Thống nhất và phát triển quốc gia là mục tiêu tối hậu của phát triển kinh tế - xã hội vì một xã hội thống nhất sẽ là nền tảng cho việc ổn định chính trị, xã hội và phát triển bền vững. Chính phủ Malaysia nhận thấy, mặc dù đã có nhiều thành tựu đáng kể trong 20 năm thực hiện NEP, song vấn đề nghèo khó và chênh lệch giữa các nhóm sắc tộc vẫn là một thách thức to lớn đối với việc hoạch định và phát triển của đất nước. Mặt khác, bước vào thập niên 90, môi trường quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, Malaysia có nhiều thuận lợi và khó khăn trên con đường phát triển của mình.
Chiến tranh lạnh kết thúc, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là internet đã tạo điều kiện thuận lợi cho Malaysia chia sẻ về trí thức, nguồn tài nguyên cũng như nguồn lực con người với thế giới. Với xu hướng gia tăng của toàn cầu hóa, công nghệ mới không ngừng thay đổi với tốc độ khó dự đoán, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao. Con người, các dân tộc trở nên phụ thuộc, gần gũi và thân thiện hơn. Đây là xu thế tất yếu, có tác động thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế, trong đó Malaysia là một thực thể trong quá trình này.
Cùng với những cơ hội và mặt tích cực của toàn cầu hóa, sự bùng nổ các dòng thương mại và đầu tư, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các Hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương, sự mở rộng hợp tác liên khu vực và toàn cầu, sự trỗi dậy của các nền kinh tế chuyển đổi như Trung Quốc, Ấn Độ… đã và đang làm tăng thêm tính cạnh tranh, giành giật vốn, thị trường và lao động. Với những lợi thế nhất định về tài nguyên thiên nhiên, vị trí chiến lược, nguồn lao động, chính phủ và người dân khao khát vươn
lên thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu, mong muốn mở rộng hợp tác với nước ngoài là những mặt mạnh, tiền đề của Malaysia trong hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, nếu Malaysia không có sự thích ứng với điều kiện mới thì sẽ bị tụt hậu và loại khỏi cuộc chơi, trước hết là trong cuộc chạy đua cạnh tranh với các nước ASEAN và các nền kinh tế đang chuyển đổi ở Châu Á. Song, sẽ là cơ hội nếu Malaysia biết đón nhận và thích ứng với điều kiện mới một cách hợp lý.
Ngoài ra, với xu thế cạnh tranh thị trường và toàn cầu hóa thì tính không đồng đều và bất bình đẳng trong quá trình phát triển là một thách thức đối với các quốc gia nói chung và Malaysia nói riêng. Sự nhất thể hóa nền kinh tế toàn cầu và sự phụ thuộc lẫn nhau đã tạo ra sự phân chia, đa nguyên không chỉ về kinh tế mà còn dẫn đến sự đa nguyên về chính trị, văn hóa. Sự chênh lệch giữa các nhóm nước phát triển về công nghệ tiên tiến với các nhóm nước nghèo, chênh lệch về mức sống giữa các giai tầng xã hội trong một nước cũng trở nên trầm trọng hơn. Sự chi phối, áp đặt của các nước lớn, mạnh đối với các nước bé, yếu kém cũng gia tăng. Sự xuất hiện của các tập đoàn tư bản lớn, xuyên quốc gia ngày càng nhiều và mạnh mẽ, chi phối đời sống kinh tế và chính trị thế giới. Chính vì vậy, trước sự gia tăng của toàn cầu hóa, vấn đề an ninh và chủ quyền quốc gia trở nên vô cùng nhạy cảm. Tất cả những yếu tố trên vừa tạo ra cơ hội, vừa đưa đến những thách thức mới, đòi hỏi mỗi quốc gia dân tộc, trong đó có Malaysia phải điều chỉnh chính sách của mình sao cho phù hợp, tận dụng tối đa mọi lợi thế, hạn chế mặt tiêu cực để phát triển đất nước.
Do đó, dựa trên nền tảng của NEP, Chính sách phát triển Quốc gia (NDP) hay Kế hoạch triển vọng lần thứ hai (OPP2) đã ra đời. Đây là một cơ cấu chính sách rộng lớn hơn, với mục tiêu tổng thể là đạt được sự phát triển cân đối nhằm đem lại sự thống nhất quốc gia. Các sách lược của NDP quan tâm đến những đa dạng trong sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo cũng như khu vực của những người dân Malaysia, từ đó có thể tạo lập một xã hội hài hòa, bao dung và năng động.
