Dạy học là một khái niệm chỉ hoạt động chung của người dạy và người học nhằm mục đích là cho người học lĩnh hội được các kiến thức và kĩ năng, phát triển
năng lực trí tuệ và phẩm chất đạo đức thẩm mĩ,… Hoạt động dạy học bao hàm trong nó hoạt động dạy và hoạt động học. Hai hoạt động này xen lẫn vào nhau, tương tác lẫn nhau.
1.2.7.2. Phương pháp dạy học
Định nghĩa chung nhất thì phương pháp dạy học là những con đường, cách thức tiến hành hoạt động dạy học.
Theo Phan Trọng Ngọ, phương pháp dạy học là tổng hợp các cách thức hoạt động của người dạy và người học trong quá trình dạy học, nhằm thực hiện được nội dung dạy học [21, tr.147]. Theo định nghĩa này thì phương pháp dạy học mang đậm tính chiến thuật, kỹ thuật và thao tác trong dạy học.
Theo Nguyễn Văn Khải, phương pháp dạy học là một hệ thống các hoạt động có định hướng của giáo viên nhằm tổ chức hoạt động nhận thức và hoạt động thực hành của học sinh, đảm bảo cho học sinh nắm vững các nội dung trí dục và đạt được các mục tiêu dạy học đề ra [18, tr.51]. Theo định nghĩa này thì phương pháp dạy học là các cách thức hoạt động có tổ chức và tác động lẫn nhau của người giáo viên và của học sinh nhằm đạt được các mục tiêu dạy học đã đặt ra.
Theo IU.G.Babanxki: “Phương pháp dạy và học là phương thức hoạt động có quan hệ qua lại giữa giáo viên và học sinh, một hoạt động đã được sắp đặt nhằm giải quyết các nhiệm vụ giáo dưỡng, giáo dục và phát triển trong quá trình dạy học” [13, tr.59].
Như vậy, theo người nghiên cứu thì phương pháp dạy học là các cách thức, các hệ thống thao tác dựa trên cơ sở phương tiện đã có để tổ chức tốt mối quan hệ giữa: thầy - trò - tri thức, nhằm đạt được các mục tiêu xác định trong dạy học.
1.2.7.3. Phương pháp dạy học tích cực
Phương pháp dạy học tích cực là một thuật ngữ được dùng để chỉ những phương pháp giáo dục, dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Phương pháp dạy và học tích cực đề cập đến các hoạt động dạy và học nhằm tích cực hoá hoạt động học tập và phát triển tính sáng tạo của người học. Trong đó các hoạt động học tập được tổ chức, được định hướng bởi giáo viên, người học
không thụ động, chờ đợi mà tự lực, tích cực tham gia vào quá trình tìm kiếm, khám phá, phát hiện kiến thức, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong thực tiễn, qua đó lĩnh hội nội dung học tập và phát triển năng lực sáng tạo [4].
Phương pháp dạy học tích cực hay phương pháp dạy học chủ động, phương pháp sư phạm hiện đại…là những cách gọi để chỉ những phương pháp, cách thức, kỹ thuật khác nhau làm cho giờ học sinh động, hấp dẫn, người học được làm việc, được sáng tạo…Ví dụ: phương pháp làm việc nhóm, sắm vai, tình huống…Đây là một nhóm các phương pháp cụ thể kết hợp với phương pháp thuyết trình, giúp nâng cao chất lượng dạy và học [23, tr.15].
1.2.7.4. Lợi ích của phương pháp dạy học tích cực đối với giáo viên
Khi áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, giờ dạy của mỗi giáo viên trở nên sinh động, hấp dẫn và có ý nghĩa. Người học là trung tâm nhưng vai trò, uy tín của người thầy được đề cao hơn. Bên cạnh đó, khả năng chuyên môn của người thầy sẽ tăng lên nhờ áp lực của phương pháp, bởi nội dung kiến thức của từng giờ giảng phải được cập nhật liên tục để đáp ứng các câu hỏi của người học trong thời đại thông tin rộng mở.
