Phát triển kinh tế - xã hội là hai mặt của một quá trình có mối quan hệ qua lại: sự phát triển kinh tế là cơ sở cho sự phát triển xã hội và ngược lại, sự ổn định chính trị và tiến bộ xã hội là tiền đề cho sự phát triển kinh tế. Là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á, sau khi giành độc lập, Malaysia cũng như nhiều nước khác đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi nền kinh tế rơi vào tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, đời sống xã hội thấp kém. Với đặc điểm là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, lại phức hợp về ngôn ngữ, đặc biệt là sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, Malaysia đã không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, xung đột về sắc tộc mà đỉnh điểm là cuộc bạo loạn vào tháng 5 năm 1969 làm hàng trăm người thiệt mạng. Với 3 tộc người chính là Malay, Hoa và Ấn, trong đó “chính trị thuộc về người Malay, kinh tế thuộc về người Hoa”, Malaysia đã phải đương đầu với vô số những bất bình, mâu thuẫn trên nhiều phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội.
Để giải quyết các mâu thuẫn hiện hữu và sớm khôi phục nền kinh tế, xây dựng và ổn định đất nước, chính phủ Malaysia đã kịp thời đề xuất một chính sách kinh tế mang tầm chiến lược, đó là Chính sách kinh tế mới (New Economic Policy - NEP) được thực hiện trong 20 năm, từ 1970 đến 1990. Đây là một trong những chính sách dài hạn đã mang lại thành công cho Malaysia không chỉ trong lĩnh vực tăng trưởng kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội hết sức sâu sắc, đặc biệt là việc cải thiện tình trạng đói nghèo và giảm bớt những xung đột sắc tộc. Nhờ đó, Malaysia được đánh giá là thành công trong việc gắn kết những thành tựu phát triển kinh tế với việc giải quyết ổn thỏa các mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo, đem lại một xã hội hòa hợp, ổn định và phát triển. Chính sách kinh tế mới (NEP) có thể coi là chính sách khởi xướng và là nền tảng cho những chính sách về sau. Chính sách này đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển xã hội ở Malaysia.