Sử dụng lời bình

Một phần của tài liệu một số biện pháp rèn luyện năng lực cảm thụ theo hướng coi học sinh là chủ thể tiếp nhận trong dạy học đọc – hiểu truyền thuyết ở lớp 6 (Trang 75 - 78)

2.3.5.1. Môn văn trong nhà trường là môn học vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tínhkhoa học. Nó là chìa khoá để HS tiến vào mọi lĩnh vực khoa học, mọi hoạt động xã hội. Nó có tác dụng sâu sắc và lâu bền đến đời sống tâm hồn và trí tuệ của các em. Là tiếng nói của tư tưởng, văn học là: “một thứ khí giới thanh cao và đắc lực” tác động sâu sắc, mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm, cảm xúc của con người .

Nội dung phong phú của tri thức văn học với tính chất là một môn nghệ thuật ngôn từ, đòi hỏi phải có những phương pháp, biện pháp đặc thù, đa dạng để HS lĩnh hội tri

thức một cách vững chắc đáp ứng sự phát triển về thẩm mĩ, đạo đức, trí tuệ. Để cảm thụ sâu sắc một tác phẩm văn chương, để giờ văn mang đậm chất văn chương thì GV không chỉ nêu câu hỏi, không chỉ đàm thoại, gợi mở vấn đề mà còn phải hướng dẫn HS biết cách nhận xét, đánh giá bình phẩm tác phẩm văn học. Có nghĩa là GV phải chú ý tới phương pháp giảng bình trong giờ văn.

Giảng bình là một phương pháp giảng dạy quen thuộc trong hệ thống dạy học văn chương truyền thống. Nó là phương pháp có tính đặc thù của cảm thụ và truyền thụ văn học. Bình văn chính là “nói lại nội dung CTVH (đúng đắn) của mình đến người nghe cùng cảm thụ như mình” [33, tr.225]. Trong giờ đọc- hiểu văn bản, người GV thông qua sự hiểu và cảm của mình phải làm thế nào để HS cũng hiểu biết và rung cảm về bài văn, bài thơ một cách đúng đắn.

Trong một giờ dạy học văn không thể vắng lời bình của GV, có giảng bình thì mới làm cho HS có tâm hồn trong sáng hơn, tạo được sự hứng thú cho các em. Một lời bình hay, đúng lúc, đúng chỗ có khả năng đánh thức liên tưởng của HS, là con đường dẫn HS thâm nhập tự nhiên vào thế giới nghệ thuật văn bản, góp phần nâng cao giá trị thẩm mỹ của bài văn, bài thơ, khơi dậy ở các em tình yêu con người và cuộc sống để các em biết phê phán và đấu tranh loại bỏ cái ác, cái xấu hướng tới chân, thiện, mỹ. Biện pháp này tạo nên sự giao lưu,cộng hưởng về tình cảm trong giờ văn. Lời bình là sản phẩm của sự xúc động sâu sắc trước vẻ đẹp của văn bản, nhưng GV không được lạm dụng biện pháp này. Bởi lẽ, nhiệm vụ chính của GV là tổ chức để HS cảm thụ và lĩnh hội giá trị của văn bản chứ chứ không phải áp đặt, “hiểu hộ, cảm thụ thay” các em. Do đó, GV chỉ đưa ra lời bình khi HS cảm nhận chưa tới, đánh giá chưa xác đáng và những lời bình lúc đó có tác dụng hỗ trợ, tiến tới khắc sâu ấn tượng cho HS, tạo nên những xúc cảm thẩm mỹ. GV phải chọn bình những chi tiết là điểm sáng nghệ thuật, và chọn được cách nói ấn tượng, độc đáo, nhằm tác động mạnh đến cảm xúc của HS. Từ đó nâng cao năng lực cảm thụ cho các em.

Nói tóm lại, trong giờ dạy học văn, giảng bình không phải là phương pháp duy nhất, nhưng hiệu quả mang lại của nó là điều không thể phủ nhận

2.3.5.2. Trong giờ đọc hiểu truyền thuyết ở lớp 6, GV có thể bình hoặc yêu cầu HS bình các chi tiết nghệ thuật tưởng tượng, bình quan niệm, mục đích, ước mơ của

