8 Thầy (cô) có thường xuyên dự giờ đồng nghiệp để học hỏi kinh nghiệm không?
3.2.3. Các cách sử dụng những câu chuyện chống mê tín dị đoan lồng ghép vào bài dạy để phát huy vai trò GDCD 10 trong việc giáo dục, phòng chống, bài trừ
bài dạy để phát huy vai trò GDCD 10 trong việc giáo dục, phòng chống, bài trừ mê tín dị đoan cho học sinh dân tộc Thái trường THPT – DTNT Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An
3.2.3.1. Sử dụng câu chuyện mê tín dị đoan để giới thiệu bài
Cũng giống như các môn học khác những thao tác đầu tiên để giúp các em học sinh hòa mình vào bài học chính là lời giới thiệu bài hấp dẫn, thú vị từ đầu. Chính cách vào bài lôi cuốn, hấp dẫn đã bắt nhịp được những rung cảm ban đầu, kích thích trí tò mò khám phá của học sinh. Thay thế cách giới thiệu bài thông thường bằng phương pháp thuyết trình, giáo viên có thể sử dụng một câu chuyện mang tính chất chống mê tín dị đoan liên quan đến bài học để gây hứng thú cho học sinh trước khi vào bài học mới.
Ví dụ: Để dẫn dắt học sinh vào tiết 2 bài 12: “Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình”, giáo viên có thể kể cho học sinh nghe câu chuyện sau:
Ngày 3-12 - 2012, BV Nhi đồng Đồng Nai vừa phẫu thuật cứu sống cháu bé sơ sinh tên Lê Đình Huy bị mẹ ruột cắn đứt lìa ngón tay trỏ. Một bác sĩ bệnh viện Nhi đồng cho biết vào lúc rạng sáng cùng ngày, bệnh viện tiếp nhận cháu bé trong tình trạng đứt lìa hai đốt ngón tay thứ hai bên trái. Các bác sĩ lập tức mổ cắt lọc (tháo rời đốt ngón tay), khâu nối gân tay cho bé.
Trước đó, ngày 2-12, chị Đỗ Thị Sáu (32 tuổi, tạm trú tại KP6, phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai) sinh cháu Huy được 3 kg. Khi chị Sáu đang nằm hồi sức, nhân viên bệnh viện Đa khoa Đồng Nai bất ngờ nghe bé Huy khóc thét nên chạy đến và nhìn thấy máu chảy từ tay bé. Bé Huy được xác định là bị mẹ cắn đứt gần lìa ngón tay nên được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chữa trị.
Khi chị Sáu sinh bé Huy, bà mẹ chồng từ ngoài Thanh Hóa gọi điện thoại vào cho biết ở quê đã đi xem thầy rồi. Thầy phán rằng: “Ngay khi sinh con xong, chị Sáu phải cắn đứt hai đốt ngón tay trỏ của con thì mới nuôi được. Thầy còn nói rằng do đứa đầu không cắn ngón tay nên cháu đã chết từ lúc lọt lòng, đứa này phải cắn hai đốt, một đốt là của chị nó”.
Trong lúc trao đổi với phóng viên, anh Dũng bất ngờ giơ bàn tay của mình lên và nói: “Ngày xưa khi sinh tôi, bà nội cháu Huy cũng cắn đứt một ngón tay trỏ của tôi, nhờ vậy mà tôi khỏe mạnh sống tới bây giờ, nặng hơn 80 kg”.
Hiện sức khỏe bé Huy tạm ổn định nhưng vết thương ở tay có dấu hiệu nhiễm trùng tấy đỏ và đang được theo dõi chăm sóc đặc biệt. Chưa biết thực hư câu chuyện cắn đứt ngón tay để dễ nuôi “linh nghiệm” đến đâu nhưng hiện tại, với hành động dại dột trên, sức khỏe của cháu bé sơ sinh đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng [37; 5].
Hỏi: - Em có suy nghĩ gì về hành động của bà mẹ đối với con mình?
Giáo viên: Hành động của người mẹ hoàn toàn là sai lầm, đó không phải là cách thể hiện tình yêu của bậc làm cha làm mẹ đối với con cái mình. Vậy cha mẹ
phải có trách nhiệm gì đối với con cái và ngược lại? Làm thế nào để xây dựng một gia đình hạnh phúc? Chúng ta cùng nghiên cứu tiết 2 bài 12 “Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình”.
3.2.3.2. Sử dụng câu chuyện chống mê tín dị đoan để dẫn dắt vào từng đơn vị kiến thức
Nội dung câu chuyện ở đây có thể không phải là nội dung chung của toàn bài mà chỉ là một câu chuyện mang một nội dung của một đơn vị kiến thức. Dẫn dắt theo lối này là một cách làm có hiệu quả, tạo cho học sinh sự bất ngờ, thu hút được sự chú ý của các em.
Ví dụ : Để dẫn dắt học sinh vào phần 3a: “ Sự biến đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất”, giáo viên có thể sử dụng câu chuyện:
Bói toán trước mùa thi: Đốt bùa thành tro để uống
Suốt cả tháng nay, thấy bạn bè ở khắp các trường bàn tán rôm rả, rỉ tai nhau những địa chỉ xem bói, Hương cũng cảm thấy rất tò mò. Rồi nghe bạn bè động viên: “Sắp thi rồi, cậu cũng nên đi xem một quẻ, dự liệu trước kết quả, để còn chủ động trước mọi tình huống chứ”, Hương quyết định đi cùng mấy người bạn đến một bà thầy bói được coi là “có tiếng” khu vực phố Nguyễn Khuyến (Hà nội)
[...] Vừa thấy Hương và các bạn bước vào, thầy hỏi ngay: “Các cô đến xem chuyện thi cử đúng không?” Rồi lần lượt từng người bước đến để thầy ngắm nghía gương mặt, chau mày soi xét những đường chỉ tay.