Để thích ứng với điều kiện mới trong nước và quốc tế, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh và vững chắc theo hướng đã định, Chính phủ Malaysia đã đưa ra các mục tiêu của NDP như sau:
Thực hiện sự cân bằng giữa tăng trưởng và công bằng xã hội;
Đảm bảo sự phát triển cân đối giữa các khu vực trọng yếu của nền kinh tế nhằm tăng những khả năng bổ sung lẫn nhau giữa chúng để tối ưu hóa tăng trưởng;
Giảm bớt và tiến tới loại bỏ những bất bình đẳng và mất cân đối về kinh tế nhằm tăng cường sự chia sẻ công bằng và thỏa đáng hơn cho mọi người dân Malaysia;
Thúc đẩy và tăng cường sự hòa hợp dân tộc bằng cách giảm sự phát triển chênh lệch giữa các bang và giữa khu vực nông thôn với khu vực thành thị;
Tăng cường ý thức dân tộc lành mạnh trong sự phát triển kinh tế xã hội;
Phát triển nguồn nhân lực với lực lượng lao động có tay nghề cao, có kỷ luật lao động tốt, coi đây là yêu cầu căn bản trong việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng và phân phối;
Tăng cường sử dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền công nghiệp hiện đại;
Bảo vệ môi trường và hệ sinh thái để đảm bảo sự tồn tại lâu dài chiến lược phát triển của đất nước.
Điểm qua những nội dung trên, về cơ bản, NDP vẫn theo đuổi các mục tiêu chính mà NEP đề ra năm 1971 nhưng có sự điều chỉnh theo các hướng sau đây:
Một là, tập trung cải thiện mức sống cho những người có thu nhập thấp hay sát với mức nghèo trong cả nước;
Hai là, tập trung phát triển những ngành nghề có công nghệ và chất xám cao, tiếp tục thúc đẩy hơn nữa Cộng đồng công nghiệp và thương mại Bumiputra ( BCIC) phát triển;
Ba là, nhấn mạnh đến phát triển thành phần kinh tế tư nhân để đạt được tái cấu trúc.
Bốn là, tăng cường hơn nữa phát triển nguồn nhân lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng và tái phân phối.
Nếu xét về định lượng thì mục tiêu của NDP được cụ thể hóa như sau (dựa trên mục tiêu “tầm nhìn 2020” do Cựu thủ tướng Mahathir đưa ra vào năm 1991), đó là:
Đặt mục tiêu tăng trưởng GDP tăng bình quân 7% /năm so với mức tăng trưởng trung bình 6,7% đạt được trong OPP1, trong đó tỷ trọng của khu vực chế tạo trong GDP dự kiến tăng từ 27% năm 1990 lên 37% năm 2000. Xuất khẩu hàng hóa chế tạo sẽ chiếm 81% tăng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2000, trong khi tỷ trọng xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giảm xuống còn 6%.
Tăng tỷ lệ người có công ăn việc làm lên 31% /năm. Tỷ lệ tăng trong lực lượng lao động sẽ là 2,9% / năm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm còn 4% vào năm 2000.
Xuất khẩu và đầu tư vẫn là động lực chính của sự tăng trưởng kinh tế. Việc mở rộng tự do hóa thương mại và đầu tư sẽ là những cơ hội cho sự phát triển của Malaysia. Mục tiêu của OPP2 là sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm của xuất khẩu là 6,3% và nhập khẩu là 5,7%. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu sẽ là các mặt hàng chế biến, hóa chất công nghiệp, dệt may, các sản phẩm cao su, điện máy, điện tử…Trong xuất khẩu, dự kiến sẽ nâng cao tầm quan trọng của những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ và quy trình sản xuất mới. Về nhập khẩu, dự tính tăng tỷ trọng của kim ngạch nhập khẩu tư liệu sản xuất và hàng hóa trung gian, giảm tỷ trọng hàng tiêu dùng.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: khu vực công nghiệp sẽ tăng trưởng gấp 3 lần so với khu vực nông nghiệp và khai khoáng, tiến tới sự thay đổi tỷ trọng của mỗi khu vực trong GDP vào năm 2000. Dự kiến đến năm 2000, tỷ trọng của ngành nông lâm nghiệp trong GDP sẽ
là 13,4%, khai khoáng 5,7%, chế tạo 37,2%, xây dựng 3,5% và dịch vụ 45,4%. Mức tăng trưởng trung bình của ngành nông lâm nghiệp trong OPP2 sẽ là 3,5% /năm, khai khoáng 1,5%/năm, chế tạo 10,5%/ năm, xây dựng 7%/năm và dịch vụ 7,4%/năm.
