời kể truyền thuyết. Lời kể trong truyện được kể theo kí ức và kiến thức cộng đồng, trong đó người ta gọi các sự vật, nhân vật theo tên gọi của chúng. Khi kể thường bắt đầu bằng những từ ngữ chỉ thời gian đứng trước các tình tiết, sự việc. Chẳng hạn như: , "Vào đời", "Vào thời", "Một hôm", "ít lâu sau", "Thế rồi một ngày kia",... sử dụng ngôn ngữ nhân dân đời thường cùng với ngôn ngữ kể, ngôi thứ 3, giấu mình thể hiện tính khách quan của câu

chuyện, nhưng cũng có lúc bộc lộ thái độ chủ quan của người kể nếu như họ muốn nói thêm: "thật đáng đời",... Người đọc từ đó cũng dễ nhớ, dễ thuộc và kể được chuyện dễ dàng.

+ Lời kể truyền thuyết là ngôn ngữ cô động, ít miêu tả, chủ yếu chỉ thuật lại hành động của nhân vật, chú ý kể những chi tiết về hoàn cảnh xuất thân của nhân vật, bối cảnh của câu chuyện, những lời thoại nhân vật một cách cô động. Những lời thoại nhân vật được chú ý kể là lời thể hiện khí khái, lòng nhiệt huyết của nhân vật đối với đất nước trong hoàn cảnh lâm nguy như lời của Gióng nói với sứ giả vua Hùng: “ Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”; lời khảng khái của bà Triệu: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi qua Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người”. Ở những truyện mang đậm chất dân gian thì ngôn ngữ đầy ắp chất tưởng tượng tươi mát, bay bổng mà vẫn mộc mạc chất dân gian.

+ Không gian truyền thuyết là không gian đời thường, không gian chiến trường và không gian xã hội, đất nước, khác với thần thoại chủ yếu là không gian vũ trụ, không gian thiên nhiên. Trong truyền thuyết Thánh Gióng có không gian đời thường khi Gióng còn nhỏ và không gian chiến trường khi Gióng ra trận. Truyền thuyết An Dương Vương vừa có khung cảnh đất nước bao quát vừa có hoàn cảnh sinh hoạt đời thường trong phạm vi gia đình Vua, vừa có không gian chiến trường. Không gian truyền thuyết gắn liền với các địa danh, di tích cụ thể như làng Phù Đổng, huyện Quế Võ, Trân Sơn, núi Sóc Sơn (Thánh Gióng), Phong Khê, núi Thất Diệu, Dạ Sơn (An Dương Vương), Thanh Hóa, Lam Sơn, hồ Tả Vọng (Sự tích Hồ Gươm)...Những địa danh di tích ấy đều gắn liền với sự nghiệp của nhân vật truyền thuyết. Thời gian truyền thuyết là thời gian lịch sử mang tính thời đại, triều đại có yếu tố xác định cụ thể hơn so với thời gian thần thoại. Truyện “Sự tích Hồ Gươm” kể từ khi Lê Lợi mới dấy binh khởi nghĩa cho đến khi đất nước thanh bình. Truyện “Thánh Gióng” kể từ khi đất nước có giặc ngoại xâm đến khi giặc tan. Tuy nhiên thời gian của truyền thuyết không ghi rõ thời điểm, ngày tháng, câu chuyện xảy ra bao lâu.

Xuất phát từ những đặc trưng nói trên của truyền thuyết, GV giúp HS biết vận dụng cách thức thích hợp để tiếp cận và cảm thụ văn bản đọc thấu đáo, sâu sắc.

1.1.7.2. Kĩ năng phát hiện “chất văn”của văn bản nghệ thuật.

* Đọc có ý thức.

