Đọc diễn cảm

Một phần của tài liệu một số biện pháp rèn luyện năng lực cảm thụ theo hướng coi học sinh là chủ thể tiếp nhận trong dạy học đọc – hiểu truyền thuyết ở lớp 6 (Trang 62 - 66)

2.3.1.1. Xuất phát từ đặc thù của môn học, đọc là một hoạt động không thể thiếu trong dạy học văn. Bởi muốn nắm được nội dung tác phẩm nhất thiết phải đọc. Để đọc tốt thì phải đi từ đọc đúng đến đọc hay rồi tiếp đến là đọc diễn cảm. Đọc diễn cảm sẽ đưa người đọc bước vào thế giới tác phẩm, kích thích quá trình tâm lí cảm thụ, phát huy năng lực tri giác ngôn ngữ, tái hiện hình tượng, làm “vang nhạc, sáng hình” (GS. Trần Thanh Đạm). Đọc diễn cảm là con đường khuyến khích HS rung cảm nghệ thuật, phát huy cao độ vai trò chủ thể cảm thụ, phát triển tính tích cực, sáng tạo ở HS. Đồng thời kích thích liên tưởng, tưởng tượng giúp HS nhập thân vào nội dung bài đọc, làm sâu sắc thêm cảm thụ của người đọc, người nghe, gia tăng hiệu quả tiếp nhận.

Đọc diễn cảm từ lâu đã được tiến hành trong nhà trường và trở thành phương pháp cơ bản trong các giờ dạy học văn. Đọc diễn cảm là yêu cầu đặt ra khi đọc những văn bản văn chương hoặc có các yếu tố của ngôn ngữ nghệ thuật. Là việc đọc thể hiện ở kĩ năng làm chủ ngữ điệu, chỗ ngừng giọng, cường độ giọng,…để biểu đạt đúng ý nghĩ, tình cảm mà tác giả đã gửi gắm trong bài đọc, đồng thời biểu hiện được sự thông hiểu, cảm thụ của người đọc đối với tác phẩm.

2.3.1.2. Trong giờ đọc hiểu truyền thuyết ở lớp 6, đọc diễn cảm có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi với đọc diễn cảm, người đọc phải hòa cảm xúc, thả hồn của mình vào thế giới kì ảo của các câu chuyện, dõi theo từng hành động của các nhân vật, khám phá những điều kì thú về cách lí giải trời đất, về nguồn gốc của tổ tiên, về các hiện tượng thiên nhiên…. Để suy nghĩ, rung cảm, tự hào về cội nguồn dân tộc, về tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta…và từ đó người đọc biết truyền cảm đến người nghe, khiến người nghe hiểu được nội dung và cảm xúc đó. Đọc diễn cảm là biểu hiện của sự cảm thụ nghệ thuật sâu sắc và là thước đo mức độ tiếp nhận

nghệ thuật của người đọc. Nó đòi hỏi người nghe, người đọc – HS phải tích cực, sáng tạo, phát huy cao độ vai trò chủ thể cảm thụ. Giúp các em có khả năng cảm thụ truyền thuyết tốt hơn, sâu sắc và thấm thía hơn, đồng thời gia tăng hiệu quả tiếp nhận.Trong giáo trình “Phương pháp luận dạy văn học”,Z.Ia. Rez đã khẳng định đọc diễn cảm là:

“Biện pháp hoạt động đặc thù nhằm tăng cường sự đồng sáng tạo của người đọc, tạo điều kiện cho sự đồng thể nghiệm và phát triển trí tưởng tượng của người đọc” [57]. Còn GS Phan Trọng Luận thì cho rằng: “Đọc sách là liên tưởng, là hồi ức, là tưởng tượng”, “Sức hoạt động của liên tưởng càng mạnh bao nhiêu thì sức cảm thụ càng sâu, càng nhạy bén bấy nhiêu” [34] .

Đọc diễn cảm truyền thuyết thể hiện sự sáng tạo trong giọng đọc nhằm tác động đến người nghe, trước hết là tác động đến tình cảm. Nếu GV (hoặc HS) có giọng đọc tốt sẽ tạo được sự hứng thú cho HS trong giờ học, dẫn dắt, lôi cuốn người nghe bước vào thế giới xa xưa, không khí hư thực của những câu chuyện cổ. Người học khi thưởng thức giọng đọc dễ nảy sinh những ấn tượng, xúc động tự nhiên về các câu chuyện. Những câu chuyện truyền thuyết này có thể các em đã được đọc, được nghe trước đó không chỉ một lần vì thế việc lên lớp đọc lại văn bản nếu không tạo được sự khác biệt sẽ gây nhàm chán và giờ học sẽ tẻ nhạt, vô vị. Do đó bằng hình thức đọc diễn cảm, GV có thể tạo nên những bất ngờ, hứng thú và có thể khiến các em bỗng nhiên có cảm nhận mới mẻ, thú vị về văn bản.

