Đọc hiểu là hoạt động đọc diễn ra đồng thời với quá trình nắm bắt thông tin, đọc để có khả năng thông hiểu những gì đọc được. Kết quả của đọc hiểu là người đọc phải lĩnh hội được thông tin, hiểu được toàn bộ những gì được đọc. Chẳng hạn đọc một bài
báo, một toa thuốc, một đơn hàng… thì cần biết được các văn bản ấy có những nội dung gì. Vì vậy người ta thường sử dụng các dạng câu hỏi yêu cầu người đọc cung cấp thông tin phản hồi để kiểm tra xem người đọc có nắm bắt được các nội dung văn bản vừa đọc hay không. Chẳng hạn một người chưa đọc báo ngày hôm nay hỏi người đọc rồi “Báo hôm nay có những gì? Có tin gì đáng chú ý không?... Hoặc khi dạy bài “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân (SGK Ngữ văn 11,tập 1), GV có thể đưa ra hệ thống câu hỏi để kiểm tra việc nắm bắt nội dung ở HS sau khi đọc văn bản như:
1. Truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân được rút từ tập truyện ngắn nào?
2. Viên quản ngục và thầy thơ lại đã nghe đồn về thầy Huấn Cao là người như thế nào?
3. Mở đầu truyện ngắn là cuộc đối thoại giữa viên quản ngục và thầy thơ lại. Đối tượng trong câu chuyện của họ là thầy Huấn Cao. Sau khi kể về lời đồn đã nghe được về Huấn cao, thầy thơ lại đã nói gì với viên quản ngục?
4. Huấn Cao nói với quản ngục “Ngươi hỏi ta muốn gì. Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Câu trả lời của Huấn Cao thể hiện điều gì? …
Như vậy với hệ thống câu hỏi đưa ra chúng ta sẽ biết được đối tượng đã đọc văn bản chưa, nắm nội dung đến mức nào và hiểu nó ra sao…
Đọc hiểu là yêu cầu đặt ra cho mọi đối tượng đọc, với tất cả các kiểu loại văn bản đọc, trong đó có cả văn bản nghệ thuật. Còn CTVH là yêu cầu đặt ra cho những ai đọc các văn bản nghệ thuật. Chẳng hạn người ta nói cảm thụ bài thơ “ Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử, cảm thụ bài hát “ Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến, cảm thụ bức họa “ Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân…chứ không ai nói cảm thụ một biển báo, cảm thụ một đơn xin phép...
CTVH là đọc hiểu các tác phẩm văn chương ở mức độ cao nhất, không chỉ nắm bắt thông tin mà còn phải thẩm thấu được thông tin, phân tích, đánh giá được khả năng sử dụng ngôn từ của tác giả, tạo được mối giao cảm đặc biệt giữa tác giả và bạn đọc và có thể truyền thụ cách hiểu đó cho người khác.
Đọc hiểu và cảm thụ có sự tác động qua lại lẫn nhau, thống nhất nhưng không đồng nhất với nhau. Có thể coi đọc hiểu là bước khởi đầu, còn CTVH là bước cuối của quá trình đọc một văn bản nghệ thuật. Đầu tiên là đọc để nắm bắt được văn bản, làm cơ sở cho việc tìm hiểu văn bản. Hiểu nội dung tức là người đọc đã phát hiện ra các thông tin mà tác giả gửi gắm trong văn bản tác phẩm, kể cả việc nhận diện các yếu tố nghệ thuật đã được sử dụng nhằm chuyển tải thông tin tới người đọc một cách ấn tượng. Chẳng hạn với đoạn thơ :
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như trông là thường Lưng trần phơi nắng phơi sương Có manh áo cộc tre nhường cho con
(Tre Việt Nam- Nguyễn Duy)
Đầu tiên người đọc nắm được nội dung bề mặt của ngôn từ nghệ thuật đó là tả về cây tre. Sau đó người đọc suy nghĩ để hiểu sâu sắc những gì mà ngôn từ gợi ra và biện pháp nghệ thuật nhân hóa được sử dụng nhằm chuyển tải thông tin đến người đọc đó là phẩm chất của cây tre Việt Nam. Thông qua đó tác giả muốn bộc lộ phẩm chất cao quý của con người Việt Nam.
Cảm thụ là quá trình người đọc nhập thân đầy cảm xúc vào tác phẩm, suy tư về một số các câu chữ hình ảnh, lập luận và sống cùng tâm trạng, cảm xúc của nhân vật, nhân vật trữ tình hoặc tác giả. Hình ảnh cây tre Việt Nam trong bài thơ của Nguyễn Duy gợi cho ta thấy sự kiêu hãnh, hiên ngang, kiên cường, bất khuất…của dân tộc Việt Nam. Ta cảm thấy tự hào và yêu quý hơn con người Việt Nam, đất nước Việt Nam. Người cảm thụ đồng thời vừa là người tiếp nhận vừa là người phản hồi về tác phẩm.
Hiểu và cảm thụ văn bản nghệ thuật thuộc hai mức độ nông sâu khác nhau. Hiểu là việc chạm tới nội dung bề mặt của ngôn từ nghệ thuật (còn gọi là hiển ngôn), còn cảm thụ là việc hiểu sâu sắc với những xúc động, trước những gì mà ngôn từ gợi ra để nhận thức được chiều sâu ý nghĩa của văn bản (hàm ngôn).
CTVH là bước cuối cùng của chặng đường đọc hiểu, là đọc hiểu ở mức độ cao nhất. Vì vậy sau khi đã hiểu thấu đáo nội dung một tác phẩm văn học, người đọc cần phát hiện tiếp các tín hiệu thẩm mĩ của văn bản nhằm tiếp cận tác phẩm ở một mức độ
cao hơn, tạo mối giao tiếp gần gũi hơn với tác giả. Các tín hiệu đó có thể rất nhỏ bé, nhưng có sức gợi tưởng tượng và liên tưởng sâu xa, đem lại những rung cảm thực sự cho người đọc. Chẳng hạn đến với bài thơ “Đò Lèn” của Nguyễn Duy người đọc sẽ dễ dàng hiểu được nội dung bài thơ. Đó là người cháu nhớ lại hình ảnh lam lũ, tần tảo giữa cuộc sống thường nhật của người bà bên cạnh sự vô tư đến vô tâm của mình và sự thức tỉnh của người cháu trước qui luật đơn giản, nghiệt ngã của cõi đời, càng cảm thấy nuối tiếc, xót xa. Nhưng không phải ai cũng cảm thụ bài thơ này tốt. Những người cảm thụ được bài thơ này là những người có thể nhập thân sống cùng tâm trạng tác giả. Đó là tâm trạng “Khi tôi biết thương bà thì đã muộn, bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi”, đó là nỗi nhớ quê da diết với những nghịch ngợm hồn nhiên và vô tâm thời non trẻ…có người nói đọc bài thơ bỗng thấy rưng rưng nước mắt vì họ tìm được sự chia sẻ, đồng cảm ở đó. Có người xúc động khi đọc bài thơ bởi sự chân thành mộc mạc, giản dị, lời thơ như lời tâm sự…
Như vậy đọc hiểu và cảm thụ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đọc hiểu tốt thì mới cảm thụ tốt và ngược lại.