Định hướng quản trị rủi ro trong phương thức TDCT

Một phần của tài liệu Quản lý rủi ro trong phương thức tín dụng chứng từ tại Ngân hàng NNo&PTNT Việt Nam (Trang 65 - 67)

Phương châm hoạt động hàng đầu của NHNo là ngăn ngừa tối đa rủi ro có thể xảy ra trong mọi sản phẩm dịch vụ mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng. Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, ngân hàng đã và đang xây dựng một mô hình tổ chức mới nhằm quản lý tốt nhất hoạt động của mình theo hướng như sau:

Thứ nhất, thay đổi mô hình quản lý hoạt động trong phương thức TDCT. Hiện nay mô hình hoạt động trong phương thức TDCT được giao dịch xử lý tại từng Chi nhánh, sau đó Chi nhánh chuyển điện đến phòng Swift xử lý thuộc Sở giao dịch.

Định hướng của NHNo là đến năm 2012, hoàn thành việc thành lập trung tâm TTQT tại Hội sở xử lý toàn bộ giao dịch theo phương thức TDCT của toàn hệ thống. Tất cả hồ sơ liên quan sẽ được scan và mã hóa để chuyển về xử lý tại Trung tâm TTQT.

Thứ hai, định hướng thay đổi mô hình quản lý hoạt động trong phương thức TDCT theo khách hàng và Chi nhánh thành mô hình tổ chức quản lý theo nghiệp vụ XK và NK. Mô hình hiện tại có ưu điểm là các thanh toán viên của từng Chi nhánh sẽ hiểu rõ được khách hàng, nắm được nhu cầu cũng như thói quen, tập quán kinh doanh trong hoạt động thương mại của khách hàng, tuy nhiên có một số hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất là tính chuyên nghiệp hóa không cao.

Tăng cường công tác hậu kiểm, quản lý và kiểm tra, kiểm soát nội bộ của NHNo để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các rủi ro có thể xảy ra. Việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ phải được tiến hành một cách thiết thực, tránh hình thức và cần thiết phải tuân thủ một nguyên tắc để đảm bảo hiệu quả của hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ.

Bộ phận kiểm soát nội bộ cùng với bộ phận nghiệp vụ thanh toán TDCT và bộ phận quản lý rủi ro xây dựng một mô hình quản lý rủi ro mới trong thanh toán TDCT, hoạt động của mô hình này gồm 3 bước cơ bản: xác định rủi ro, đo lường rủi ro và kiểm soát rủi ro (giám sát và quản lý rủi ro).

+ Xác định rủi ro: mỗi ngày, mỗi nhân viên phòng TTQT phải hậu kiểm, kiểm tra đối chiếu giữa báo cáo và công việc thực tế đã làm, rà soát lại các hồ sơ chứng từ đã xử lý và sẽ xử lý. Hằng tuần và hằng quý tự đánh giá rủi ro và kiểm soát bởi chính cán bộ kiểm soát trực tiếp quản lý hồ sơ liên quan. Xác định rủi ro bằng phỏng vấn, đánh giá rủi ro thông qua thảo luận, cuộc họp. Xác định rủi ro nhằm sớm tìm ra rủi ro chưa được nhận dạng và không được chấp nhận, đánh giá tốt hơn khả năng có thể chấp nhận các rủi ro đã nhận dạng, từ đó xây dựng

các biện pháp kiểm soát phù hợp.

+ Đo lường rủi ro: công cụ đo lường rủi ro hoạt động TTQT là báo cáo chỉ số chính, biểu đồ thay đổi, rà soát giới hạn cho phép, các chuẩn mực về tác nghiệp…

+ Kiểm soát rủi ro: Công cụ thực hiện việc kiểm soát là chuẩn mực kiểm soát do bộ phận quản lý rủi ro lập dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc.

Thứ ba, xây dựng, hoàn chỉnh quy trình thanh toán bằng phương thức TDCT, quy trình đối với L/C chuyển nhượng, xây dựng sổ tay tín dụng chứng từ cho các cán bộ quan hệ khách hàng và quy chuẩn hóa toàn bộ mẫu biểu liên quan đến phương thức TDCT trên toàn hệ thống.

Các bước này phải được thực hiện một cách đồng bộ và có kết hợp giữa bộ phận nghiệp vụ TTQT cùng với bộ phận kiểm soát nội bộ và bộ phận quản lý rủi ro, cụ thể như sau:

Phụ lục 13 – Bảng phân công trách nhiệm của từng bộ phận trong mô hình quản lý rủi ro mới.

Căn cứ vào định hướng phát triển trong các năm tới, đặc biệt trong năm 2011, cùng với việc nhận định các nguyên nhân của rủi ro trong phương thức TDCT tại NHNo, tôi xin đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý các rủi ro này.

Một phần của tài liệu Quản lý rủi ro trong phương thức tín dụng chứng từ tại Ngân hàng NNo&PTNT Việt Nam (Trang 65 - 67)