Nội dung của Chính sách phát triển Quốc gia

Một phần của tài liệu Chính sách kinh tế của Chính phủ Malaysia ( đối với sự phát triển xã hội và giải quyết mâu thuẫn tộc người.PDF (Trang 53 - 59)

Dựa trên đường lối và mục tiêu của Chính sách kinh tế mới, Chính sách phát triển Quốc gia sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm điều chỉnh những mất cân đối để xây dựng nên một Bangsa Malaysia thống nhất, thịnh vượng và phát triển. Với những mục tiêu đặt ra, chính phủ tin rằng năm 2020, Malaysia sẽ là một quốc gia phát triển đầy đủ về kinh tế, công bằng xã hội, ổn định chính trị, hệ thống chính quyền, chất lượng sống, những giá trị xã hội và tinh thần, lòng tự hào và niềm tin dân tộc. Người Malaysia là những người tự tin, được

truyền sức sống bởi các giá trị đạo đức và đạo lý, sống trong một xã hội dân chủ, tự do và bao dung, tiến bộ, năng động, mạnh mẽ và bền vững [25,15]. Để hiện thực hóa mục tiêu này, chính phủ Malaysia đã tiến hành các biện pháp như sau:

Thứ nhất, đối với chiến lược xóa đói giảm nghèo: Với nhiều thành tích trong 20 năm thực hiện Chính sách kinh tế mới, tính chất nghiêm trọng của đói nghèo đã giảm đáng kể , song vấn đề này vẫn cần được tiếp tục quan tâm trong Chính sách phát triển Quốc gia. Tăng trưởng sẽ là nhân tố căn bản để đạt được mục tiêu vì mức tăng trưởng cao và tạo ra nhiều công ăn việc làm sẽ giúp người nghèo có nhiều cơ hội hơn trong việc chuyển từ những khu vực truyền thống năng suất thấp sang hoạt động có thu nhập cao hơn ở những khu vực hiện đại của nền kinh tế. Trong thời kỳ OPP2, dự kiến tăng trưởng 7%/ năm sẽ tạo những triển vọng tốt hơn cho việc giảm tỷ lệ nghèo thông qua việc tạo lập công ăn việc làm và các nguồn thu nhập thay thế. Ở các vùng nông thôn, ảnh hưởng của những khoản đầu tư trong quá khứ đối với cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội, đặc biệt là giáo dục, sẽ được tăng cường hơn nữa khả năng của người nghèo trong việc thích ứng với công ăn việc làm và thu nhập trong khu vực phi nông nghiệp. Điều này sẽ làm giảm sự phụ thuộc của các hộ gia đình vào nông nghiệp truyền thống, góp phần cải thiện hơn nữa việc phân phối thu nhập trong nước. Bên cạnh yếu tố tăng trưởng thì khu vực nhà nước sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chương trình chống nghèo đói. Chẳng hạn,việc liệt kê danh sách các hộ gia đình nghèo nhất quận, huyện đang được thực hiện và cập nhật nhằm đảm bảo cho các nhóm hoặc các cá nhân sẽ tiếp cận với những dịch vụ được cung cấp nhằm nâng cao năng lực và mức sống của họ. Cụ thể, tập trung những người cao tuổi không có đất vào những khu định cư đặc biệt và ở đây, họ được cung cấp nơi ở và những tiện nghi phù hợp. Đối với những người có khả năng nhưng lại thiếu nguồn lực kinh tế, đặc biệt là đất, họ sẽ được tái định cư trong những khu phát triển đất hoặc được khuyến khích tiến hành các hoạt động sản xuất quy mô nhỏ dựa

vào nguồn lực. Trong trường hợp những người có đất nhưng thiếu nguồn lực để khai thác đất của mình thì việc canh tác nông nghiệp theo nhóm và chuyển dịch cơ cấu làng xã sẽ được thực hiện. Đối với con em của những người nghèo nhất, nhà tập thể ở làng sẽ là những tiện nghi thích hợp với các chương trình hỗ trợ về thực phẩm, dinh dưỡng và giao thông...

Mặt khác, chính phủ khuyến khích xóa đói nghèo dựa trên khái niệm tự lực. Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về tài chính cho các cơ quan phi chính phủ để họ tham gia vào việc giải quyết vấn đề nghèo đói, nâng cao năng suất và thu nhập của các hộ nghèo thông qua các chương trình tự lực và chương trình dựa vào cộng đồng. Hiệu quả, năng suất và thu nhập của các tiểu nông sẽ tiếp tục được nâng cao bằng việc hình thành các cổ phần sinh lợi thông qua việc củng cố các vùng đất nông nghiệp và việc khai khẩn đất mới ở Sabah và Sarawak – nơi mà tiềm năng còn rất lớn. Nông dân thì được khuyến khích bổ sung thu nhập của mình bằng các hoạt động nông nghiệp và phi nông nghiệp, nhằm mở rộng cơ sở thu nhập và giảm tối đa bất kỳ một tác động xấu nào nảy sinh từ việc suy giảm giá hay chi phí sinh hoạt gia tăng. Các dịch vụ hỗ trợ cũng được cung cấp nhằm đẩy nhanh các dự án đất nông nghiệp hiện có, đặc biệt người nghèo có thể tiếp cận trực tiếp với hệ thống tín dụng. Việc củng cố cơ sở hạ tầng tín dụng về vận chuyển và bố trí dịch vụ các kho bãi cho các sản phẩm được coi là biện pháp giúp ổn định thu nhập cho người nghèo với tư cách là người chủ vận hành và người thuê mướn.

