Khái quát về mâu thuẫn tộc người ở Malaysia

Một phần của tài liệu Chính sách kinh tế của Chính phủ Malaysia ( đối với sự phát triển xã hội và giải quyết mâu thuẫn tộc người.PDF (Trang 67 - 69)

Như trên đã nói, chính sách kinh tế của Chính phủ Malaysia nhằm vào hai mục tiêu chính, đó là phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết mâu thuẫn tộc người. Để có cơ sở xem xét cách giải quyết vấn đề mâu thuẫn tộc người của chính phủ Malaysia, trước hết cần làm sáng tỏ sắc thái mâu thuẫn tộc người ở đất nước này có gì khác so với các nước khác, chẳng hạn Việt Nam.

Vì hoàn cảnh lịch sử và điều kiện xã hội khác nhau, vấn đề tộc người ở mỗi quốc gia thường có những đặc điểm riêng. Nói chung ở các quốc gia đa tộc người, các tộc người thiểu số thường sống ở vùng sâu, vùng xa vì vậy đời sống thấp kém hơn so với tộc người đa số sống ở thành thị. Và đây chính là nguyên nhân làm nảy sinh mâu thuẫn tộc người. Ở một số nơi, mâu thuẫn tộc người nảy sinh do sự tách nhập các vùng đất vào các nước khác nhau trong lịch sử như trường hợp người Malay (Melayu) ở các tỉnh miền nam Thái Lan.

Cũng như nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á, Malaysia là nước đa tộc người (giống như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Indonesia, Philippines,...). Ngay từ khi giành được độc lập 1957, chính phủ Malaysia đã phải đối mặt với những mâu thuẫn tộc người khá sâu sắc và trầm trọng, mà đỉnh cao là cuộc xung đột vào tháng 5 năm 1969 làm nhiều người thiệt mạng, đưa đất nước rơi vào tình trạng rối ren, bạo loạn.

Một điều cần nhấn mạnh là mâu thuẫn tộc người ở Malaysia có đặc điểm riêng so với nhiều nước Đông Nam Á. Đó không phải là mâu thuẫn giữa những cộng đồng dân tộc người thiểu số với tộc người đa số vốn đã

cùng chung sống với nhau hàng nghìn năm lịch sử, cho dù ở Malaysia hiện nay không phải không có những tộc người đã tồn tại cùng nhau từ lâu trên mảnh đất này - Những tộc người được gọi chung bằng một cái tên rất chuẩn xác, đó là “những người con của đất” (Bumiputera). Tất nhiên điều đó không có nghĩa là tuyệt nhiên không có một mâu thuẫn nào giữa những tộc người cùng mang tên chung Bumiputera. Điều đáng nói ở đây là mâu thuẫn tộc người ở Malaysia chủ yếu là mâu thuẫn giữa người bản địa Malay (hay, nói rộng ra, cả Bumiputera) với những người nhập cư từ hai quốc gia Ấn Độ và Trung Quốc. Do số lượng người Hoa và người Ấn ở Malaysia quá đông, họ trở thành hai cộng đồng lớn, vì vậy, từ xưa đến nay, để chỉ hai cộng đồng này, các nhà nghiên cứu về Malaysia thường không dùng thuật ngữ Minority hay Ethnic (với nghĩa tộc người) mà dùng Nation (dân tộc) hoặc Peoples (cộng đồng). Như vậy cũng có thể nói, ở Malaysia, cái gọi là mâu thuẫn tộc người đã được đẩy lên thành một vấn đề có phần cao hơn, trầm trọng hơn, đó là mâu thuẫn dân tộc [1, 38]. Cách nhìn nhận vấn đề như vậy vừa phản ánh đúng bản chất vấn đề mâu thuẫn tộc người ở Malaysia vừa xác định được tầm quan trọng đặc biệt của việc phải giải quyết mâu thuẫn dân tộc vốn có phần trầm trọng và khá nan giải ở đất nước này. Chính cách đặt vấn đề như thế đã giúp chính phủ Malaysia có những quyết sách đúng hướng trong việc phát triển đất nước trong thời gian qua [1, 38]. Và điều này được thể hiện rõ nhất ở các chính sách kinh tế.

Để có thể đánh giá một cách khách quan những thành tựu cũng như hạn chế của chính sách kinh tế của chính phủ Malaysia trong việc giải quyết mâu thuẫn tộc người, ta không thể không tìm hiểu thực chất kinh tế của ba tộc người chính đã nêu ở trên.

Một phần của tài liệu Chính sách kinh tế của Chính phủ Malaysia ( đối với sự phát triển xã hội và giải quyết mâu thuẫn tộc người.PDF (Trang 67 - 69)