Dạy học là quá trình trao đổi kiến thức giữa thầy và trò. Nếu thầy chỉ thuyết trình, có gì nói nấy thì những gì thầy giảng chỉ là kiến thức một chiều. Có thể người học đã biết những kiến thức ấy, hay đó là những nội dung không hữu ích và gần gũi với người học. Người thầy phải luôn đổi mới bài giảng cũng như phong cách đứng lớp. Như vậy, giáo viên sẽ học được từ học trò của mình rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế. Mối quan hệ thầy trò sẽ trở nên gần gũi, tốt đẹp qua việc giải quyết các tình huống liên quan đến nội dung bài học [23, tr.15].
1.2.7.5. Lợi ích của phương pháp dạy học tích cực đối với học sinh
Khi giáo viên dạy học bằng phương pháp dạy học tích cực, học sinh thấy mình được học chứ không phải bị học. HS được chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình đồng thời với việc bổ sung những kiến thức, kinh nghiệm không chỉ từ GV mà còn từ chính các bạn trong lớp. HS hạnh phúc khi được học, được sáng tạo, được
thể hiện. Nhờ học theo hướng tích cực mà HS ghi nhớ sâu kiến thức và tăng khả năng áp dụng vào thực tế so với cách học thụ động.
Dạy học bằng phương pháp dạy học tích cực chính là tìm tòi cách giúp HS được chủ động trong việc học, HS được làm việc, được tìm tòi khám phá. Và chỉ khi HS được tự khám phá kiến thức, tự học và tự bổ sung cho nhau thì kiến thức mới trở thành tri thức của người học. Sự chủ động trong việc học giúp HS tự tin vào bản thân mình. Charles Handy, nhà triết lý kinh doanh nổi tiếng người Anh đã nói: “Để làm cho tương lai trở thành hiện thực, chúng ta cần phải tự tin và tin tưởng vào giá trị của chính mình. Đó là điều mà các trường học phải dạy cho mọi người” [23, tr.16].
1.2.8. Đặc trưng của phương pháp dạy học tích cực
Thứ nhất: Dạy học tăng cường phát huy tính tích cực, tự tin, chủ động, sáng tạo thông qua tổ chức thực hiện các hoạt động học tập của HS.
- GV tổ chức các hoạt động học tập để người học vừa là “đối tượng”, vừa là “chủ thể” tham gia vào các hoạt động một cách tự giác, tích cực.
- Học sinh được đặt vào những tình huống, được trực tiếp quan sát, thảo luận, trao đổi, làm thí nghiệm, được khuyến khích đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề theo cách của mình, được động viên, trình bày quan điểm riêng của mỗi cá nhân.
Thứ hai: Dạy học và chú trọng rèn luyện năng lực tự học của HS. Để hướng dẫn HS tự học, GV cần quan tâm đến các vấn đề sau:
Học sinh có được tạo điều kiện để sáng tạo không?
Học sinh có thể hoạt động độc lập không?
Học sinh có được khuyến khích đưa ra những giải pháp của mình không?
Học sinh có thể xây dựng quá trình học tập cho riêng mình không?
Học sinh có thể lựa chọn các chủ đề, bài tập, nhiệm vụ khác nhau không?
Học sinh có thể tự đánh giá không?
Học sinh có được tự chủ trong các hoạt động học tập không?
Thứ ba: Tăng cường hoạt động học tập của mỗi cá nhân, phối hợp với học hợp tác.
- GV cần quan tâm đến sự phân hoá về trình độ nhận thức, cường độ, tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ học tập của mỗi HS. Trên cơ sở đó xây dựng các nhiệm vụ,
bài tập, mức độ hỗ trợ phù hợp với khả năng của mỗi cá nhân nhằm phát huy khả năng tối đa của HS.
- Để HS có điều kiện bộc lộ, phát triển khả năng của mình, cần đặt HS vào môi trường học tập hợp tác trong các mối quan hệ thày – trò, trò – trò. Để học hợp tác có hiệu quả, GV cần hình thành cho HS thói quen học tập tự giác, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau. Đồng thời nhiệm vụ được giao phải rõ ràng, cụ thể, mỗi thành viên trong nhóm đều được phân công, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của mình để tránh tình trạng dựa dẫm ỷ lại hoặc có những biểu hiện không hợp tác “phá rối” làm cho hoạt động hợp tác mất thời gian, kém hiệu quả.
Thứ tư: Dạy học chú trọng đến sự quan tâm và hứng thú của học sinh, nhu cầu và lợi ích của xã hội.