Bên cạnh đó, biện pháp của chính phủ trong OPP2 còn chú trọng vào việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người nghèo thuộc tất cả các nhóm sắc tộc ở cả những vùng đô thị và nông thôn. Những tiện nghi cơ bản như điện, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục và giao thông...sẽ được mở rộng hơn nữa đối với các vùng xa xôi, hẻo lánh. Dự kiến tính đến năm 2000, khoảng 95% dân số Malaysia sẽ được dùng điện, 100% số dân ở đô thị và khoảng 85% số dân sống ở các vùng nông thôn được cung ứng nước sinh hoạt. Các hộ gia đình nghèo sẽ được cung cấp kiến thức về việc thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt hơn nhằm ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là trẻ em. Ở những

kampung và những khu định cư xa xôi truyền thống, cũng như ở các vùng đồn điền và một số làng xã, cơ sở giáo dục được nâng cao, nhờ đó, những người nghèo có cơ hội tốt hơn để cải thiện cuộc sống của mình. Đối với những vùng đô thị, nghèo tương đối sẽ được giảm bớt thông qua việc tạo ra những cơ hội to lớn hơn trong việc tăng thu nhập và khả năng tiếp cận mạnh mẽ đối với những tiện nghi cơ bản như nhà cửa giá vừa phải, vận tải và những dịch vụ tiện nghi khác. Chính phủ sẽ tạo ra những biện pháp thông qua hoạch định và phân vùng đúng đắn trong việc phát triển đô thị nhằm bảo đảm sự tăng trưởng ổn định. Điều này không chỉ hạn chế sự phát triển của những khu vực lấn chiếm và nhà ổ chuột mà còn để ngỏ những cơ hội mới, cho phép các nhóm có thu nhập thấp hơn có thể tham gia vào các doanh nghiệp và các ngành quy mô nhỏ[25,167-172].

Thứ hai, đối với việc phát triển Cộng đồng thương mại và công nghiệp bản địa (BCIC). Đây là mục tiêu chủ chốt trong trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu bởi vì việc có được số lượng đầy đủ các nhà doanh nghiệp có năng lực và những doanh nghiệp có sức sống sẽ quyết định sự thành công của người bản địa trong khu vực thương mại và công nghiệp. Nếu như có rất ít tiến bộ trong thời kỳ thực hiện OPP1thì mục tiêu này sẽ được cơ cấu chặt chẽ và phát triển hơn trong thời kỳ thực hiện OPP2, giúp cho người bản địa có thể tham gia vào môi trường của sự cạnh tranh và tính hiệu quả. Bên cạnh những chính sách và chương trình của chính phủ như tiếp tục tạo sự hỗ trợ cần thiết cho các nhà doanh nghiệp người bản địa thì thông qua việc đào tạo về quản lý của cải và hành vi kinh doanh, người bản địa sẽ phải phát triển các hoạt động kinh doanh bằng chính nỗ lực của mình, ít phụ thuộc hơn vào sự trợ cấp của chính phủ. Hơn nữa, vai trò của các doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo sự hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp bản địa thay vì cạnh tranh với chúng. Các nhà quản lý doanh nghiệp bản địa, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sẽ được tạo nhiều cơ hội để phát huy tài năng của mình như những nhà doanh nghiệp ở những khu vực khác nhau của nền kinh tế. Với tư cách là một biện pháp dài hạn, việc bồi

dưỡng các nhà doanh nghiệp trẻ từ hệ thống nhà trường sẽ được chú trọng nhiều hơn.

Mở rộng hơn nữa sự tham gia rộng rãi của người bản địa vào những khu vực hiện đại như sản xuất, dịch vụ. Đối với những người bản địa ở khu vực đô thị thì việc tạo điều kiện cho họ tham gia vào xây dựng, các doanh nghiệp sửa chữa cơ khí máy móc hay trạm bán xăng dầu và những hoạt động tương tự sẽ có nhiều thu nhập hơn. Để ủng hộ các thương nhân và các nhà doanh nghiệp bản địa có tiềm năng, chế độ hạn ngạch, giấy phép và ưu đãi sẽ tiếp tục là yếu tố cần thiết của chính phủ cho đến khi một lực lượng các nhà doanh nghiệp bản địa được tạo lập.Tuy nhiên, ưu đãi này chỉ dành cho những người có tiềm năng thực sự, có trách nhiệm và lý lịch hoạt động tốt, như vậy mới có thể tạo lập một Cộng đồng thương mại và công nghiệp bản địa có sức sống và bền bỉ trong chính sách phát triển. Ngoài ra, để giúp người bản địa có khả năng tiếp cận lớn hơn đối với các chương trình thương mại và doanh nghiệp, chính phủ còn cung cấp và hỗ trợ tài chính, đào tạo, tư vấn và các dịch vụ cố vấn trên cơ sở hài hòa. Cuối cùng, để giúp người bản địa có thể cạnh tranh hiệu quả trong môi trường kinh doanh hiện đại thì việc tạo điều kiện cho họ tiếp cận với những công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước sẽ là nhân tố cần thiết và điều này sẽ giúp cho sự phát triển nguồn nhân lực trong những năm tới thuận lợi hơn.