Để phát hiện, khám phá những tín hiệu nghệ thuật tiềm ẩn qua văn bản, hoạt động đọc giữ vai trò then chốt, quan trọng. Hoạt động này có thể diễn ra dưới các hình thức đọc bằng mắt, đọc thầm, đọc thành tiếng, đọc một mình, đọc trước một nhóm, đọc trước tập thể vài chục người. Tuỳ từng tác phẩm mà ta vận dụng các hình thức đọc sao cho linh hoạt trong suốt cả quá trình tìm hiểu, khám phá tác phẩm. Trong quá trình đọc, cần quan tâm tới các từ khó, các chú thích của văn bản, vừa đọc, vừa nhập vai vào nhân vật, sống với không khí, thế giới nghệ thuật mà văn bản gợi ra, hiện thực hoá chức năng biểu cảm của ngôn ngữ, tưởng tượng sinh động giúp cho năng lực CTVH của cá nhân được phát triển và nâng lên. Quá trình cảm thụ chỉ được thiết lập khi nội dung tác phẩm được tái hiện trong trí tưởng tượng và trở thành một sự kiện trong tâm hồn người đọc.

Đối với truyền thuyết, mỗi tác phẩm là một kho lưu trữ trí tưởng tượng phong phú, thông minh, thể hiện sức sáng tạo nghệ thuật của nhân dân ta. Tư tưởng, tình cảm của nhân dân cũng được bộc lộ khá phong phú, muôn hình, muôn vẻ. Vì vậy khi đọc truyền thuyết người đọc cần có sự nhập thân vào thế giới nghệ thuật thấm đẫm màu sắc huyền ảo để làm nảy sinh những liên tưởng, tưởng tượng sáng tạo, tái tạo các biểu tượng đậm màu sắc dân gian, từ đó mới có thể cảm thụ tác phẩm sâu sắc.

* Phát hiện các hình ảnh và chi tiết có giá trị thẩm mĩ rồi suy ngẫm tìm ra ý nghĩa, giá trị của chúng.

Hình ảnh và chi tiết có giá trị thẩm mĩ là những hình ảnh chi tiết có khả năng gây xúc động cho người đọc bởi đã gợi ra trong tưởng tượng của họ những hình ảnh đẹp, những cảm giác mới lạ, những suy ngẫm về cuộc sống. Chúng còn được gọi là “nhãn tự”, “tín hiệu thẩm mĩ”, “điểm sáng thẩm mĩ”... Khi phát hiện được những hình ảnh, chi tiết này cũng có nghĩa là người đọc đã tìm được chìa khóa của quá trình cảm thụ.

Đối với truyền thuyết cần phát hiện các yếu tố thần kì, siêu nhiên, những sự việc kì lạ, tính ngẫu nhiên, những yếu tố tình cờ xen vào câu chuyện. Như truyền thuyết “

Sự tích Hồ Gươm” có biết bao điều lạ: Lê Thận được lưỡi gươm ở dưới nước, Lê lợi được chuôi gươm trên rừng nhưng đem ráp lại thì vừa khít như in, lưỡi gươm phát sáng kì lạ, chuôi gươm có chữ “Thuận Thiên”. Việc trả gươm cũng chứa đựng những yếu tố thần kì. Tất cả những yếu tố ngẫu nhiên, kì lạ chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa đó không thể bỏ qua khi khám phá văn bản.

*Xác lập mối quan hệ thẩm mĩ giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận để tìm ra đích tác động của hàm ngôn.

