Tộc người Ấn

Một phần của tài liệu Chính sách kinh tế của Chính phủ Malaysia ( đối với sự phát triển xã hội và giải quyết mâu thuẫn tộc người.PDF (Trang 31 - 33)

Đây là nhóm tộc người đông thứ ba, chiếm khoảng 8% dân số ở Malaysia. Hầu hết họ là những người nhập cư từ miền Nam Ấn Độ, nói tiếng Tamil. Ngoài ra, cũng có các cộng đồng Ấn khác nói tiếng Telugu, Malayalam và Hindi. Trốn tránh hệ thống đẳng cấp khắc nghiệt ở quê hương, họ đến Malaya thời thực dân Anh đô hộ, hy vọng một cuộc sống tươi đẹp hơn. Họ sinh sống cả ở cùng nông thôn lẫn thành thị, nhưng vùng tập trung chính là ở vùng bờ biển phía tây bán đảo Malacca. Phần lớn họ theo Hindu giáo và mang sang quê hương mới cả nền văn hóa đầy màu sắc như những đền đài được trang trí công phu, nhưng món ăn nức mùi gia vị và những bộ xari trang nhã (trang phục của phụ nữ Ấn Độ).

Một số ít người Ấn cũng có tài trong kinh doanh, nhưng đa số tham gia vào các công việc hoặc nghề nghiệp cần đến sức khỏe như cảnh sát, lái xe, lao động ở đồn điền hay ở một số dịch vụ khác.

Các hiệp hội của người Ấn ở Malaysia gắn bó khá chặt chẽ với phong trào độc lập ở Ấn Độ. Người Ấn ở Malaysia, khác với người Hoa, không tạo ra được sự thống nhất cao mang tính dân tộc. Giữa họ luôn có sự phân biệt nhau về đẳng cấp, học vấn, tôn giáo, kinh tế, ngôn ngữ, văn hóa, v.v. Trong những năm 1920, ở Malaysia cũng đã xuất hiện nhiều hiệp hội, tổ chức của người Ấn hưởng ứng phong trào cải cách đang diễn ra ở Ấn Độ. Người ta cũng đã bàn đến việc khắc phục sự lạm dụng hệ thống đẳng cấp, kể cả việc cải cách trong Hindu giáo. Tuy nhiên các hiệp hội, tổ chức của người Ấn thường hoạt động riêng rẽ, quá thiên về nét riêng của từng hiệp hội, tổ chức, ít tính liên kết cộng đồng, không tạo ra được sự đoàn kết như người Hoa, do đó không có được sức mạnh như ý muốn. Có lẽ chính “điểm yếu” này của người Ấn cũng là một trong những nguyên nhân làm cho họ không có được địa vị cao về chính trị và kinh tế ở Malaysia. Một trong những ví dụ khá tiêu biểu là Hiệp hội người Ấn Malaysia (MIA) ra đời từ năm 1936. Tuy nhiên MIA không có được ảnh hưởng lớn vì những người lãnh đạo thuộc tầng lớp thượng lưu ở thành thị, có học vấn phương Tây, không thâm nhập được vào đông đảo quần chúng làm việc trong các đồn điền và ở những vùng nông thôn Malaysia. Tình hình cũng đã diễn ra đúng như vậy đối với Hiệp hội người Ấn trung ương (CIAM) được thành lập năm 1937 và Đảng Quốc đại người Ấn ở Malaysia (MIC) được thành lập tháng 8/1946. Tuy là tổ chức cao nhất đại diện cho cộng đồng người Ấn ở Malaysia nhưng MIC hoạt động ít hiệu quả, ngay cả trong thời kì hiện đại sau này. Có thể nói, trong khi các hiệp hội, tổ chức của người Hoa ngay từ đầu đã mang đậm tính cộng đồng và đã xác định rõ những nguyên tắc quản lí thì các hiệp hội,

tổ chức của người Ấn lại mang xu hướng chính trị hóa, tính cố kết và tinh thần cộng đồng không cao [20, 54-55].

Nói chung, người Ấn không có vai trò lớn trong đời sống kinh tế và chính trị ở Malaysia. Họ sống yên phận, đôi khi, họ cũng đứng lên đòi quyền lợi nhưng chỉ là các cuộc biểu tình nhỏ và không gây được tiếng vang lớn.

Một phần của tài liệu Chính sách kinh tế của Chính phủ Malaysia ( đối với sự phát triển xã hội và giải quyết mâu thuẫn tộc người.PDF (Trang 31 - 33)