Tình hình rèn luyện năng lực cảm thụ cho HS trong giờ đọc-hiểu văn bản

Một phần của tài liệu một số biện pháp rèn luyện năng lực cảm thụ theo hướng coi học sinh là chủ thể tiếp nhận trong dạy học đọc – hiểu truyền thuyết ở lớp 6 (Trang 50 - 52)

57% GV cho rằng HS lớp 6 có khả năng CTVH tốt. Từ thực tế giảng dạy, dự giờ thăm lớp, chúng tôi nhận thấy khả năng CTVH của các em tương đối tốt. Như đã nói, nội dung chương trình Ngữ văn 6 khá phù hợp với đặc điểm tâm lí HS. Ở HKI, phần văn học dân gian là những câu chuyện khá đơn giản, thú vị, dễ thuộc, dễ nhớ và rất gần gũi với các em. Những câu chuyện này đại đa số các em đã được nghe, được đọc trước đó. Có thể các em được nghe qua lời kể của bà, của mẹ cũng có thể các em tự tìm đọc. Không ít các em khi còn rất bé đã được sống trong thế giới cổ tích thơ mộng có cô Tâm hiền lành chui ra từ quả thị, được nghe tiếng đàn của Thạch Sanh: “ Đàn kêu tích tịch tình tang; ai mang công chúa dưới hang trở về”. Được gặp các nhân vật truyền thuyết. Có em ước ao mình xinh đẹp như Mỵ Nương. Có em nam lại ước mình có thể “bóc từng quả núi, dời từng quả đồi” như Sơn Tinh…Vì thế khi học những truyện dân gian trong SGK các em cảm thấy rất quen thuộc và dễ hiểu, dễ cảm. Cùng với lời giảng và sự dẫn dắt của thầy cô các em dễ chìm vào thế giới xa xưa của những câu chuyện cổ. Các em cũng rất hứng thú diễn đạt và chia sẻ những điều mình cảm, mình hiểu cùng thầy cô, bạn bè.

Tuy nhiên vẫn còn hiện tượng trình độ chưa đồng đều giữa các HS. Một số em có năng lực cảm thụ chưa tốt; trình độ, kĩ năng văn học còn hạn chế . Một thực tế rất đáng

suy nghĩ là những em này mặc dù đã là HS lớp 6 nhưng vẫn đọc chưa thông, viết chưa thạo nên rất ngại đọc và ngại diễn đạt suy nghĩ của mình kể cả nói và viết. Vốn từ vựng ít ỏi do các em ít đọc sách, ít giao tiếp, ít tiếp xúc với thực tế. Các em không tìm được những từ “chìa khóa”, những từ cốt lõi ẩn chứa nội dung, những dấu hiệu mang tính nghệ thuật của văn bản. Nếu có cảm nhận được thì HS diễn đạt ý còn rườm rà, hoặc cộc lốc chưa thể hiện hết nội dung cảm nhận.

Về phía GV , kết quả điều tra cho thấy , 100% GV trong giờ đọc hiểu, thường xuyên rèn năng lực CTVH cho HS; 100% GV xem việc rèn luyện năng lực CTVH là quan trọng hoặc rất quan trọng. Đây là con số có thể chưa thể hiện được chính xác thực tế rèn luyện CTVH ở trường THCS. Tuy nhiên qua dự giờ, trao đổi với GV đồng nghiệp, chúng tôi cũng nhận thấy được rằng một số GV đã có những cách thức rèn luyện cảm thụ rất tốt. Tùy từng bài đọc hiểu mà GV linh hoạt sử dụng những biện pháp phù hợp để giúp các em có thể chiếm lĩnh được trọn vẹn tác phẩm. Đây là những giờ văn thực sự đem lại niềm say mê hứng thú và phát triển được kĩ năng văn học cho các em. Trong các giờ học văn học dân gian, thầy cô đã khéo léo dẫn dắt các em liên tưởng, tưởng tượng bước vào thế giới của những câu chuyện cổ, hăng say, thích thú chiếm lĩnh tác phẩm và rồi thể hiện những điều mình cảm nhận được một cách đầy xúc cảm.