Thông qua lăng kính cùng với tâm hồn nhạy cảm của của người nghệ sĩ, tác giả (chủ thể sáng tạo) đã dựng nên văn bản nghệ thuật. Và khi những văn bản này đến tay bạn đọc (chủ thể tiếp nhận) nó trở thành tác phẩm nghệ thuật. Một tác phẩm nghệ thuật bên cạnh nghĩa trực tiếp (nghĩa hiển ngôn) còn có nghĩa khác mà người đọc cần phải suy nghĩ, tìm tòi, khám phá thông qua ngữ cảnh, chi tiết, tình huống mới có thể nắm bắt được đó là nghĩa hàm ngôn. Nghĩa hàm ngôn mới chính là cái đích cuối cùng mà người sáng tác muốn truyền đạt đến cho người đọc. Nếu đọc một tác phẩm nghệ thuật mà không phát hiện được nghĩa hàm ngôn thì cũng có nghĩa là người đọc chỉ mới chạm vào bề mặt của ngôn từ, bề nổi của tảng băng trôi mà thôi. Người đọc cần tìm được tiếng nói chung, nhịp đập chung với tác giả mới có thể thấu hiểu được những suy nghĩ, tình cảm, nhận thức, đánh giá mà nhà văn muốn gởi gắm thông qua tác phẩm .Thậm chí phát hiện ra những nghĩa mới ngoài ý đồ của nhà văn.Ví dụ khi đọc văn bản “Thánh Gióng”, người đọc không chỉ thấy Gióng bỗng dưng lớn nhanh như thổi khi nghe sứ giả rao tìm người tài giỏi để cứu nước, rồi Gióng yêu cầu rèn roi sắt, ngựa sắt, áo giáp sắt. Khi sứ giả đem roi sắt, ngựa sắt, áo giáp sắt tới Gióng vươn vai trở thành tráng sĩ xông ra trận. Đánh thắng giặc, cả người lẫn ngựa bay về trời. Mà người đọc cần thấy được lòng tự hào của nhân dân ta về người anh hùng chống giặc ngoại xâm trong buổi đầu dựng nước và tinh thần đoàn kết của nhân dân ta khi tổ quốc bị lâm nguy. Gióng là biểu tượng cho sức mạnh của nhân dân. Đồng thời cũng cần thấy được đối với người anh hùng làng Gióng, việc đánh đuổi giặc là vì dân, vì nước chứ không vì danh lợi. Đó mới là ý nghĩa sâu xa mà tác giả dân gian muốn truyền đạt lại cho các thế hệ con cháu.

Hiệu quả tiếp nhận của bạn đọc đối với một tác phẩm văn học được thể hiện rõ ở sự đồng cảm giữa nhà văn với bạn đọc. Đó là sự xúc động của người đọc trước những tình cảm, tư tưởng được bộc lộ qua nội dung tác phẩm. Đọc truyền thuyết “con Rồng, cháu Tiên” người đọc xúc động tự hào về nguồn gốc cao quí, nguồn gốc Rồng, Tiên của mình và đó cũng là niềm tự hào của tác giả dân gian- những người đã sáng tạo ra câu chuyện.

* Kĩ năng diễn đạt những điều đã cảm nhận được từ văn bản nghệ thuật

CTVH là quá trình khép kín với hai chiều: Thu nhận và phát tín hiệu. Thu nhận là hiểu, cảm nhận cái hay, cái đẹp trong nội dung thẩm mĩ của văn bản nghệ thuật. Phát tín hiệu là diễn đạt bằng lời của mình về những cảm nhận đó. Chỉ khi nào thực hiện đầy đủ cả hai chiều này thì quá trình CTVH mới được hoàn tất.

Nội dung diễn đạt là những gì thu nhận được trong quá trình tiếp nhận văn bản, điều quan trọng là diễn đạt nó bằng cách nào cho phù hợp. Diễn đạt như thế nào để thoát hết những điều mà mình thu nhận được và có thể truyền được những hiểu biết, những rung cảm của mình đến người khác. Có rất nhiều trường hợp có hiểu, có cảm nhưng không nói (viết) được hoặc nói (viết) ra vài ý, vài câu cộc lốc là hết không biết nói (viết) gì nữa. Ấy là do kĩ năng diễn đạt kém. Và điều đó có nghĩa là quá trình cảm thụ chưa được hoàn tất.

Trong quá trình diễn đạt cần chú ý bám vào nội dung văn bản, tránh suy diễn xa rời tác phẩm. Cần đặt các chi tiết, hình ảnh, từ ngữ trong chỉnh thể tác phẩm. Nếu tách rời chúng khỏi thế giới nghệ thuật mà nó đang tồn tại sẽ có những cách lí giải khiên cưỡng, thiếu thuyết phục. Có HS khi đọc truyền thuyết “con Rồng, cháu Tiên” đến chi tiết năm mươi người con theo cha xuống biển và năm mươi con theo mẹ lên núi thì cho rằng Lạc Long quân và Âu Cơ ly hôn nhau. Cách lí giải như vậy là suy diễn và không thể chấp nhận được.

Một phần của tài liệu một số biện pháp rèn luyện năng lực cảm thụ theo hướng coi học sinh là chủ thể tiếp nhận trong dạy học đọc – hiểu truyền thuyết ở lớp 6 (Trang 41 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)