Chú trọng hơn nữa chính sách tài chính – tiền tệ, nhằm giảm tối đa những tác động không tốt của nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Dự kiến thâm hụt ngân sách của khu vực nhà nước sẽ giảm ở mức 3,6% GNP trong OPP2 so với 8,7% GNP đạt được trong giai đoạn thực hiện OPP1. Chi tiêu cho phát triển khu vực nhà nước sẽ đạt 224 tỷ USD so với 173,9 tỷ USD đạt được trong OPP1. Trong khi tổng thu của khu vực dự tính sẽ chiếm 26% trong OPP2, giảm so với 36,8% GNP thực hiện trong OPP1. Tỷ lệ tiết kiệm dự tính đạt 35,2% GNP trong khi đầu tư ước tính là 34,6% GNP. Mức tiết kiệm cao hơn đầu tư cho phép chính phủ có thể đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, khu vực chế tạo và tư nhân.
Khu vực tư nhân được hỗ trợ phát triển đúng mức, nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư lành mạnh, hỗ trợ các chiến lược chuyển dịch cơ cấu, phát triển công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và mở rộng xuất khẩu. Dự kiến đầu tư tư nhân sẽ tăng 8%/năm so với 9,4%/năm của đầu tư nhà nước, tiêu dùng tư nhân sẽ tăng từ 5,8%/năm so với 7,1%/năm của tiêu dùng nhà nước. Đầu tư tư nhân được chú trọng vào các lĩnh vực như khu chế tạo, xây dựng, giao thông và một số dịch vụ khác.
Kết quả tăng trưởng sẽ phụ thuộc ngày càng nhiều vào thị trường lao động có hiệu quả, có khả năng cung ứng nguồn nhân lực đào tạo phù hợp với các yêu cầu của khu vực tư nhân. Do đó, cần quan tâm đến phát triển lao động nông thông theo định hướng công nghệ nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng công bằng. Chính phủ sẽ tập trung đâu tư vào cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ mới.
Về mục tiêu phân phối của OPP2 sẽ là: giảm tỷ lệ nghèo của các hộ gia đình xuống còn 7,2% vào năm 2000, trong đó nông thôn giảm còn
11,2%, thành thị còn 3,1%. Tỷ lệ nghèo khốn cùng sẽ giảm còn 0,8% vào năm 2000 (trong đó thành thị sẽ giảm 0,3%, nông thôn giảm 1,2%) so với tỷ lệ 4% năm 1990 (nông thôn giảm 5,2%, thành thị 1,4%). Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu xã hội, hướng tới giảm phân biệt sắc tộc, chú trọng chuyển dịch cơ cấu vốn cổ phần của khu vực công ty nhằm tạo lập cộng đồng thương mại và công nghiệp bản địa (BCIC) có sức sống mạnh mẽ hơn. Đồng thời, tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các bang chậm phát triển dựa trên lợi thế về nguồn lực và lợi thế so sánh nhằm cân đối hơn nữa sự phát triển giữa các vùng, tiến tới sự thống nhất đất nước.
Như vậy, mục tiêu chính của NDP là tiếp nối hai mục tiêu của NEP đã đưa ra trước đây: xóa đói giảm nghèo bằng cách nâng cao thu nhập và tăng cơ hội công ăn việc làm cho tất cả mọi công dân, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo; Chuyển dịch cơ cấu xã hội thông qua xóa bỏ ranh giới sắc tộc bằng chức năng kinh tế. Tuy nhiên, trên đà của NEP, NDP đã hoàn thiện hơn bằng cách thổi một tinh thần và nội dung mới vào chính sách, nhấn mạnh hơn việc xây dựng một xã hội công bằng trên nền tảng của kinh tế tư nhân, tự do và dân chủ. Hơn nữa, chính sách phát triển mới còn nhằm mục tiêu xây dựng một quốc gia – dân tộc không chỉ có bản sắc đặc trưng, mà còn là một nước mở cửa, hội nhập với thế giới bên ngoài. Sự phát triển cân đối nền kinh tế là điều thiết yếu để đảm bảo sự tăng trưởng ổn định, giảm đến mức tối đa những xung đột xã hội, thúc đẩy sự hài hòa chủng tộc và nâng cao sự thống nhất dân tộc.