Đối với một đất nước đa tôn giáo, đa sắc tộc như Malaysia, sự mâu thuẫn về kinh tế giữa các cộng đồng dân cư không chỉ mới xuất hiện gần đây mà đã có từ trong lịch sử, từ khi thực dân Anh xuất hiện ở nơi đây.
Ngay từ thế kỉ XV, do việc mở rộng, khai thác thuộc địa và sự hạn chế của thị trường lao động Malaysia, người phương Tây đã chủ động tạo ra các cuộc di cư lớn thông qua các đợt mộ phu tuyển lao động từ Ấn Độ và Trung Quốc. Do vậy ở các khu vực mới phát triển của Malaysia, người bản địa Malay trở thành thiểu số so với những người nhập cư. Có thể nói Malaysia lúc đó đã bị các nhà doanh nghiệp tư bản và thương nhân người Hoa thống trị. Người Hoa và người Ấn trở thành lực lượng lao động chính yếu, thành những người nắm giữ tuyệt đại các hoạt động kinh tế. Những người Malay, trái lại, vẫn là những nhà nông nhỏ quanh quẩn với công việc trồng lúa, trồng cao su, dừa, ... Đặc tính chủng tộc của bán đảo đã thay đổi trong vòng một thế hệ. Với bản chất hiền lành, thật thà, đơn giản, người Malay không
kịp thích nghi với sự thay đổi bất ngờ. Họ cảm thấy mình “bị đẩy ra khỏi nhà và đứng ở ngưỡng cửa nhà mình” cả về kinh tế lẫn chính trị.
Suốt một thời gian dài, người Anh coi sự đa dạng tộc người ở Malaysia là yếu tố quan trọng số một đảm bảo an ninh theo hướng có lợi cho họ. Lí do thật đơn giản: với người Anh, sự khác biệt về phong tục tập quán, tôn giáo, ngôn ngữ, kinh tế, v.v. sẽ ngăn cản các tộc người ở Malaysia hợp nhau lại để chống lại Anh. Sự đa dạng này là một đặc trưng nổi bật trong xã hội thành thị Malaysia và nó luôn được duy trì bởi các cuộc nhập cư mới thuộc nhiều nhóm khác nhau. Nô lệ có tỉ lệ tử vong cao do sống và làm việc trong điều kiện khắc nghiệt nên những dòng chảy lao động liên tục đổ vào thị trường Malaysia. Tính chất của dân tộc đa sắc tộc nhưng không có chủ thể áp đảo này cũng là nguyên nhân gây ra những xung đột sâu sắc về sau trong xã hội Malaysia [13, 22].
Về cơ bản, những người nhập cư từ Trung Quốc và Ấn Độ lúc đầu chủ yếu tập trung vào lĩnh vực buôn bán thủ công nghiệp, rồi sau đó mới chuyển sang môi giới thương mại và khai thác mỏ. Tư bản của họ biến đổi từ tư bản buôn bán trao đổi thuần tuý sang tư bản môi giới công nghiệp và tài chính. Vào thời điểm đó, hoạt động kinh tế của những người nhập cư đã không mâu thuẫn với quyền lợi kinh tế của tầng lớp thống trị, vì vậy chính quyền bản địa đối xử ưu đãi với họ. Giai cấp địa chủ phong kiến muốn có được nguồn lợi tức lớn, do đó đã tạo ra những điều kiện cần thiết để mở rộng thị trường. Trong điều kiện đó, người Hoa, người Ấn dần dần nắm được vai trò đáng kể trong những ngành nông nghiệp và thủ công nghiệp dễ sinh lời nhẩt, đặc biệt là các đồn điền cao su vì ở Malaysia, cao su là cây công nghiệp rất phổ biến. Những người nhập cư Hoa và Ấn cố kết với nhau theo nguyên tắc trung thành với chính quốc bằng mối liên hệ cội nguồn và huyết thống, thông qua gia đình và dòng họ của họ. Họ cố tình bám lấy mảnh đất
dễ sinh lợi đô thị - nơi quan điểm về cư dân, sắc tộc được coi là ít bảo thủ hơn, nơi họ có thái độ thân thiện hơn, cởi mở hơn. Tuy nhiên những người nhập cư, đặc biệt là người Hoa, luôn có những e ngại: quyền lợi từ nền kinh tế thương mại của mình sẽ bị phụ thuộc vào nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn của người Malay và nền kinh tế giàu có của họ sẽ trở thành “con bò sữa” cho nền kinh tế lạc hậu ở các vùng nông thôn. Và nếu những khác biệt tộc người được khắc phục, người Malay nắm giữ một phần kinh tế đáng kể, thì trong một quốc gia đa dân tộc, liệu họ có được những điều kiện lí tưởng của một dân tộc bình đẳng hay sẽ chỉ trở thành một thứ công dân hạng hai?
Đến giữa thế kỉ XX, nền kinh tế Malaysia đã chia thành hai khu vực rõ rệt: khu vực kinh tế hàng hóa đô thị do người Hoa, người Ấn kiểm soát và khu vực kinh tế tự nhiên tự cung tự cấp ở nông thôn tạo ra cấu trúc thuộc địa ba tầng chồng chéo: ông chủ thực dân (người Anh), đầy tớ bản địa (người Malay) và Hoa kiều làm trung gian. Về mặt thể chế nhà nước họ có quan hệ với nhau nhưng về văn hóa, xã hội và kinh tế thì khác nhau, tạo ra một sự cộng sinh khá phức tạp [13, 23].
Như vậy có thể thấy, trong lịch sử, khi thực dân Anh đô hộ, cả người Hoa, người Ấn và người Malay đều có một kẻ thù chung, nhưng khi cuộc chiến chống thực dân kết thúc thì vấn đề kinh tế lại chia cắt họ. Tình yêu quê hương, sự gắn bó với mảnh đất “quê cha đất tổ” của mình là nét đặc trưng của người Malay, còn cũng mảnh đất này với người Hoa thì chỉ là phương tiện sinh nhai và làm giàu, vì trong nhận thức của họ lúc đó, Trung Quốc mới là quê hương. Người Malay mất đất đai cảm thấy lạc lõng trên đất nước mình, vì vậy luôn nung nấu ý chí đòi lại những gì vốn là của mình. Người Malay coi mình phải là chủ nhân thực sự của đất nước này, vì vậy họ không thể từ bỏ nó bởi bất kì lợi ích nào. Người Hoa sang Malaysia vì muốn có một mảnh đất riêng của mình để làm ăn nên rất chịu khó làm việc và đầy ý
chí vươn lên. Vậy là mỗi nhóm tộc người đều theo đuổi những lợi ích riêng, lo sợ sự lấn át của tộc người khác, do đó đã ra sức giành giật, mở rộng thế lực, phạm vi ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng thiếu tin cậy lẫn nhau, làm phương hại đến sự thống nhất đất nước và dân tộc.
Những phân tích trên đây cho thấy, từ trong lịch sử, những mâu thuẫn tộc người ở Malaysia giữa những người bản địa và người nhập cư đã như một một “lò lửa” âm ỉ, nếu không cẩn thận sẽ dễ dàng bùng phát thành một đám cháy lớn khó bề cứu chữa.