Thứ ba, phát triển kinh tế tư nhân, kết hợp với khu vực nhà nước sẽ tạo một cơ cấu thuận lợi cho nền kinh tế phát triển bền vững. Một khu vực nhà nước hoạt động có hiệu quả sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, giảm bớt sự mất cân đối khu vực. Một khu vực tư nhân hoạt động có hiệu quả là một nhân tố thậm chí còn quyết định hơn đối với sự thành công của Chính sách phát triển Quốc gia bởi thông qua sự tăng trưởng của khu vực này, những cơ hội công ăn việc làm và thu nhập mới sẽ được tạo ra dựa vào mức độ đầu tư và mở rộng nhanh chóng xuất khẩu. Vì vậy, những chính sách về quản lý tài chính, tiền tệ và việc thực hiện các quy định, quy tắc sẽ được đẩy mạnh để tạo cơ hội cho tất cả các bộ phận của khu vực tư nhân, góp phần vào việc mở rộng

nền kinh tế. Chính phủ vững tin rằng khu vực tư nhân sẽ phát triển và đóng một vai trò tích cực hơn trong việc phát triển đất nước.

Cuối cùng, phát triển nguồn nhân lực là một yếu tố hết sức quan trọng để thực hiện hóa mục tiêu đã đề ra. Trong những năm 90, chính phủ nhận định, phát triển nguồn nhân lực sẽ có một tầm quan trọng mới. Tính cạnh tranh, năng suất, đổi mới và khả năng quản lý công nghệ mới sẽ được quyết định bởi chất lượng của nguồn lực đất nước. Với xu thế toàn cầu hóa và quốc tế hóa hiện nay, việc phát triển một lực lượng lao động có năng suất và hiệu quả với các giá trị đạo đức và đạo lý mạnh mẽ là rất cần thiết. Phát triển nguồn nhân lực phải bao gồm những chính sách và chương trình nhằm liên tục nâng cao và cải thiện cơ sở giáo dục và đào tạo để có thể thích ứng với những thay đổi đang diễn ra. Chính phủ sẽ nhấn mạnh đặc biệt vào việc cải thiện chất lượng giáo dục và trường học nhằm giảm tình trạng bỏ học cao, đặc biệt là những vùng nông thôn. Đối với những người tốt nghiệp phổ thông, chính phủ tiếp tục đào tạo ở cấp độ cao hơn, nhấn mạnh vào toán học, khoa học, những kỹ năng vận dụng và khả năng giao tiếp thành thạo tiếng Anh cũng như các ngoại ngữ khác. Nhìn chung, việc quan tâm đến phát triển nguồn lực của chính phủ Malaysia trong giai đoạn này là yếu tố để nâng cao sự tăng trưởng bền vững vì tăng trưởng bền vững không chỉ đòi hỏi ở mức độ đầu tư cao bằng vốn thực tế, mà còn đòi hỏi chất lượng đầu vào của nguồn lực từ lao động, quản lý và doanh nghiệp. Vì vậy, phát triển nguồn lực được đẩy nhanh để nâng cao triển vọng cho tăng trưởng. Yếu tố này đóng một vai trò sống còn trong việc nâng cao năng suất và cung cấp kỹ năng chuyên môn, quản lý và kỹ thuật cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế, là công cụ mạnh mẽ để cải thiện phân phối thu nhập thông qua việc tạo thêm cơ hội cho các nhóm có thu nhập thấp được tiếp cận với những khu vực hiện đại của nền kinh tế cũng như tạo khả năng vươn tới những nghề nghiệp cao hơn. Do đó, phát triển nguồn nhân lực mạnh mẽ và lành mạnh là những yêu cầu cơ bản cho sự thành công của chính sách phát triển Quốc gia.

Như vậy, tiếp nối mục tiêu của NEP, NDP đã đưa ra những mục tiêu cụ thể hơn, tiếp tục nỗ lực nhằm điều chỉnh những mất cân đối kinh tế để tạo ra một xã hội công bằng, thống nhất, hòa bình và thịnh vượng.

Một phần của tài liệu Chính sách kinh tế của Chính phủ Malaysia ( đối với sự phát triển xã hội và giải quyết mâu thuẫn tộc người.PDF (Trang 53 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)