- HS được chủ động lựa chọn vấn đề mà mình quan tâm ham thích, tự lực tiến hành nghiên cứu giải quyết vấn đề và trình bày kết quả. Đó là đặc trưng lấy học sinh làm trung tâm.
- Các chủ đề, nội dung tìm hiểu, nghiên cứu có thể do HS tự đề xuất hoặc lựa chọn trong số các chủ đề, nội dung do giáo viên giới thiệu, định hướng.
Thứ năm: Dạy học bám sát các vấn đề của thực tiễn, tăng cường khả năng, kỹ năng vận dụng vào thực tiễn.
Thứ sáu: Kết hợp đánh giá của thầy, với đánh giá của trò và tự đánh giá
- Tự đánh giá là một hình thức đánh giá mà HS tự liên hệ phần nhiệm vụ đã thực hiện với các mục tiêu của quá trình học tập. HS sẽ học cách đánh giá các nỗ lực và tiến bộ, nhìn lại quá trình và phát hiện những điểm cần thay đổi để hoàn thiện bản thân. Qua các tiêu chí đánh giá, HS nhìn lại quá trình học tập của mình và biết được mức độ hoàn thành đạt yêu cầu chưa. Tự đánh giá giúp cho HS trở nên ý thức hơn về quá trình học tập, đồng thời cũng ý thức rõ hơn về điểm mạnh, điểm yếu và cách học của mình để tiến bộ trong giai đoạn sau.
- Tổ chức cho HS tự đánh giá lẫn nhau. HS đánh giá lẫn nhau dựa trên các tiêu chí được định sẵn do giáo viên cung cấp. Các tiêu chí này cần được diễn giải bằng những thuật ngữ cụ thể và quen thuộc với học sinh.
- Kết hợp đánh giá của thầy và đánh giá của trò không những giúp cho học sinh nhìn nhận chính mình để điều chỉnh cách học mà giáo viên cũng có điều kiện nhìn nhận chính mình để điều chỉnh cách dạy.
Bảng 1.1. So sánh dạy học thụ động và dạy học tích cực [3, tr.22 - 24].
Các mặt Dạy học thụ động Dạy học tích cực
Quan niệm - Học là qúa trình tiếp thụ và lĩnh hội, qua đó hình thành kiến thức, kĩ năng, tư tưởng, tình cảm.
- Học là qúa trình kiến tạo; học sinh tìm tòi, khám phá, phát hiện, luyện tập, khai thác và xử lý thông tin,… tự hình thành hiểu biết, năng lực và phẩm chất.
Bản chất dạy học
- Giáo viên là trung tâm, đóng vai trò chủ động, quyết định. - Giáo viên truyền thụ tri thức và chứng minh chân lí.
- Học sinh thụ động theo dõi, ghi nhớ, thực hành, bắt chước.
- Học sinh là trung tâm, đóng vai trò chủ động, quyết định. - Giáo viên tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng, kiểm tra hoạt động nhận thức, kết luận, chốt lại kiến thức. GV dạy học sinh cách tìm ra chân lí. - Học sinh hoạt động nhằm chiếm lĩnh kiến thức, tìm hiểu và giải quyết nhiệm vụ học tập.
Mục tiêu dạy học
- Chú trọng cung cấp tri thức, kĩ năng, kĩ xảo.
- Học để đối phó với thi cử. Sau khi thi xong những điều đã học thường bị bỏ quên hoặc ít dùng đến.
- Chú trọng hình thành các năng lực (sáng tạo, hợp tác,…) dạy phương pháp và kĩ thuật lao động khoa học, dạy cách học. - Học để đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống hiện tại và tương lai. Những điều đã học cần thiết, bổ ích cho bản thân
học sinh và cho sự phát triển xã hội. Nội dung dạy học - Từ sách giáo khoa và GV - Cung cấp cho HS một hệ thống kiến thức theo trình tự liên tục và hợp lý (từ các khái niệm, định luật đến học thuyết, từ kiến thức đơn giản đến phức tạp) nhưng không quan tâm nhiều đến sự liên kết giữa các phần kiến thức với nhau.
- Từ nhiều nguồn khác nhau: SGK, GV, các tài liệu khoa học phù hợp, thí nghiệm, bảo tàng, thực tế…Gắn vốn hiểu biết, kinh nghiệm và nhu cầu của học sinh với tình huống thực tế, bối cảnh và môi trường địa phương, những vấn đề học sinh quan tâm.