Mặt khác, khi GV yêu cầu HS đọc văn bản thì đó là cơ hội giúp các em bộc lộ bản thân, là thể hiện sự cảm thụ và thể nghiệm sâu sắc. Bởi ngôn từ văn bản nghệ thuật được tổ chức đặc biệt, ngôn từ mang tính hình tượng, biểu cảm. Và nội dung của văn bản là sản phẩm của việc thể hiện những rung động mãnh liệt, cảm hứng nồng nàn cháy bỏng của tác giả dân gian. Vì thế đọc diễn cảm như thế nào để lột tả được nội dung tình cảm của nó, phải đọc đúng giọng điệu làm lây lan cảm xúc và truyền cảm hứng cho người học.

Ví dụ khi dạy đọc hiểu văn bản “Con Rồng, cháu Tiên” cần hướng dẫn HS đọc diễn cảm với giọng chậm rãi, tự nhiên, rõ ràng. Lời nói của Âu Cơ thì đọc với giọng lo lắng, than thở, tha thiết. Nghắt hơi đúng: Sao chàng bỏ thiếp mà đi/ không cùng thiếp

nuôi các con”; lời nói của Lạc Long Quân đọc với giọng tình cảm, ân cần, chậm rãi nhưng dõng dạc. Ngắt hơi:

Ta vốn nòi Rồng vốn ở vùng nước thẳm/, nàng là dòng Tiên ở chốn non cao/.Kẻ ở cạn/, người ở nước/, tính tình/, tập quán khác nhau, khó mà ăn ở cùng nhau một nơi lâu dài được/. Nay ta đưa năm mươi con xuống biển/, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Kẻ miền núi/, người miền biển/, khi có việc gì thì giúp đỡ lẫn nhau/, đừng quên lời hẹn”.

Hoặc khi dạy văn bản: “Bánh chưng, bánh giầy” cần hướng dẫn HS đọc diễn cảm với giọng chậm rãi, tình cảm, trân trọng. Lời nói của thần trong giấc mộng của Lang Liêu âm vang, xa vắng. Ngắt hơi:

Trong trời đất không gì quý bằng hạt gạo/. Chỉ có gạo mới nuôi sống con người và ăn không bao giờ chán/. Các thứ khác tuy ngon nhưng hiếm/, mà người không làm ra được. Còn lúa gạo thì mình trồng lấy/, trồng nhiều/ được nhiều/. Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương.

Giọng vua Hùng đĩnh đạc, chắc khỏe. Khi đọc diễn cảm truyền thuyết cần cố gắng thể hiện không khí lịch sử.

Ðọc diễn cảm truyền thuyết có thể tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau, kết hợp việc đọc của GV và HS: đọc đầu giờ, đọc khi kết thúc bài giảng, đọc trong quá trình phân tích, đọc theo bố cục… Đọc theo bố cục là phương pháp thường gặp trong quá trình đọc hiểu văn bản. Cách đọc này dễ giúp HS nắm được nội dung chính của đoạn văn vừa đọc xong, đồng thời tạo tâm thế đón chờ tìm hiểu nội dung đoạn văn tiếp theo, cho đến hết truyện. Ví dụ.Khi dạy văn bản “Thánh Gióng”, GV hướng dẫn HS tìm bố cục văn bản gồm 4 phần tương ứng với 4 nội dung chính:

- Phần 1: từ đầu đến “đăt đâu thì nằm đấy: Sự ra đời của Gióng; - Phần 2: từ tiếp theo đến “chú bé dặn”: Gióng đòi đi đánh giặc;

- Phần 3: tiếp theo đến “giết giặc cứu nước”: Gióng được nuôi lớn để đánh giặc; - Phần 4: Phần còn lại: Gióng đánh thắng giặc và trở về trời.

Khi phân tích đến nội dung nào sẽ đọc đoạn văn đó.

