Kinh tế của tộc người Malay

Một phần của tài liệu Chính sách kinh tế của Chính phủ Malaysia ( đối với sự phát triển xã hội và giải quyết mâu thuẫn tộc người.PDF (Trang 69 - 70)

Có thể nói Malay là “những người con của đất” tiêu biểu của Malaysia. Về bản chất, như trên đã nói, họ là những người cần cù, hiền lành, chịu thương chịu khó. Sinh cư lập nghiệp đầu tiên ở Malaysia, người Malay có mặt ở khắp mọi nơi, từ vùng đồi núi thấp đến khu vực trung nguyên, từ bờ biển đến những đồng bằng màu mỡ nơi cửa sông. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và đánh cá.

Từ khi thực dân phương Tây xâm lược Đông Nam Á, sự có mặt của người Anh ở Malaysia đã làm thay đổi bộ mặt của các thành phố cũ và làm xuất hiện hàng loạt thành phố mới. Lượng người từ nông thôn đổ ra thành thị khá đông, trong đó có cả người Malay. Tuy nhiên, tỉ lệ người Malay ở thành thị vẫn không cao. Theo A. Husin Ali, năm 1911 là 17,8%, năm 1947 là 17,4%, năm 1957 là 19,3% và năm 1970 là 21,7% [61, 62]. Đồng thời với sự gia tăng và lớn mạnh của các đô thị là sự xuất hiện các nhà máy, công xưởng, nơi thu hút đông đảo công nhân. Tuy nhiên, số người được tuyển dụng vào các nhà máy thời đó lại phần đông là những người nhập cư từ Trung Quốc và Ấn Độ. Công nhân người Malay chỉ chiếm khoảng 25% [61, 63]. Điều đó nói lên rằng, về cơ bản, kinh tế của người Malay vẫn gắn chặt với nông nghiệp – nông thôn. Từ khi giành được độc lập, nhờ chính sách ưu tiên của chính phủ Malaysia, nhiều người Malay được làm việc trong bộ máy lãnh đạo của Nhà nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tiến sĩ A. Husin Ali, vào năm 1976, “Trong các lĩnh vực chuyên môn thì người Malay vẫn rất ít, chẳng hạn, chỉ 13% ủy viên ban quản trị, 13,5% kĩ sư, 17,9% kế toán, 11,6% nhà khoa học và 7,6% bác sĩ” [61, 69].

Thực tế việc làm như trên đã dẫn đến hậu quả là người Malay trở thành tộc người nghèo so với cộng đồng người Hoa. Năm 1970, trong số các

hộ nghèo ở Malaysia có đến 74% là người Malay [61, 92]. Vào năm 1973, trong số 30% dân số phải sống trong các khu nhà ổ chuột thì người Malay đã chiếm đến con số 20,4%. Theo sự phân chia giai tầng, trong tầng lớp hạ lưu, người Malay cũng chiếm tỉ lệ cao nhất [61, 69].

Mặc dù là tộc người chiếm quá nửa dân số của cả nước (57%) nhưng người Malay chỉ chiếm 19% cơ cấu kinh tế của Malaysia [http://www.worldbank.org/my]. Đây rõ ràng là một nghịch lí mà cư dân bản địa thật khó chấp nhận.

Sự yếu kém về mặt kinh tế của người Malay đã dẫn đến những mâu thuẫn tộc người khá trầm trọng, làm cho tình hình xã hội chứa đựng những nguy cơ bất ổn. Tình hình đó buộc chính phủ Malaysia phải nhanh chóng đưa ra những biện pháp giải quyết kịp thời và kiên quyết. Trên đại thể, các biện pháp của chính phủ thường thiên về những chính sách hỗ trợ và khuyến khích người Malay phát triển kinh tế. Chính vì vậy, tỉ lệ người Malay nghèo đã giảm từ 65% năm 1970 xuống còn 23,8% năm 1990.

Sau khoảng 5 thập kỉ nỗ lực, cho đến hiện nay, khoảng cách kinh tế giữa người Malay và các tộc người khác, đặc biệt là người Hoa đã được thu hẹp đáng kể. Người Malay hiện không còn là nhóm dân cư nghèo nhất nước như trước đây mà đã có một chỗ đứng khá vững chắc trong nền kinh tế Malaysia.

Một phần của tài liệu Chính sách kinh tế của Chính phủ Malaysia ( đối với sự phát triển xã hội và giải quyết mâu thuẫn tộc người.PDF (Trang 69 - 70)