- Không chỉ cung cấp cho HS hệ thống kiến thức cần thiết mà còn hệ thống các kiến thức này một cách logic, có liên hệ với nhau và có liên hệ với thực tế.
Phương pháp dạy học
- Chủ yếu dùng phương pháp thuyết trình, đàm thoại, GV truyền thụ những hiểu biết và kinh nghiệm của mình về nội dung bài học một cách rõ ràng và dễ hiểu nhất cho HS. Phương pháp thực hành chỉ được dùng để kiểm nghiệm lại những gì đã học.
- Chủ yếu dùng phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh như: giải quyết vấn đề, dạy học theo nhóm, dạy học khám phá, dạy học bằng thí nghiệm …có kết hợp với phương pháp truyền thống.
- Dạy học mang tính thông báo đồng loạt, yêu cầu cả lớp cùng thực hiện như nhau, ít quan tâm, chú ý đến dạy học phân hoá trình độ của học sinh.
- Giáo án lên lớp chủ yếu thiết kế hoạt động dạy.
- Thực hiện dạy học phân hóa theo trình độ, năng lực, tạo thuận lợi cho sự bộc lộ và phát triển tiềm năng của mỗi học sinh.
- Giáo án lên lớp có thiết kế hoạt động dạy và chủ yếu là hoạt động học của HS.
Hình thức tổ chức dạy học
- Chủ yếu dạy học toàn lớp, giáo viên đối diện với cả lớp. - Địa điểm học tập thường cố định trong không gian của lớp học.
- Có sự linh động giữa: học cá nhân, học theo nhóm,…
- Địa điểm học tập có sự linh hoạt giữa: học ở lớp, ở phòng thí nghiệm, ở hiện trường, trong thực tế, viện bảo tàng, cơ sở sản xuất.
Phương tiện dạy học
- Chủ yếu để minh hoạ, kiểm nghiệm nội dung trong sách giáo khoa hoặc những lời nói của giáo viên.
- Được sử dụng như là nguồn thông tin dẫn học sinh đến kiến thức mới.
Kiểm tra và đánh giá
- Đánh giá theo nội dung dạy học, khả năng ghi nhớ và tái hiện kiến thức là chủ yếu.
- Đánh giá sau khi học hoặc sau quá trình dạy học một nội dung.
- Đánh giá theo mục tiêu bài học, đánh giá kết quả học tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và năng lực học tập của HS - Không chỉ đánh giá sau khi học một nội dung mà thường đánh giá ngay trong qúa trình học. GV đánh giá thường xuyên nhằm điều chỉnh quá trình dạy học.
- Giáo viên đánh giá kết quả học tập của học sinh.
- Học sinh được tham gia tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau.
1.3. Tổ chức dạy học theo nhóm
1.3.1. Khái niệm dạy học theo nhóm
Về mặt thuật ngữ thì dạy học theo nhóm còn được gọi bằng những tên gọi khác như dạy học hợp tác, dạy học theo nhóm nhỏ, và tùy theo góc độ xem xét mà có cách phát biểu khác nhau về khái niệm dạy học theo nhóm. Nhưng chủ yếu DHTN được xét dưới hai góc độ là phương pháp dạy học và hình thức tổ chức dạy học. Sau đây người nghiên cứu xin giới thiệu một số khái niệm về dạy học theo nhóm của các tác giả sau:
- Theo Phan Trọng Ngọ: “Thảo luận theo nhóm nhỏ là phương pháp trong đó lớp học được chia thành những nhóm nhỏ để tất cả các thành viên trong lớp đều được làm việc và thảo luận về một chủ đề cụ thể và đưa ra ý kiến chung của nhóm mình về vấn đề đó” [21, tr.223]. Theo tác giả thì dạy học theo nhóm là phương pháp thảo luận theo nhóm nhỏ, ngoài ra tác giả còn xem xét dạy học theo nhóm dưới góc độ là hình thức học tập.
- Theo Nguyễn Văn Cường, Bernd Meier: “Dạy học nhóm là một hình thức xã hội của dạy học, trong đó HS của một lớp học được chia thành các nhóm nhỏ trong khoảng thời gian giới hạn, mỗi nhóm tự lực hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên cơ