Định hướng đổi mới phương pháp dạy và học là một trọng tâm của đổi mới giáo dục. Luật giáo dục năm 2005 (điều 28) yêu cầu: “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của HS; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kĩ
năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho HS”. Có thể nói cốt lõi của đổi mới dạy và học là hướng tới hoạt động học tập chủ động, chống lại thói quen học tập thụ động.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XI (nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế có nêu: “Đối với giáo dục phổ thông, …phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời.”
Theo PGS.TS Vũ Hồng Tiến tính tích cực là một phẩm chất vốn có của con người, bởi vì để tồn tại và phát triển con người luôn phải chủ động, tích cực cải biến môi trường tự nhiên, cải tạo xã hội.
Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trên thế giới có những bước tiến nhảy vọt với tốc độ phát triển như vũ bão trong những lĩnh vực như: điện tử, tin học, sinh học, vật liệu mới, năng lượng, nghiên cứu vũ trụ v.v…, thế giới biến đổi từng ngày, lượng tri thức mới gia tăng liên tục, nếu người học không tự trau dồi thì sẽ bị tụt hậu. Vì vậy, hình thành và phát triển tính tích cực là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của giáo dục. Đặc biệt Vật lí là một môn gắn liền với khoa học và kỹ thuật, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của con người, do đó phát huy tính tích cực học tập của HS đối với môn Vật lí là một điều hết sức cần thiết.
Hơn nữa, trong xã hội hiện đại và hội nhập hiện nay, yêu cầu đối với nguồn nhân lực ngày càng cao, người lao động phải có tính tích cực và sáng tạo. Đòi hỏi nhà trường phải đào tạo ra những con người biết tự học, biết tiếp thu cái mới và có tính sáng tạo.