Phân nhóm trong dạy học

Một phần của tài liệu tổ chức dạy học theo nhóm chương “hạt nhân nguyên tử” vật lý 12 ban cơ bản (Trang 51 - 54)

Có nhiều tiêu chí khác nhau để phân nhóm trong dạy học, sau đây là một số tiêu chí phổ biến để phân nhóm.

a. Theo quy mô của nhóm

Nhóm cặp đôi: mỗi nhóm có 2 HS (thường là HS ngồi chung bàn) để trao đổi và thống nhất trả lời một câu hỏi, giải quyết một vấn đề, nêu một ý tưởng…

Nhóm nhỏ: mỗi nhóm khoảng 3 - 6 HS để thảo luận một vấn đề nào đó và nhanh chóng đưa ra kết luận về vấn đề đó. Quy mô của nhóm này thường được sử dụng kết hợp với các kỹ thuật dạy học khác trong một tiết học. Phần lớn các nhà giáo dục đều cho rằng quy mô nhóm từ 3 - 6 HS là thích hợp trong dạy học.

Nhóm lớn: mỗi nhóm có từ 7 HS trở trên. Quy mô của nhóm này dễ dẫn đến làm việc kém hiệu quả vì có quá nhiều sự tương tác giữa các thành viên, khó điều khiển, khó phân chia công việc.

b. Theo thành phần học sinh trong nhóm

Nhóm HS có cùng sở thích, cùng đặc điểm chung: Các HS có cùng sở thích, cùng đặc điểm chung, cùng mối quan tâm đến vấn đề học tập hoặc có sự thân thiết với nhau từ trước sẽ tự nguyện thành lập một nhóm. VD: khi một buổi học có nhiều đề tài khác nhau thì HS nào có cùng sở thích chung một đề tài thì xếp chung một nhóm…Đối với HS thì đây là cách dễ chịu nhất để thành lập nhóm, đảm bảo công việc thành công nhanh nhất nhưng dễ tạo ra sự tách biệt giữa các nhóm trong lớp và trình độ học tập giữa các nhóm không đồng đều.

Nhóm HS có cùng trình độ học tập: các HS khá giỏi sẽ chung một nhóm, HS yếu kém sẽ chung một nhóm. Ví dụ: nhóm HS yếu kém sẽ được giao các bài tập cơ bản, nhóm HS khá giỏi sẽ được giao các bài tập nâng cao, mở rộng ra khỏi phạm vi bài học. Tuy nhiên cách làm này dẫn đến kết quả là nhóm học tập cảm thấy bị chia thành những HS thông minh và những HS kém.

Nhóm HS có đủ trình độ học tập: mỗi nhóm sẽ có đủ cả HS khá giỏi và yếu kém. Mục đích là những HS khá giỏi trong lớp cùng luyện tập với các HS yếu hơn và đảm nhận trách nhiệm của người giúp đỡ và hướng dẫn. Hình thức chia nhóm này phát huy được tác dụng tốt khi muốn HS cùng nhau hợp tác tìm tòi để phát hiện tính chất mới, qui tắc mới, kiến thức mới, … hoặc giải quyết nhiệm vụ nhằm củng cố khắc sâu quy tắc tính chất, kiến thức mới hình thành…Ưu điểm của hình thức chia nhóm này là GV có thể tận dụng khả năng tương tác giữa các HS khá giỏi và các học sinh còn yếu để giúp đỡ lẫn nhau. Ngược lại, HS khá giỏi thông qua việc sửa lỗi, góp ý cho học sinh yếu cũng rút kinh nghiệm cho bản thân, hiểu sâu và hiểu rõ hơn về bài học. Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức chia nhóm này là sẽ có một số học sinh yếu kém dựa dẫm, ỷ lại và ăn theo các kết quả làm việc của HS khá giỏi. Đồng thời, HS khá giỏi cảm thấy bị mất thời gian vì phải nhắc lại những điều quá rõ ràng và không thu được gì trong quá trình học nhóm.

