a) Thập kỷ 70 được đánh giá là thập kỷ tăng trưởng kinh tế cao. Trong vòng 10 năm (1971 – 1980), GNP tăng gấp 2,15 lần, tốc độ tăng trưởng GDP mỗi năm trung bình ở mức 7,5% [43,73]. Sang đầu thập kỷ 80, tuy nền kinh tế gặp khó khăn khi rơi vào tình trạng trì trệ, suy giảm do những tác động ở bên ngoài cộng với những bất ổn định từ bên trong, nhưng từ năm 1987, nền kinh tế Malaysia đã thực sự phục hồi.
Đặc điểm nổi bật của nền kinh tế Malaysia trong suốt thập kỷ 80 là sự thay đổi cơ cấu kinh tế dẫn đến sự phát triển cân đối hơn giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Ngành công nghiệp chế tạo đã tăng tỷ trọng từ 20,5% GDP năm 1980 lên 27% GDP năm 1990, trong khi nông nghiệp giảm dần tỷ trọng từ 23,5% GDP xuống còn 18,7% GDP trong cùng thời kỳ. Ngành khai khoáng và ngành xây dựng giảm dần vai trò trong nền kinh tế. Trong khi đó, ngành dịch vụ vẫn chiếm vai trò rất quan trọng, đóng góp tới 42,3% GDP và chiếm 45,7% trong tổng mức công ăn việc làm năm 1990 [26, 87].
Sang năm 1990, tất cả các ngành của nền kinh tế đều đạt tốc độ tăng trưởng khá cao: ngành dịch vụ đạt tốc độ tăng 10,5% so với 8,6% của năm 1989; ngành chế tạo đạt tốc độ tăng 15,7% so với 14,2% của năm 1989; ngành xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất 19% so với 11,6% của năm 1989…Cũng trong năm 1990, các nguồn lực trong nước, đặc biệt là đầu tư và tiêu dùng tư nhân tăng mạnh đã giúp nền kinh tế khắc phục được những yếu kém của ngành xuất khẩu. Đầu tư tư nhân đạt 16,705 tỷ đôla, tăng 24,8% trong khi đầu tư công cộng đạt 9,167 tỷ đôla, tăng 17,1%. Tiêu dùng
tư nhân đạt 39,728 tỷ đôla, tăng 13,6%, trong khi tiêu dùng công cộng đạt 11,513 tỷ đôla, tăng 6,5%. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 24,8% so với 30,5% của năm 1989. Tỷ lệ lạm phát được kiểm soát tốt: 3,1% vào năm 1990. Mức tiết kiệm cao, tỷ lệ tiết kiệm trong GNP chiếm 30,3%. [26, 101-102]
Không chỉ dừng ở đây, bước sang kế hoạch triển vọng lần hai, với những mục tiêu và biện pháp cụ thể, nền kinh tế Malaysia có sự chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Nền kinh tế Malaysia tiếp tục tăng trưởng cao với tốc độ bình quân giai đoạn 1991 – 1995 là 8,4%. Hơn nữa, sự chuyển biến không những được thể hiện trong sự tăng trưởng về số lượng mà còn thể hiện trong sự tăng trưởng về chất lượng do có sự mở rộng và chuyên môn hóa cao trong công nghiệp và thương mại. Tốc độ tăng bình quân của công nghiệp chế tạo là là 12,68%, xây dựng 12,6%, ngành dịch vụ 9,6% và tốc độ tăng của nông nghiệp là 2,2% [15,70-71]. Điều đó tiếp tục thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế với xu hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp như số liệu trong bảng dưới đây.
Bảng 2.5 Cơ cấu ngành kinh tế trong GDP
Ngành 1985 1990 1995
Nông nghiệp 20,76 18,01 13,49
Công nghiệp 36,67 42,17 47,37
Dịch vụ 42,57 39,82 39,14
Nguồn: Tư liệu kinh tế các nước thành viên ASEAN, Tổng cục thống kê, Hà Nội, 1998.