Bên cạnh đó, nhiều người dạy v ẫn thiên về kiến thức , chú trọng thuyết giảng vì thế việc rèn kĩ năng thiếu cơ sở vững chắc . Khi hỏi đến vấn đề rèn luyện năng lực trong giờ văn, nhiều GV có ý kiến: Dẫu biết rèn luyện CTVH cho HS là rất quan trọng, tuy nhiên với thời lượng 45 phút chạy đuổi theo kiến thức đôi lúc còn không kịp vì thế rất khó để rèn luyện năng lực cho HS . Hơn nữa các kì thi v ẫn chỉ chú ý kiểm tra kiến thức chứ không quan tâm mấy đến kĩ năng. Vì thế việc cung cấp kiến thức là quan trọng hơn cả. Đây cũng là một thực tế mà nhiều GV văn khi đứng lớp boăn khoăn, trăn trở nhưng chưa tìm được lối ra. Hoặc có khi do “lực bất tòng tâm” bởi năng lực một số GV còn hạn chế . Chưa nhạy bén trong việc đổi mới phương pháp và tiếp cận với những tiến bộ trong kĩ thuật dạy học . Còn nhiều lúng túng và vấp váp khi lên lớp . Có GV khi đứng trước một tác phẩm còn thấy bỡ ngỡ, không biết phải hiểu cảm thế nào, chưa nắm hết những ý tình mà tác giả muốn gửi gắm thì làm sao có thể giúp HS cảm thụ tốt. Đôi khi GV còn lúng túng chưa biết sử dụng những biện pháp nào hiệu quả để

có thể dẫn dắt HS từng bước thâm nhập vào tác phẩm, khám phá, thẩm thấu được những điều kì diệu mà tác phẩm văn học mang lại. Hoặc GV chưa đủ lửa để thổi bùng được tình yêu văn học ở các em. Có nhiều GV chưa hiểu rõ CTVH là gì. Mặc dù, có những công việc GV và HS làm trên lớp, bản chất là đang giúp HS CTVH nhưng GV không biết. Hoặc đôi khi GV đề cao quá vấn đề CTVH, cho rằng dạy CTVH là dạy bồi dưỡng HS giỏi, là dạy nâng cao cho HS. Từ việc chưa nhận thức được, hoặc là nhận thức chưa đầy đủ về vai trò quan trọng của việc bồi dưỡng năng lực CTVH cho HS nên việc giúp HS cảm thụ chưa có hiệu quả. Nếu có rèn CTVH thì đa số GV áp đặt cách cảm thụ của mình cho HS, trò thừa nhận ý kiến của thầy, cảm thụ lại những điều mà thầy cảm thụ được. Mà chúng ta đã biết rằng việc cảm thụ của người lớn có những điểm giống nhưng cũng có rất nhiều điểm khác so với cảm thụ của trẻ …

Nhiều trường hợp GV không chú ý đến đặc trưng thể loại. Dạy VHDG như văn học viết tức là chỉ phân tích tác phẩm VHDG trên ngôn từ của văn bản và áp dụng một cách máy móc thi pháp của VHV chứ không phải thi pháp của VHDG để tìm hiểu tác phẩm. Cách dạy này đã biến VHDG thành VHV. Người dạy đã tước bỏ đi sắc thái folklore vốn là vẻ đẹp độc đáo và ý vị nhất của những câu chuyện dân gianv.v. Đó là những nguyên do khiến cho việc cảm thụ VHDG ở HS gặp nhiều khó khăn.

Một phần của tài liệu một số biện pháp rèn luyện năng lực cảm thụ theo hướng coi học sinh là chủ thể tiếp nhận trong dạy học đọc – hiểu truyền thuyết ở lớp 6 (Trang 50 - 52)