Những mâu thuẫn kể từ sau ngày độc lập

Một phần của tài liệu Chính sách kinh tế của Chính phủ Malaysia ( đối với sự phát triển xã hội và giải quyết mâu thuẫn tộc người.PDF (Trang 79 - 80)

Sự đa dạng tộc người, như trên đã nói, là bản chất của xã hội Malaysia từ khi lập quốc. Sự tích hợp về tộc người ở nơi đây đã diễn ra từ rất lâu trong lịch sử, khi các tiểu quốc sống cận kề nhau dựa vào sự hùng mạnh kinh tế đã dần chinh phục các tiểu quốc khác. Cùng nằm trong khối người bản địa Bumiputera nhưng người Kadazan hoàn toàn khác với người Iban và càng khác với người Malay ở bờ Tây. Tuy nhiên, như đã phân tích, sự khác biệt quan trọng nhất trong bức tranh tộc người Malaysia lại là do lịch sử di cư tạo ra. Sự xuất hiện của người Hoa, người Ấn là bước ngoặt lớn đưa xã hội Malaysia từ một xã hội có chủ thể là người Malay chiếm đại đa số, sang một xã hội không chủ thể, tức là không có tộc người nào chiếm đại đa số và nắm giữ quyền lực áp đảo cả về kinh tế và chính trị. Người Malay với sự hậu thuẫn lớn về chính trị của chính phủ cũng không đủ mạnh để trở thành “linh hồn” của đất nước, trở thành “xương sống” cho toàn xã hội. Với nền kinh tế hùng mạnh của mình, người Hoa cũng không đủ mạnh để tạo ra bước ngoặt làm thay đổi mối quan hệ giữa các cộng đồng dân tộc ở Malaysia. Không có mối quan hệ tuyệt đối công bằng ở Malaysia nhưng có mối quan hệ tương đối công bằng là người Malay được nắm giữ nhiều hơn quyền lực chính trị

và bù lại chính quyền thân Malay lại có những sự nới lỏng cho khu vực kinh tế tư nhân người Hoa.

Dưới hình thức “chính trị thuộc về người Malay, kinh tế thuộc về người Hoa”, sự phát triển kinh tế xã hội ở Malaysia dựa trên một cơ sở không cân đối và bất bình đẳng. Năm 1957, thu nhập hộ gia đình người Malay chỉ là 140 RM/ tháng và người Ấn là 143 RM/ tháng. Tỉ lệ người nghèo trong cộng đồng người Malay chiếm 55,7 %, người Ấn chiếm 19,8% và người Hoa chiếm 13,1%. Năm 1970, thu nhập bình quân tháng của hộ gia đình người Hoa là 381 RM, người Ấn là 301 RM, trong khi người Malay chỉ là 172 RM. Mặt khác hơn 50% dân số Malay và Ấn Độ trong giai đoạn 1957 - 1970 sống trong những điều kiện sinh hoạt tồi tàn, trình độ dân trí thấp. Địa vị kinh tế của người Hoa và người Malay rất chênh lệch. Năm 1970, người Hoa chiếm 34,3% số vốn, người Malay chỉ chiếm 2,4%, ít hơn 14 lần. Hệ số càng lớn, bất bình đẳng càng cao [26, 34].

Như vậy có thể thấy mâu thuẫn dễ thấy nhất và lớn nhất là thu nhập rất khác biệt giữa các tộc người. Thu nhập của người Hoa luôn luôn gấp đôi so với người Malay và gấp 1,5 lần so với người Ấn. Người Malay luôn luôn là nhóm dân nghèo nhất nước, mặc dù họ chiếm tỉ lệ dân số cao nhất. Chính sự bất bình đẳng này là một trong những lí do dẫn dẫn đến cuộc xung đột sắc tộc sâu sắc vào ngày 13.5.1969, mà hậu quả của nó là làm rệu rã lòng tin của nhân dân vào chính phủ, khiến tình hình chính trị - xã hội ở Malaysia lâm vào căng thẳng.

Một phần của tài liệu Chính sách kinh tế của Chính phủ Malaysia ( đối với sự phát triển xã hội và giải quyết mâu thuẫn tộc người.PDF (Trang 79 - 80)