Kinh tế của tộc người Ấn

Một phần của tài liệu Chính sách kinh tế của Chính phủ Malaysia ( đối với sự phát triển xã hội và giải quyết mâu thuẫn tộc người.PDF (Trang 75 - 76)

So với người Malay và người Hoa, địa vị của người Ấn thấp hơn hẳn cả về chính trị lẫn kinh tế.

Malaysia là đất nước đa dân tộc, chính phủ luôn luôn đề cao sự hòa hợp dân tộc và tạo cơ hội cho mọi người dân. Nhưng có vẻ điều đó chỉ đúng với người Malay và số ít người Hoa, còn với người Ấn, dường như điều đó vẫn chỉ là niềm mơ ước. Nhiều người Ấn gần như không có được những quyền cơ bản của mình về nhà ở, kinh tế và việc làm. Có tới 54% số người Ấn ở Malaysia phải làm các công việc nặng nhọc như cắt cỏ, dọn vệ sinh, khai thông cống rãnh và những việc lao động chân tay khác trong các công ty môi trường đô thị, đồn điền, v.v. Tiền lương của họ cũng không được ổn định như họ mong muốn [http://www.indianmalaysian.com].

Là nhóm tộc người lớn thứ ba ở Malaysia sau người Hoa và Malay, người Ấn chiếm khoảng 8% dân số của đất nước nhưng số tài sản mà họ sở hữu chỉ chưa đến 2% [http://www.indianmalaysian.com]. Trước kia, ngay sau khi Malaysia dành độc lập, người Ấn bị coi giống như những người Indonesia nhập cư bất hợp pháp, và chính vì lí do này mà trong một thời gian dài, họ đã không nhận được bất cứ việc làm nào từ chính phủ và các công ty. Khác với người Hoa luôn luôn chú trọng vào giáo dục và học vấn, người Ấn không như vậy. Trình độ học vấn thấp chính là lí do khiến họ phải làm những công việc nặng nhọc và vất vả.

Cho đến hiện nay, người Ấn vẫn chỉ là một thiểu số, không có đủ sức mạnh để gây nên bất kỳ ảnh hưởng chính trị nào và cũng không có nhiều đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc dân. Chính vì thế, mặc dù có được chính phủ quan tâm hơn trước nhưng người Ấn vẫn là nhóm người nghèo so với người Hoa và người Malay.

Như vậy là ba nhóm tộc người lớn nhất tại Malaysia đều có những cách riêng để khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Có cộng đồng chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của chính phủ, có cộng đồng tự vươn lên bằng năng lực bản thân lại có cộng đồng không thể làm được gì ngoài việc tự an phận với những gì mình có. Ba cộng đồng tuy cùng chung sống trong một đất nước hài hòa và ổn định nhưng sự cách biệt về kinh tế giữa họ lại khá lớn. Và chính sự cách biệt này, đến một lúc nào đó, khi tất cả đều không thể dung hòa được với nhau thì những mâu thuẫn giữa các cộng đồng xảy ra là điều không thể tránh khỏi.

Một phần của tài liệu Chính sách kinh tế của Chính phủ Malaysia ( đối với sự phát triển xã hội và giải quyết mâu thuẫn tộc người.PDF (Trang 75 - 76)