Cơ sở hoạch định các chính sách kinh tế

Một phần của tài liệu Chính sách kinh tế của Chính phủ Malaysia ( đối với sự phát triển xã hội và giải quyết mâu thuẫn tộc người.PDF (Trang 36 - 39)

Mỗi một quốc gia khi đưa ra và thực hiện các chính sách kinh tế đều tính đến điểm xuất phát của quá trình. Điểm xuất phát đó sẽ cho họ thấy được những khó khăn và thuận lợi gì, trên cơ sở đó chính phủ đề ra được các chính sách có hiệu quả.

Với Malaysia - một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo và nhiều sắc thái văn hóa, chính phủ Malaysia đã có những nhìn nhận rất sâu sắc về bối cảnh kinh tế - xã hội, văn hóa – tộc người, cũng như lịch sử - chính trị trước khi đưa ra những chính sách phù hợp để cải thiện và phát triển đất nước.

Là một quốc gia nằm ở vị trí khá trung tâm của khu vực Đông Nam Á, với khí hậu xích đạo, nắng lắm, mưa nhiều, đất đai màu mỡ, mật độ dân số không cao, rừng nhiều gỗ quý, nhiều dầu cọ và cao su, trong lòng đất giàu khoáng sản, đặc biệt là thiếc, dầu mỏ, khí đốt… nên đó là những điều kiện thuận lợi để Malaysia có thể phát triển kinh tế toàn diện và một xã hội khá giả. Cũng do điều kiện thuận lợi trên mà trong lịch sử, mảnh đất này đã trở thành nơi du nhập và hội tụ của các nền văn hóa, tôn giáo và văn minh lớn trên thế giới. Đây là tiền đề tạo dựng một xã hội đa nguyên về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc, kinh tế và chính trị ở Malaysia.

Xét về kinh tế - xã hội, vào thời điểm đất nước này giành độc lập (1957), Malaysia còn đang trong thời kỳ quá độ thuộc địa, nửa phong kiến. Tính quá độ được thể hiện bằng sự đan xen các loại hình của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa với các loại hình sản xuất nhỏ, phân tán, kỹ thuật lạc hậu của phương thức sản xuất phong kiến. Tuy vậy, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã bắt đầu chiếm ưu thế trong một số ngành kinh tế then chốt của Malaysia như khai thác mỏ (chủ yếu là thiếc), kinh tế đồn điền

(trồng cao su và cọ lấy dầu) và công nghiệp chế biến. Tính chất thuộc địa thì thể hiện rõ nét qua việc sản xuất, khai thác sản phẩm và nguyên liệu thô phục vụ cho sản xuất dưới sự kiểm soát và chi phối của tư bản nước ngoài (chủ yếu là tư bản Anh và Hoa kiều). Sự gắn kết khá chặt chẽ của nền kinh tế đã có tác động không nhỏ đến địa vị xã hội nói chung, đến cơ cấu giai cấp – xã hội cũng như nghề nghiệp và thu nhập của các cộng đồng dân cư và các vùng miền trong cả nước ở Malaysia.

Theo nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước, nền kinh tế các nước Đông Nam Á nói chung và nền kinh tế Malaysia nói riêng bị phân hóa thành ba bộ phận chính dưới thời thuộc địa, đó là: hệ thống kinh doanh tư bản chủ nghĩa của người phương Tây, hệ thống thương mại của người Hoa và Hoa kiều và nền kinh tế lạc hậu của người bản địa với đại đa số là nông dân nghèo.

Dưới tác động của chính sách khai thác thuộc địa, cấu trúc xã hội truyền thống của Malaysia cũng có nhiều thay đổi. Trong lòng xã hội hình thành giai cấp mới, tầng lớp trung lưu người địa phương, mà quyền lợi của họ gắn liền với tư bản Anh. Cũng giống các nước Đông Nam Á khác, các nhà buôn, thầu khoán người Hoa là hạt nhân chính hình thành nên giai cấp tư sản Malaysia. Ngay sau khi đất nước này giành độc lập, họ trở thành một trong những lực lượng chính trị cơ bản, có ảnh hưởng sâu sắc tới việc hoạch định và thực thi chính sách phát triển đất nước. Hơn nữa, các doanh thương tầm cỡ người Hoa còn có được sự hậu thuẫn lớn từ các tầng lớp tiểu thương, tiểu chủ, sinh viên trí thức và lao động lành nghề trong cộng đồng của họ. Còn tầng lớp doanh nghiệp người bản địa (bumiputera) thì có vị trí thấp kém trong nền kinh tế nhưng lại có sức mạnh chính trị, được hậu thuẫn đông đảo bởi người Malay và tín đồ Hồi giáo. Để củng cố địa vị của mình với tư cách là người bản địa, họ thường đề ra chính sách có lợi cho mình. Còn tư bản nước ngoài, tuy không có thế thượng phong, kiểm soát kinh tế và đời sống chính trị đất nước nhưng cũng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế nói chung của Malaysia.

Vấn đề dân tộc của Malaysia, như đã nói ở Chương 1, liên quan chủ yếu đến ba tộc người Malay, Hoa và Ấn, luôn là trung tâm của chính sách phát triển quốc gia của Malaysia. Cùng với sự tồn tại tự nhiên của ranh giới tộc người (huyết thống, tín ngưỡng, tôn giáo, ngôn ngữ, …), sự khác nhau về nghề nghiệp, địa vị và quyền lợi kinh tế luôn là vấn đề nhạy cảm, có thể tạo ra những sự cản trở đối với sự thống nhất và phát triển quốc gia.

Ngoài yếu tố tộc người và tôn giáo trong lòng Malaysia, môi trường văn hoá và chính trị tộc người của khu vực, đặc biệt là sự gần gũi về văn hoá và huyết thống giữa người Malay ở Malaysia với người Malay ở Indonesia, Brunei, Singapore, Thái Lan, giữa người Hoa ở Malaysia với người Hoa ở các quốc gia Đông Nam Á …cũng có tác động không nhỏ đến việc hoạch định chính sách của chính phủ Malaysia.

Về cơ sở chính trị, đáng chú ý là Tuyên bố RUKUNEGARA (Nền tảng quốc gia). Đây là hệ tư tưởng chính thống, cương lĩnh hành động mà đất nước này theo đuổi. Nội dung chính của nó là đề cao tính thống nhất quốc gia, công bằng xã hội và hài hoà giữa các dân tộc, đồng thời nhấn mạnh đến bổn phận và nghĩa vụ của người dân đối với tổ quốc, đức tin và pháp luật [28, 16-17].

Cũng như nhiều quốc gia khác, Malaysia theo thể chế đa nguyên về kinh tế, chính trị và văn hoá. Tính chất đa văn hoá, đa sắc tộc, đa tôn giáo và sự đan xen các hình thái kinh tế - xã hội là một đặc điểm nổi bật của Malaysia mà khi hoạch định các chính sách kinh tế, chính phủ nước này đã đặc biệt coi trọng.

Một phần của tài liệu Chính sách kinh tế của Chính phủ Malaysia ( đối với sự phát triển xã hội và giải quyết mâu thuẫn tộc người.PDF (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)