Mê tín dị đoan có nhiều ảnh hưởng, trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp, nên trong quá trình xử lí cần khéo léo, thận trọng, tỉ mỉ và chuẩn xác.
Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo với khoảng hơn 20 triệu tín đồ theo các tôn giáo khác nhau. Từ xưa đến nay, các tín ngưỡng, tôn giáo luôn chung sống hòa hợp, gắn bó với dân tộc. Cả 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã hình thành một truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa, đó là xây dựng cuộc sống đan xen, hòa bình, trong đó mỗi dân tộc đều có tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán và văn hóa khác nhau góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của Việt Nam.
Đảng và Nhà nước ta hiểu rõ nhu cầu tâm linh của nhân dân Việt Nam bởi lẽ, hầu hết nhân dân Việt Nam không những có truyền thống thờ cúng tổ tiên, thờ các vị thành hoàng, những vị đã có công xây dựng quê hương, đất nước...mà không ít người là tín đồ các tôn giáo. Bản tính của người Việt Nam là khoan dung, cởi mở. Do vậy, dù là tôn giáo, tín ngưỡng nào, từ đâu đến thì cộng động cũng sẵn sàng chấp nhận miễn là nó không xâm phạm đến lợi ích quốc gia và đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc.
Chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta được xây dựng một mặt dựa trên quan điểm cơ bản của học thuyết Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tín
ngưỡng, tôn giáo; mặt khác căn cứ vào đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; Tinh thần đó được Đảng và Nhà nước ta thể hiện bằng hệ thống chính sách phù hợp với từng giai đoạn cách mạng.
Quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng là một trong những quyền chính đáng của con người. Hạn chế và vi phạm quyền ấy là đi ngược với xu thế của tiến bộ xã hội. Bác Hồ luôn giáo dục mọi người và bản thân Bác luôn gương mẫu trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào có đạo. Sự tôn trọng ấy không chỉ thể hiện trên văn bản, lời nói mà còn trên cả hoạt động thực tiễn của Bác. Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán những phần tử lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, những kẻ hành nghề mê tín dị đoan, phê phán những việc làm sai chủ trương chính sách tôn giáo của Đảng và Chính phủ.
Đảng và Nhà nước ta đã mở cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư”, trong đó có nội dung đấu tranh phòng, chống và từng bước loại trừ mê tín, dị đoan ra khỏi đời sống xã hội. Đồng thời, xác định việc hành nghề mê tín, dị đoan là một tội phạm (hành vi nguy hiểm cho xã hội), quy định tại Điều 247 Bộ Luật Hình sự năm 1999, nội dung cụ thể như sau:
1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng [2;185].
Để nhận biết “tội hành nghề mê tín, dị đoan” cần nắm vững một số vấn đề liên quan đến tội phạm này.
Thứ nhất: Mặt khách quan của tội phạm, theo các văn bản hướng dẫn Bộ luật Hình sự 1999, người phạm tội hành nghề mê tín, dị đoan là người dùng những thủ đoạn lừa bịp, lợi dụng sự lạc hậu của người khác nhằm mục đích vụ lợi hoặc các mục đích khác. Hành nghề mê tín dị đoan là hành nghề dưới các hình thức như bói toán, lên đồng hoặc các hình thức mê tín dị đoan khác, gây ảnh hưởng đến nếp sống văn minh, trật tự công cộng hoặc gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác. (Bói toán là đoán những việc của quá khứ, hiện tại và tương lai của người khác, không có căn cứ khoa học; lên đồng là hình thức mê tín dị đoan mà người nào đó làm giả như có thần thánh, ma quỷ nhập vào mình rồi phán bảo những điều nhảm nhí để người khác tin theo; các hình thức mê tín dị đoan khác như: xem số, gọi hồn, xem tướng, xóc thẻ, yểm bùa, cúng ma, bắt tà trừ ma, đội bát nhang...).
Thứ hai: Mặt chủ quan của tội phạm, tội hành nghề mê tín, dị đoan được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý gián tiếp (mục đích, động cơ phạm tội là vụ lợi cá nhân).
Chủ thể của “tội hành nghề mê tín, dị đoan” là những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định (đủ mười sáu tuổi trở lên).
Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này.
Người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội phạm này quy định tại khoản 2 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội phạm này không phân biệt quy định tại điều khoản nào của điều luật [4; 178].
Nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người có hành vi hành nghề mê tín dị đoan phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa bị xóa án tích mà còn vi phạm thì mới là chủ thể của tội phạm này.
Ngoài hành vi bói toán, hầu đồng thì bất cứ hành vi mê tín dị đoan nào mà người phạm tội sử dụng để kiếm sống đều bị coi là hành nghề mê tín dị đoan, như: yểm bùa, cúng giải hạn, cúng trừ tà ma, chữa bệnh bằng những khả năng thần bí không có căn cứ khoa học…
Hậu quả nghiêm trọng do hành vi hành nghề mê tín dị đoan là những thiệt hại nghiêm trọng về mặt vật chất và phi vật chất cho xã hội. Do chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi hành nghề mê tín dị đoan gây ra, nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BTP để xác định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi hành nghề mê tín dị đoan gây ra.
Mê tín dị đoan là niềm tin mù quáng vào những điều duy tâm không có căn cứ khoa học, tin vào ma quỷ, thần thánh, định mệnh…Hành nghề mê tín dị đoan là một hiện tượng tiêu cực mà Nhà nước ta đã và đang thực hiện công tác bài trừ ra khỏi đời sống xã hội bằng nhiều biện pháp khác nhau nhằm góp phần giữ gìn trật tự, trị an xã hội và nếp sống văn minh, bảo vệ tính mạng; sức khỏe và tài sản của nhân dân.
Tuy nhiên khi xác định hành vi hành nghề mê tín dị đoan cần phân biệt với đời sống tâm linh, quyền tự do tín ngưỡng; mê tín dị đoan thì bị Nhà nước cấm, còn tự do tín ngưỡng là quyền của mọi người được pháp luật bảo hộ. Đại hội X của Đảng nhấn mạnh: “Đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào
theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo. Động viên giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc, tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”. Các tổ chức tôn giáo hoạt động theo pháp luật được pháp luật bảo hộ. Thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của đồng bào các tôn giáo. Đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo là phương hại đến lợi ích chung, vi phạm quyền tự do tôn giáo của công dân’’ [15; 122 -123].
Tóm lại việc bài trừ mê tín dị đoan là một nhiệm vụ quan trọng không thể lơ là, chậm trễ. Đây là một việc mất rất nhiều thời gian vì ý thức dẫn đến những hành vi này đã ăn sâu gốc rễ vào đầu óc các “tín đồ tâm linh” song không phải vì vậy mà không thể bài trừ mê tín. Mà nó đòi hỏi nhiều biện pháp cương quyết, cứng rắn và lâu dài, đòi hỏi sự hợp tác của mỗi người trong cộng đồng, vượt lên chính nỗi lo sợ, hồ nghi của bản thân để có một đời sống tinh thần lành mạnh.