Nội dung và ý nghĩa của môn học: có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao tính tích cực học tập của HS. Môn học có ý nghĩa, nội dung sinh động, hấp dẫn, gắn liền với thực tiễn, cần thiết với HS sẽ khơi dậy nhu cầu học tập và làm nảy sinh hứng thú học tập. Ngược lại, một môn học không có ý nghĩa, không cần thiết sẽ tạo ra sự nhàm chán và làm mất đi hứng thú học tập của HS.
Phương pháp giảng dạy của GV: ảnh hưởng rất lớn đến tính tích cực học tập của HS. Trong quá trình dạy học, nếu GV sử dụng các phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, đặc điểm nhận thức, tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tích cực thì có thể khơi gợi sự hứng thú, lòng say mê, khả năng tư duy sáng tạo của người học, phát huy được tính tích cực học tập của HS. Bên cạnh đó bản thân
GV cũng có thể là tấm gương sáng về tính tích cực, ham học hỏi sẽ ảnh hưởng đến thái độ, tình cảm và tính tích cực của HS.
Điều kiện và phương tiện học tập: có ảnh hưởng rất lớn đến niềm say mê, hứng thú, tính tích cực học tập của HS. Chẳng hạn như: thư viện, tài liệu tham khảo, hệ thống máy tính kết nối mạng, nhiệt độ và không gian phòng học có ảnh hưởng trực tiếp nhất. Việc đọc thêm các loại tài liệu không những giúp HS mở rộng thêm kiến thức mà còn giúp cho HS thấy rõ ý nghĩa thực tiễn của môn học từ đó góp phần nâng cao hứng thú học tập cho HS.
Thời gian: Trong quá trình học tập, HS phải học nhiều môn. Mỗi môn có nội dung, tính chất, đặc thù riêng. Ngoài việc học trên lớp, học sinh có thể đi học thêm, tham gia các hoạt động phong trào, hoạt động ngoại khoá, phụ giúp công việc cho gia đình…Cho nên nếu HS không có đủ thời gian để tự ôn tập và chủ động trong việc học sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tính tích cực học tập của HS.
Môi trường xã hội và hoàn cảnh gia đình: là hai yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến tính tích cực, tự giác của HS. Môi trường xã hội và hoàn cảnh gia đình tích cực, lành mạnh sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng động cơ, thái độ học tập, rèn luyện của HS. Ngược lại, môi trường xã hội và hoàn cảnh gia đình tiêu cực với tâm trạng bi quan, chán nản, nhiều tệ nạn…sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tính tích cực học tập của HS.
Tóm lại, tính tích cực học tập của HS chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Mỗi yếu tố có vai trò và vị trí khác nhau, song chúng có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung và có tác động qua lại lẫn nhau. Vì vậy, muốn phát huy tính tích cực học tập của HS phải xem xét và đồng thời tác động vào nhiều yếu tố theo hướng tích cực hoá để không ngừng phát huy tính tích cực học tập của HS.