Tái hiện hình tượng

Một phần của tài liệu một số biện pháp rèn luyện năng lực cảm thụ theo hướng coi học sinh là chủ thể tiếp nhận trong dạy học đọc – hiểu truyền thuyết ở lớp 6 (Trang 69 - 72)

2.3.3.1. Theo Thái Duy Tuyên “Tái hiện là một dạng hoạt động trí tuệ cơ bản, có vị trí rất quan trọng trong nhận thức của con người. Mọi hoạt động trí tuệ khác như

phân tích tổng hợp, so sánh, trừu tượng hóa, khái quát hóa,…đều không thể xảy ra nếu con người không có khả năng tái hiện” [47, tr.449]. Vì thế, trong dạy học văn, nếu không tái hiện hình tượng thì không có sự thâm nhập vào tác phẩm và cũng có nghĩa là cảm thụ tác phẩm cũng không thể xảy ra.

Tái hiện hình tượng văn học là tưởng tượng trong đầu người đọc những hình ảnh, cảnh tượng, nhân vật, hoàn cảnh…được miêu tả trong tác phẩm. Nói như Gorki là thấy được nhân vật đi đứng, nói năng, khóc cười, cuộc sống đang vận động, đang chuyển động trước mắt người đọc.Tái hiện hình tượng giúp người đọc bước vào thế giới nghệ thuật, nhìn vào thế giới bên trong của tác phẩm nằm dưới các kí hiệu ngôn ngữ. Lúc này tác phẩm thực sự nằm trong trí tương tượng của người đọc. “Tác phẩm được tái hiện trong tưởng tượng của HS không còn là tổng hợp kí hiệu chết, phi vật chất nữa mà là những tác phẩm đích thực đang tồn tại trong trí tưởng tượng người đọc-HS. Không có bước này, không có sự thâm nhập vào tác phẩm” [33, tr. 285]. Từ sự tái hiện đó, người đọc từng bước khám phá, chiếm lĩnh giá trị nội dung, nghệ thuật tác phẩm và tư tưởng tình cảm thái độ của tác giả.

2.3.3.2. Tái hiện hình tượng là một thao tác tư duy quan trọng để cảm thụ truyền thuyết. Một truyền thuyết Thánh Gióng mà việc đọc và tái hiện hình tượng không thực hiện tốt thì khó thu được kết quả như mong muốn. Không thấy được sự lớn nhanh như thổi của câu bé lên ba, không thấy được sự đóng góp cơm, cà…của bà con để nuôi cậu bé, không thấy được cậu bé bỗng biến thành tráng sĩ khi tổ quốc lâm nguy… thì không thể có được lòng tự hào về truyền thống đoàn kết, yêu nước, chống giặc ngoại xâm vô cùng quí báu của dân tộc ta.

Trong dạy học truyền thuyết có nhiều cách để tái hiện hình tượng. Chẳng hạn cho HS tưởng tượng và vẽ về một hình ảnh, chi tiết trong câu chuyện (có thể là hình ảnh, chi tiết mà các em ấn tượng nhất, hoặc do GV chỉ định). Ví dụ. Khi dạy văn bản “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, GV yêu cầu HS tưởng tượng và vẽ lại cảnh hai chàng trai đến cầu hôn công chúa hoặc vẽ cảnh giao tranh giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Dạy đọc hiểu văn bản “Thánh Gióng” có thể yêu cầu HS vẽ lại hình ảnh Gióng vươn vai biến thành tráng sĩ mình cao hơn trượng hoặc vẽ hình ảnh Gióng bay về trời cùng ngựa sắt… Với hình thức này, GV có thể đo được sự tưởng tượng, tái hiện các hình tượng trong đầu của

HS, đồng thời kích thích sự tập trung và hứng thú của các em đối với câu chuyện. Trong thực tế dạy học, chúng tôi nhận thấy HS rất thích vẽ lại các chi tiết, hình ảnh mà các em ấn tượng. Tuy nhiên,vẫn không nhiều GV áp dụng biện pháp này trong giờ dạy học văn. Một phần là do nó đòi hỏi HS phải mất nhiều thời gian để đầu tư, phần nữa là vì nhiều GV chưa thấy được tầm quan trọng của tái hiện hình tượng trong một giờ đọc hiểu văn bản.