nhân dân... phù hợp theo từng văn bản. Ví dụ: Dạy truyền thuyết "Con Rồng, cháu Tiên" không thể không cho HS bình chi tiết nghệ thuật tưởng tượng về "Cái bọc trăm trứng nở ra trăm người con trai". Sau phần bình của HS, GV tổng hợp, nâng cao hơn: Đây là chi tiết lạ, tính chất hoang đường nhưng rất thú vị và giàu ý nghĩa. Nó bắt nguồn từ thực tế rồng rắn (bò sát) đều đẻ trứng. Tiên (chim) cũng đẻ trứng và như vậy chỉ có thần tiên mới đẻ được bọc trăm trứng nở ra trăm người con trai không cần bú mớm, lớn nhanh như thổi, hồng hào khoẻ mạnh như thần. Chi tiết này vừa có ý nghĩa tô đậm tính chất kì lạ, lớn lao, đẹp đẽ của nhân vật, sự kiện vừa là thần kì hoá, linh thiêng hoá nguồn gốc nòi giống dân tộc. Mỗi con người Việt Nam đều cùng một huyết hệ vô cùng thân thiết, đều cùng chung một dòng giống cội nguồn đẹp đẽ, cao quí "Con Rồng cháu Tiên". Hai tiếng "đồng bào" (cùng chung một bọc) khơi dậy tình đoàn kết dân tộc, tình cốt nhục vô cùng thiêng liêng cao cả. Cũng từ đó mỗi người Việt Nam ta càng thêm tự hào, tôn kính tổ tiên mình. Hoặc GV có thể bình về tính chất nhân dân, toàn dân và chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn sau khi hướng dẫn HS rút ra ý nghĩa của truyền thuyết “Sư tích Hồ Gươm” như: Chủ tướng của cuộc khởi nghĩa là Lê Lợi, dưới là Lê Thận (xuất thân là người đánh cá), tiêu biểu cho nghĩa quân, trên là đức Long Quân - tượng trưng cho tổ tiên, hồn thiêng dân tộc. Các bộ phận của gươm khớp vào nhau là hình ảnh nhân dân các vùng, miền, trên, dưới đồng lòng, hợp nhau tạo thành sức mạnh. Thanh gươm ngời sáng sức mạnh chính nghĩa. Tất cả những chi tiết đó nói lên ý nghĩa ca ngợi tính chất nhân dân, chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Hoặc bình về chi tiết lưỡi gươm dưới nước, chuôi gươm trên cạn nhưng khi tra vào nhau vừa khít như in: chuôi gươm và lưỡi gươm khi tra vào nhau vừa khít như in thể hiện ý nguyện muôn dân, ý nguyện dân tộc. Tất cả đã trao cho Lê Lợi và nghĩa quân trách nhiệm đánh giặc. Gươm chờ người mà trao, người nhận gươm nhận trách nhiệm trước đất nước và sẽ làm tỏa sáng tinh thần dân tộc như gươm thần tỏa sáng. Trong truyền thuyết “ Bánh chưng, bánh giầy”, sau khi cho HS thảo luận câu hỏi: “ Vì sao hai thứ bánh của Lang Liêu được vua chọn để tế Trời, Đất, Tiên Vương và Lang Liêu được chọn nối ngôi vua?”, GV tổng hợp: Hai thứ bánh đó có ý nghĩa thực tế ( quí trọng nghề nông, quý trọng hạt gạo nuôi sống con người và là sản phẩm do chính con người làm ra) và ý tưởng sâu xa (tượng trời, tượng đất, tượng muôn loài…). Chính vì

vậy bánh chưng và bánh giầy rất hợp với ý vua, chứng tỏ được tài đức người con có thể nối được chí vua. Đem cái quí nhất của trời đất, của đồng ruộng, do chính tay mình làm ra mà tiến cúng Tiên Vương, dâng lên cha thì đúng là người con thông minh, hiếu thảo, trân trọng những người đã sinh ra mình”. Hoặc khi dạy văn bản “Thánh Gióng” không thể không bình chi tiết “cái vươn vai thần kì” của Gióng, làm sao có thể bỏ qua được hình ảnh Gióng nhổ cụm tre bên đường quật vào giặc khi roi sắt gãy…

Trong những trường hợp trên, lời bình đúng lúc của GV giúp HS hiểu sâu sắc hơn truyền thuyết mà mình đang học, kích thích sự tìm tòi khám phá những ý nghĩa thú vị ẩn sau những con chữ trong truyền thuyết. Từ đó giúp các em biết yêu quý hơn những gì ông cha ta để lại.

Lời bình hay sẽ có tác động mạnh gây ấn tượng lâu bền trong tư duy nhận thức của HS. Từ lời bình, HS thực sự có những rung động về mặt tư tưởng, tình cảm và rèn được năng lực cảm thụ, tích luỹ vốn về kiến thức để tạo lập văn bản nói, viết tốt.

Một phần của tài liệu một số biện pháp rèn luyện năng lực cảm thụ theo hướng coi học sinh là chủ thể tiếp nhận trong dạy học đọc – hiểu truyền thuyết ở lớp 6 (Trang 75 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)