Trong giai đoạn này, ngành công nghiệp máy móc chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong tổng sản lượng của ngành chế tạo, từ 22,5% năm 1983 lên 36,8% năm 1993. Bằng những nỗ lực trong công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu,kim ngạch xuất nhập khẩu của Malaysia hàng năm tăng nhanh. Tốc độ tăng trưởng ngoại thương thường cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ngoại thương đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Bảng 2.6 Kim ngạch xuất nhập khẩu của Malaysia
Năm Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu
Xuất khẩu Nhập khẩu 1990 1995 158.765 379.800 79.646 185.403 79.119 194.496
Nguồn: Tổng cục thống kê, Tư liệu kinh tế các nước thành viên ASEAN Nhà xuất bản thống kê, 1998.
Như vậy, nhìn tổng thể, chiến lược phát triển kinh tế của Malaysia trong thời kỳ thực hiện NEP và NDP là khá thành công, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế và xã hội. Đây là một thành tựu sẽ không bao giờ đạt được nếu không có Chính sách kinh tế mới và Chính sách phát triển Quốc gia.
b) Kinh tế phát triển là nhân tố thúc đẩy xã hội phát triển. Điều đó được thể hiện rất rõ trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như về phân phối thu nhập đối với tất cả người dân ở Malaysia sau khi thực hiện các chính sách kinh tế.
Xét về chất lượng cuộc sống, các nhu cầu cơ bản của cuộc sống đã được giải quyết: ở khu vực nông thôn, nhà nước đã trợ cấp tài chính để nông dân cải tiến việc cung cấp điện nước. Đến cuối năm 1989, 64% hộ nông dân được cung cấp nước sạch và 77% được cung cấp điện. Tỷ lệ bác sĩ/ số dân tăng từ 1/ 4302 (1970) lên 1/ 2656 (1993). Tương tự, số tivi cũng tăng từ 22/1000 người lên 100 tivi/1000 người và số điện thoại tăng từ 1 máy/100 người lên gần 10 máy/100 người. Năm 1970, 1000 người dân Malaysia mới có 26 xe hơi, năm 1990 đã tăng lên 96 xe/ 1000 người. Về y tế, sức khỏe và giáo dục, có thể thấy chất lượng cuộc sống của người dân Malaysia đã tăng lên rõ rệt trong giai đoạn 1970 – 1990. Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh đã giảm từ 39,4% xuống 16%, trong khi tỷ lệ tăng dân số bình quân là 3,8% năm. Tuổi thọ bình quân của người Malaysia là 72 tuổi vào năm 1990 so với 63
tuổi của năm 1970. Thu nhập bình quân đầu người năm 1990 là 2.031 USD, đến năm 1995 tăng lên 3.980 USD [26,115]. Vấn đề giáo dục cũng được cải thiện, tỷ lệ người mù chữ giảm từ 27% xuống 22% trong giai đoạn 1985 – 1990 [25, 76-78]. Trong những năm sau đó, từ 2000 – 2005, số học sinh ở tất cả các cấp từ mẫu giáo đến đại học, cao đẳng và dạy nghề đều tăng nhanh. Đáng kể hơn cả là mức tăng nhanh chóng của số lượng sinh viên các trường đại học từ 95.544 (2000) lên 199.636 (2005). Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 5,1% (1990) xuống còn 3% (1995) Cũng trong năm này, số lượng các trường đại học và cao đẳng cũng tăng nhanh. Những thành tựu trong phát triển giáo dục và đào tạo đã góp phần nâng cao chất lượng của lực lượng lao động và tạo ra các cơ hội về việc làm trong nền kinh tế. Ngoài ra, chính phủ còn tài trợ xây dựng nhiều cơ sở vật chất khác. Điều đó làm cho mức sống của người dân được tăng lên rất nhiều, tuổi thọ được tăng cao. Chỉ số chất lượng cuộc sống của Malaysia là khá cao so với các nước trong khu vực.