Ngoài ra có thể giúp HS tái hiện hình tượng bằng cách sử dụng đồ dùng trực quan. Ví dụ: Trong dạyhọc đọc-hiểu truyền thuyết: "Con Rồng cháu Tiên", khi tìm hiểu chi tiết chia con giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ, GV có thể yêu cầu HS quan sát bức tranh trong SGK trang 6. Việc làm này giúp các em dễ dàng hình dung ra cảnh chia con giữa hai nhân vật chính trong truyện. Hoặc với bài “Bánh chưng, bánh giầy”, GV có thể cho HS quan sát tranh (ảnh) về làm bánh chưng, bánh giầy trong ngày tết cổ truyền của nhân dân ta. Sử dụng đồ dùng trực quan cũng là một phương pháp rất quan trọng và không thể thiếu khi dạy học VHDG, nhất là ngày nay, chúng ta đang được sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Nó giúp HS tái hiện hình tượng nhanh chóng và sinh động.Cũng có thể tái hiện hình tượng bằng cách trực quan hóa nội dung tác phẩm bằng những tác phẩm nghệ thuật khác.Chẳng hạn cho HS xem sân khấu hóa các trích đoạn, xem phim… Ví dụ. Khi dạy đọc hiểu văn bản “Thánh Gióng”, GV nên cho HS xem phim hoạt hình “Chuyện Ông Gióng” của đạo diễn Ngô Mạnh Lân, kịch bản phim Tô Hoài. Nếu có thời gian thì xem toàn bộ phim, nếu không có thể cho HS xem đoạn cuối nhằm giúp các em biết thêm một kết thúc khác của truyện Thánh Gióng. Để từ đó so sánh giữa hai kết thúc và rút ra ý nghĩa của mỗi cách kết thúc.

GV cũng có thể tái hiện hình tượng bằng cách đặt các câu hỏi dưới dạng sau: Em hình dung thế nào về cảnh thiên tai bão lũ do Thủy TInh gây ra được thể hiện trong tác phẩm Sơn Tinh, Thủy TInh? Ở đây hoàn toàn không yêu cầu phân tích cảnh bão lũ mà là yêu cầu HS phải có cái nhìn bên trong thầm kín, phải hình dung thấy bức tranh đó trong đầu mình. Hoặc: “Em hình dung cảnh trả gươm trên hồ Tả Vọng của vua Lê Lợi diễn ra như thế nào? Hãy tả lại…?”Sử dụng câu hỏi để phát huy năng lực tri giác ngôn ngữ, tái hiện hình tượng nghệ thuật, đồng thời giúp người đọc xác nhận sự hình dung của mình dưới tác động của hình tượng nghệ thuật. Dạng câu hỏi này, nghiêng về khơi

gợi trí tưởng tượng của HS, khiến cho văn bản là thế giới những kí hiệu được sống dậy như một sinh mệnh nghệ thuật đích thực. Khả năng tưởng tượng càng cao thì sự thâm nhập vào văn bản càng sâu sắc và các em có xu hướng quên đi thế giới thực tại, sống bằng thế giới tưởng tượng do nhà văn sáng tạo nên.

GV cần hướng dẫn HS khi tái hiện hình tượng cần bám sát văn bản, trung thành với văn bản, tái hiện chính xác các chi tiết nghệ thuật do tác giả xây dựng nên. Tránh trường hợp tái hiện một cách qua loa, hời hợt hoặc suy diễn quá đà.

Một phần của tài liệu một số biện pháp rèn luyện năng lực cảm thụ theo hướng coi học sinh là chủ thể tiếp nhận trong dạy học đọc – hiểu truyền thuyết ở lớp 6 (Trang 69 - 72)