Như đã nói ở trên, người Hoa có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành các đô thị thương mại đầu tiên ở Malaysia nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, ở Malaysia, người Hoa có vai trò quan trọng hơn hẳn nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Lịch sử phát triển của Malaysia cho thấy với bản tính linh hoạt sẵn có và để đối phó với nhiều chủ trương, chính sách của chính quyền sở tại, nhiều tầng lớp người Hoa từ thế hệ này qua thế hệ khác đã trở nên năng động và đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành các đô thị thương mại ở Malaysia trong các thế kỉ XVI, XVII và XVIII, đó là Melaka và Selangor. Từ đây các trung tâm thương mại mang tính quốc tế đã hình thành, đưa Malaysia vào quỹ đạo của hệ thống buôn bán của châu Á và thế giới. Trên trục buôn bán đó, các trung tâm thương mại mang tính quốc tế của Malaysia như Melaka đã trở thành trung tâm trung chuyển hàng hoá lớn của khu vực. Cần nhấn mạnh rằng, tại các trung tâm này, người Hoa đóng vai trò số 1 trong quá trình giải phóng, phân phối và thu gom hàng hoá. Tuy nhiên đây là thời kì hoạt động buôn bán tương đối thuận lợi và có thể nói là thời kì hoàng kim của Melaka và Malaysia. Sự cạnh tranh của họ trong thời kì này không mấy khó khăn bởi đối thủ của họ chỉ nằm trong “khuôn viên” của các thương gia khu vực. Trong khi đó, chính quyền sở tại đối xử tương đối ưu ái với lực lượng Hoa thương, tận dụng họ phục vụ cho hoạt động ngoại thương ở các trung tâm thương mại để vừa phát triển kinh tế của quốc gia lại vừa cung cấp hàng hoá làm thoả mãn nhu cầu xa xỉ của tầng lớp quan lại trong khu vực. Hơn thế nữa, sử dụng được lực lượng thương gia người Hoa ở khía cạnh nào đó còn tạo cho chính quyền bản địa cái thế đối trọng trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của các thế lực tư bản phương Tây, nhất là Anh. Sự gặp gỡ nhau giữa các lợi ích đó đã tạo cho người Hoa nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình vươn lên tự khẳng định vai trò thương mại của mình trong thời kì đô thị thương mại hoá ở Malaysia. Từ truyền thống từ thời Melaka, người Hoa ở Malaysia đã “bứt phá” nhanh chóng trên con đường phát triển kinh tế của mình. Họ trở thành tộc người giàu có hơn hẳn so với tộc người bản địa và người Ấn.
Thêm nữa, như đã nói ở trên, người Hoa có tính cộng đồng cao và rất hiếu học. Họ là những người cần cù, chịu khó, tiết kiệm, biết chịu đựng gian khổ, giỏi tính toán làm ăn và dễ thích nghi với hoàn cảnh và môi trường sống. Đây là những điểm mạnh để họ vươn lên về mặt kinh tế, cho dù họ sống ở quốc gia nào. Thêm nữa, người Hoa không chỉ tạo dựng được chỗ đứng cho mình mà còn mở rộng được phạm vi ảnh hưởng tới các cộng đồng khác [20, 256].
Ở Malaysia, cộng đồng người Hoa là cộng đồng giữ vị trí số một về kinh tế. Họ tuy chỉ chiếm ¼ dân số của đất nước nhưng lại là nhóm nắm giữ tới 40% của cải của cả nước [http://www.worldbank.org/my]. Có thể nói, không chỉ đối với Malaysia mà đối với cả khu vực Đông Nam Á, người Hoa cũng đều chiếm giữ vai trò trọng yếu về kinh tế. Người Hoa ở Malaysia giữ vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực kinh tế trọng yếu.
- Trong lĩnh vực công nghiệp, người Hoa tập trung vốn vào các ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến (hàng gia dụng, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, chế biến sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi, chế biến dầu cọ, cao su…). Người Hoa còn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, địa ốc, điện tử, cơ khí… Hiện nay, ở Malaysia có khoảng 17375 doanh nghiệp, trong số đó có khoảng 3758 doanh nghiệp công nghiệp mà toàn bộ số vốn thuộc về người Hoa, hoặc có số vốn đóng góp của người Hoa chiếm trên 50%.(Nguồn: www.vienkhoahocthongke.gov.vn/ ).
- Trong lĩnh vực nông nghiệp, những đồn điền ở Malaysia phần lớn tập trung trong tay người Hoa. Họ tiến hành canh tác nông nghiệp với các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, cọ, mía…, kết hợp với việc chế biến thô các sản phẩm từ nông nghiệp. So với thời kỳ trước đây, ngày nay hoạt động của người Hoa trong lĩnh vực nông nghiệp đã giảm đi rõ
rệt, song nếu xét về quy mô và trình độ canh tác nông nghiệp thì người Hoa vẫn giữ vị trí hàng đầu ở Malaysia.