Với những văn bản dài, nếu thời gian không cho phép, chỉ nên đọc những đoạn quan trọng, phần còn lại GV tóm tắt ý chính. Ví dụ. Khi dạy đọc- hiểu văn bản “Sự

tích Hồ Gươm”, GV không nên yêu cầu HS đọc một lần hết văn bản, bởi đây là văn bản tương đối dài. Sau khi hướng dẫn HS tìm bố cục gồm 2 phần. Phần 1. Từ “Vào thời giặc Minh” đến “trên đất nước”. Phần 2. Tiếp theo đến “hồ Hoàn Kiếm”. GV có thể yêu cầu HS đọc phần 1 và tóm tắt phần 2 hoặc ngược lại. Cũng có thể chia nhỏ các phần để vừa đọc vừa tóm tắt. Chẳng hạn chia phần 1 ra thành 2 đoạn nhỏ: Đoạn 1: từ đầu đến “không biết đó là báu vật”; đoạn 2: Đoạn còn lại. GV yêu cầu HS đọc đoạn đầu và tóm tắt đoạn 2. Ở phần 2 cũng có thể làm tương tự như vậy.

Cần hướng dẫn HS khi đọc biết cách thể hiện ngữ điệu, trường độ, cao độ qua giọng đọc của mình. Muốn thể hiện tốt giọng đọc diễn cảm cho một bài đọc hay một đoạn trong bài đọc thì GV cần căn cứ vào nội dung phong cách bài đọc để dẫn dắt gợi mở HS tìm ra cách đọc và thể hiện bằng giọng đọc của chính mình. Ví dụ. Khi dạy đọc hiểu văn bản “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, sau khi hướng dẫn HS tìm bố cục văn bản gồm ba phần, GV gợi ý HS về cách đọc tương ứng với nội dung mỗi phần: Phần đầu: vua Hùng kén rễ- đọc với giọng chậm rãi; Phần giữa: tả cuộc giao tranh giữa hai thần -đọc với giọng nhanh, gấp; Phần cuối: sự trả thù hàng năm của Thủy Tinh lúc này giọng đọc trở lại chậm, bình tĩnh.

GV hoặc HS có giọng đọc tốt nên đọc mẫu trước một đoạn trong văn bản. Cũng có thể cho HS nghe các nghệ sĩ đọc diễn cảm truyền thuyết trong các băng, đĩa. Trong quá trình đọc, GV hướng dẫn HS chú ý và gạch dưới những hình ảnh, từ ngữ tiêu biểu, được lặp lại nhiều lần trong tác phẩm, những thủ pháp nghệ thuật được sử dụng,... làm tiền đề cho quá trình khám phá tác phẩm. Chẳng hạn với văn bản “Sự tích Hồ Gươm” cần lưu ý các chi tiết lưỡi gươm dưới nước, chuôi gươm trên cây nhưng lắp vào vừa khít như in. Với truyền thuyết “Sơn Tinh, Thủy Tinh” nên chú ý đến điều kiện vua Hùng kén rễ. Ở truyện “Con Rồng, cháu Tiên” không thể không quan tâm đến các chi tiết: Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm người con, hồng hào xinh đẹp lạ thường; Chi tiết Lạc Long Quân và Âu Cơ chia con…

Nếu GV sử dụng biện pháp này một cách linh hoạt, phù hợp sẽ tạo cho HS những ấn tượng mới lạ, những cảm xúc đẹp về các câu chuyện truyền thuyết vốn dĩ đã rất quen thuộc với các em, đồng thời kích thích liên tưởng, tưởng tượng giúp người học bước vào thế giới nghệ thuật một cách tự nhiên và dễ dàng chiếm lĩnh trọn vẹn tác

phẩm. Vì thế có thể khẳng định đọc diễn cảm là biện pháp chọn cách đi vào trái tim để tạo nên một hiệu quả thẩm mĩ bền lâu trong lòng người nghe, người đọc. Đó chính là giá trị vững bền của biện pháp đọc diễn cảm mà một lĩnh vực cần nhiều đến cảm xúc thẩm mĩ, đến không khí giao cảm, giao hoà giữa những con người như bồi dưỡng năng lực CTVH không thể không tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo, hiệu quả.

Một phần của tài liệu một số biện pháp rèn luyện năng lực cảm thụ theo hướng coi học sinh là chủ thể tiếp nhận trong dạy học đọc – hiểu truyền thuyết ở lớp 6 (Trang 62 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)