Mặt khác, tăng trưởng kinh tế cao còn kéo theo việc giảm đáng kể những mất cân đối về thu nhập giữa các tộc người, giữa thành thị và nông thôn. Những hộ gia đình có thu nhập bình quân hàng tháng thấp nhất ở bán đảo Malacca đã tăng từ 76 đôla năm 1970 lên 421 đôla năm 1990. Tương tự, con số của bang Sabah cũng tăng từ 68 đôla lên 390 đôla và của Sarawak là từ 74 đôla lên 436 đôla. Thu nhập trung bình hàng tháng của các gia đình ở bán đảo Malacca tăng mạnh từ 264 đôla vào năm 1970 lên 1.163 đôla năm 1990. Với bang Sabah, thu nhập bình quân hàng tháng cũng đã tăng từ năm 1976 đến năm 1990 là : từ 513 đôla lên 1.148 đôla. Bang Sarawak tương ứng là từ 427 đôla lên 1,208 đôla. Thu nhập cao hơn tất sẽ dẫn tới chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Điều đó được thể hiện rõ ở hệ số Gini. Hệ số này giảm từ 0,513 vào năm 1970 xuống còn 0,445 vào năm 1990 [25, 77].
Hơn nữa, góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội ở Malaysia là những thành tựu đạt được trong việc xóa đói giảm nghèo. Có thể nói, nhờ có Chính sách kinh tế mới và Chính sách phát triển Quốc gia mà tỷ lệ đói nghèo đã giảm một cách mạnh mẽ.
Theo báo cáo của chính phủ Malaysia, trong giai đoạn 1970 – 1990, tỷ lệ nghèo đói đã giảm từ 49,3% xuống còn 15% tính đến cuối năm 1990 (vượt mục tiêu ban đầu đề ra – 16,7%). Tương tự như thế, mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đói ở thành thị là từ 21,3% năm 1970 xuống còn 9,1% năm 1990, thực tế giảm còn 7,3%., mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đói ở nông thôn là từ 58,7% năm 1970 xuống còn 23,0% năm 1990, thực tế giảm còn 19,3%. Xét trên mối quan hệ sắc tộc, tỷ lệ người nghèo trong cộng đồng Malay được giảm từ 65% xuống 20,8%, người Ấn Độ từ 39% xuống 8% và người Hoa giảm từ 26% xuống 5,7% [25, 75]. Trong khoảng thời gian 10 năm (1990- 2000), tỷ lệ nghèo đói đã giảm mạnh, từ 15,5% xuống còn 7,5%, trong đó, số hộ cực nghèo chỉ còn 1,4% [6,11].
Bên cạnh đó, trong chuyển dịch cơ cấu việc làm, các chính sách kinh tế cũng đã đem lại một sự pha trộn hài hòa hơn về sắc tộc trong tất cả các ngành của nền kinh tế đất nước. Nếu như trước đây, người Malay chỉ tập trung ở nông thôn và làm nông nghiệp thì nay, một số lượng lớn người Malay đã có mặt ở những khu vực kinh tế trọng điểm (như: sản xuất, xây dựng và dịch vụ…). Cơ cấu việc làm của người bản địa trong khu vực sản xuất đã tăng từ 28,9% của tổng số công ăn việc làm vào năm 1970 lên tới 49,1% vào năm 1990. Trong khu vực nhà nước, người bản địa chiếm một tỷ lệ lớn và tỷ lệ những người lao động phi bản địa đã giảm hẳn. Trong khu vực nông nghiệp, tỷ lệ những người bản địa làm trong khu vực này đã giảm từ 66,2% xuống còn 29% [25, 80-81].
Trong chuyển dịch cơ cấu vốn cổ phần: với mục tiêu mà đề ra là đến cuối năm 1990, cổ phần của người bản địa sẽ tăng lên 30% và cổ phần của những người Malay khác sẽ tăng lên 40%.
Trên thực tế, tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần của người bản địa đã tăng từ 2,4% vào năm 1970 lên 20,6% vào năm 1995, đạt thấp hơn chỉ tiêu. Tuy nhiên, xét theo con số tuyệt đối thì sự gia tăng trong mức độ sở hữu cổ phần của người bản địa là rất lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc hình thành một tầng lớp trung lưu Malay – được coi là một trong những cơ sở mới của sự ổn định đất nước dưới thời kỳ NEP. Còn tỷ lệ vốn cổ phần của những người
Malay khác đã tăng lên 46,2%, vượt chỉ tiêu đề ra. Trong nhóm này, người Hoa đã tăng cổ phần của họ lên đến 44,9%, người Ấn vẫn ở mức đều đặn 1% và những người khác là 0,3%. Mặt khác, tỷ lệ sở hữu của người nước ngoài đã giảm từ 63,3% vào năm 1970 xuống còn 25,1% vào năm 1990, cao hơn mục tiêu của NEP đề ra (30%) [25, 83].