- Lĩnh vực Tài chính – ngân hàng đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho các nhà doanh nghiệp người Hoa ở Malaysia. Tại thời điểm kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất, ở Penang, Melaka đã có 5 ngân hàng người Hoa hoạt động. Theo đánh giá của Callis H.G trong Foreing capital in Southeast Asia thì trước khi thế chiến thứ hai bùng nổ, nếu số vốn của người Châu Âu đầu tư tại đây là 454 triệu USD (trong đó người Anh chiếm tới 70%) thì số vốn đầu tư vào nền kinh tế Malaysia của người Hoa khoảng 200 triệu USD, chiếm tới 30% tổng số vốn đầu tư của nước ngoài tại đây.
Sau ngày độc lập, lĩnh vực tài chính – ngân hàng của Malaysia phát triển mạnh nhờ sự nhạy bén của người Hoa. Nửa đầu thập niên 90 là thời kỳ phát triển hoàng kim của ngành ngân hàng - tài chính và hình thức hoạt động xuyên quốc gia của người Hoa trong lĩnh vực này.
Hiện nay, Hoa kiều là tầng lớp thương nhân làm ăn thành công nhất ở Malaysia, họ nắm trong tay cổ phiếu của một loạt công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Theo ước tính, người Hoa nắm giữ trong tay 62% cổ phiếu trên thị trường Malaysia và khoảng 35% tổng số nguồn tư bản của đất nước. Với số lượng lớn cổ phiếu như vậy, có thể nói, người Hoa đã và đang kiểm soát gần như toàn bộ thị trường tài chính và các hoạt động kinh tế của quốc gia này.
- Người Hoa ở Malaysia đã đi đầu trong lĩnh vực du lịch. Với việc thành lập hàng loạt những công ty lữ hành, xây dựng những khu du lịch nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới, người Hoa đã thành công trong việc thu hút một lượng lớn du khách đến với Malaysia. Xin dẫn ra một ví dụ, đó là quần thể vui chơi, giải trí và mua sắm do người Hoa xây đựng trên cao nguyên Genting cao 2.000 mét so với mặt nước biển, với nhiệt độ thường từ
13-18 độ C. Tại đây, có 5 khách sạn hiện đại, liên hoàn, nhiều tầng, có 8.000 phòng khách, có trung tâm hội nghị quốc tế với sức chứa 6.000 người, có phòng tiệc phục vụ cùng một lúc 3.000 người. Một toà tháp lớn đã xây dựng xong trong năm 2006, nâng tổng số phòng khách lên 10.000 phòng, trở thành khu liên hợp khách sạn lớn nhất thế giới.
- Trong lĩnh vực thương mại, người Hoa đặc biệt thành công. Ngay từ xa xưa, khi mới đặt chân lên lãnh thổ Malaysia, người Hoa đã sinh sống bằng nghề buôn bán nhỏ và môi giới. Buôn bán đã trở thành nghề truyền thống của họ ở Malaysia. Ngày nay, bên cạnh hoạt động kinh doanh buôn bán hàng hoá, trong cộng đồng người Hoa còn có một bộ phận không nhỏ những ông chủ lớn hoạt động trong lĩnh vực vận tải tàu biển, đường bộ, đường sông; các dịch vụ bưu chính viễn thông với hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhìn chung trong tất cả các lĩnh vực kinh tế Malaysia, người Hoa đều có mặt và giữ vai trò then chốt. Không phải ngẫu nhiên mà khi diễn tả một cách trực quan vai trò kinh tế của người Hoa ở Malaysia, Thủ tướng Mahathir Mohammad đã nói rằng thật khó có thể tưởng tượng được một Malaysia sẽ thế nào nếu thiếu đi những cửa hàng của người Hoa ở khắp mọi nơi. Người Hoa không chỉ cung cấp mọi nhu cầu từ thiết yếu đến cao cấp cho toàn bộ đất nước mà còn mua hàng hóa của các đối tác và phân phối đi khắp mọi nơi. Họ là bánh xe chủ lực trong bộ máy vận hành nền kinh tế Malaysia. Tuy nhiên những chính sách quá ưu tiên cho người Malay đã làm cho người Hoa dần dần không còn được vị trí “thượng phong” như trước. Và đó cũng là một mâu thuẫn mà chính phủ Malaysia luôn phải đối mặt giải quyết để vừa giải quyết được vấn đề công bằng của xã hội vừa phát triển kinh tế đất nước.