Nín thở chừng ba mươi giây, thầy lạnh lùng phán: “Tình hình này, không cẩn thận là trượt chắc! Tuy nhiên, nếu cố gắng thì vẫn có thể xoay chuyển tình thế.”
Nghe đến đây, tất cả đều mếu máo, ánh mắt khẩn cầu: “Xin thầy giúp chúng con, bây giờ có cách gì để cứu nguy không ạ?”
Ra vẻ ngẫm nghĩ một lúc, thầy thở dài nói: “Với sáu môn thi tốt nghiệp, ta có sáu lá bùa, đến trước ngày thi mang ra đốt rồi lấy tro hòa vào nước uống, đảm bảo mọi xui xẻo sẽ không còn.”
Với mỗi lá bùa đưa ra, các bạn đều tự nguyện bỏ thêm vào đĩa lễ năm mươi ngàn đồng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bùa cho kỳ thi tốt nghiệp. Còn với kỳ thi đại học, khó khăn hơn nhiều, nên thầy phán phải nói với cha mẹ sắm lễ đàng hoàng, mang đến nhờ thầy hóa giải vận hạn.
Liền ngay sau nhóm của Hương, lần lượt các nhóm sỹ tử khác bước vào; phần lớn đều được phán và "khuyên" những câu tương tự. Theo quan sát, những lá bùa mà cô Hồng đưa ra đều giống hệt nhau, dù nói rằng mỗi loại ứng với một môn thi. Đó đều là một tờ giấy hình chữ nhật màu vàng nhạt, giấy mỏng tang, trên có in ngoằn ngoèo những hình thù kỳ quái [38; 3].
Hỏi: 1. Suy nghĩ của các em về câu chuyện trên? Theo các em những lá bùa kia có đem lại may mắn trong kì thi cho các bạn không? Vì sao?
2. Muốn đạt kết quả cao trong học tập chúng ta phải làm gì?
GV: Nếu không có kế hoạch học tập, ôn thi một cách nghiêm túc thì không thể có loại bùa nào mang lại kết quả tốt được. Muốn đạt kết quả cao trong học tập các em phải cố gắng, kiên trì, nỗ lực, đó là một quá trình tích lũy về lượng. Vậy khi chúng ta đã có quá trình tích lũy về lượng thì điều gì sẽ xảy ra? Chúng ta cùng nghiên cứu mục 3a: “Sự biến đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất”.
3.2.3.3. Sử dụng câu chuyện chống mê tín dị đoan để củng cố bài học
Sau khi kết thúc bài học, giáo viên kể cho học sinh nghe một câu chuyện có nội dung phù hợp để củng cố lại tri thức đã truyền thụ cho học sinh. Đây là cách củng cố bài vừa hấp dẫn, vừa hiệu quả; giúp học sinh liên tưởng đến tri thức bài học và tri thức cuộc sống được thể hiện qua câu chuyện; đồng thời, làm cho giờ học kết thúc một cách nhẹ nhàng, tạo tâm lý hào hứng, đón chờ giờ học sau của học sinh.
Ví dụ: Để củng cố kiến thức Bài 1: Thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng, giáo viên có thể sử dụng câu chuyện ngụ ngôn :
Năm thầy bói xem
Nhân buổi ế khách, năm ông thầy bói ngồi chuyện gẫu với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi nó như thế nào. Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm thầy chung nhau tiền biếu người quản voi, xin cho voi đứng lại để cùng xem. Thầy thì sờ vòi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi.
Đoạn năm thầy ngồi bàn tán với nhau. Thầy sờ vòi bảo:
- Tưởng con voi nó như thế nào, hóa ra nó sun sun như con đỉa. Thầy sờ ngà bảo:
- Không phải! Nó chần chẫn như cái đòn càn. Thầy sờ tai bảo:
- Đâu có! Nó bè bè như cái quạt thóc. Thầy sờ chân cãi:
- Ai bảo! Nó sừng sững như cái cột đình. Thầy sờ đuôi lại nói:
- Các thầy nói không đúng cả. Chính nó tun tủn như cái chổi sể cùn.
Năm thầy, thầy nào cũng cho mình là nói đúng, không ai chịu ai, thành ra xô xát, đánh nhau toạc đầu, chảy máu [9; 3].
Hỏi: 1. Em hãy nêu ý kiến của mình về các yếu tố biện chứng, siêu hình về phương pháp luận trong câu chuyện trên?
2. Qua câu chuyện này em rút ra được bài học gì cho bản thân?
Tóm lại, khi giảng dạy GDCD lớp 10 giáo viên có thể sử dụng những câu chuyện mang tính chất chống mê tín dị đoan khác nhau và những cách sử dụng câu chuyện để dạy học khác nhau. Giáo viên cần khai thác tối đa để vừa nâng cao hứng thú học tập môn GDCD của học sinh vừa phát huy được vai trò môn GDCD trong việc giáo dục, phòng chống, bài trừ mê tín dị đoan cho học sinh.