Nhóm HS theo giới tính: Chẳng hạn khi học về chủ đề đặc trưng dành cho con trai và con gái thì phân chia nhóm theo cùng giới tính, nhưng khi một buổi học thí nghiệm, ngoại khoá đòi hỏi một vài công việc cần sức khoẻ thì phải phân chia nhóm có HS nam và HS nữ.

c. Theo tính chất ngẫu nhiên

GV thường chia nhóm ngẫu nhiên theo cách cho HS bốc thăm hoặc xếp nhóm theo số thứ tự của HS theo danh sách. Chia nhóm ngẫu nhiên có ưu điểm là khả năng giao tiếp rộng giữa các đối tượng trong lóp. Các em thấy cơ hội phân vào các nhóm là như nhau. Các nhóm tương đối đồng đẳng về số lượng người, về trình độ chung của các nhóm. Tuy nhiên, chia nhóm ngẫu nhiên có nhược điểm là sẽ có một số học sinh không hợp nhau, không biết cá tính của nhau, có thể có nhóm toàn học sinh khá, giỏi hoặc yếu, như vậy trình độ giữa các nhóm sẽ không đồng đều.

d. Theo chiến lược hay biện pháp dạy học

Nhóm thảo luận: được ghép lại tạm thời để tiến hành các kỹ thuật thảo luận lớp hoặc thảo luận nhóm.

Nhóm nghiên cứu - tìm tòi: được ghép lại để tiến hành thí nghiệm, thực nghiệm theo chiến lược phát huy, tìm tòi, nghiên cứu.

Nhóm thực hành - luyện tập: được ghép lại để thực hành rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo, thường phụ thuộc vào tình trạng thiết bị, phương tiện kỹ thuật, bên ngoài hay trong phòng thực nghiệm.

Nhóm đối ngẫu: được ghép lại để thực hiện cách học kèm cặp, một HS này kèm hay bổ sung cho HS khác vào những giai đoạn nhất định ở lớp và ở nhà.

Nhóm nghiên cứu chủ đề hay dự án: được ghép lại để dạy học theo chủ đề tích hợp hay theo dự án, thường bao hàm cả những hoạt động thảo luận, thực hành, nghiên cứu, giải quyết vấn đề.

e. Theo thời gian tồn tại

Nhóm tức thời: là các cuộc trao đổi ý kiến ngắn, thời gian khoảng 2 - 3 phút.

Nhóm hoạt động trong thời gian ngắn: thường là các cuộc thảo luận, thực hiện thí nghiệm, thời gian khoảng 10 - 25 phút.

Nhóm hoạt động trong một tiết học hoặc bài học.

Nhóm dài hạn: Nhóm này được thành lập cho mục đích học tập nào đó, không phải trong lớp học, kéo dài thời gian trong ngày hoặc rải ra trong tuần. Số lượng HS trong không nên quá đông (khoảng 5 HS/nhóm là tối đa). Nếu nhóm quá đông, việc

quản lí làm việc của nhóm sẽ khó khăn, nhất là làm sao tập trung cho đủ các thành viên để làm việc. Loại nhóm này thường được dùng cho phương pháp dạy học dự án.

f. Theo quy ước về học đường

Nhóm chính thức: hình thành theo quyết định của nhà trường, hoặc của lớp.

Nhóm không chính thức: là các nhóm được hình thành tự phát.

Tóm lại, mỗi cách phân nhóm đều có ưu điểm và nhược điểm, hình thức phân

nhóm này có thể thuộc hình thức phân nhóm khác, vì vậy việc phân nhóm không nên cứng nhắc mà cần linh hoạt và mềm dẻo, dựa trên sự kết hợp hài hoà giữa các yếu tố: hứng thú, năng lực của HS, nhiệm vụ học tập, phương pháp, phương tiện dạy học…Sự phân chia nhóm hợp lý sẽ ảnh hưởng đến sự hiệu quả thực sự của hoạt động nhóm.

Một phần của tài liệu tổ chức dạy học theo nhóm chương “hạt nhân nguyên tử” vật lý 12 ban cơ bản (Trang 51 - 54)