Với những chuyển biến đó, có thể nói Malaysia đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong việc chuyển dịch cơ cấu sở hữu cổ phần trong khu vực công ty, đặc biệt là trong nỗ lực làm tăng tỷ lệ sở hữu của tất cả người dân Malaysia. Và như vậy, mục tiêu tạo lập một cộng đồng thương mại và công nghiệp bản địa (BBIC) cũng được thực hiện hóa, nhằm đảm bảo sự tham gia hữu hiệu của những cá nhân người bản địa vào những khu vực hiện đại của nền kinh tế. Và việc chuyển dịch cơ cấu việc làm và cơ cấu cổ phần đó chính là tạo sự công bằng xã hội thông qua việc tăng cường năng lực hoạt động kinh tế, nâng cao vị trí kinh tế của người Malay.
Ngoài ra, để tiến tới sự bình đẳng, NEP và NDP còn đem lại sự phát triển cân đối hơn giữa các vùng địa lý. Các bang nghèo của Malaysia như Kelantan, Kedah, Perlis và Terengganu đã có sự cải thiện về thu nhập đầu người. Các chương trình phát triển nông thôn cũng như chương trình phát triển đất đai mới và sự cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng kinh tế đã đem lại những thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn. Và, thông qua các chính sách phát triển kinh tế, các dịch vụ giáo dục, y tế, sức khỏe cũng được mở rộng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở Malaysia.
Như vậy, khác với thời kỳ Malaysia sau khi giành độc lập, nền kinh tế thuộc địa, nửa phong kiến, nghèo nàn, lạc hậu và sau đó có tăng trưởng nhanh vào đầu những năm 60 nhưng không mang lại thành quả cho đa số người dân Malaysia, thậm chí còn làm tăng khoảng cách khác biệt giữa các cộng đồng thì ở thời kỳ thực hiện NEP và NDP, mục tiêu tăng trưởng kinh tế được đặt trong mối quan hệ khăng khít với các mục tiêu phát triển xã hội. Tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội ở Malaysia có mối quan hệ biện chứng, hòa quyện với nhau trong sự tương tác, thúc đẩy nhau cùng tiến lên. Tăng trưởng kinh tế là điều kiện để hòa hợp dân tộc, ổn định xã hội và
ngược lại, ổn định xã hội là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Có thể nói, sau bốn thập kỷ thực hiện đường lối, chiến lược, sách lược của NEP và NDP, Malaysia đã giải quyết được những vấn đề hết sức nan giải của đất nước như: xóa đói giảm nghèo, cơ cấu lại nền kinh tế, góp phần giảm bớt những bất bình đẳng xã hội giữa các tộc người, giữa các vùng lãnh thổ, tạo cơ sở cho xã hội công bằng và phát triển hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được và đóng góp to lớn cho sự phát triển xã hội ở Malaysia thì chính sách kinh tế của chính phủ cũng còn nhiều hạn chế.
Mức chênh lệch trong thu nhập giữa nông thôn và thành thị đã được thu hẹp lại, song, xét theo từng vùng thì khoảng cách chênh lệch khá rộng. Trong việc xóa đói giảm nghèo, tình trạng “nghèo tuyệt đối” đã được giảm đáng kể nhưng số người “nghèo tương đối” vẫn tồn tại phổ biến ở các khu vực nông thôn, nhất là những vùng xa xôi hẻo lánh…
Tóm lại, dù còn có một số hạn chế nhưng thành tựu mà NEP và NDP mang lại cho dân tộc Malaysia là vô cùng to lớn. Sau nhiều năm thực hiện, NEP và NDP đã thành công trong việc tăng trưởng kinh tế gắn liền với mục tiêu phát triển xã hội. Nhờ những chính sách khôn khéo và hợp lý mà hiện nay, Malaysia được biết đến là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển năng động trong khu vực.
Chương 3: CHÍNH SÁCH KINH TẾ CỦA CHÍNH PHỦ MALAYSIA ĐỐI VỚI VIỆC GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN TỘC NGƯỜI