- Hoạt động tài chính kém hiệu quả, tiềm ẩn những nhân tố thiếu an toàn trong kinh doanh Bộ phận vốn chủ sở hữu giảm dần, trong đó nợ chiếm
2.2.3.1. Tiềm lực tài chính
Vốn luôn là yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp phân phối bán lẻ nói riêng. Nó là cơ sở, nền tảng để doanh nghiệp phân phối bán lẻ tiến hành các hoạt động kinh doanh nhằm đạt được lợi nhuận cao nhất có thể. Trong nền kinh tế hội nhập, yếu tố vốn đối với doanh nghiệp phân phối bán lẻ càng trở nên quan trọng, nó là cơ sở để doanh nghiệp có thể tiến hành thực hiện tốt các nội dung công việc của mình, là cở sở để phát triển mở rộng quy mô tạo thế cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài vốn có tiềm lực tài chính lớn.
Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, đến hết năm 2006, cả nước có 16.313 doanh nghiệp phân phối bán lẻ với số vốn là 48.353 tỷ đồng, gấp 2,85 lần so với năm 2003 (16.981 tỷ đồng). Xét riêng từng doanh nghiệp, số vốn của mỗi doanh nghiệp rất nhỏ (năm 2006, bình quân mỗi doanh nghiệp có số vốn là 2,96 tỷ đồng), trong đó số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 0,5 tỷ đồng là 2.263 doanh nghiệp (chiếm 13,87%); doanh nghiệp có quy mô vốn từ 0,5 đến 1 tỷ đồng là 4.015 doanh nghiệp (chiếm 24,61%); doanh nghiệp có quy mô vốn từ 1 đến 5 tỷ đồng là 9.153 doanh nghiệp (chiếm 56,12%); doanh nghiệp có quy mô vốn từ 5 đến 10 tỷ là 459 doanh nghiệp (chiếm 2,8%); doanh nghiệp có quy mô từ 10 đến 50 tỷ là 327 doanh nghiệp (chiếm 2,0%); doanh nghiệp có quy mô vốn từ 50 đến 200 tỷ là 77 doanh nghiệp (chiếm 0,47%); doanh nghiệp có quy mố vốn từ 200 đến 500 tỷ là 12 doanh nghiệp (chiếm 0,07%), doanh nghiệp có quy mô vốn từ 500 tỷ trở lên là 7 doanh nghiệp (chiếm 0,04%) (xem phụ lục 9).
Như vậy, có thể thấy đại đa số các doanh nghiệp phân phối bán lẻ đang hoạt động trong tình trạng không đủ vốn cần thiết, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Hơn nữa, các cuộc điều tra còn cho thấy những khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn của các doanh nghiệp phân phối bán lẻ Việt Nam là rất lớn, trong khi vốn tồn đọng còn nhiều trong các nguồn và việc huy động vốn trong dân vào kinh doanh chưa được cải thiện. Các doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi hơn về vốn trước hết là được cấp vốn từ ngân sách, cấp đất xây dựng cơ sở kinh doanh.... Còn các doanh nghiệp ngoài nhà nước chủ yếu dựa vào vốn tự có của cá nhân. Với khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế, các doanh nghiệp có tình trạng phổ biến là chiếm dụng vốn lẫn nhau, làm lây nhiễm rủi ro giữa các doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều doanh nghiệp không biết cách huy động vốn, hoặc không muốn chịu trách nhiệm huy động vốn và khi huy động được vốn thì không biết làm cách nào để kinh doanh có hiệu quả.